điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Lê Thành Nhơn: một mối ân ba suốt đời không trả hết
Lời người viết: Nguyên tác Anh ngữ của bài này, dưới nhan đề "Gratefully to Lê Thành Nhơn", được viết vào ngày 26 tháng 2 năm 2002, sau chuyến đi Melbourne thăm Lê Thành Nhơn lần đầu.

Lê Thành Nhơn là một trong số vài nghệ sĩ mà năng lực sáng tạo nghệ thuật đã gây ấn tượng mãnh liệt trong tôi. Suốt mấy thập niên qua, mỗi lần đến thăm hoạ xưởng của anh, tôi không khỏi nghĩ đến một đại thụ liên lỉ sản sinh những hoa trái mới, và tôi bị choáng ngợp trong một niềm sung sướng. Mỗi bức điêu khắc anh làm, mỗi bức tranh anh vẽ, là một bằng chứng rõ ràng của một tiếp cận mới về kỹ thuật cũng như một nỗ lực vượt qua những thành tựu thẩm mỹ anh đã sẵn thủ đắc.

Đề tài sáng tác của Lê Thành Nhơn nhiều không kể xiết: từ những triết lý tôn giáo cho đến những sự kiện lịch sử, từ những anh hùng lẫy lừng cho đến những con người vô danh trong đời sống thường ngày, từ những thần thoại của Việt Nam cho đến những hiện tượng đương thời ở Úc, từ một hạt móc trên đầu ngọn cỏ cho đến một đại dương thống khổ của kiếp người. Cách diễn tả của anh lại cực kỳ linh động, và không bao giờ đơn điệu. Tác phẩm của anh không thuần túy biểu hình, cũng không thuần túy phi hình thể. Di chuyển hết sức dễ dàng và đầy sáng tạo xuyên qua những phương cách tiếp cận mỹ học khác nhau, anh, vì thế, có khả năng tránh khỏi bị dán những nhãn hiệu giả tạo.

Đứng trong hoạ xưởng của anh và chậm rãi nhìn ngắm chung quanh, tôi bị choáng ngợp bởi sự phồn dật của phong cách và chất liệu: ở đây, là nét gọn sắc cổ điển hay tính cách biểu hiện trừu tượng trong những bức sơn dầu; đằng kia, là thi tính thanh cao và u hoài trong những bức màu nước; bên trái, là sự hoành tráng của những tượng người bằng đồng; bên phải, là những hình thái đậm tính biểu tượng trên những đồ gốm. Ở bức vẽ này, anh cung ứng một hậu cảnh ngồn ngộn chi tiết như một lối kiến tạo tác phẩm nhằm phản ảnh cái hiện thực dày đặc của thế giới chung quanh đối tượng được mô tả. Ở bức vẽ kia, anh tước bỏ tất cả những chi tiết không cần thiết của bối cảnh để dồn trọn vẹn sự chú ý vào đối tượng trung tâm. Ở góc xưởng bên này, tôi thấy một bức tranh bắt chụp một hình ảnh tự nó đã sẵn đẹp đẽ, và vẻ đẹp ấy được bức tranh tái khẳng định. Ở góc xưởng bên kia, tôi thấy một bức tranh trong đó đối tượng mô tả bị giấu đi, bị triệt hủy, mọi ý niệm thông thường về hình thể và ánh sáng đều bị phủ định. Ở một tác phẩm, tôi thấy nghệ thuật của những mặt phẳng và màu sắc, phi hình thể, phô bày trên mặt bố một phẩm tính hấp dẫn mang dáng dấp thư pháp qua những nhát cọ vùng vẫy. Ở tác phẩm khác, tôi thấy vô số những cách thế biến trạng và chuyển thể của đối tượng làm bật lên những dạng thức tâm lý phức tạp. Chiếc đầu bằng đá này của một thiếu nữ biểu lộ một nhục cảm tế nhị, vừa như quá gần gũi, thân mật, nhưng lại vừa mang vẻ khép kín khôn dò. Chiếc đầu bằng đồng kia của một phụ nữ mang vẻ xa xăm như thể nàng đang thu mình vào sâu trong nội tâm, nhưng khuôn mặt nàng lại toả ra thứ ánh sáng ấm áp của lòng cảm thông và từ ái.

Quả thực, tài năng của Nhơn quá phồn dật nên các tác phẩm của anh không thể dừng lại ở một tâm thái hay một hình thức diễn tả nhất định nào cả. Tuy nhiên, mỗi tác phẩm của anh đều đòi hỏi sự chú tâm, đòi hỏi sự quan sát chậm rãi và tỉ mỉ, để qua đó từng chuyển biến tế vi trên bề mặt và trong kết cấu – những thay đổi liên tục trong từng nét sơn hay vết dao khắc tinh xảo – được thưởng thức trọn vẹn. Điều này có lẽ là hệ quả tất yếu của một sự hoán chuyển tinh yếu giữa hội hoạ và điêu khắc trong công việc của Nhơn. Không thể chối cãi rằng hội hoạ của anh mang tính điêu khắc trong nhiều khía cạnh, và điêu khắc của anh lại chứa đựng một sự cân nhắc hết sức tế nhị về độ sáng-tối thường được thực hiện trong tác phẩm không-gian-hai-chiều. Hội hoạ của anh, do đó, có khả năng thoát khỏi góc nhìn đơn diện; và điêu khắc của anh có thể đạt những vẻ đẹp mang tính nhiếp ảnh từ mọi góc nhìn.

Đứng trong hoạ xưởng của anh, tôi thấy choáng váng như đang đứng trước những rặng núi lớn. Rời hoạ xưởng của anh, tôi mang theo mình không chỉ một cảm giác ngây ngất của kẻ được diễm phúc chứng kiến một khối năng lực sáng tạo nghệ thuật đồ sộ, mà còn mang theo một vùng tâm linh toả sáng và, không thể chối cãi, một niềm sầu tư man mác. Tôi nghĩ niềm sầu tư này sinh ra từ cách anh ứng xử với những hình người trong tác phẩm: anh xiển dương những khả thể nhục tính và anh hùng tính nơi họ nhưng, đồng thời, anh nhắc nhở chúng ta về thân phận mãi mãi mong manh của họ trước những đớn đau và khổ nhục. Tôi nghĩ Lê Thành Nhơn đã đem đến cho nghệ thuật tạo hình của thế hệ anh một số cách thế diễn tả sâu sắc nhất về kiếp nhân sinh.

Niềm đam mê và tài năng của Lê Thành Nhơn đã gây ấn tượng mãnh liệt trong tôi, tôi phải thú nhận như vậy. Nhưng tôi cũng phải thú nhận, dù điều này nghe có vẻ như một kiểu nói lập dị, rằng cái sẽ ở lại trong phần sâu thẳm nhất của đời sống nội tâm tôi là một vầng ánh sáng màu vàng xuất trần toả ra từ hầu hết những tác phẩm của anh. Có lẽ tôi đã thấy ánh sáng ấy đâu đó trên những trang kinh cũ kỹ, trong những hoàng hôn khi đường chân trời ửng lên màu cam óng ả, hay trên mái chùa ngập ánh trăng rằm. Ánh sáng ấy thanh tẩy tôi, nhưng rót ngập trong tôi một nỗi sầu tưởng mỗi lần tôi nghĩ đến những niềm thống khổ của con người. Và vì điều này, tôi nợ anh Lê Thành Nhơn một mối ân ba suốt đời không trả hết.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021