kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Song thoại ngắn ngủi giữa hai người Ba-lan
(Diễm Châu dịch)

 

A.— Như thế là ông quả quyết, rằng ông đập bể răng tôi và chọc lủng bụng tôi vì lợi ích của tôi?

B.— Phải. Phải có ai đó đập anh. Nếu như không phải ta thì cũng là một người khác đã làm chuyện ấy. Và anh biết là ai... Nhưng kẻ kia hẳn đã làm anh bị hư hại nhiều hơn. Không những hắn cũng đập bể răng anh và chọc lủng bụng anh, mà hắn còn đập nát cái xương quai xanh của anh, rút những đầu móng và móc mắt anh ra nữa. Thế nên thay vì thù ghét ta, lẽ ra anh phải cám ơn ta.

A.— Vậy là không phải vì ông không thương tôi mà ông đã khiến tôi què quặt?

B.— Ta đã muốn bảo vệ anh khỏi điều tệ hại hơn.

A.— Và về chuyện đó, ông không có chút tư lợi nào?

B.— Cố nhiên là không, mà anh ngờ ta cái gì vậy?

A.— Không chút tư lợi?

B.— Ta ghê rợn chuyện tư lợi. Ta ghê tởm nó. Chỉ có điều lợi ích của hết thảy mọi người, vậy thì có lợi ích của anh, là điều ta tha thiết.

A.— Nói cách khác ông hy sinh vì tôi?

B.— Tất nhiên. Chứ anh tưởng ta đập bể răng anh, chọc lủng bụng anh để chơi sao?

A.— Không phải vậy ư?

B.— Không đời nào. Ngờ chi gớm ghiếc. Trái lại, chuyện ấy đã làm ta rất khó chịu. Ta còn rớt nước mắt trong lúc đánh đập anh. [1]

A.— Thực vậy, đó là một hy sinh thật. Biết bao bực bội, biết bao buồn phiền. Lại thêm, chuyện đó chắc đã làm ông mệt lắm phải không?

B.— Đó là một công viêc vất vả.

A.— Đúng thế. Biết bao bực bội, biết bao công sức và tất cả chỉ vì tôi, để cho tôi cảm thấy mình khá hơn.

B.— Phải. Thế đó.

A.— Vì lưu tâm đến tôi, vì lo ngại cho con người tôi, vì lợi ích của tôi.

B.— Chỉ vì thế.

A.— Không chút gì vì ông, tất cả đều vì tôi... Phải không?

B.— Đúng.

A.— Ông không dành được chút vui thú hoặc lợi lộc gì trong những chuyện ông tạo ra cho tôi. Trái lại, tôi đã gây lo lắng cho ông. Nếu như tôi có thể...

B.— Về chuyện gì?

A.— Thì xin mạn phép đệ trình ông một yêu cầu. Là vì nếu ông đã hy sinh đến thế...

B.— Ta sẵn lòng lắng nghe anh.

A.— Thì xin ông cho phép tôi được tiếp tục ghét ông.

 

 

---------------------------
Ghi chú của người dịch:

SŁAWOMIR MROŻEK, tác giả tập truyện ngắn Con voi, là một người viết truyện, một kịch tác gia và một nhà hí họa. Ba tính cách này của ông được nối kết lại bằng nét hài hước hoặc trào lộng mà đối tượng là những chuyện rởm đời, «phi lý» dưới mọi vùng khí hậu, nhất là ở Ba-lan. Ông sinh ở Borzecin, gần Cracovie, Ba-lan năm 1930. Ông rời Ba-lan năm 1963, trước tiên qua Ý, rồi qua Pháp nơi ông đã lưu lại từ 1968 đến 1989 trước khi (cùng với bà vợ người Mễ) qua sống bảy năm ở Mễ-tây-cơ. Ông dứt khoát trở lại Ba-lan năm 1996 và từ đấy sống ở quê hương ông.

Về kịch, con số kịch bản của Mrożek lên tới ngót bốn mươi vở! Vở kịch nổi tiếng nhất của ông trước khi ông ra nước ngoài, tựa là Cảnh sát (hoặc Công an, 1958). Thời gian ông lưu lạc, một số vở thường được nhắc tới: Tango (1964), Các di dân (1974), Ông đại sứ (1982). Đặc biệt, trong những năm 1990, ba vở mới của Mrożek: Yêu ở Crimée (1993), Cảnh đẹp «Các Đấng» (2000) cho thấy những mối quan tâm của ông đối với thực tại thế giới và Ba-lan. Các kịch bản của Mrozek được dịch ra khoảng 12 thứ tiếng và được trình diễn thường xuyên ở Ba-lan và trên các sân khấu thế giới. Người ta rất chú ý tới vở Lịch sử nước cộng hòa nhân dân Ba-lan của Mrożek mà đạo diễn Jerzy Jarocki đã đưa lên sân khấu Ba-lan ở Wroclaw năm 1998.

Về truyện, cùng với tập Con voi, Mrożek đã viết tất cả là tám tập truyện ngắn và hai cuốn tiểu thuyết. Ngoài ra ông còn viết hai tập tùy bút (trong đó có Nhật ký ngày trở về) và là tác giả ba kịch bản cho điện ảnh.

Các bức hí họa của ông, từng làm say mê công chúng Ba-lan trong những năm 1950, nay (kể từ 1997) lại được tiếp tục xuất hiện trên tờ Gazeta Wyborcza, nhật báo lớn nhất của Ba-lan, cùng với những cột «phim» của ông...

Vở kịch «thật ngắn» trên của Sławomir Mrożek được dịch theo bản Pháp văn của Janina Sochaczewska đăng trên tạp chí Silex, số 25: «Polonaises», đệ II tam cá nguyệt 1983.

_________________________

[1]Theo chú thích của bản Pháp văn, câu in nghiêng này trong nguyên tác «nhuốm» giọng tiếng Nga. (người dịch)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021