điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Nghệ thuật Thị giác Việt Nam cần được hỗ trợ cách khác

 

Nghệ thuật Thị giác (Visual Arts), với đa số người Việt Nam, được hiểu là thế giới của những Dali, Picasso. v.v..., nói chung, là thế giới của những cái gì hết sức “cao sang”, “siêu phàm”, không can dự gì đến cuộc sống của mình — biết cũng được, không biết cũng chẳng sao. Oái oăm là ngay cả những người đang điều hành các thiết chế văn hoá-nghệ thuật ở Việt Nam, dường như cũng đang hiểu vấn đề theo kiểu như vậy. Họ cũng chỉ muốn làm sao cho có thật nhiều Dali, thật nhiều Picasso-Việt Nam...

 

Ðôi điều nhìn lại

 

Trước hết, Nghệ thuật Thị giác là gì?

Nghệ thuật Thị giác (Visual Arts) là tên gọi chung chỉ các loại hình nghệ thuật ĐƯỢC TIẾP NHẬN, cơ bản, thông qua KÊNH thị giác, và ĐƯỢC SÁNG TẠO, chủ yếu, dựa trên các đặc thù của TƯ DUY thị giác...

Nghệ thuật Thị giác bao trùm một phạm vi rộng, gồm: Kiến trúc, Nghệ thuật Môi trường (một không gian đô thị, một thắng cảnh...), Hội hoạ, Điêu khắc, Nhiếp ảnh, Nghệ thuật Sắp đặt, Nghệ thuật Thực địa, Thủ công Mỹ nghệ, Đồ hoạ ứng dụng, Thời trang, Tạo dáng công nghiệp, v.v...

 

Nghệ thuật Thị giác có ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống con người và xã hội?

Mỗi người, mỗi ngày mở mắt ra là chung đụng với cơ man sản phẩm Nghệ thuật Thị giác. Và, trong đời sống mỗi ngày, ai cũng phải thường xuyên phán đoán, đánh giá, lựa chọn đủ thứ theo các tiêu chuẩn Nghệ thuật Thị giác: từ việc chọn một bộ đồ để mặc, đến chọn mua những thứ vụn vặt như một cái hộp quẹt, một cái mũ, v.v... Các tiêu chuẩn này, ý thức hay không ý thức, đều có 2 khía cạnh: một, là khía cạnh thẩm mỹ (đẹp/xấu), và hai, là khía cạnh đẳng cấp tượng trưng (sành điệu/không sành điệu, cao cấp/bình dân, tân tiến/lạc hậu...). Tóm lại, sự tiếp nhận, đánh giá và lựa chọn các sản phẩm Nghệ thuật Thị giác là một trong các yếu tố quan trọng làm nên DIỆN MẠO VĂN HOÁ một con người. Làm nên hình ảnh người đó trong mắt nhìn người khác. Và đó, là một trong những yếu tố quan trọng (bên cạnh vấn đề năng lực) quyết định sự thành/bại, được tôn trọng/không được tôn trọng của người đó trong xã hội... Do đó, ý thức về Nghệ thuật Thị giác, tích lũy kinh nghiệm xúc cảm thị giác, nâng cao và mở rộng năng lực đánh giá thế giới sự vật chung quanh và biết sáng tạo hình ảnh bản thân mình theo các tiêu chuẩn Nghệ thuật Thị giác là điều kiện cần để mỗi cá nhân hoà nhập vào thế giới đương đại.

Nghệ thuật thị giác, như đã nói ở trên, thực chất là toàn bộ các yếu tố làm nên THẾ GIỚI SỰ NHÌN của một cộng đồng văn hoá. Các yếu tố: Một, tạo nên sự đồng cảm của các thành viên trong cộng đồng đó (ví dụ; người Hà Nội tự hào về hồ Hoàn Kiếm, về Phố Cổ — đi đâu cũng nhớ về...). Hai, góp phần làm nên cái gọi là bản sắc (tượng trưng) — một mặt, tác động lên tâm tư, tình cảm người dân địa phương, khiến họ tự hào và phải sống sao cho xứng đáng (như người Huế tự hào là dân đất Thần Kinh và phải sống sao cho ra “Mệ”; như người Hà Nội tự hào là dân Thủ đô và phải sống sao cho lịch duyệt...); mặt khác, tác động đến người khác, từ nơi khác đến, như những giá trị độc đáo, hấp dẫn... cần được khám phá...Xin lưu ý thêm một chút về chuyện hình ảnh. Hình ảnh không phải là sản phẩm của một cú bấm máy (ảnh) hay cái gì giới hạn trong không gian hai, ba chiều. Hình ảnh là sản phẩm tổng hợp được mã hoá trong nhận thức mỗi người về một đối tượng được nhìn thấy. Hình ảnh một con người trong xã hội không phải là một tấm chân dung, mà là tổng hợp của tất cả, từ áo, quần, tóc tai, từ cử chỉ, ngôn ngữ đến hành vi, v.v... Kể cả vai trò và vị trí xã hội của người đó. Tóm lại, hình ảnh luôn là một tượng trưng. Ba, sự đa dạng về loại hình, sự phong phú và độc đáo về hình thức..., thể hiện một năng lực sáng tạo năng động thích ứng với điều kiện tự nhiên và có một ý thức xuyên suốt về bản sắc của Nghệ thuật Thị giác, là yếu tố phản ánh TRÌNH ĐỘ VĂN MINH và TÍNH CÁCH VĂN HOÁ của một cộng động. Đó là các yếu tố làm nên SỨC HẤP DẪN và THẾ GIÁ của một cộng đồng giữa bao cộng đồng khác... Nó quyết định sự thành bại của một THỊ TRƯỜNG DU LỊCH. và làm nên HÌNH ẢNH ĐỊA PHƯƠNG...

 

Cơ chế tương tác ảnh hưởng này diễn ra như thế nào?

Nhìn ra thế giới, bất cứ ai cũng đều dễ dàng nhận thấy, mọi nền nghệ thuật có sức sống đều tồn tại trong một chỉnh thể văn hoá nghệ thuật. Chỉnh thể tự nhiên có mô hình kim tự tháp, mà đỉnh là những tìm tòi sáng tạo mang tính tiên phong, độc sáng của các thành phần ưu tú. Và đáy, là đại chúng với khả năng tiêu thụ và sản xuất. Ðỉnh và đáy có quan hệ hữu cơ. Ðỉnh chỉ lên cao khi đáy không ngừng được mở rộng. Và đáy chỉ mở rộng khi những giá trị mang tính bác học tìm thấy ở đỉnh được chuyển hoá thành những giá trị mang tính phổ cập làm nguồn dinh dưỡng bồi bổ cho đáy. Chính nhờ những mối quan hệ này mà những giá trị nghệ thuật được chuyển hoá thành những giá trị văn hoá. Và cũng chính nhờ những mối quan hệ này mà những giá trị văn hoá mang tính truyền thống (và ngoại lai) được tích hợp, biến đổi trong những giá trị mỹ thuật làm nên những truyền thống (văn hoá) mới thích nghi với thời đại.

Đóng vai trò trung gian giữa đỉnh và đáy là giới phê bình, giới truyền thông, giới giáo dục các cấp và cả môi trường văn hoá của xã hội nữa. Ở những nơi có trình độ dân trí cao, việc ứng dụng mỹ thuật vào đời sống hàng ngày phổ biến, sinh hoạt phê bình và giới thiệu mỹ thuật nhạy bén và lành mạnh, những sáng tạo lớn, ở điểm đỉnh nhanh chóng được cảm nhận và nhìn nhận, từ đó, đi vào quần chúng. Khi nhận được sự hỗ trợ của quần chúng, các sáng tạo càng dễ được đẩy mạnh và có cơ hội phát triển rực rỡ, qua đó, càng có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội.

 

Những bất cập và hậu quả

 

Trong cách hiểu của số đông người Việt Nam, Nghệ thuật Thị giác nếu không bị hiểu chệch theo hướng “nghệ thuật truyền thần”, nghệ thuật minh hoạ” vốn đã hết sức lạc hậu, thậm chí đã trở thành phản động..., thì lại bị hiểu ngã theo hướng là thế giới của những Dali, những Picasso... — nói chung, là những gì hết sức “sang trọng”, “cao siêu” — vượt qua tầm hiểu biết và cũng không can hệ gì đến cuộc sống của họ.

Thật ra,nhắm đến những thành tựu cao và lớn như thế không phải là điều sai. Tuy nhiên, đó sẽ chỉ là ảo tưởng nếu người ta không tập trung xây dựng những mặt bằng văn hoá cần thiết để làm nẩy nở các tài năng thiên phú. Điều đáng nói là ngay cả những người  đang làm công việc quản lý, điều hành các thiết chế văn hoá nghệ thuật ở Việt Nam lâu nay, dường như cũng hiểu, cũng có cái nhìn thiên lệch như vậy. Họ có vẻ chỉ quan tâm đến hoặc các mục tiêu bên ngoài nghệ thuật, hoặc đến chuyện làm sao cho có thật nhiều Dali, Picasso... Việt Nam... Cứ nhìn vào các đầu sách Nghệ thuật Thị giác đã được xuất bản, vào các cuộc triển lãm nghệ thuật thị giác lớn, nhỏ tổ chức rất nhiều — trong nước và quốc tế — và, vào cung cách nói năng, ứng xử của số đông hoạ sĩ là có thể thấy ngay điều này. Dường như chúng ta đã đặt ra những tiêu chuẩn “quá cao” và chấp chới với nó. Nhiều vô cùng ví dụ về sự “với cao” và “chấp chới” này. Chẳng hạn, chúng ta tự hào là đã “nghệ thuật hoá” sơn mài. Nhưng, chưa nói đến chuyện “sơn mài nghệ thuật” đã được đưa lên cao và xa đến đâu, trước mắt chỉ thấy, nó hầu như chẳng gây được ảnh hưởng gì đáng kể thúc đẩy sự phát triển của sơn mài trang trí, sơn mài mỹ nghệ. Chuyện khác, chúng ta tự hào rằng, kể từ khi có trường Mỹ thuật Đông dương, chúng ta “có tác giả” hiểu theo nghĩa là có “những cái tôi trong nghệ thuật”. Tự hào như vậy cũng được nhưng chúng ta không thể không thấy một số hạn chế của sinh hoạt mỹ thuật lâu nay: đỉnh của chúng ta chưa cao mà mặt bằng thì cũng không rộng và càng không chắc. Cho đến ngày nay, có mấy người Việt Nam biết cách tiếp thu chuyển hoá các hiểu biết về Nghệ thuật Thị giác thành kỹ năng sống? và, có mấy người Việt Nam biết cách khai thác, tận dụng các thành tựu của Nghệ thuật Thị giác để phục vụ cho các lợi ích thực tế hơn của cả cộng đồng? Cứ nhìn vào cái “thế giới đồ vật” do chúng ta sản xuất, từ cái hộp quẹt, các loại đồ lưu niệm cho đến các cảnh quan du lịch... hẳn thấy rõ điều này. Tại sao mọi thứ lại có thể nghèo nàn và “lởm khởm” đến vậy?!

Khi vấn đề ảnh hưởng của Nghệ thuật Thị giác lên cuộc sống chưa được ý thức đầy đủ, cả nền Nghệ thuật Thị giác Việt Nam cũng không có được bệ đỡ thực tế để phát triển. Nó chứng tỏ, Nghệ thuật Thị giác Việt Nam không thực sự có công chúng. Công chúng Nghệ Thuật thị giác mà chúng ta vẫn hay nói đến, chiếm số đông, rất đông, chỉ là công chúng của những bức tranh “Phố Hoa”, tranh “Bờ Hồ”, tranh của những thứ “hoài niệm vu vơ” hay “triết lý vụn”, v.v... sản phẩm hay biến thể, biến tướng của “nghệ thuật truyền thần”, “nghệ thuật minh hoạ”... Trong không gian của những công chúng như vậy, những Biểu hiện, Siêu thực, Lập thể hay Trừu tựợng, cho dù có thực sự là những bước tiến của Nghệ thuật Thị giác, làm cho Nghệ thuật Thị giác có thể biểu hiện được những điều sâu kín và tinh tế hơn trong tâm hồn con người, cũng chỉ được xem là “chạy theo hình thức”, là “suy đồi”... Còn các nghệ sĩ, cho dù có sáng tác như một vượt thoát (ra ngoài “vườn an cư truyền thống” với các khuôn mẫu văn hoá và nghệ thuật ngày càng trở nên chật chội đối với tư duy, và, sự câu thúc của đời sống thường nhật cùng bao nhiêu hệ lụy ngày càng trở nên tù túng đối với đời sống tinh thần...), như sự thăng hoa (của những cảm xúc, ý thức và lý tưởng thẩm mỹ được nuôi dưỡng bởi niềm khao khát — như là nghiệp chướng — nơi kẻ sáng tạo...), như là biểu hiện đầu tiên và cơ bản nhất của tự do-nhân tính (dám nghi ngờ và từ bỏ tất cả những thiên kiến, định kiến, thành kiến, những nguyên tắc, những ước thác bày đặt.. để sống “là mình” với bản thể hồn nhiên nơi tư duy...), v.v... Và, cuối cùng, có thể như một tác động mang tính khai phóng (mở ra những chân trời mới cho nhận thức về thế giới, cho ý thức về cuộc sống...,thổi bùng các ngọn lửa nhiệt tình...), thì, luôn luôn, vẫn là những kẻ “lập dị”, “điên rồ”... Không có công chúng trong nước, tức không được tiếp nhận, tiêu thụ bởi người trong nước, Nghệ thuật Thị giác Việt Nam sẽ chẳng bao giờ có được “cái tiền phong” của mình. Phần lớn nghệ sĩ đã hướng ra các đối tượng công chúng nào đó ngoài nước — thường là “bình dân”. Điều này về mặt văn hoá, rất nguy hại, nhưng rất tiếc là khó và chưa bao giờ được nhận diện đúng mức. Nó dẫn cả nền Nghệ thuật Thị giác đến chỗ “vô sinh” — bản sắc mới không được sáng tạo, chỉ có “truyền thống” bị “ăn mòn”, bị làm cho biến dạng, trở thành “ao tù nước đọng”, và chỉ có các kiểu a-dua, ăn theo thô thiển, sống sít những thứ “đương đại” vô duyên, vô cớ...

Ngoài ra, cho dù “tưởng” Nghệ thuật Thị giác chỉ là thế giới của những Dali, Picasso, và “mơ” sẽ nhanh chóng có được những Dali, Picasso Việt Nam, nhưng, cũng trớ trêu, lại chẳng có mấy ai thực sự quan tâm đến chuyện làm thế nào để có được những Dali, Picasso của mình. Nghệ sĩ Việt Nam, hết thế hệ này đến thế hệ khác “cứ mãi ăn đong”: ít có cơ hội cập nhật kiến thức về nghệ thuật và môi trường hoạt động nghệ thuật; ít có cơ hội tiếp xúc, trao đổi với đồng nghịệp trong nước và quốc tế về quan niệm nghệ thuật cũng như về phương pháp sáng tác; ít có cơ hội và điều kiện để giới thiệu rộng rãi công việc sáng tác và tác phẩm nghệ thuật của mình, v.v... Những khó khăn này, đã dẫn họ vào thế “ếch ngồi đáy giếng”, rất khó làm được việc gì thực sự “tầm cỡ”...

 

Nên như thế nào?

 

Các ngành Nghệ thuật Thị giác Việt Nam, xưa nay, vẫn luôn được hỗ trợ. Không nhỏ. Từ nhiều nguồn khác nhau — từ phía nhà nước, từ một số cá nhân và tổ chức nước ngoài, từ các thiết chế kinh doanh nghệ thuật trong và ngoài nước, v.v... Tuy nhiên, hiệu quả, xem ra rất không đáng kể.

Về phía nhà nước, các quán tính của lối tư duy thời chiến và lối tư duy thời bao cấp còn nặng nề. Sự quan tâm đến Nghệ thuật Thị giác còn quá thiên trọng các vấn đề chính trị, cụ thể là các vấn đề văn hoá-tư tưởng, đã biến mọi sự hỗ trợ từ phía nhà nước trở thành những nỗ lực vá víu cho những mục tiêu ngắn hạn nào đó mà thôi. Ít ai thấy: cái nhiệm vụ chính trị của Nghệ thuật Thị giác, nếu cần phải đặt ra, thì cũng phải đặt ra ở sự nhìn nhận cái đặc trưng này: nhiệm vụ phải sáng tạo, phải làm giàu, làm riêng cho nền văn minh thị giác Việt Nam.

Về phía các cá nhân và tổ chức nước ngoài — cụ thể là từ Tây phương — tuy sự hỗ trợ có thể xuất phát từ thiện chí, nhiệt tình, nhưng khó tránh khỏi sự chi phối của cái nhìn “siêu thực dân” tồn tại tự nhiên trong tâm lý. Hầu như không có người Tây phương nào không nhận thấy, nghệ thuật Tây phương là vùng ảnh hưởng “truyền thống” đối với nghệ thuật Việt Nam và không kém logic chút nào khi họ thấy Nghệ thuật Thị giác Việt Nam quả đúng là lạc hậu! Họ sẵn sàng ủng hộ-vô tư-nhất là khi các nghệ sĩ Việt Nam, đa số, đều tỏ ra “dễ thương” và cũng đang nóng lòng muốn “hoà nhập”, muốn sớm thành “đương đại”, v.v... Sự hỗ trợ này, dễ dẫn các nghệ sĩ vào “mê lộ” của cái nhìn “dĩ Âu vi trung” vốn đã rất lạc hậu, khiến “không còn biết mình là ai nữa”...

Còn các thành phần trong cơ chế thị trường, thì xưa nay và ở đâu cũng vậy, chỉ xem nghệ sĩ  là “những con gà đẻ trứng vàng” mà thôi. Thị trường “chỉ nuôi những thứ bán được”... !

Nói chung, đừng chờ đợi thị trường khiến cả nền Nghệ thuật Thị giác Việt Nam sẽ “tự điều chỉnh”, cũng đừng mơ người nước ngoài sẽ “hiểu ta như ta” mà sắp xếp hết mọi việc thay ta. Cần phải “thức tỉnh”, “định nghĩa” lại  mọi chuyện theo cách của minh — làm sao vừa bảo đảm được sự độc lập, tự chủ, vừa bảo đảm được khả năng thích nghi với các yêu cầu của thời đại...

Từ cách hiểu của mình về Nghệ thuật Thị giác nói chung, tôi cho rằng, để nghệ thuật thị giác Việt Nam có thể phát triển bình thường — như một chỉnh thể văn hoá nghệ thuật, có được nguồn năng lượng nội sinh như đã nói — ít nhất, cần phải thực hiện ngay hai việc:

Thứ nhất, xây dựng một chương trình quốc gia đề xuất và hỗ trợ các dự án hướng đến các mục tiêu nối kết các thành phần trong cả nền văn hoá nghệ thuật, và, thúc đẩy ứng dụng, tiêu dùng nghệ thuật.

Nghệ thuật không thể phát triển nếu không có công chúng. Thúc đẩy tiêu thụ, ứng dụng chính là cách hỗ trợ tốt nhất để Nghệ thuật Thị giác phát triển. Quá trình thúc đẩy này cũng chính là: a/ quá trình nối kết các thành phần, tạo ra công chúng trong nước, tạo ra thị trường nghệ thuật nội địa... b/ quá trình đưa nghệ thuật vào những không gian “đối thoại”, xác định các tiêu chuẩn  của sự “hoà nhập”, “tiến bộ”... c/ quá trình ra điều kiện, nêu đòi hỏi của công chúng đối với những người sáng tác, buộc nghệ thuật phải sáng tạo, phải đổi mới...

Chỉ có thể thúc đẩy ứng dụng, tiêu thụ được khi làm cho mọi người thấy, nghệ thuật không xa lạ, xa vời — có thể mang lại cho họ một hình ảnh khác, mở rộng khả năng của họ... Như vậy, trước hết là phải phổ cập, tuyên truyền về Nghệ thuật Thị giác. Đương nhiên. Nhưng đồng thời, quan trọng cũng không kém — thậm chí quyết định sự thành bại — là phải khuyến khích, hỗ trợ cho sự ra đời và lớn mạnh một lực lượng curator “nội địa” — những chuyên gia thực sự trong hoạt động tổ chức các sự kiện nghệ thuật. Trong giai đoạn đầu, chưa thể có các curator, nên chú ý đến các chuyên gia tổ chức các sự kiện truyền thông trong các lãnh vực khác ở khắp mọi nơi. Khi có kiến thức và yêu thích Nghệ thuật Thị giác, họ có thể, sẽ làm được rất nhiều việc...

Xây dựng chương trình này là để huy động sự tham gia của tất cả mọi người. Hiệu quả, chắc chắn không chỉ giúp các ngành Nghệ thuật Thị giác phát triển mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế, văn hoá, xã hội khác... Xin lưu ý, nghệ thuật bao giờ cũng làm cho người ta dễ hiểu nhau hơn, dễ gần nhau hơn. Trong các loại hình nghệ thuật, do ít bị giới hạn bởi dị biệt ngôn ngữ, Nghệ thuật Thị giác có thể dễ dàng đi khắp mọi nơi, đi sâu vào tâm hồn mỗi con người — bất kể quốc tịch. Nó, do đó, là nhịp cầu tốt nhất để nối kết các quan hệ ngoại giao và thương mại...

Thứ hai, xây dựng một thiết chế truyền thông hệ thống hoá thông tin về Nghệ thuật Thị giác Việt Nam và thế giới đáng tin cậy, được cập nhật thường xuyên và dễ truy xuất, để: a/ các nghệ sĩ giới thiệu công việc sáng tác và tác phẩm nghệ thuật của mình; b/ công chúng có thể tìm hiểu, học hỏi về nghệ thuật thị giác; c/ người mua tranh, các nhà sưu tập, các nhà nghiên cứu về nghệ thuật có thể tham khảo; d/ các nhà quản lý dễ tiếp cận, hình dung hiện tình sinh hoạt nghệ thuật thị giác trên cả nước và thế giới; e/ các nghệ sĩ có thể gặp nhau để trao đổi quan điểm, kiến thức và các vấn đề nghệ thuật, v.v...

Xin lưu ý, với môi trường internet và điều kiện số hoá các cơ sở dữ liệu ngày càng thuận lợi như hiện nay, việc xây dựng các đầu mối thông tin như vậy tương đối dễ dàng. Khó là làm thế nào để cập nhật thông tin. Nhưng ngay cả việc này, cũng không phải là quá khó, khi được điều hành bởi những người: a/ am hiểu các khía cạnh và các vấn đề của nghệ thuật thị giác Việt Nam và thế giới; b/ có thể liên kết các thành phần trong nền nghệ thuật thị giác Việt Nam và thế giới; c/ có thể đề xuất các ý tưởng, tổ chức các sự kiện nhằm kích thích nhiệt tình thúc đẩy nhanh việc cung cấp và cập nhật thông tin, v.v...

Thực ra, còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng, làm gì, có lẽ, cũng nên lưu ý từ nền tảng: Mỗi nền nghệ thuật, trước hết, là một hệ thống tự qui chiếu. Nó bao giờ cũng cần phải được nhìn nhận như một chỉnh thể văn hoá nghệ thuật. Chỉ trong sự tiếp cận đó, chúng ta mới có thể có được một hình dung tương đối đầy đủ hiện trạng với các mối liên hệ nội tại và ngoại tại của nó, mới có thể tìm thấy các tiêu chuẩn đánh giá nó, mới có thể xác định được các căn cứ để dự đoán về tương lai của nó, v.v...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021