thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mùa xuân tản mạn chuyện hoa, nhạc

 

Bài và ảnh: Bùi Văn Phú

 

 

Con người sinh ra có lẽ là để yêu hoa. Các cô yêu thích hoa tươi còn các cậu mê hoa biết nói cười. Hoa mang hương thơm, sắc đẹp đến cho đời nhưng hoa cũng có thể giết người khi được dùng làm độc dược để kết liễu cuộc đời. Thân tôi cũng giống như bao người khác, có hoa là vui mà thiếu hoa thì buồn.

Ngày còn bé ở quê nhà, gia đình tôi nghèo. Tháng tháng bố mẹ chỉ lo đủ cơm gạo cho cả nhà gồm bảy người con. Khi Tết đến, thấy hàng xóm mua những bó hoa tươi, cành đào, nhánh mai, những chậu hoa cúc hay kim quất về trưng trong nhà để chuẩn bị đón xuân mà lòng tôi cảm thấy buồn, thấy tủi. Ít khi trong nhà tôi có được những bông hoa đón Tết. Có một năm, ông chú chờ đến trưa 30 Tết vội chở tôi lên chợ hoa Nguyễn Huệ mua được hai chậu thược dược còn sót lại của buổi chiều cuối năm bán với gía rẻ. Tôi còn nhớ mãi, năm đó trong nhà có không khí Tết hơn.

Lên học cấp ba tôi thích hoa sứ vì sân trường có trồng và tôi hay nhặt hoa rụng ép vào những lá thư tình gửi một bạn học. Thỉnh thoảng thấy cô bạn kẹp hoa lên tóc hay cài bên tai mà lòng rộn ràng vui. Sau này trong ô đất nhỏ trước nhà tôi đã trồng cây bông sứ mà mỗi khi hoa nở sau cơn mưa toả hương gợi nhớ cho tôi nhiều kỉ niệm thời học sinh.

Thời thanh niên tôi cũng thường cùng bạn bè dạo chơi chợ hoa Nguyễn Huệ khi Tết sắp đến, ngắm cảnh sinh hoạt chuẩn bị đón xuân của thành phố. Đường Nguyễn Huệ vài tuần trước Tết là một vườn hoa các loại: mai vàng, lay-ơn, đào hồng, cúc vàng, thược dược, vạn thọ. Nhưng tôi cũng chỉ đi ngắm thôi chứ không có tiền mua. Được nhìn trăm hoa nghìn tía là đã thấy vui rồi. Đi hết chợ hoa, chúng tôi kéo qua bưu điện tìm thiệp xuân rồi đổ về Lê Lợi, ghé Khai Trí tìm mua sách báo hay đọc ké vài trang trước khi xuống xem chợ Tết.

Mặt tiền Chợ Bến Thành là những quầy bán đủ loại bánh mứt và hàng Tết nổi tiếng như rượu dâu Đà Lạt, nai khô cá thiều. Dĩ nhiên không thiếu kem đánh răng Hynos của anh Bẩy Chà-dà nhe răng cười tươi như hoa. Khu này thật ồn ào với những lời mời gọi khách vang vang trên loa phóng thanh. Ở đây tôi và mấy bạn gặp được những bông hoa biết nói cười là hai chị em bán hàng tên Ngọc Châu và Ngọc Anh rất dễ thương và có duyên khiến chúng tôi thích tán tỉnh, chọc ghẹo. Có một bạn sau đó còn lẽo đẽo theo hai cô về nhà, nghe nói ở chung cư bên Khánh Hội và có bà con với thi sĩ Phạm Thiên Thư.

Thế là chúng tôi có dịp ngân nga ca hát:

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay...
 
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say...

Dăm bảy đứa chúng tôi hay tụ họp đàn ca với nhau. Bạn nào thả hồn mơ mộng đến một bóng hình, góc trời nào đó rồi nghe được những lời ca như rót vào hồn là tìm mua bản nhạc về tập đàn, nghêu ngao hát cho nhau nghe: Thà như giọt mưa, Trả lại em yêu, Tuổi đá buồn, Nhìn những mùa thu đi, Nghìn trùng xa cách, Nha Trang ngày về, Biển nhớ, Gọi tên bốn mùa, Con đường tình ta đi, Em hiền như ma sơ, Còn chút gì để nhớ...

Giữa bạn bè chúng tôi, cũng như lớp thanh niên thời bấy giờ đều mang nỗi băn khoăn về cuộc chiến, về tương lai đất nước. Nhưng trong nỗi lo, cuộc đời vẫn nhiều mộng mơ, thi vị với những bông hoa biết nói cười.

Cho đến một ngày ly tan cùng vận nước. Hoa và nhạc cũng tàn theo.

 

*

 

Đến sống ở một thành phố đại học, những tháng ngày đầu xa quê hương tôi buồn và nhớ nhà da diết. Sau sầu vơi đi với chuyện học hành, với nhịp hoà nhập vào đời sống mới và tôi lại tìm thấy những bông hoa đẹp bên đường: hồng gai, tu-líp, cúc dại cùng nhiều loại hoa lạ. Mỗi ngày thả bộ đến trường, nhìn những cánh hoa đủ mầu cam, xanh, vàng, tím, đỏ, nở rộ trên lối đi, trong sân nhà bên đường mà lòng vui vui. Xuân về, quanh sân trường có những hàng đào nở hồng lại làm dâng lên trong lòng nỗi nhớ nhà và quê hương.

 
Đào nở ở California khi xuân về
 

Cư dân ở đây trồng nhiều hoa, nhất là hoa hồng mà sau này tôi biết đó là quốc hoa của nước Mỹ. Nhiều loại hồng lớn nhỏ khác nhau, có cây cao cả thước, ra hoa to bằng bàn tay, có nhúm hoa thấp lè tè chừng vài mươi phân, ra hoa xinh xinh như những ngón tay. Mỗi tiểu bang ở Mỹ còn chọn một loại hoa riêng tiêu biểu cho vùng đất điạ phương. Hoa của California là poppy, một loại hoa bốn cánh mầu cam hình quả chuông nhỏ mà khi nắng ấm lên tưng bừng khoe sắc. Nhiều vùng đồi California có poppy dại nở rực rỡ suốt cả mùa xuân sang hè.

Trên triền đồi cạnh đại học còn có một vườn hồng mà thỉnh thoảng tôi hay rủ mấy bạn gái lên đó để các cô làm duyên làm dáng với hoa thiên nhiên và cho tôi cơ hội làm phó nhòm. Các cô thích hoa tươi còn tôi mê mẩn ngắm nhìn những bông hoa biết nói cười.

Sống ở đây tôi nhận ra người Mỹ rất thích và quí hoa. Quanh trường có nhiều quầy bán hoa để sinh viên mua tặng nhau tỏ tình, làm quà trong những dịp hội hè mừng sinh nhật hay tốt nghiệp. Nhiều mảnh vườn trước và sau nhà đều có trồng hoa, rực rỡ nở vào mùa xuân. Hoa còn được trồng dọc theo xa lộ hay mọc hoang trên nhiều ngọn đồi, vách đá. Đất và khí hậu vùng Vịnh San Francisco dường như hợp với các loại hoa. Gieo hạt hay cắm cây xuống đất bất kì chỗ nào hoa cũng có thể nảy nở.

 

*

 

Mấy tuần trước, đọc tin tức quê nhà thấy người Hà Nội cũng thích hoa lắm. Nhưng họ có yêu hoa quá độ chăng?

 
Thiếu nữ bán hoa trên phố ở Hà Nội
 

Những ngày đầu năm vừa qua ở thủ đô có Lễ Hội Hoa Xuân, giống như lễ hội đã được tổ chức trong Sài Gòn từ nhiều năm qua tại nơi có chợ hoa ngày trước. Lễ hội hoa ở Sài Gòn là một nét đẹp của thành phố, thu hút đông du khách và thị dân tham quan thưởng lãm. Những năm qua, khi Tết về tôi thường nhận được thiệp xuân từ quê nhà có kèm ảnh người thân quen bên vườn hoa tác tạo trên phố Nguyễn Huệ.

Nhưng hội hoa ở Hà Nội không diễn ra êm đẹp như trong Sài Gòn. Báo chí trong nước đưa tin cho biết lễ hội mới khai mạc xong, qua đêm thì hoa và cây lá đã bị vặt sạch hay bứng mất. Mà không chỉ một lần, những cây hoa tan tác sau khi được thay và dựng lại thì cũng chỉ ít chốc lại cũng không còn một nụ.

Cũng dịp đầu năm, báo chí trong nước đưa tin vào ngày 2 tháng Giêng nhạc sĩ Phạm Duy đã ra Hà Nội nói chuyện và giới thiệu những sáng tác mới trong tập “Minh Hoạ Kiều” của ông. Với tôi những ca khúc này nghe xa lạ chứ không như ca từ mang đã đem đến nhiều rung động và tính tiên tri của thế kỉ trước:

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi...

Qua vụ vặt hoa, dư luận bức xúc bàn về tính cách của người Tràng An xưa và nay. Có người đã phát biểu rằng những kẻ thiếu phong cách lịch sự đã vặt trụi hoa là một bộ phận người Hà Nội đến từ tứ xứ. Tôi bật cười vì cụm từ “bộ phận”, được dùng như nhà nước thường gọi “Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời khỏi dân tộc.”

Tôi mong thành phần dân Hà Nội nào đó có là bộ phận, như những bộ máy trong cơ thể con người, thì nên là bộ phận bài tiết để gạn lọc chất bẩn, chất thải trong cơ thể, chứ đừng là bộ phận sinh dục để sinh ra thêm nhiều người thiếu phong cách Hà Thành. Nguy hại hơn nếu bộ phận đó lại là thần kinh não bộ truyền đạt nếp suy nghĩ và hành động thấy hoa ngoài đường là vặt đem về nhà một cách hết sức “tự nhiên như người Hà Nội” thì thật buồn lòng đất Thăng Long Nghìn Năm Văn Vật.

 
Hà Nội còn nhiều nét cổ từ nghìn xưa, nhưng
phong cách người Hà Thành nay đã khác. Vì sao thế?
 

Hà Nội đẹp vì nét cổ còn lại của nó, của 36 phố phường, của những chứng tích lịch sử. Hà Nội dễ thương qua hình ảnh buổi sáng có những thiếu nữ gánh hoa trên vai hay đạp xe chở hoa đi bán, như bán hàng rong, trong đó có sen hồng, sen trắng mà tôi mê thích.

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh...

Nhiều lần đến Hà Nội tôi thường được nghe nói “Việt Nam đẹp nhất bông sen...” và cũng rất đồng ý.

Nhưng còn có bao nhiêu người Hà Thành ngày nay hiểu được ý nghĩa của hoa sen?

 

 

------------

Đã đăng:

... “Do you want to buy firecrackers? Ten bucks.” — Anh muốn mua pháo không? Mười đô — Tôi khua tay, lắc đầu. Không biết anh ấy bán pháo để người mua đốt đón Tết Tây tối nay hay đón Tết Ta vào cuối tháng... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021