điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Tiếng nói của những người bơi ngược dòng
(Click here for the English version: Voices of the upstream swimmers)

 

Bài giới thiệu về cuộc triển lãm Voices of Minorities
— gồm các tác phẩm hội hoạ của Mỹ Lệ Thi và Nguyễn Thái Tuấn —
tại Chrissie Cotter Gallery, Sydney, 18/07 - 05/08/2007.

 

Tác giả, cùng Nguyễn Thái Tuấn và Mỹ Lệ Thi

 

Tôi tin rằng người nghệ sĩ như một người trí thức, bất kể mang màu da gì và đến từ nền văn hoá nào, bao giờ cũng là kẻ chọn tiếng nói của thiểu số. Y luôn luôn giữ một khoảng cách giữa mình và những trung tâm quyền lực, giữa mình và những đám đông, giữa mình và những lối mòn của ý tưởng. Từ vị thế ấy, người nghệ sĩ cất lên tiếng nói của mình. Cuộc triển lãm Voices of Minorities giới thiệu cho chúng ta hai nghệ sĩ như thế: Mỹ Lệ Thi và Nguyễn Thái Tuấn.

Tất nhiên, khác với cách nói của các nhà vận động xã hội - chính trị, các nghệ sĩ có thể không diễn tả ý tưởng của họ trực tiếp bằng những mệnh đề cụ thể. Họ diễn tả ý tưởng của họ bằng nghệ thuật sáng tạo, và trong cuộc triển lãm này, họ diễn tả qua những bức tranh. Cách diễn tả của họ có thể tạo ra những hiệu quả đa nghĩa vì hành trình của họ có thể xuất phát từ những xung động vô thức và được dàn trải ra theo từng nét cọ trên bố vẽ. Nguyễn Thái Tuấn có nói rằng anh vẽ tranh như một phản ứng vô thức và không có ý định chính trị. Mỹ Lệ Thi cũng nói rằng cô vẽ như một sự phản ảnh những ý tưởng của riêng mình hơn là như một nỗ lực phát biểu các "thông điệp". Thế nhưng, từ vị trí của người xem, chúng ta có thể thử đi ngược lại hành trình đó để diễn dịch và hiểu những ý tưởng của họ. Vì thế, trong bài giới thiệu ngắn này, tôi thử diễn dịch và hiểu những ý tưởng của họ qua quan điểm của tôi.

Khi nói đến Mỹ Lệ Thi, nhiều người thường nhắc đến nguồn gốc sắc tộc thiểu số của cô. Hơn thế nữa, cô là một người đàn bà. Cho đến hôm nay, đầu thế kỷ 21, trên trái đất này, đàn bà tuy đông hơn đàn ông, họ vẫn là thiểu số! Thế nhưng, tôi nghĩ, tất cả những điều ấy vẫn chưa đủ để chúng ta xem Mỹ Lệ Thi là một tiếng nói của thiểu số, vì một người đàn bà sắc tộc thiểu số sống trên đất Úc vẫn có thể bắt chước hay thoả hiệp với tiếng nói của những trung tâm quyền lực, những đám đông, những lối mòn của ý tưởng. Chúng ta chỉ có thể xem Mỹ Lệ Thi là một tiếng nói thật sự của thiểu số khi cô, một nghệ sĩ sáng tạo, chọn tiếng nói của thiểu số: tiếng nói của những con người bị đối xử bất công, bị quên lãng, của mọi màu da và ở bất cứ khung cảnh địa lý nào.

Nguyễn Thái Tuấn là một người đàn ông dân tộc Kinh — một dân tộc chiếm gần 90% dân số ở Việt Nam — nhưng, như một nghệ sĩ sáng tạo, anh cũng chọn tiếng nói của thiểu số. Anh vẽ như một người lưu vong trên chính đất nước mình. Trong lúc đa số những người thuộc thế hệ của anh đang tin vào hoặc bươn bả chạy theo những khẩu hiệu được phát ra từ trung tâm quyền lực, Nguyễn Thái Tuấn không đứng vào hàng ngũ ấy, anh chọn đứng bên lề. Từ một góc riêng, anh quan sát cuộc sống chung quanh và, với cọ và bố, anh sáng tạo những bức tranh mang tính phê phán xã hội, những bức tranh có khả năng tái diễn dịch và tái định nghĩa các giá trị và tiêu chuẩn do trung tâm quyền lực đặt ra.

Điều thú vị trước tiên của cuộc triển lãm này là sự gặp gỡ của hai nghệ sĩ. Một người đàn bà Việt Nam lưu vong ở Úc, và một người đàn ông Việt Nam lưu vong trên chính đất nước của mình, đã đến với nhau để chia sẻ cùng một khoảng không gian của phòng triển lãm. Và cuộc gặp gỡ này cho chúng ta thấy hai lối diễn tả khác nhau — mỗi người từ vị thế thiểu số của riêng mình. Trong khi tranh của Mỹ Lệ Thi đi vào cảm nhận của tôi một cách lặng lẽ và mênh mang như những tiếng tụng kinh từ một thế giới nội tâm, thì tôi lại có thể nghe những tiếng la thảng thốt vọng ra từ tranh của Nguyễn Thái Tuấn. Trong khi tôi có thể cảm nghiệm từ tranh của Mỹ Lệ Thi vô số những lời kể chuyện thầm thì, thì tôi lại cảm nghiệm từ tranh của Nguyễn Thái Tuấn vô số những câu hỏi mà tôi phải tự trả lời.

 

Mỹ Lệ Thi, ‘Lotus Walk’

 

Tất nhiên, mỗi bức tranh của Mỹ Lệ Thi không phải chỉ kể một câu chuyện. Trong bộ tranh bốn bức ‘Lotus Walk’, chẳng hạn, tôi nghe ra nhiều câu chuyện. Ở trên lớp ngoài cùng của bốn bức tranh, tôi nghe ra câu chuyện về bốn màu da căn bản của nhân loại: vàng, đen, trắng, đỏ. Bốn màu da như bốn mùa trôi qua trên bốn phong cảnh của những đồng lúa và những người đàn bà lao động. Lớp da bốn màu này hiện lên như một màn sương trong mờ khiến tôi lập tức nhận ra cái thông điệp rằng các màu da không phải là những bức tường kiên cố ngăn cách người với người, mà chỉ là những cái gì rất mỏng manh, giả tạm, gói bên trong nó một đời sống thật sự của tư tưởng và việc làm của con người. Ngay bên dưới lớp da bốn màu này, những dòng chữ chảy dọc xuống như những dòng nước. Nếu chúng ta cố gắng đọc những dòng chữ ấy, chúng ta sẽ được nghe câu chuyện về những công việc của một nghệ sĩ trên tấm bố cũng nhọc nhằn như công việc trồng lúa trên bùn. Những dòng chữ này triền miên chảy xuống từ trên đầu những bức tranh; và chúng ta thấy, từ dưới chân những bức tranh, những đoá hoa sen mọc lên, dàn trải như một con đường, và xa xa đàng sau con đường hoa sen này là cảnh những con người đang lao động trên bùn. Câu chuyện của con đường hoa sen gợi đến một câu ca dao Việt Nam: "... gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", và sự liên tưởng này đột nhiên mang một vẻ đẹp đầy tính thơ vào hình ảnh những người phụ nữ đang cúi gằm xuống bùn để tìm sự sống. Trong bộ tranh bốn bức ‘Lotus Walk’, chúng ta không tìm thấy một sự thoả hiệp nào giữa Mỹ Lệ Thi và những quan điểm chính trị thời thượng của Úc hôm nay. Cô chọn tiếng nói của thiểu số: tiếng nói của những người bị lãng quên ở bên lề của đời sống kỹ nghệ hoá đương đại. Qua tiếng nói này, cô gửi đến cho tất cả chúng ta một thông điệp về sự bình đẳng và nhắc cho chúng ta nhớ đến những vẻ đẹp và ý nghĩa bị chìm khuất dưới vô vàn tiếng động cơ giới và đô thị.

 

Mỹ Lệ Thi, ‘Names’

 

Cái thông điệp về sự bình đẳng dường như luôn luôn hiển hiện trong rất nhiều bức tranh và tác phẩm sắp đặt khác của Mỹ Lệ Thi. Trong bức tranh ‘Names’, chẳng hạn, chúng ta thấy ngay trên lớp ngoài cùng là một dãy guốc dép và những đôi chân trần, đi ngược đi xuôi. Quan sát kỹ, chúng ta nhận ra đó là những thứ guốc dép khác nhau từ những dân tộc khác nhau và những giai cấp khác nhau. Rồi chúng ta nghiệm ra rằng mọi con người, dù xuất phát từ đâu, đều cùng đi chung một con đường qua đời sống. Hình ảnh guốc dép và những đôi chân trần đã được Mỹ Lệ Thi sử dụng như một mô thức tạo hình và tạo nghĩa trong nhiều tác phẩm của cô. Riêng trong bức tranh ‘Names’, mô thức này được kết hợp với những tên người của nhiều dân tộc khác nhau trải dọc như những dòng nước chảy từ trên xuống dưới, và phía sau những tên người là bốn khuôn mặt người thuộc bốn màu da căn bản. Trong bức tranh ‘Transformation’, mô thức này lại được kết hợp với hình ảnh một chiếc thang tre, đàng sau đó là những mảnh chữ và hình người nhỏ bé trên một nền màu sậm như bóng tối. Nếu trong bức ‘Names’, mỗi con người đều có một cái tên, một khuôn mặt và một đôi bàn chân để bước cùng với mọi người trên con đường qua đời sống, thì trong bức ‘Transformation’, chiếc thang đứng chơ vơ như một lời mời gọi: "hãy leo lên đây, để tự chuyển hoá", vì với tầm nhìn càng xa hơn, con người sẽ bớt hẹp hòi hơn.

 

Mỹ Lệ Thi, ‘Transformation’

 

Ở trên, tôi có nói tranh của Mỹ Lệ Thi đến với cảm nhận của tôi một cách lặng lẽ và mênh mang như những tiếng tụng kinh từ thế giới nội tâm. Tôi cảm nhận như thế vì trong tranh của cô không có những hình ảnh được đặc biệt nhấn mạnh. Mỗi hình ảnh dường như đều hiện hữu bình đẳng trên một cái nền đơn sắc sâu thẳm, vô biên, như tiếng tụng kinh từ những ngôi chùa ở Đông phương, hay như nền âm trì tục của ống didgeridoo của thổ dân Úc. Vô biên, thật vậy. Chúng ta có cảm tưởng con đường hoa sen cũng như con đường của guốc dép và những đôi chân trần sẽ tiếp tục kéo dài mãi mãi, và giới hạn của khung bố chỉ là một giới hạn vật chất tạm thời. Ngược lại, mỗi bức tranh của Nguyễn Thái Tuấn đều tự đóng khung bằng một viền bóng tối, khiến cái nhìn của người xem tập trung vào khoảng giữa của bức tranh, nơi có ánh sáng, để quan sát một hình ảnh được đặc biệt nhấn mạnh.

Trong khi tranh của Mỹ Lệ Thi để lại trong tôi nhiều ấn tượng lặng lẽ và dài lâu như những tiếng tụng kinh và những lời kể chuyện thầm thì, thì tranh của Nguyễn Thái Tuấn lại ném vào tôi những tiếng la và những nghi vấn đầy ám ảnh. Tất cả các tranh của anh đều không có tên. Người xem, do đó, sẽ không được gợi ý sẵn. Tôi nghĩ tốt nhất ta nên đến với tác phẩm của anh bằng những câu hỏi.

 

Nguyễn Thái Tuấn, ‘Vô đề’ số 41

 

Bức tranh ‘Vô đề’ số 41 (2005): Trên nền xanh xám của một thứ ánh sáng u ám lạnh lùng, hình ảnh được nhấn mạnh là bà mẹ không mặt mũi đang ngồi ru một quả trứng. Gần đó là những hình ảnh rút nhỏ của những cậu bé đang cong lưng vác những bức tượng bán thân của ai đó, và một chiếc thuyền trên bờ sông. Tại sao bà mẹ đang ngồi ru một quả trứng? Tại sao bà không có mặt mũi? Phải chăng quả trứng muốn gợi đến huyền thoại Âu Cơ và trăm quả trứng? Tại sao chỉ có một quả trứng? Phải chăng bà mẹ vô diện mạo đang nuôi hy vọng về một thế hệ khác? Những cậu bé đang cong lưng vác tượng là ai vậy? Là những đứa con đã mất của bà? Họ đang vác tượng ai thế? Dòng sông và con thuyền có ý nghĩa gì? Đó là dòng sông đã từng chia cắt đất nước, hay là nơi xuất phát của những người đã bỏ xứ ra đi?

 

Nguyễn Thái Tuấn, ‘Vô đề’ số 6

 

Hai năm trước đó, hình ảnh cậu bé đang cong lưng vác một bức tượng bán thân đã xuất hiện trong bức tranh ‘Vô đề’ số 6 (2003), và có lẽ bức tranh ấy giúp chúng ta trả lời một vài câu hỏi trên đây. Trong bức tranh ấy, điểm nhấn mạnh là chữ VĨ ĐẠI khổ to được lặp lại sáu lần kèm với hình ảnh một cậu bé không mặt mũi đang cong lưng vác tượng. Nền tranh là màu xanh lá mạ như những đồng lúa ở Việt Nam, và ở góc dưới, bên trái, có hình ảnh nhỏ bé của vài con trâu đang thong dong gặm cỏ. Những chữ VĨ ĐẠI này thực sự có nghĩa gì ở đây? Chữ VĨ ĐẠI có gì gắn liền với bức tượng bán thân đang ngự trên chiếc lưng cong của cậu bé? Có phải ở Việt Nam chữ VĨ ĐẠI chỉ để mô tả một lãnh tụ chính trị duy nhất? Những câu hỏi tiếp theo sẽ là những câu hỏi chua chát mà tôi không cần phải viết ra đây. Tương tự như thế, trong bức tranh ‘Vô đề’ số 33 (2005), chúng ta thấy chữ MUÔN NĂM khổ to được lặp lại, và dưới đó là một cậu bé không mặt mũi đang ngồi ngước lên thổi một quả bong bóng đỏ căng phồng đến sắp nổ tung ra, và ở bên dưới là một cặp mèo và chuột đang chơi nhạc đám ma. Có liên hệ gì giữa chữ MUÔN NĂM và quả bong bóng đỏ căng phồng sắp nổ? Màu đỏ của quả bong bóng tượng trưng cho điều gì? Người thổi bong bóng là một cậu bé không mặt mũi — tại sao ? Có liên hệ gì giữa quả bong bóng đỏ căng phồng sắp nổ và nhạc đám ma? Vân vân. Rất nhiều câu hỏi khác tất nhiên sẽ nẩy sinh trong óc của người xem.

 

Nguyễn Thái Tuấn, ‘Vô đề’ số 33

 

Nguyễn Thái Tuấn là một nam nghệ sĩ, nhưng bức tranh ‘Vô đề’ số 44 (2006) của anh lại là tiếng nói của người phụ nữ dưới chế độ phụ hệ tập quyền. Trên nền tím-hồng gợi dục, hình ảnh được nhấn mạnh là một phụ nữ trần truồng khom lưng trên một chiếc ghế. Ngay bên dưới là hình ảnh rút nhỏ của một người đàn ông đang long trọng đọc diễn văn. Sự tương phản dữ dội này làm bật ra nhiều câu hỏi mang tính bi kịch. Phải chăng người phụ nữ trần truồng đang khom lưng như một đứa bé chờ bị đánh roi? Hay chờ đợi những hành động dục tính? Người đàn ông ấy đang long trọng đọc diễn văn về điều gì? Và bao nhiêu câu hỏi khác.

 

Nguyễn Thái Tuấn, ‘Vô đề’ số 44

 

Vì khuôn khổ một bài giới thiệu ngắn, tôi chỉ diễn dịch rất sơ lược một vài tác phẩm của Mỹ Lệ Thi và Nguyễn Thái Tuấn. Điều tôi muốn nhấn mạnh là những hình ảnh mang tính hiện thực trong tranh của họ không phải là những hình ảnh mà họ — và chúng ta — có thể nhìn thấy bằng đôi mắt bình thường, nhưng là những hình ảnh chỉ có thể được nhìn thấy bằng đôi mắt của sự trầm tư. Điều này có nghĩa là để nhìn thấy những hình ảnh đó, họ phải chọn những vị thế chính xác để từ đó quan sát cuộc sống. Đó là những vị thế thuộc về những thiểu số, và chỉ từ vị thế đó kẻ quan sát mới có thể thấy, nghe và diễn tả những tiếng nói của những thiểu số.

Chúng ta thường nghe nói rằng những nghệ sĩ hành động như những người trí thức là những kẻ bơi ngược dòng. Chọn tiếng nói của thiểu số chính là hành động bơi ngược dòng. Để làm điều này, Mỹ Lệ Thi và Nguyễn Thái Tuấn chẳng phải chỉ thấy, nghe và diễn tả tiếng nói của thiểu số, mà họ phải thực sự sống với thiểu số mà họ chọn. Tôi muốn lặp lại câu nói này của nhà hài kịch W.C. Fields: "Hãy nhớ, một con cá chết có thể trôi xuôi dòng, chỉ có một con cá sống mới bơi ngược dòng."

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021