kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Ngày xanh mòn mỏi
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.
Nguyễn Du (Truyện Kiều)

KỊCH MỘT MÀN, MỘT CẢNH

 
NHÂN VẬT
Quang: Giáo-sư triết-học
Lệ-Thu / Giáng-Hương: Phụ-nữ cao-niên
 
Sáng thứ sáu, khoảng mười giờ, trong một căn phòng của Khách-sạn Đông-Phương, trên đường Láng-hạ, thường dành cho khách của Viện và Khoa Triết, tại Hà-nội.
 
Quang, quần áo chỉnh-tề, sắp lại hai cái tách và bình trà bên cạnh một hộp mứt sen chưa mở để ở giữa bàn. Bên cửa sổ có một cái tủ thấp, trên đó có một máy nghe CD xách tay, và từ đó bản Piano Concerto in D major của Beethoven đang thánh thót ở đoạn Allegro. Có tiếng chuông cửa. Quang tắt máy hát bước vội ra cửa. Cửa mở.
 

Quang: Chào bà. Xin mời bà vào! Bà là bà Lệ-Thu, mẹ của Liên-Hương?

Lệ-Thu: Vâng ạ. Xin lỗi giáo-sư. Tôi không phải là người theo đạo Hồi.

Quang: Xin mời bà ngồi đã. Giọng bà trẻ và đẹp quá!

Lệ-Thu: Xin phép giáo-sư. Tôi bị bỏng trên mặt chưa khỏi nên phải đeo mạng.

Quang: À ra thế. Mời bà xơi nước và dùng mứt sen. Đây là quà trước tết.

Lệ-Thu: Cám ơn giáo-sư. Giáo-sư còn nhớ Việt Nam?

Quang: Tò mò hơn là nhớ.

Lệ-Thu: Tại sao?

Quang: Ai cho phép nhớ?

Lệ-Thu: Thế à. Thôi ta vào đề kẻo mất thì giờ của giáo-sư.

Quang: Không sao. Giọng của bà con gái cũng không bằng! Xin bà cứ tự-nhiên.

Lệ-Thu: Liên-Hương về nhà nói giáo-sư phân-tích câu “Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi-pha”, thơ của Nguyễn Du.

Quang: Chỉ là cách truy-tầm “đời sống của ngôn-ngữ” qua tư-tưởng con người.

Lệ-Thu: Tuy con gái tôi có giải thích theo í của giáo-sư, nhưng tôi xin được nghe chính giáo-sư giải-thích. Được không ạ?

Quang: Thế ra bà đến đây chỉ vì câu chuyện về ngôn-ngữ! Thế cũng hay.

Lệ-Thu: Hay chứ.

Quang: Trong câu thơ đó tôi chú í đến hai chữ “mòn mỏi”. Đó là hai chữ tiếng Việt tinh ròng và tuyệt vời. Tôi ghét tên tôi vì “Quang” là “ánh-sáng”. “Sáng” cái gì? Đó là chữ gốc Tầu. “Sáng” theo Tầu? Mất linh-hồn!

Lệ-Thu: Quang là Ánh-sáng. Tên thầy phải là Trần Văn Ánh-Sáng.

Quang: Hay là Trần Văn Sáng cho gọn. Còn bà “Lệ”-Thu?

Lệ-Thu: Vâng. Lệ-Thu.

Quang: “Lệ” là “nước mắt”, tức là Tầu!

Lệ-Thu: (Cười khanh khách) Không. Tôi không muốn là “nước mắt mùa thu”.

Quang: Thế thì “Lệ” đây là “Diễm-lệ”. “Vẻ đẹp lộng lẫy mùa thu”? Cũng Tầu!

Lệ-Thu: Không! “Lệ” đây là “e-dè”, tiếng Việt cổ, nghiã là “E sợ mùa Thu”. Tên tôi phải là E-Thu.

Quang: A! Như trong Chinh-Phụ Ngâm-Khúc có câu:

Lệ khi mái tóc pha sương cũng sầu!

Lệ-Thu: Rất đúng! (Cười khanh khách hồn nhiên) Hay là:

Lệ bạc-mệnh, tiếc niên-hoa.

Gái xuân mấy lúc mà ra nạ-dòng!

Quang: Đúng quá! Tiếng cười của bà hồn nhiên và đẹp quá!

Lệ-Thu: Xin thầy trở lại “Mòn mỏi”.

Quang: “Mòn” và “mỏi” là những từ hiểu theo động-từ, tính-từ, và danh-từ đều được, một phần cũng vì tự-dạng của chúng. “Mòn” như “nước chảy đá mòn” để chỉ tính huỷ-diệt của thời-gian tức là phần vật-chất. Nhưng nhìn vào đá mòn ta thấy một sự-thực về huỷ-hoại, và ta bắt đầu rung cảm, rồi suy nghĩ mông lung.

Lệ-Thu: “Mòn” ở đây có nghĩa “vô-cùng” hay “không sao ngừng được”. Phải không?

Quang: Dường như thế. Khi ấy tôi nghĩ nó được dùng theo thành-ngữ. Ví dụ: “Gái một con trông mòn con mắt!” Tức là ngắm mãi không chán!

Lệ-Thu: Đúng thế.

Quang: Nếu “mòn” chỉ về thể, hay vật chất thì “mỏi” mang hai nghĩa, vật-chất và tinh-thần. Mang vác nhiều mỏi thân xác. Suy nghĩ nhiều mỏi tinh-thần. Nhưng khi hai từ “mòn mỏi” đứng với nhau thì “mòn” là nguyên-nhân và “mỏi” là hậu-quả.

Lệ-Thu: Nhưng cùng một trạng-huống.

Quang: Đúng. Tuy nhiên khi ta nói “mòn mỏi” ta không diễn theo lối phân tích trên. Ta nêu lên một hoàn cảnh trong đó không-gian và thời-gian hoặc là ngưng nghỉ hoặc là quá bao la, đối với cái ta dường như vô-nghĩa.

Lệ-Thu: Tức là tuyệt-vọng?

Quang: Đúng! Nhưng “mòn mỏi” dường như không ngừng.

Lệ-Thu: Nó lê-thê.

Quang: Vâng. Như khi ta nói: “Mòn mỏi lắm rồi!”

Lệ-Thu: Khác nào ta nói: “Ê-ẩm lắm rồi!”

Quang: “Âm-ỉ” lắm rồi!”

Lệ-Thu: “Tơi-tả lắm rồi!”

Quang: “Chua-chát lắm rồi!”

Lệ-Thu: Thầy nói nhìn vào đá mòn ta liên tưởng í-nghĩa của vật chất và tinh-thần?

Quang: Như nhìn vào tấm bia cổ. Hay như nhận xét của Nguyễn Gia Thiều:

Phong trần đến cả sơn-khê,

Tang-thương đến cả hoa kia cỏ này.

Lệ-Thu: Liên-Hương về nhà nói trong khi giảng bài thầy có ngẫu hứng đọc thơ.

Quang: Đọc cho vui lớp.

Lệ-Thu: Thơ của thầy.

Quang: Ây! Mấy nhà thơ nghe được thì chết tôi!

Lệ-Thu: (Đọc thơ)

Lòng du-tử đã nhiều hoang-phế,

Mặt thiên-thần đâu nữa mà mong.

Đưa tay nâng lớp mưa hồng,

Ngợi ca rừng rú, lên đồng ngoài khơi!

Quang: Ô!

Lệ-Thu: Chắc thầy “mòn mỏi” nhớ nhung ai?

Quang: Mòn mỏi nhớ nhung?

Lệ-Thu: Liệu mấy tấm hình chụp ngày xưa có cho ta cảm-giác mòn mỏi không?

Quang: Có chứ, nhất là đối với người biết những tấm hình đó.

Lệ-Thu: Thầy thử xem mấy tấm hình này. (Rút mấy tấm hình ra khỏi ví và trao cho Quang) Thầy có thấy chúng “mòn mỏi” không?

Quang: (Quang iên lặng nhìn từng tấm hình. Ngồi xuống ghế.) Lạ nhỉ?

Lệ-Thu: (Cúi mặt, oà lên khóc.)

Quang: Ô hay!

Lệ-Thu: (Vẫn khóc. Lấy tay bỏ chiếc mạng mặt. Nhìn lên.) Em là Giáng-Hương đây! Anh có thấy em “mòn mỏi” không?

 

MÀN

 

March, 2007.

 

 

----------------

Những kịch bản của Nguyễn Quỳnh đã đăng trên Tiền Vệ:

Cửa Trời  (kịch bản) 
[KỊCH NGẮN, BA CẢNH] Thoa: ////////////////// | Linh: Không. Không. Tôi nói mông chị đẹp, chứ tôi không nói mông cô Thuý-Liễu đẹp. | Thoa: /////////////////////////////// | Linh: Có lẽ cô Liễu hiểu lầm chị ạ. Lúc nào tôi cũng bảo “mông chị Thoa rất đẹp”. Chị đẹp và có lòng đại-lượng...
 
Đại-fáo  (kịch bản) 
[KỊCH NGẮN — MỘT MÀN MỘT CẢNH] Trung-tá: Đù má, anh làm tôi kẹt! Thế nào cũng kẹt. / Đại-uý: Thắng lớn mà! / Trung-tá: Thắng cái đéo jì! Anh có biết một quả đại-bác já bao nhiêu?...
 
Con Ki và Chúa  (kịch bản) 
[KỊCH NGẮN — MỘT MÀN MỘT CẢNH] Chí: Lắng nge: “Zê-su Ma!” Nhắc lại. / Sâm: “Zê-su Ma!” Sao lại là “ma”? / Chí: Không fải “ma”. Đây là “Đức Mẹ Ma-ri”. Đọc lại, “Zê-su Ma!” / Sâm: Zê-su Ma! Zê-su Ma! / Chí: “Lạy Đức Chúa tôi!” / Sâm: “Lạy Đức Chúa tôi!” / Chí: “Chúng tôi là người có tội!” / Sâm: “Chúng tôi là người có tội!”...
 
Thị-trấn Hồng  (kịch bản) 
[KỊCH NGẮN — MỘT MÀN BA CẢNH] A: Thành-fố jì đây? / B: (Ngừng đọc báo) Hồng! Ông từ đâu tới? / A: Vân-mồng! / B: Tôi ngĩ là Mông-vần. / A: Có lẽ. Ở đây cái jì cũng hồng? ...
 
Bắc-sơn  (kịch bản) 
[KỊCH NGẮN — MỘT MÀN MỘT CẢNH] PHONG: Vỗ tay. Nhè nhẹ ... nhẹ. / NGÀM: Nếu anh không gật đầu thì đừng vỗ. (Ngàm dạo bản “Em Tôi”). Lào... lào... Xửa xoạn... Chưa gật!... Chưa... Chưa... Đợi đã... Chưa... Lào... Gật... Gật...
 
Tây-Thi  (kịch bản) 
[KỊCH NGẮN — MỘT MÀN MỘT CẢNH] ... SỨ-THẦN: Nhưng kẻ thù nào có thể vượt qua được con sông dài, lớn và hiểm trở thế này? / CÂU-TIỄN: Nó vượt qua dễ dàng khi có những tên bán nước. / SỨ-THẦN: Ai? / CÂU-TIỄN: Những kẻ có quyền trong tay như quả-nhân và tiên-sinh. Những kẻ được nó phong làm Lạc-tướng, Lạc-hầu. Những kẻ ấy chỉ đến với dân khi quyền-hành bị mất...
 
Đười ươi  (kịch bản) 
[KỊCH NGẮN — HAI CẢNH] ... “King Kong” là biểu-tượng cho vua loài khỉ, sức-mạnh vô song, và cũng là biểu-tượng vô-địch của tính-zục. Có khi người ta tưởng-tượng hơn là sự-thực. Đối với một số phụ-nữ za trắng thì chỉ có “King Kong” mới làm họ “cuống lên”. Zường như, đối với toàn-thể đàn ông za trắng, mối đe zọa nằm trong tiềm-thức là đàn bà của họ có thể bị hiếp-zâm bởi “King Kong” bất cứ lúc nào. Nhưng cái “đau” như hoạn đối với họ chính là những tiếng rên “Khỉ ơi! Khỉ ơi!”...
 
Bến cũ  (kịch bản) 
[KỊCH NGẮN — MỘT MÀN MỘT CẢNH] ... Cô Vang: Anh Ngàm ít lói, nhu mì. / Ông Phiêu: Anh ta thường bảo: “Mác-Nê đéo gì!” / Bà Túc: Mác-Nê nà cái đéo gì? Có nàm được cái váy thì mới hay!...
 
Dao cảm  (kịch bản) 
[KỊCH NGẮN — MỘT MÀN MỘT CẢNH] ... Cô Loan rất thông-minh, biết ngay sự khác biệt giữa “con người trừu-tượng” và “con người trong xã-hội và chính-trị.” Trong xã-hội chuyên-chế, chỉ có kẻ thống trị là có “ngôn-ngữ” mà thôi. Người dân phải dùng ngôn-ngữ của nó. Cho nên tiếng nói của chúng ta bị ô-nhiễm...
 
Kẻ vô loài  (kịch bản) 
[KỊCH NGẮN — MỘT MÀN HAI CẢNH] Uỷ-viên: Anh có mù không? / Hải: Thưa Uỷ-viên, tôi không mù. / Uỷ-viên: Không mù nghĩa là anh có thể thấy được chứ gì? / Hải: Thưa ngài vâng...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021