thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gia đình tôi

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

HERTA MÜLLER

(1953~)

 
Lời người dịch:
 
Hôm qua, 13/10/2009, tôi đã giới thiệu đến độc giả một truyện ngắn của Herta Müller dưới nhan đề “Cuộc tắm của cả gia đình”, trong đó, qua cái nhìn của một đứa trẻ, tác giả cho thấy hoàn cảnh đời sống cơ cực của người dân dưới chế độ cộng sản ở Romania, và đưa ra một ẩn dụ đầy ý nghĩa về một thứ xã hội mà trong đó người ta phải tắm chung mãi trong một thứ nước, và càng tắm thì càng trở nên dơ bẩn.
 
Hôm nay tôi xin giới thiệu đến độc giả một truyện ngắn khác của Herta Müller dưới nhan đề “Gia đình tôi”. Cũng được kể qua cái nhìn của một đứa trẻ và cũng là một câu chuyện về một gia đình, nhưng truyện ngắn này gợi đến một phương diện khác của xã hội Romania dưới chế độ cộng sản của Ceaucescu. Trong xã hội đó, như chúng ta đều biết, người dân được dạy rằng phải luôn luôn tuyệt đối tôn kính lãnh tụ, tin tưởng vào nhà cầm quyền, và hết lòng phục vụ cho sự trường tồn của chế độ. Tuy nhiên, trong các mối quan hệ giữa người và người với nhau thì người dân của cái xã hội khốn cùng đó lại bị chi phối bởi những lời đồn đãi, xuyên tạc, nghi kỵ, nói xấu, khinh bỉ nhau, tố cáo nhau, ngay cả trong gia đình. Đó là một xã hội cực kỳ suy đồi về đạo đức và nhân cách, nhưng đó là một xã hội mà các nhà độc tài đều muốn tạo ra, vì trong một xã hội như thế thì người dân không còn tin tưởng nhau để có thể hợp quần thành một khối sức mạnh phản kháng.
 
Về bút pháp, truyện này được xây dựng và khai triển một cách độc đáo như một trò chơi ngôn ngữ quanh một chữ: “khác”. Thốt ra liên tục từ miệng của một đứa trẻ, chữ “khác” này chạm đến bản chất của một cuộc sống mà trong đó mỗi con người đều trở thành một kẻ xa lạ và đáng ngờ trước con mắt của xã hội, thậm chí trước con mắt của chính mình. Thật vậy, đứa trẻ kể câu chuyện này cuối cùng vẫn không thể biết nó là ai trong cái ma trận phức tạp của các mối quan hệ chung quanh nó. Đối với chính nó, có lẽ nó vẫn mãi mãi là một kẻ “khác”.

 

_______________

 

GIA ĐÌNH TÔI

 

Mẹ tôi là một người đàn bà bị câm.

Bà ngoại tôi bị mù vì mắt kéo mây. Một con mắt của bà kéo mây xám, con mắt kia kéo mây xanh.[1]

Ông ngoại tôi bị bệnh sa ruột vào bìu dái.

Cha tôi có một đứa con khác với một người đàn bà khác. Tôi không biết mặt người đàn bà khác và đứa trẻ khác ấy. Đứa trẻ khác ấy lớn tuổi hơn tôi, và đó là lý do tại sao người ta nói tôi là con của một người đàn ông khác.

Cha tôi gửi quà Nô-en cho đứa trẻ khác ấy và nói với mẹ tôi rằng đứa trẻ khác ấy là con của một người đàn ông khác.

Vào dịp đón Năm Mới, ông bưu tá luôn luôn mang đến cho tôi tờ bạc một trăm đồng leu [2] trong một phong bì và nói đó là món quà từ ông già Nô-en. Nhưng mẹ tôi nói rằng tôi không phải là con của một người đàn ông khác.

Người ta nói rằng bà ngoại tôi cưới ông ngoại tôi vì ông ngoại tôi là điền chủ và bà ngoại tôi yêu một người đàn ông khác và nếu bà ngoại tôi cưới người đàn ông khác ấy thì tốt hơn vì bà ngoại tôi có mối liên hệ họ hàng quá gần với ông ngoại tôi đến nỗi họ lấy nhau như vậy thì rõ ràng là loạn luân.

Những người khác nói rằng mẹ tôi là con của một người đàn ông khác và cậu tôi là con của một người đàn ông khác, không phải cũng chính là người đàn ông khác ấy, mà là một người đàn ông khác nữa.

Đó là lý do tại sao ông ngoại của đứa trẻ khác ấy là ông ngoại của tôi, và người ta nói rằng ông ngoại của tôi là ông ngoại của một đứa trẻ khác, mặc dù không phải cũng chính là đứa trẻ khác ấy, mà là một đứa trẻ khác nữa.

Và họ nói rằng bà cố ngoại của tôi đã chết rất trẻ vì một bệnh cảm gì đó, và cái chết ấy là một cái gì hoàn toàn khác với cái chết đúng lẽ tự nhiên, nói trắng ra là chết vì tự tử.

Và những người khác nói rằng cái chết ấy là một cái gì khác với cái chết vì bệnh tật và là một cái gì khác với tự tử, nói trắng ra là chết vì bị cố sát.

Sau khi bà chết, ông cố ngoại của tôi lập tức cưới một người đàn bà khác. Bà ấy đã có sẵn một đứa con với một người đàn ông khác không phải là chồng của bà ấy, tuy lúc đó bà đang có chồng. Và sau đời chồng ấy, bà có một đứa con khác với ông cố ngoại của tôi. Người ta nói rằng đứa con khác ấy cũng là con của một người đàn ông khác, chứ không phải là con của ông cố ngoại của tôi.

Mỗi thứ Bảy, đều đặn suốt nhiều năm, ông cố ngoại của tôi đi đến một thị trấn nhỏ nơi có phòng tắm hơi dưỡng sinh.

Người ta nói rằng ở cái thị trấn nhỏ ấy ông đã có quan hệ với một người đàn bà khác.

Người ta thấy thậm chí ông dắt tay đứa trẻ khác ấy ở nơi công cộng, thậm chí ông nói một thứ tiếng khác với đứa trẻ ấy.

Người ta chưa bao giờ thấy ông đi cùng với người đàn bà khác ấy, nhưng người ta nói rằng bà ấy chẳng thể là gì khác hơn là một con đĩ ở khu nghỉ mát vì ông cố ngoại của tôi chưa bao giờ đi cùng với bà ấy nơi công cộng.

Người ta nói rằng một người đàn ông có một người đàn bà khác và một đứa con khác ở bên ngoài ngôi làng của mình thì phải bị khinh bỉ và rằng điều đó không tốt hơn sự loạn luân, rằng điều đó thậm chí còn tệ hơn sự loạn luân ngay trong nhà, rằng điều đó là một sự nhục nhã hết cỡ.

 

 

_________________________

[1]Bệnh mắt kéo mây (mắt cườm) trong tiếng Đức là “star”, nghĩa đen là con chim sáo đá; vì thế nên Herta Müller đã dùng màu lông của con chim sáo đá (xám, xanh) để mô tả màu đôi mắt có thủy tinh thể bị đục. Tiếng Việt gọi bệnh này là bệnh mắt kéo mây, nên người dịch đã tuỳ theo đó mà biến thành “mắt kéo mây xám” và “mắt kéo mây xanh” cho thuận tai nhưng vẫn không sai ý. (HN-T)

[2]“Leu” (số nhiều là “Lei”) là đơn vị tiền ở Romania.

 

 

-------------
Dịch từ bản tiếng Anh, “My Family”, trong Herta Müller, Nadirs [bản dịch tiếng Anh của Sieglinde Lug] (Lincoln, NE: University of Nebraska Press, 1999) 8-9.
 

 

 

Đã đăng:

Cuộc tắm của người Swabia  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Mẹ trèo vào chậu tắm. Nước vẫn còn nóng. Xà-phòng đang nổi bọt. Mẹ kì cọ chiếc cổ cho sạch những bợn cáu xám xịt. Những bợn cáu của Mẹ trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Chậu tắm có một quầng màu vàng. Mẹ trèo ra khỏi chậu tắm. Nước vẫn còn nóng đây này, Mẹ gọi Bố. Bố trèo vào chậu tắm. Nước âm ấm. Xà-phòng đang nổi bọt. Bố kì cọ lồng ngực cho sạch những bợn cáu xám xịt. Những bợn cáu của Bố trôi lềnh bềnh cùng những bợn cáu của Mẹ trên mặt nước. Chậu tắm có một quầng màu nâu. Bố bước ra khỏi chậu tắm. Nước vẫn còn nóng đây này, Bố kêu Bà nội... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

Đọc thêm:

[NOBEL VĂN CHƯƠNG & NOBEL HOÀ BÌNH 2009] Bay Vút — tạp chí Việt ngữ liên mạng của Radio Australia, trực thuộc Australian Broadcasting Corporation (ABC) — phỏng vấn Hoàng Ngọc-Tuấn... “Một người là nhà văn, một người là nhà lãnh đạo chính trị, nhưng cả hai đều vươn lên từ bóng tối — một người từ bóng tối của sự kỳ thị chủng tộc, một người từ bóng tối của chế độ độc tài phi nhân tính. Họ cùng vươn lên từ bóng tối, nên họ cùng khát khao ánh sáng. Tôi tin rằng họ khao khát ánh sáng không chỉ cho riêng họ mà cho cả chúng ta...” (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021