điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
TÔI THÍCH MỸ VÀ MỸ THÍCH TÔI của Joseph Beuys [một ví dụ về mỹ thuật trình diễn]

 

Hoàng Ngọc-Tuấn giới thiệu

 

 

Joseph Beuys (1921-1986) là một nghệ sĩ khác thường của nước Đức, một trong những tên tuổi quan trọng của nghệ thuật ý niệm trong hậu bán thế kỷ 20. Tác phẩm của ông xuất hiện dưới nhiều dạng thức: điêu khắc, trình diễn, video, và sắp đặt.

Cuộc trình diễn TÔI THÍCH MỸ VÀ MỸ THÍCH TÔI (I LIKE AMERICA AND AMERICA LIKES ME) xảy ra tại New York từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 5 năm 1974. Joseph Beuys đi máy bay từ Dusseldorf đến New York. Ngày 20 tháng 5, khi đến phi trường Kennedy, ông dùng một tấm chăn nỉ lớn cuộn quanh mình từ đầu đến chân rồi được xe cứu thương chở thẳng đến René Block Gallery, nơi ông sẽ sống chung và làm bạn với một con sói đồng cỏ Bắc Mỹ (coyote). Ba ngày đầu tiên, Joseph Beuys tiếp xúc riêng với con sói coyote; và suốt ba ngày tiếp theo (từ ngày 23 đến 25 tháng 5), khán giả từ phía ngoài hàng rào sắt được chứng kiến cảnh Joseph Beuys giao lưu với con vật. Ông cho nó táp và gặm tấm chăn nỉ, chiếc gậy, đôi găng tay, chiếc đèn pin, và những tờ báo Wall Street Journal. Sau giai đoạn cáu kỉnh với con người xa lạ quấn trong tấm chăn nỉ, con sói coyote bắt đầu đái lên những tờ báo và các vật dụng của Joseph Beuys, rồi cảm thấy dần dần quen mùi. Cuối cùng, con sói coyote và con người trở thành bạn với nhau thật sự. Joseph Beuys trút bỏ tấm nỉ và chơi vui vẻ với nó.

Một số người đã diễn dịch rằng tác phẩm này là một hành động chống Mỹ của Joseph Beuys, và họ còn cho rằng cái hình ảnh ông tự cuộn mình trong tấm chăn nỉ và dùng xe cứu thương đi thẳng từ phi trường Kennedy đến René Block Gallery thể hiện sự chán ghét nước Mỹ, không muốn thấy, không muốn gặp người Mỹ, chỉ muốn gặp một con sói coyote, v.v... Có lẽ vì họ thấy rằng trong những năm trước đó Joseph Beuys đã nhiều lần từ chối sang Mỹ để triển lãm và trình diễn, và đã có lời đồn rằng ông tuyên bố ông không đến nước Mỹ nếu quân đội Mỹ còn hiện diện ở Việt Nam. Thế nhưng, sự thật là đến tháng 4 năm 1973 hầu hết quân đội Mỹ đã rút ra khỏi Việt Nam. Và Joseph Beuys đã đến nước Mỹ lần đầu từ ngày 9 đến ngày 19 tháng 1 năm 1974 theo lời mời của Ronald Feldman Fine Arts Inc. và Gallery 12.

Trong lần đầu tiên đến Mỹ ấy, Joseph Beuys đã viếng thăm ba tiểu bang New York, Chicago, và Minneapolis; và ông đã thuyết giảng tại New School for Social Research (Manhattan, New York), School of the Art Institute (Chicago), Minneapolis College of Art and Design (MCAD), và University of Minnesota. Ông ở lại năm ngày tại New York, và vào ngày 11 tháng 1 năm 1974, ông đã có một “Public Dialogue” tại New School for Social Research trong một thính đường chật cứng người đến xem (có khoảng 350 người ở trong thính đường và hàng trăm người chen chúc bên ngoài). Cuộc trao đổi kéo dài gần ba tiếng đồng hồ, rất hào hứng, sôi nổi, tiếp cận nhiều đề tài liên quan đến mỹ học, triết lý, và chính trị. Trọn vẹn cuộc trao đổi ấy đã được ghi âm, và Caroline Tisdall chép lại nguyên văn những gì đã xảy ra trong tiếng đồng hồ đầu tiên (kể cả những mô tả về tiếng động và phản ứng của khán giả) và in vào trong cuốn Joseph Beuys in America: Energy Plan for the Western Man. Trong đó, có đoạn sau đây:

NGƯỜI HỎI THỨ MƯỜI: Tôi muốn biết tại sao trước đây ông chưa từng đến thăm viếng Hợp Chủng Quốc. Liệu đất nước này có phải đáp ứng một số yêu cầu nào đó, trong những thái độ ứng xử của nó và những hành vi đạo đức của nó, trước khi ông có thể đến viếng thăm nó?
 
BEUYS: (Caroline Tisdall kêu lên: “Joseph, Joseph, nói vào microphone! Nghe không rõ.”) Tôi đã có cơ hôi đến đây sớm hơn, nhưng những lời mời đã luôn luôn nêu rõ là tôi phải làm một cái gì đặc biệt, thực hiện một tác phẩm để triển lãm chẳng hạn, dính liền với những ý muốn của một người đặc biệt nào đó. Và trong thời kỳ này, tôi không còn thích thú việc triển lãm nữa. Và vì thế tôi đã không đến, chứ không phải tôi có bất kỳ điều gì chống lại Hợp Chủng Quốc, vả lại tôi có quá nhiều việc để làm ở Đức... Thế rồi Ronald Feldman đã mời tôi, không phải để làm điều gì trong phòng trưng bày mỹ thuật nữa, điêu khắc vô hình...[1]
 

Trong lời phát biểu dưới nhan đề “Coyote, I like America and America likes me” tại René Block Gallery ngay sau cuộc trình diễn TÔI THÍCH MỸ VÀ MỸ THÍCH TÔI, Joseph Beuys đã giải thích rằng tác phẩm này diễn tả tiến trình hoà giải giữa sức mạnh của phương Tây (mà đại diện cụ thể ở đây là nước Mỹ) và ý chí sinh tồn của những nạn nhân của nó (mà đại diện cụ thể ở đây là thổ dân da đỏ ở Mỹ, và con sói coyote được xem như một biểu tượng). Ông nói:

Chắc hẳn tôi sẽ không thực hiện cuộc trình diễn này tại châu Âu với một con sói coyote. Nhưng có những động vật khác ở Mỹ có thể gợi ý đến một phương diện hoàn toàn khác của cái thế giới ấy. Con chim ưng, chẳng hạn, gợi ý đến những sức mạnh trừu tượng của cái đầu và trí tuệ, phương Tây, những sức mạnh mà người Mỹ da đỏ mang trên mũ. Tôi tin rằng tôi đã tiếp cận với điểm chấn thương tâm lý của cả một quần thể năng lực của Hợp Chủng Quốc: toàn bộ kinh nghiệm đau thương của nước Mỹ đối với Thổ Dân, người Da Đỏ. Bạn có thể nói rằng phải có một sự thương lượng đối với con sói coyote, và chỉ khi ấy thì sự đau đớn này mới được tháo gỡ.
 
Thái độ gặp gỡ là điều quan trọng. Tôi muốn chỉ tập trung vào con sói coyote. Tôi muốn cô lập chính tôi, cách ly chính tôi, không nhìn thấy bất cứ điều gì ở Mỹ ngoài con sói coyote. Trước hết là tấm nỉ mà tôi mang vào. Rồi đến đống rơm của con sói coyote. Những thành tố này lập tức được trao đổi giữa chúng tôi: nó nằm vào chỗ của tôi và tôi nằm vào chỗ của nó. Nó dùng tấm nỉ và tôi dùng đống rơm. Đó chính là điều mà tôi đã mong đợi. Tôi đã có sẵn một ý niệm về cách ứng xử của một con sói coyote... tất nhiên nó cũng có thể ứng xử theo cách khác. Nhưng mọi sự diễn ra tốt đẹp. Dường như tôi đã có sự tập trung tinh thần đúng mực... Tôi đã thực sự tiếp xúc tốt đẹp với nó.
 
Ý định của tôi trước hết là thu nhận và nắm giữ những sức mạnh của phương Tây, và rồi xuất hiện như một hữu thể đại diện cho lĩnh vực tinh thần của cả tập thể. Tôi muốn cho con sói coyote thấy một sức mạnh tương đương như thế, nhưng tôi cũng muốn nhắc cho nó biết rằng bây giờ tôi là một con người đang nói chuyện với nó, và đó là lý do tại sao thái độ của tôi đã thay đổi: đôi khi hình ảnh của tôi giống như một nhân vật thiêng liêng — một người chăn chiên, nhưng rồi, khi tôi nhảy ra khỏi tấm chăn nỉ, tôi hoàn toàn là một con người bình thường. Và rồi cái mũ hình hoa tulip héo rũ của tôi bị méo mó, trở nên giống như mũ anh hề trong gánh xiếc. Điều tôi cố gắng làm là tạo nên một tiết tấu thật sự dao động. Trước hết, tôi làm thế là để nhắc cho con sói coyote về cái mà bạn có thể gọi là thiện ý của chủng loại của nó, và rồi để trình bày cho nó thấy rằng nó cũng có những khả năng hướng đến sự tự do, và rằng chúng ta cần nó như một kẻ cộng sự quan trọng trong việc tạo ra sự tự do...[2]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

_________________________

[1]Joseph Beuys, “A Public dialogue, New York City 1974”, trong Joseph Beuys in America: Energy Plan for the Western Man, Kim Levin giới thiệu, Caroline Tisdall biên tập (New York, N.Y.: Four Wall Eight Windows, 1990) [© The Estate of Joseph Beuys], trang 37.

[2]Joseph Beuys, “Coyote, I like America and America likes me”, sách đã dẫn, trang 141.

 

------------------
Những hình ảnh trên đây được sưu tầm từ những website:

 

Đọc thêm:

Ý tưởng về điêu khắc  (nhận định mỹ thuật)  - Beuys, Joseph
Các vật thể do tôi tạo ra cần được xem như những chất xúc tác cho sự chuyển biến của ý tưởng về điêu khắc, hay về nghệ thuật nói chung. Chúng khơi dậy những ý nghĩ rằng điêu khắc có thể là gì, và làm thế nào để ý niệm điêu khắc có thể mở rộng đến những chất liệu vô hình được mọi người sử dụng... [Hoàng Ngọc-Tuấn sưu tầm, dịch và giới thiệu] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021