Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
ban biên tập   mục lục
thư toà soạn
Việt 7 /  Giữa năm 2001 -  Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học việt nam
 

Số báo này gồm hai phần chính: tiểu luận và sáng tác.

Phần tiểu luận trên Việt số này tập trung vào ba đề tài lớn:

Trước hết là Chủ nghĩa hậu hiện đại. Có thể nói Việt là tạp chí văn học Việt ngữ đầu tiên thực hiện chủ đề này. Vượt qua bao nhiêu khó khăn, trong đó có những khó khăn thật cơ bản thuộc phạm vi thuật ngữ, Việt đã tập hợp được một lượng bài viết về chủ nghĩa hậu hiện đại khá phong phú của các tác giả và dịch giả: Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Nguyễn Minh Quân, Phan Việt Thuỷ, Hoàng Ngọc-Tuấn và Nguyễn Hưng Quốc. Hy vọng với số báo này, chúng ta đã có được một nền tảng bước đầu khá vững chắc để đẩy mạnh việc nghiên cứu cũng như ứng dụng chủ nghĩa hậu hiện đại vào sinh hoạt lý luận, phê bình cũng như sáng tác văn học bằng tiếng Việt.

Ngoài chủ đề chính về chủ nghĩa hậu hiện đại, Việt số này còn một loạt bài khác tập trung vào thơ và văn học nói chung. Bàn về thơ, đó là bài "Gà gáy trong thơ" vừa thâm thuý vừa duyên dáng của Võ Phiến (năm nay bước vào tuổi 76), và những nhận định về thơ trích từ sổ tay của nhà thơ Trần Dần, lần đầu tiên được công bố. Lâu nay, nhắc đến Trần Dần ở thời điểm giữa thập niên 50, chúng ta thường bị ám ảnh về những suy nghĩ mang màu sắc chính trị. Những ghi chép về thơ này sẽ cho chúng ta thấy một Trần Dần khác, một Trần Dần không ngớt trăn trở với chữ nghĩa và là kẻ đi rất xa và rất sâu trong những tư duy về chữ nghĩa. Ngoài ra, còn bài viết nhẹ nhàng về thơ từ góc độ phân tâm học của Nguyễn Đức Tùng, và bài "Thực trạng thơ Việt Nam" của Nguyễn Hoàng Đức. Bài của Nguyễn Hoàng Đức, được viết ngay tại Hà Nội, có một số điểm có thể bị tranh cãi, song đã thể hiện được một sự thẳng thắn đáng quý và một nhiệt tình hừng hực trước nhu cầu đổi mới thơ Việt Nam.

Cũng thuộc phần tiểu luận, nhóm đề tài thứ ba liên quan đến văn học nói chung. Đó là bài viết "Về một nền văn học quá độ" của Nguyễn Hoàng Văn và bài "Thập thành: chuyện bên lề" của Võ Đình. Bài trên mở ra một tầm nhìn rộng gắn liền với cả nền văn hoá của dân tộc; bài dưới, bằng giọng văn tuỳ bút nhiều ý vị, tập trung vào một sự thật dễ ngỡ như hiển nhiên nhưng thường xuyên bị quên lãng: trung tâm của văn học nghệ thuật là tác phẩm. Chỉ là tác phẩm.

Về truyện ngắn, kỳ này, do số trang có giới hạn, chúng tôi chỉ có thể giới thiệu được một số, rất ít, tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Đinh Linh, Cổ Ngư, Nguyễn Như Núi, Nguyễn Đăng Thường và đặc biệt, Donald Barthelme, một trong những nhà văn hàng đầu của trào lưu hậu hiện đại trên thế giới.

Về thơ, vẫn những tác giả có nhiều khát vọng đổi mới và có phong cách riêng: Chim Hải, Lê Thị Thấm Vân, Ý Liên, Phan Nhiên Hạo, Thận Nhiên, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Phạm Miên Tưởng, Đinh Trường Chinh, Uyên Nguyên, Trần Lộc Bình, Vi Hoà, Nguyễn Hoàng Tranh, v.v...

Cuối cùng, chúng tôi thành thực xin lỗi các tác giả có bài phải gác lại cho số sau đồng thời cũng xin lỗi quý độc giả về việc số báo này ra hơi muộn (cuối tháng Giêng thay vì đầu tháng như thường lệ) vì một số anh em trong Ban Biên Tập, do công chuyện, phải đi xa trong suốt tháng 12 và đầu tháng Giêng vừa qua.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021