kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Một khung cảnh cực kỳ tàn nhẫn
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)

 

Roland Barthes (1915-1980) là một trong những triết gia, lý thuyết gia và phê bình gia văn học nghệ thuật gây ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20. Ông tốt nghiệp khoa văn học cổ điển (1939) rồi khoa văn phạm và triết học (1943) tại đại học Paris. Sau một thời gian dạy văn học Pháp tại một số đại học ở Rumania và Ai-cập, ông về Pháp, làm việc tại Centre National de la Recherche Scientifique (1952-1959), nơi ông nghiên cứu về xã hội học và từ vựng học. Năm 1976, ông được mời làm giáo sư về ký hiệu học văn chương tại Collège de France, và giữ chức vụ ấy đến khi qua đời (1980).

 

Tôi là một người viết tiểu luận. Tôi chưa từng viết tiểu thuyết hay kịch bản: tôi chưa bao giờ sáng tạo những nhân vật hư cấu. Trong một số tiểu luận, tất nhiên, tôi đã đề cập đến tính hư cấu, nhưng chỉ như một phạm trù lý luận. Tôi thú nhận là dạo này tôi bị cám dỗ viết cái gì đó có thể liên hệ đến tiểu thuyết, nhưng sự cám dỗ này không mạnh đủ để tôi viết kịch bản cho sân khấu. Thế giới chuyên nghiệp của sân khấu là một thế giới rất khó khăn, rất bất thường; mọi thứ ở đó đều được thực hiện trong một khung cảnh cực kỳ tàn nhẫn, và trong thời gian kỷ lục.

Xét ở cấp độ tồn tại của một văn bản, cái ý tưởng thời gian kỷ lục quả thật là khó chịu. Sự tàn nhẫn của việc sáng tạo trong môi trường sân khấu hiển nhiên có phần đem đến cái khoái cảm và giá trị của vở diễn. Chắc chắn ta phải cảm thấy rất phấn khích khi chứng kiến văn bản của mình được chuyển dịch vào thân xác của diễn viên, vào những cử chỉ của y, trong một hình thức hiện thực hoá cấp kỳ như thế. Nhưng guồng máy sân khấu của Pháp đặt cơ sở trên một hệ thống kinh tế rất khắc nghiệt: ta phải chiến đấu với, hay chống lại, tiền. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ đối diện với mối cám dỗ viết lời đối thoại. Nhưng rồi tôi sẽ thấy khó khăn để sáng tác phần còn lại, cái diễn biến của một câu chuyện, hay cái tình tiết của vở kịch, ngay cả nếu sân khấu kịch hôm nay có thể được dàn dựng mà không cần đến những điều này. Một số đoạn trong cuốn tiểu luận Diễn ngôn của tình nhân đã được đem lên sân khấu. Qua đó, tôi được mục kích điều gì xảy đến cho một văn bản "câm" khi nó được chuyển dịch vào giọng nói và hơi thở của diễn viên, tôi được thấy những dấu chấm câu sẽ biến thành thế nào khi chúng được truyền tải qua cơ thể của diễn viên, nơi những dấu phẩy biến thành những chỗ dừng lại, hay những điệu bộ. Ngay trong khoảnh khắc chứng kiến những điều ấy, tôi đã muốn viết những mẩu đối thoại "với chủ ý" sử dụng cho sân khấu. Nếu phép lạ xảy ra khiến tôi phải viết một kịch bản, tôi cảm thấy đó sẽ là một kịch bản rất nặng tính văn chương. Tôi hẳn sẽ có phản ứng chống lại một dạng thức sân khấu đương đại nào đó nơi người ta hy sinh toàn bộ văn bản cho diễn xuất.

Trong những tiểu luận tôi đã viết, nhắm vào văn chương thay vì sân khấu, tôi vẫn thường chống lại cái giới hạn của lối đọc văn bản hướng đến một ý nghĩa cố định. Nhưng khi chạm đến khung cảnh sân khấu, tôi lại đòi hỏi một ý nghĩa mạnh mẽ, độc đáo, với một chút ý thức trách nhiệm đạo đức hay xã hội. Bởi vì tôi vẫn còn trung thành với những ý tưởng của Brecht, những ý tưởng rất quan trọng đối với tôi lúc tôi ở cương vị một phê bình gia sân khấu.

 

Dịch từ bản Anh văn: "An Extremely Brutal Context", trong
Roland Barthes, The Grain of the Voice: Interviews 1962-1980,
trans. Linda Coverdale
(Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1991), 319-320.
Nguyên tác Pháp văn đăng trên tạp chí Les Nouvelles littéraire, Février 6-13, 1979.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021