|
Nghệ Thuật của Nguyễn Hưng Trinh
|
|
(bài diễn văn khai mạc cuộc triển lãm Timeless Refrain
tại Casula Powerhouse Arts Centre, 12.1.02)
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
Kính thưa quý vị, Thật là một đặc ân cho tôi khi tôi được mời phát biểu tại đây hôm nay, và hiển nhiên, cũng thật là một đặc ân cho tất cả chúng ta khi được đứng giữa cuộc triển lãm hội hoạ để thưởng ngoạn thiên tài của Nguyễn Hưng Trinh. Anh là một hoạ sĩ lớn của Việt Nam — và từ hôm nay chúng ta sẽ thấy anh cũng là một hoạ sĩ lớn ở tầm vóc quốc tế. Nguyễn Hưng Trinh được xem như một nhà cải cách triệt để của nghệ thuật tạo hình ở Việt Nam — anh xoay lưng lại với phong cách Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa đang thống trị hiện nay để nắm bắt lấy cảm xúc và tính phức tạp của hội hoạ Trừu Tượng. Nguyễn Hưng Trinh từng nói "Tác phẩm của tôi là một hành trình hướng nội. Tôi không thích mô tả Hiện Thực, bất kể đó là Hiện Thực gì. Tôi thích tìm kiếm điều gì đó tôi đã gặp trong một giấc chiêm bao, điều gì đó tình cờ bắt gặp ở những góc khuất của tâm hồn tôi. Bằng trực giác, tôi cố gắng vẽ một cảm xúc trữ tình hay một ý tưởng siêu hình. Tôi chỉ ý thức được những gì mình vẽ sau khi đã vẽ xong. Nhại theo một câu của Descartes, tôi muốn nói rằng 'Tôi vẽ, vậy tôi hiện hữu'." Trao đổi với Nguyễn Hưng Trinh, tôi đã được nghe anh nói về cách làm việc của anh. Anh bắt đầu bằng một ý tưởng, rồi nối liền ý tưởng ấy với sơn dầu và bố vẽ, chỉ dùng ngón tay và một lưỡi dao. Chỉ đến khi anh đã hoàn tất tác phẩm thì anh mới nhìn lại những gì mình đã sáng tạo ra. Nghe anh tiết lộ điều này, tôi lập tức nghĩ đến những ý niệm tương tự về sự sáng tạo đã được triết gia Tây phương Friedrich Nietzsche diễn tả vào năm 1872 trong cuốn Cuộc Khai Sinh của Bi Kịch từ Hồn Nhạc. Trong cuốn sách ấy ông cho rằng tất cả những công trình sáng tạo đều ít nhiều là một kết hợp của những động thái Apollonian và Dionysian. Động thái Apollonian — xuất phát từ thần Apollo, tượng trưng cho Mặt Trời, Trật Tự và Cấu Trúc. Động thái Dionysian — xuất phát từ thần Dionysus, tượng trưng cho Rượu, Cảm Xúc, Phi-Logic, Phi Lý, Hỗn Loạn. Mọi hoạt động sáng tạo, theo Nietzsche, đều ít nhiều không tránh khỏi là một kết hợp của cả hai động thái ấy. Không có Apollonian, thì không thể có cấu trúc (thật ra, chính cái nhận thức về sự hiện diện của hành động sáng tạo đã là Apollonian rồi). Không có Dionysian, mọi sự đều khô khan, trơ trọi, lạnh lùng. Tác phẩm của Nguyễn Hưng Trinh biểu lộ mạnh mẽ động thái Apollonian, nhưng nó cũng rất gần gũi với động thái Dionysian. Nhưng khi những đối cực này trong tác phẩm của anh gợi đến một mô thức triết lý Tây phương, thì đồng thời chúng cũng gợi đến một mô thức triết lý Đông phương còn lớn lao hơn — đó là Âm-Dương. Và, thật vậy, khi ta quan sát tác phẩm của Nguyễn Hưng Trinh, ta sẽ thấy nhiều cặp nhị phân, lưỡng đối của Âm-Dương: Xác Thịt / Tâm Linh
Tôn giáo / Dục Tính
Đực / Cái
Bóng Tối / Ánh Sáng
Trật Tự / Hỗn Loạn
Khoái Lạc / Thống Khổ
Mềm / Cứng
Đường Cong / Đường Gãy
Ngón Tay và Lưỡi Dao
... Và nhiều cặp khác mà quý vị có thể tự tìm thấy. Mỗi ý niệm ấy được hàm chứa trong ý niệm đối lập với nó, mỗi vế đối lập bao hàm và trở thành vế ngược lại nó... và những tác phẩm nghệ thuật này nói với chúng ta bằng thứ ngôn ngữ vượt qua quốc gia, chủng tộc và tín ngưỡng. Tuy nhiên, đồng thời, chúng lại hết sức Việt Nam. Trong vẻ trừu tượng của chúng, thấp thoáng vô số những hình ảnh đậm nét văn hoá: Những đồng lúa và những chiếc nón
Mục đồng và con trâu
Sự hiện hữu vĩnh viễn của vầng Trăng
Những cảnh tượng của chiến tranh và nỗi thống khổ trong quá khứ.
Thế nhưng, cùng lúc ấy, những tác phẩm nghệ thuật này lại mang tính phổ quát. Đối với những ai không phải là người Việt Nam, tác động của chúng cũng rất mãnh liệt. Vì thế, những đề tài của bộ tranh này thì mang tính phổ quát, nhưng sự cảm thụ của chúng ta thì mang tính cá nhân. Mỗi tác phẩm nghệ thuật ở đây đều gợi lên trong chúng ta những cảm ứng văn hoá của riêng mỗi người. Thử lấy ví dụ, trong bộ tranh trưng bày hôm nay, ta thấy có sự hiện diện liên tục của những hình người dài ngoằng, đen tối, vặn vẹo. Tôi biết rằng đó là những hình người; nhưng qua cái nhìn của một cư dân Sydney nhớ lại những trận cháy rừng gần đây, tôi cũng thấy những thân cây cháy đen trên một khung cảnh ám khói. Khi quý vị thưởng ngoạn những bức tranh của Nguyễn Hưng Trinh, xin hãy lưu ý đến những hình người — méo mó, trông như loài bò sát, bị kéo giãn ra, dài ngoằng — và tính phức tạp thô cứng như chất kim loại trong thân xác ("... dấu vết của lưỡi dao.."). Đặc biệt, xin lưu ý đến bức Những Bóng Người, trong đó hiển nhiên có vài hình thù con người trên bố vẽ, nhưng đó cũng có thể là một thân xác bị xé nát ra từng mảnh. Bức tranh này gợi lên trong óc ta một bãi chiến trường. Tác phẩm của Nguyễn Hưng Trinh nổi bật ở sự phong phú về đề tài và cách biểu hiện, nhưng khi được quan sát chung như một bộ tranh, thì những mô thức rõ nét và riêng biệt lại hiện ra trước mắt ta. Chẳng hạn, ta hãy xem ba bức trong bộ tranh được trưng bày ở đây: Điệp Khúc Phi Thời Trên nền tranh, chúng ta thấy khói và lửa — sự hỗn loạn... lĩnh vực của động thái Dionysian. Nhưng cấu trúc của tác phẩm chứa đựng một ý niệm đa tầng, mang tính 3-chiều... Và nổi lên trên sự hỗn loạn này là một hình vuông (một hình vuông trong một hình vuông), tượng trưng cho nơi chốn tĩnh lặng của tác giả. Cái thánh địa này biểu lộ động thái Apollonian và có cấu trúc ổn định. Sự hỗn loạn thuộc về thiên nhiên và những cảm ứng của sinh vật. Hình vuông thuộc về trí tuệ, văn hoá — vì trong thiên nhiên không có những đường thẳng. Nhưng ở trên tầng này là một tầng khác — những hình người / hình nữ thần cảm hứng đang nhảy múa hoan ca. Đó là vũ điệu của cuộc sống — và, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nó gợi lên những ý tưởng về bức tranh Vũ Điệu (1909) của Matisse. Nhưng trong trường hợp này — xin hãy quan sát màu sắc và những khoảng tối — trong tranh của Nguyễn Hưng Trinh, ngay cả niềm hoan lạc của anh cũng mang vẻ u ám. Và hãy quan sát lại một lần nữa tính 3-chiều của tác phẩm — ở trên, những nữ thần cảm hứng đang nhảy múa vũ điệu u ám; ở dưới, sự hỗn loạn của thiên nhiên, xúc cảm và cõi vô thức; và lơ lửng ở giữa là bản ngã, nằm gọn trong một nơi chốn tĩnh lặng có cấu trúc ổn định, quân bình. Nhật Thực Cũng thế, chúng ta lại đối diện với hình vuông của sự tĩnh lặng có cấu trúc ổn định — nhưng lần này nó được tô màu đỏ và nâu sậm, và có tỷ lệ khác xa với bức tranh kia. Rõ ràng chúng ta ở trong một khung cảnh thị tứ — với nhiều khung cửa sổ. Một lần nữa, cũng như trong bức Điệp Khúc Phi Thời, chúng ta thấy có sự hiện diện của những người dang tay nhảy múa. Nhưng, lần này, những hình dạng ấy có đường nét vững vàng hơn. Có thể đó là những cái đầu trâu. Và nếu ta lùi lại một bước và quan sát khung cảnh ấy từ một góc nhìn xa hơn, ta thấy những khuôn mặt ấy đang nhìn chòng chọc vào ta. Và trên tất cả, vầng Trăng trông như một mảnh thiên thạch đang bay vút. Và phía dưới, một lưỡi liềm mỏng của Mặt Trời vàng bị nuốt chửng bởi vầng Trăng. Âm-Dương, Hình Vuông và Lưỡi Liềm — đó là cảm nhận của tôi trước tác phẩm nghệ thuật này. Quý vị sẽ có cảm nhận của riêng mình. Và cuối cùng, ta đến với ví dụ thứ ba: Tôi và Tôi Tác phẩm này mang tính mô tả hơn, và gần với thực tiễn hơn, so với nhiều tác phẩm khác trong bộ tranh được trưng bày hôm nay. Trong bức này, chúng ta thấy người hoạ sĩ ngồi giữa mớ đồ nghề của mình, ngả người ra và nhìn đăm đăm vào tấm gương soi chính là khung bố vẽ. Hình vuông ổn định trong bức tranh trước đã biến thành khung bố vẽ. Hình người trên khung bố vẽ đã biến thành hình dáng một người đàn bà. Nhưng nàng đang làm gì? Đang quỳ xuống cầu xin? Hay đang nhồi nặn một chất mềm dẻo nào đó? Âm-Dương... Nam-Nữ... Tâm Linh và Dục Tính. Tất cả đều là những đối cực được kết hợp vào nhau. Tất cả đều được tạo nên bởi ngón tay và lưỡi dao. Và kết luận này khiến ta nhớ đến một người đồng hương của Nguyễn Hưng Trinh, đó là Nguyễn Quang Thiều, người đã viết những câu thơ: Trên mặt bàn viết của ta Lưỡi dao rọc giấy loé sáng như hàm răng một người lạ đang cười Tiếng con dế bị giam cầm trong góc nhà Vươn lên một con đường cỏ dại Chạy mãi về cánh đồng ngoại ô Ta là đám rêu vừa cổ kính vừa tơ non Ven tường ngôi miếu nhỏ Đống lá bưởi khô mười năm chưa cháy hết Mười năm dụi vào ký ức tuổi thơ Những vết rạch thương yêu giờ này đã ngủ Miệng vết thương mở ra hai mầm lág ợn hồng Có gì đó cựa mình trong mạch vôi tường ẩm ướt Có gì đó lướt trên nụ cười lưỡi dao Như thiên nga lướt mộng mị trên mặt hồ toả sóng Nỗi đau lịm dần... lịm dần... Nỗi đau gượng dậy.. gượng dậy... Trong những tia cười dao sắc Và thơ ... Và cả trong những bức tranh. Nguyễn Hưng Trinh như là một cột thu lôi — một vật dẫn điện. Nhưng dòng điện này là dòng điện nguyên sơ hơn, siêu nhiên hơn. Nó chính thực là bản tính mâu thuẫn của Kinh Nghiệm Nhân Sinh. Nó lượn lờ vô ảnh trên không trung... nó chạy xuyên qua Nguyễn Hưng Trinh và chạm vào mặt đất — cái Thế Giới của chúng ta. Nó nằm trong vùng vô thức, phi luận lý — và nó mang những chấn động bất ngờ và dữ dội vào cảm xúc của chúng ta, nhắc cho những bản ngã đầy lý luận của chúng ta nhớ đến nỗi đớn đau và niềm hoan lạc của cuộc tồn sinh. Vậy chúng ta hãy cùng nhau ngợi ca những bức tranh này.
Bruce Keller
|