thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Công viên đen

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

HERTA MÜLLER

(1953~)

 

Lời người dịch:
 
Truyện ngắn “Công viên đen” dưới đây được Herta Müller viết năm 1979 và đề tặng cho nhà văn Richard Wagner,[*] người mà sau đó, năm 1984, sẽ trở thành người chồng đầu tiên của bà.
 
Trong bài phỏng vấn “Warum nach 11 Jahren unsere Liebe zerbrach” do C. Von Dühren thực hiện trên tạp chí BILD (12.10.2009), Richard Wagner kể lại rằng ông và Herta Müller đã gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1970 ở Sibiu, trong một cuộc thi viết tiểu luận dành cho học sinh. Rồi, như một định mệnh, họ lại gặp nhau khi sinh hoạt với “Aktionsgruppe Banat” (“Nhóm Hành Động Banat”) trong thời gian theo học đại học ở thành phố Timisoara. Năm 1979, ông dọn về ở chung trong căn hộ nhỏ với bà. Suốt thời gian đó, các thành viên của “Nhóm Hành Động Banat” bị công an mật rình rập, theo dõi, khiến mọi người đều sống trong sự lo sợ. Năm 1983, Richard Wagner bị bắt buộc thôi việc làm ở toà soạn báo Karpatenrundschau. Năm 1984, khi cuốn Nadirs [Hạ địa] của Herta Müller được ấn hành ở Tây Đức, bà trở thành điểm nhắm của công an mật. Vì thế, năm ấy, với hy vọng mong manh rằng công an mật sẽ bớt theo dõi những người đã có gia đình, Richard Wagner và Herta Müller quyết định ký giấy hôn thú với nhau (không có đám cưới). Thế nhưng, cuộc hôn nhân ấy không thể che chở được cho họ. Richard Wagner cho biết rằng ngay cả sau khi họ đã thoát khỏi Romania và sang định cư tại Berlin vào năm 1987, họ vẫn bị “cánh tay dài của nhà độc tài Ceauşescu” vói theo, nghĩa là vẫn bị gián điệp của cộng sản Romania rình rập. Mãi đến năm 1989, khi chế độ Ceauşescu hoàn toàn sụp đổ, họ mới cảm thấy an tâm. Và, sau đó, năm 1990, họ chấm dứt cuộc hôn nhân sau 11 năm chung sống, vì thực ra Richard Wagner đã muốn sống đời độc thân ngay từ trước khi ông gặp Herta Müller. Bà là trường hợp “ngoại lệ” trong đời ông. Cho đến nay, 57 tuổi, Richard Wagner vẫn sống độc thân và vẫn là bạn của Herta Müller, và họ vẫn còn làm việc với nhau. Herta Müller đang sống với Harry Merkle, một nhà viết kịch bản phim.
 
Truyện ngắn “Công viên đen” được viết như một bài thơ, diễn tả cảm giác ngột ngạt, sợ hãi và vô vọng của một cô gái trong một cuộc sống nghèo đói và bị rình rập dưới chế độ độc tài cộng sản. Những khối vuông bằng đá và màu đen dầu hắc trên những con đường xuyên qua công viên là những ẩn dụ.

 

 

_______________

 

CÔNG VIÊN ĐEN

 

cho Richard

 

Ngồi trong căn hộ nhỏ, ngồi trong một khối vuông bằng đá vằ lắng nghe cách những cơn gió gào xé qua những khung cửa và lắng nghe chỉ vì cánh cửa không đóng lại được.

Mãi mãi tin rằng có một người nào đang đến, rồi đêm xuống và quá trễ cho cuộc viếng thăm đó.

Mãi mãi nhìn tấm màn phồng tròn lên như có một quả bóng khổng lồ đang lăn vào phòng.

Hoa trong những chiếc bình là những bó to đến nỗi chúng trở thành những bụi cây, đẹp và hỗn độn, như là những cuộc đời.

Và cô đã có quá nhiều điều phiền toái với cuộc đời này.

Bước qua những vỏ chai vẫn còn nằm trên tấm thảm từ đêm hôm trước. Cửa tủ mở toang, mấy mảnh quần áo nằm trong đó như trong một nhà mồ. Quá trống trải, tưởng như chủ nhân của chúng không hiện hữu.

Mùa thu cho những con chó trong công viên, cho những đám cưới trễ trong những khu vườn mùa hè trong tháng Mười Một, với món tiền vay mượn và những đoá hoa đỏ chói và những chiếc tăm xỉa răng cắm vào những quả ô-liu.

Khắp nơi những cô dâu ngồi trong những chiếc xe thuê, thành phố đầy những thợ chụp hình đội mũ lưỡi trai. Cuộn phim của họ đứt toạc đàng sau những bộ áo cô dâu.

Này cô gái mắt xanh với làn da nhăn nheo, cô đang đi đâu quá sớm vào buổi sáng trên những con đường quá nhiều dầu hắc? Hết năm này sang năm khác xuyên qua công viên đen.

Khi cô nói mùa hè đang đến cô không nghĩ về mùa hè. Và cô đang nói về mùa thu tưởng như thành phố này không làm bằng đá, tưởng như chỉ một chiếc lá cây héo úa trên cành.

Bạn bè của cô có những bóng tối trong tóc họ và họ nhìn ngắm cô buồn bã biết bao và họ quen thuộc với điều đó và họ thích nghi chính họ với điều đó. Đó là cách sống của cô. Có thể làm gì khi bất cứ những điều chúng ta nói là chỉ để nói về sự mất mát. Liệu có chút hy vọng nào khi nỗi sợ hãi trong ly rượu nho làm vơi bớt nỗi sợ hãi trong lòng và khi chai rượu càng lúc càng cạn dần.

Khi tiếng cười trở thành tràng cười sặc sụa, khi họ oằn người xuống vì cười, khi họ chết với tiếng cười, thì có chút hy vọng nào chăng? Và tuy nhiên chúng ta còn quá trẻ.

Và một nhà độc tài khác đã bị lật đổ ở đâu đó, và Mafia lại giết thêm một người nào đó, và một tên khủng bố nào đó đang chết ở nước Ý.

Cô không thể uống để bớt sợ hãi, cô gái. Cô đang hớp từng hớp rượu từ chiếc ly này giống như những người đàn bà không có một cuộc sống, không thích nghi được với tất cả những thứ rác rưởi ấy. Ngay cả không chịu nổi chính bản thân mình.

Bạn bè của cô nói, mọi thứ sẽ xảy đến cho cô một cách tệ hại, cô gái.

Đôi mắt cô xa vắng. Cảm giác cô trống rỗng và héo hon. Thật tội nghiệp cho cô, cô gái, thật tội nghiệp.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[*]Richard Wagner (1952~) là một tiểu thuyết gia, thi sĩ và nhà viết tiểu luận tài hoa, cũng thuộc sắc dân Swabia ở Banat như Herta Müller. Ông bắt đầu làm thơ từ lúc còn ở trung học và xuất bản tập thơ đầu tay, Klartext, vào năm 21 tuổi. Là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết, tiểu luận, truyện ngắn và thơ, ông đã đoạt các giải thưởng: Leonce-und-Lena-Sonderpreis (1987), Förderpreis des Andreas-Gryphius-Preises (1988), Stipendium der Villa Massimo (1990/91), và NDL-Literaturpreis (2000).

 

-------------
Dịch từ bản tiếng Anh, “Black Park”, trong Herta Müller, Nadirs [bản dịch tiếng Anh của Sieglinde Lug] (Lincoln, NE: University of Nebraska Press, 1999) 117-118.
 

 

 

Đã đăng:

Mẹ, Bố, và thằng nhóc  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Bố đang toát mồ hôi và đang ngáy, Bố nằm sấp, úp mặt xuống và trong giấc chiêm bao Bố phun nước miếng làm hoen cái áo gối. Thằng nhóc đang níu chặt tấm chăn, đạp hai chân, nhíu mày và trong giấc chiêm bao nó nói lảm nhảm bài thơ mà nó đã đọc ở những buổi liên hoan cuối cùng của lớp đồng ấu. Mẹ đang nằm thao thức và thẳng đờ dưới những tấm trải giường được giặt vấy vá, dưới cái trần nhà được sơn vấy vá, đàng sau những khung cửa sổ được lau chùi vấy vá... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những người quét đường  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Những người quét đường đang làm việc. Họ quét đi hết những bóng đèn, họ quét những đường phố ra khỏi thị trấn, họ quét cuộc sống ra khỏi những ngôi nhà, họ quét những ý tưởng ra khỏi đầu tôi, họ quét tôi từ chân bên này đến chân bên kia, họ quét những bước chân của tôi ra khỏi lối đi của tôi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Bài điếu văn  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Ông ấy đã hiếp dâm một phụ nữ trong một cánh đồng trồng củ cải, người đàn ông nhỏ thó nói. Cùng với bốn người lính khác. Bố của cô đã thọc một củ cải vào giữa hai chân cô ta. Khi bọn tôi bỏ đi thì cô ta đang chảy máu. Cô ta là người Nga. Suốt nhiều tuần lễ sau đó, bọn tôi gọi mọi thứ vũ khí là những củ cải. Lúc ấy là cuối mùa thu, người đàn ông nhỏ thó nói. Những lá cải nám đen và quăn lại vì sương muối. Rồi người đàn ông nhỏ thó đặt một hòn đá to lên chiếc quan tài... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Gia đình tôi  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Mẹ tôi là một người đàn bà bị câm. Bà ngoại tôi bị mù vì mắt kéo mây. Một con mắt của bà kéo mây xám, con mắt kia kéo mây xanh. Ông ngoại tôi bị bệnh sa ruột vào bìu dái. Cha tôi có một đứa con khác với một người đàn bà khác. Tôi không biết mặt người đàn bà khác và đứa trẻ khác ấy. Đứa trẻ khác ấy lớn tuổi hơn tôi, và đó là lý do tại sao người ta nói tôi là con của một người đàn ông khác... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cuộc tắm của cả gia đình  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Mẹ trèo vào chậu tắm. Nước vẫn còn nóng. Xà-phòng đang nổi bọt. Mẹ kì cọ chiếc cổ cho sạch những bợn cáu xám xịt. Những bợn cáu của Mẹ trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Chậu tắm có một quầng màu vàng. Mẹ trèo ra khỏi chậu tắm. Nước vẫn còn nóng đây này, Mẹ gọi Bố. Bố trèo vào chậu tắm. Nước âm ấm. Xà-phòng đang nổi bọt. Bố kì cọ lồng ngực cho sạch những bợn cáu xám xịt. Những bợn cáu của Bố trôi lềnh bềnh cùng những bợn cáu của Mẹ trên mặt nước. Chậu tắm có một quầng màu nâu. Bố bước ra khỏi chậu tắm. Nước vẫn còn nóng đây này, Bố kêu Bà nội... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

Đọc thêm:

[NOBEL VĂN CHƯƠNG & NOBEL HOÀ BÌNH 2009] Bay Vút — tạp chí Việt ngữ liên mạng của Radio Australia, trực thuộc Australian Broadcasting Corporation (ABC) — phỏng vấn Hoàng Ngọc-Tuấn... “Một người là nhà văn, một người là nhà lãnh đạo chính trị, nhưng cả hai đều vươn lên từ bóng tối — một người từ bóng tối của sự kỳ thị chủng tộc, một người từ bóng tối của chế độ độc tài phi nhân tính. Họ cùng vươn lên từ bóng tối, nên họ cùng khát khao ánh sáng. Tôi tin rằng họ khao khát ánh sáng không chỉ cho riêng họ mà cho cả chúng ta...” (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021