điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
HỘI HOẠ HÔM NAY CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG & NGOÀI NƯỚC (hay: 17 câu hỏi từ một người trẻ ở California) [kỳ III]

 

 

Đã đăng: [kỳ I] | [kỳ II]

 

13. Là một hoạ sĩ đã từng sống và triển lãm tại Hoa Kỳ, đây là điểm tương đồng giữa anh và các hoạ sĩ ngoài nước khác như Đinh Cường, Nguyễn Trọng Khôi, Ann Phong, Cao Bá Minh, Rừng, Nguyễn Việt Hùng, Lê Bá Đảng, Nguyễn Đình Đăng... Theo anh tác phẩm của họ có những khác biệt gì so với hội hoạ trong nước, và với hội hoạ đương đại nơi quốc gia họ định cư, căn cứ trên những vấn đề về bản sắc và những kinh nghiệm mà họ phải đối mặt?

 

Trịnh Cung: Tôi được may mắn từng sống và triển lãm tại Hoa Kỳ, không những thế tôi còn được mời giảng về hội hoạ Việt Nam trong bối cảnh mỹ thuật khu vực Đông Nam Á tại trường đại học San Francisco năm 1996, và về kỹ thuật mới của tranh sơn dầu tại đại học Indiana năm 2000, cũng như đã trình bày tham luận “Mỹ thuật Việt Nam từ Chiến tranh đến Hoà bình” tại đại học Massachusetts - Boston năm 2007. Nhờ những cơ hội như vậy tôi không những gặp lại các bạn thân một thời tạo ra Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam trước 1975, mà còn tiếp cận được các hoạ sĩ Việt trẻ hơn đã được đào tạo tại Hoa Kỳ. Tôi cũng được tham quan khá nhiều viện bảo tàng nghệ thuật quan trọng của các thành phố lớn: New York, Chicago, New Orleans, Los Angeles, San Francisco,... Học hỏi và tìm hiểu trực tiếp những thực tế nghệ thuật tại Hoa Kỳ là mục đích lớn nhất của tôi chứ không phải là triển lãm tranh của mình trong mỗi chuyến đi ra khỏi Việt Nam.

Thật khó mà nói về các bạn mình. Hãy thử hoán vị vào trường hợp của họ: nếu như mình vừa mất đi những gì yêu quí nhất tại quê nhà, vừa thoát chết trên đường vượt biên rồi lạc lõng nơi xứ người mênh mông với hai bàn tay trắng và một gánh nặng gia đình cùng bao nhiêu trở ngại không thể vượt qua như ngôn ngữ, giao thông, khoảng cách, tiền bạc, thì liệu mình có thay đổi cách vẽ được không, hay còn vẽ được là giỏi rồi? Hội hoạ của thế hệ chúng tôi coi như đã kết thúc từ ngày 30.04.1975. Những gì làm sau đó với những người còn lại trong nước cũng như ra hải ngoại đều mang tính sinh tồn của cái nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có một điểm khó hiểu đối với sáng tác của những hoạ sĩ miền Nam khi bỏ nước ra đi, đó là: là bi kịch mất nước của người Việt di tản rất khốc liệt, tại sao khi đến được với tự do thì không thấy ai trong số họ có được những tác phẩm hội hoạ tầm cỡ cho nó. Nếu những hoạ sĩ Sài Gòn thành danh trước 75 còn lại trong nước không dám vẽ về những nỗi đau của lịch sử, vì bị nhà nước cấm đoán, thì các bạn ra sống ở nước ngoài hà cớ gì phải sợ các đề tài có liên quan đến chính trị? Trong lúc đó, Ann Phong, một nữ hoạ sĩ lưu vong trẻ hơn họ nhiều, lại cưu mang nỗi đau lịch sử này bằng hội hoạ của mình như một lẽ sống nghệ thuật. Cũng gần tương tự như vậy, trong nước có lớp nghệ sĩ trẻ như: Trương Tân, Nguyễn Minh Thành (Hà Nội), Nguyễn Thái Tuấn (Đà Lạt),... đã làm thứ nghệ thuật lên tiếng cho những bi kịch đang xảy ra trên đất nước, cho người Việt Nam. Có phải đây là sự bàn giao “trách nhiệm lịch sử” êm đẹp cho lớp trẻ, hay là cách tốt nhất để được yên thân của thế hệ chúng tôi?

 

14. Nói về sự lên tiếng của nghệ thuật, như vậy thì đòi hỏi ưu tiên của nghệ thuật và hội hoạ lên tiếng là gì? Những tác phẩm được coi là ngang tầm thời đại / hiện đại/ đương đại đều phải mang một thông điệp phản kháng / cảnh báo nào đó về chính trị như chiến tranh, môi trường, xung đột tôn giáo, màu da, lịch sử... để được gọi là “tầm cỡ”? Với những hoạ sĩ Việt ở nước ngoài, như Cao Bá Minh đã có tác phẩm trong bộ sưu tập thường trực của tại viện bảo tàng chiến tranh Chicago tuy hoàn toàn không cố tình sáng tác chính trị, hoạ sĩ Nguyễn Quỳnh đồng thời là giáo sư mỹ thuật ở Hoa Kỳ đã tạo một sân chơi hội hoạ Đông phương mang tính hình toán học riêng biệt, hoạ sĩ Đinh Cường với khuynh hướng nghiêng về lãng mạn suy tưởng và trí tuệ..., thì có phải đây là những bằng chứng về khái niệm nghệ thuật tự thân, qua đó, hội hoạ chính là sự tái hiện của ký ức và tinh thần người nghệ sĩ đích thực, vượt trên những yếu tố thời sự, không cần những tuyên ngôn hay triết thuyết đi kèm?

 

Trịnh Cung: Với câu hỏi này, vô tình hay cố ý, bạn đã đặt văn chương ra ngoài, như thể chỉ có văn chương mới có sứ mạng mang thông điệp về số phận con người, về lịch sử, chính trị...

Không biết từ bao giờ người ta đã phân quyền cho văn học là phải có trách nhiệm với xã hội. Có lẽ vì văn chương dùng chất liệu là chữ viết nên ảnh hưởng trực tiếp tới người đọc và là công cụ của dự báo, của phản ảnh, của phê phán, của gợi mở một đường lối,... Còn trong mỹ thuật thì người nghệ sĩ có quyền đi trên một con đường riêng, như các hoạ sĩ mà bạn đã nêu tên?

Mặc dù cần phải tôn trọng sự chọn lựa và những thành tựu sáng tạo của các bạn ấy, lâu nay tôi luôn tránh chạm vào chỗ “nhạy cảm” này, nhưng vì cách đặt vấn đề của bạn đã đặt tôi vào một chọn lựa “đổ vỡ”. Chỉ riêng về khoản suy tưởng và trí tuệ mà bạn dành cho họ, thì tôi không hiểu họ suy tưởng về cái gì và trí tuệ trong tranh họ lấp lánh như thế nào trong suốt 30 năm lưu vong ở hải ngoại? Có lẽ thành tích cao nhất của các bạn ấy là tranh của Nguyễn Quỳnh đã từng được viện bảo tàng lừng danh Guggenheim chọn mua, nhưng anh vẫn chỉ mới đặt được một chân vào cái chiếu lớn mỹ thuật thế giới. Trở lại chuyện sáng tác của các bạn ấy, tại sao tôi không tìm thấy sự chia sẻ của họ với nỗi đau lịch sử của người Việt tỵ nạn chính trị sau 30.04.1975? Họ là ai trước khi bỏ nước ra đi? Họ có ngày tù đầy nào không trong các trại cải tạo? Thời chiến tranh họ đứng về phía nào? Họ ra đi vì cái gì và bằng cách nào, bằng máy bay hay vượt biển bằng thuyền? Ra đi vì chạy trốn cộng sản hay vì sự văn minh-tự do-giàu mạnh của nước Mỹ? Rồi ở hải ngoại họ sống và vẽ như thế nào? Những thành tích của họ như bạn thấy, trừ Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Phước và Cao Bá Minh, hay cố nghệ sĩ Lê Thành Nhơn với những tác phẩm điêu khắc đã được trưng bày vĩnh viễn trong viện Bảo Tàng Nghệ Thuật quốc gia Úc, còn lại thì có được bao nhiêu giá trị thật về sáng tạo, và bao nhiêu là vì đồng tiền được lồng dưới cái gọi là lãng mạn hay nostalgia? Phải chăng sự cô đơn của họ lớn hơn mọi nỗi đau khác của dân tộc Việt? Đâu phải cứ là nghệ sĩ thì không dính đến chính trị. Bất cứ sự chọn lựa cách làm nghệ thuật nào cũng dính đến chính trị, ngay cả việc chúng ta từ khước nó. Ai nghệ sĩ hơn Phạm Duy và Trịnh Công Sơn? Phạm Duy dù cuối đời có sự chọn lựa không mấy hay ho, nhưng ông đã viết nên những ca khúc chính trị-dân tộc rất tuyệt mà đỉnh cao của dòng ca khúc này là “Việt Nam - Việt Nam”, trong đó có những câu như: “... Việt Nam không đòi xương máu / Việt Nam kêu gọi thương nhau / Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu...” Riêng Trịnh Công Sơn tuy về thái độ chính trị có phần làm lợi cho phía bên kia, nhưng khi suýt là nạn nhân của vụ Mậu Thân Huế, anh đã không thể không tố cáo Cộng Sản đã giết dân oan quá dã man: “... Chiều đi qua Bãi Dâu hát trên những xác người / Tôi đã thấy, tôi đã thấy những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em...” hoặc những lời trong ca khúc “Gia Tài Của Mẹ”: “... Hai mươi năm nội chiến từng ngày” đã gây cho anh một hậu quả chính trị kéo dài cho đến ngày hôm nay bởi sự phê phán của Cộng Sản Việt Nam.

Nếu chúng ta đặt chính trị-dân tộc đứng ngoài phạm trù sáng tác nghệ thuật thì liệu có hạ thấp vai trò người hoạ sĩ Việt Nam? Chẳng lẽ chỉ có nghệ sĩ Phương Tây như Goya, Rembrand, Delacroix, Picasso, Dalí, Marc Chagall,... mới có quyền vẽ về những bi thảm mà chính trị đã gây ra cho dân tộc của mình? Chẳng lẽ vì thế mà phần đông các hoạ sĩ bạn tôi nên xa lánh các vấn đề chính trị tồi tệ đang xảy ra cho đồng bào của họ? Theo tôi, nếu anh hay chị là nghệ sĩ đích thực thì không bao giờ dửng dưng với nỗi đau thương lớn của dân tộc mình, trừ phi sự dửng dưng ấy xác định chỗ đứng của anh hay chị ở về một phía khác của lịch sử.

 

15. Tại Cali, triển lãm “FOB II Nghệ Thuật Lên Tiếng”, quy tụ hơn 50 nghệ sĩ với chủ đề @ giao điểm của nghệ thuật + chính trị + cộng đồng đã gây kích động đến một số đoàn thể cộng đồng. Nguyên do chính là vì tác phẩm nhiếp ảnh của Brian Đoàn đưa ra một số hình ảnh có tính cách cấm kỵ trong cộng đồng như cờ đỏ sao vàng và tượng bán thân của Hồ Chí Minh, và tác phẩm hội hoạ / sắp đặt của Steven Toly có hình lá cờ vàng với 3 sọc đỏ là 3 hàng rào kẽm gai.... Năm ngoái một tác phẩm sắp đặt của Huỳnh Thuỷ Châu — cái chậu rửa chân có hình cờ vàng 3 sọc đỏ — đã dẫn đến cuộc biểu tình ở toà soạn báo Người Việt, và kéo dài sau đó. Những tác phẩm kể trên hoặc bị cho là tuyên truyền cho chế độ cộng sản, hoặc nhục mạ cộng đồng. Và mới đây, Ưu Đàm triển lãm tại Los Angeles lá cờ Vàng 3 Sọc Đỏ và cờ Đỏ Ngôi Sao Vàng được vẽ trên bao cao su cùng với nhiều lá cờ quốc gia khác, đã bị phản ứng dữ dội từ công đồng người Việt tỵ nạn ở Cali. Theo anh, việc dùng những biểu tượng chính trị có tính nhạy cảm cao như thế đem lại những gì cho tác phẩm, và đồng thời lấy mất đi điều gì?

 

Trịnh Cung: Về sự kiện FOB II hay còn được gọi là “Nghệ Thuật Lên Tiếng” đã có rất nhiều ý kiến khác nhau trên các diễn đàn truyền thông tiếng Việt. Là người từng có mặt tại FOB I, một FOB bình yên, tôi xin được đứng ngoài cuộc tranh cãi này vì ở quá xa và không được xem trực tiếp các tác phẩm ấy. Tuy nhiên, câu hỏi trong tôi đang đặt ra là: “Tại sao lại dẫn đến những phản ứng quá gay gắt của những người chống cộng để rồi phải đóng cửa triển lãm sớm?” và “Có phải việc đóng cửa sớm cuộc triển lãm này tự nó là câu trả lời và là một kinh nghiệm đắt giá cho nhà tổ chức?”

Riêng về tâm thức của những nhà văn hoá trẻ đứng ra tổ chức FOB II, các bạn có nỗi khổ của người trẻ Việt ở Mỹ sinh ra sau ngày 30.04.1975, phải đối diện với bao vấn đề của kẻ ”chân ướt chân ráo”, tôi rất chia sẻ điều này, nhưng các bạn đã coi nó quá lớn và vội vàng để dẫn tới thiếu tế nhị khi “lên tiếng”, đã gây shock hơn là kéo mọi người ngồi vào cuộc đối thoại như các bạn mong muốn. Đã thế, các bạn lại tìm cách kéo dài sự “to tiếng” của mình tại các khuôn viên của “dòng chính” (trường đại học Mỹ) để chứng tỏ mình đúng, trí thức hơn, tự do và dân chủ hơn, và các cha chú mình là lạc hậu, cứ nuôi mãi thù hận! Các bạn có cần phải làm vậy không? Và chẳng lẽ không còn cách nào tốt hơn để cải thiện tình hình chính trị-văn hoá cộng đồng Việt dưới mắt các bạn? Hơn nữa, trong lịch sử di dân của Mỹ, những vấn đề làm tổn thương cho các bạn như thế không phải là một tiền lệ. Đó là số phận chung của người di dân mới đến Mỹ, nhất là dân da màu và thậm chí sự kỳ thị này khó kết thúc sớm tại những xứ sở mà người da trắng là ông chủ.

Mặc khác, dù đã ngoài 70 nhưng tôi không phải là người bảo thủ. Ở Việt Nam, tôi đứng về các bạn trẻ, tôi học cái mới ở họ. Ở trong nước họ không được tự do như các bạn, nhưng họ đã dám làm nghệ thuật vì con người, vì tự do và dân chủ, dù rất trần ai. Ở Mỹ như Brian Đoàn, người ta chỉ chống đối đến mức như Lý Tống đã làm. Còn ở Việt Nam thì nếu bạn phê phán nhà nước, phỉ nhổ lãnh tụ, thì bạn chỉ có tù mọt gông hoặc mất tăm mất tích. Nếu các bạn yêu dân tộc và văn hoá Việt, thì Việt Nam có câu: “Cách cho quí hơn của cho”, vậy các bạn thấy cách mời gọi đối thoại của mình có thích hợp không? Chỉ xét về mặt lý luận, thì lời giải thích của những người có tác phẩm gây phẫn nộ như Brian Đoàn quả là không thuyết phục. Ở Việt Nam, thanh niên Việt, đại đa số không ai mặc áo đỏ sao vàng, họ chỉ dùng lá cờ này để xuống đường “đi bão” (Hàng mấy trăm chiếc xe gắn máy do thanh thiếu niên điều khiển cùng dàn hàng, rú ga, đua, “trình diễn” dọc những con phố lớn, gây nên một đám đông lớn lộn xộn, huyên náo và làm tắc nghẽn giao thông) khi đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng. Áo đỏ sao vàng là hàng hoá đáp ứng thị hiếu khách du lịch quốc tế và để quảng bá nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Họ, nhất là các cựu binh Mỹ khi đến Việt Nam, chỉ có mặc nó đi dạo phố. Với thực tế này, tác phẩm của Brian Đoàn đã đi ngược lại những gì anh đã giải thích sau phản ứng của cộng đồng, và nó trở thành một cách chống chế vụng về cho một tác phẩm vừa kém cả chất lượng thị giác lẫn nội hàm chính trị.

 
“Thủ Đức - Việt Nam” — Brian Đoàn, FOB II 2009
 

Riêng Ưu Đàm thì với Dự án Bao Cao Su Toàn Cầu của anh, ngôn ngữ nghệ thuật đương đại tốt hơn Brian Đoàn nhiều. Táo bạo, mới lạ (so với người Việt) là điểm đáng chú ý trong tác phẩm của Ưu Đàm. Tuy nhiên, lập luận bảo vệ tác phẩm của tác giả đã phát biểu trên các phương tiện tuyền thông của người Việt ở Cali là yếu kém. Anh cho rằng dự án này lấy cảm hứng từ việc người lính Mỹ chiến thắng ở Iraq là chiến thắng luôn trên giường. Thế thì Việt Nam Cộng Hoà là kẻ chiến bại và Cộng Sản Việt Nam là kẻ chiến thắng thì hà cơ gì lá cờ Vàng lại xuất hiện bên cạnh cờ Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên bao cao su? Mặt khác, người Việt Nam bỏ nước ra đi, dù nay là công dân Mỹ, thì cũng chưa có thứ “văn hoá bao cao su”, nên vẽ cờ của tổ quốc họ như thế là một điều quá thách đố. Nếu có thách đố thì hãy làm điều đó với những thế lực bạo quyền, chứ không nên với những người đồng hương đang mang trong lòng họ vĩnh viễn một nỗi đau mất nước, dù anh có nhân danh tự do ngôn luận hay bất cứ thứ danh nghĩa nghệ thuật nào.

Về cái giá mà người nghệ sĩ phải trả cho những gì mà tác phẩm của họ đã chạm vào chính trị, tôi xin đương cử trường hợp tác phẩm Sáu Sự Xuất Hiện Của Lenin Trên Cây Grand Piano của danh hoạ siêu thực Salvador Dalí vẽ năm 1931, để các bạn thấy tại sao Salvador Dalí đã bị tẩy chay ở Liên Xô cũ suốt nhiều thập niên cho đến khi ông Mikhail Gorbachev làm cuộc “Đổi Mới” để chấm dứt chủ nghĩa cộng sản ở Nga và các nước Đông Âu vào năm 1989, thì nhà hoạ sĩ siêu thực này và tranh của ông mới được người Nga nhìn nhận trở lại; và cũng để các bạn không thấy xa lạ gì về mọi hậu quả có thể xảy ra khi người nghệ sĩ đưa hình tượng chính trị vào tác phẩm. Tai hoạ không loại trừ ai, kể cả Salvador Dalí vĩ đại.

 
“Sáu sự xuất hiện của Lenin trên cây Grand Piano” — Salvador Dalí, 1931
 

Vậy khi làm nghệ thuật không hề có sự miễn trừ ngay cả khi giá trị nghệ thuật của tác phẩm ấy không thể chê vào đâu được nhưng quan điểm chính trị của nó làm phẫn nộ kẻ đứng trước nó. Chỉ còn một cánh cửa hẹp cứu lấy tác phẩm loại này là tuỳ thuộc vào tài năng lớn hay tầm thường của tác giả và trình độ hiểu biết của người đang nắm vận mệnh của tác phẩm ấy.

 

16. Anh có theo dõi các sinh hoạt mỹ thuật của thế hệ trẻ sinh trưởng tại Hoa Kỳ, các thành viên của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA như Hiệp Nguyễn, Việt Lê, Brian Đoàn, Hoàng Vũ, Ưu Đàm...? Tác phẩm của họ có những nét khác biệt gì với những hoạ sĩ trẻ trong nước như Nguyễn Thuý Hằng, Lý Trần Quỳnh Giang (và những ai “sáng giá” nữa, anh cho em biết)?

 

Trịnh Cung: Trong số các bạn trẻ như đã nêu, tôi đã gặp Hoàng Vũ, Long Nguyễn, Ann Phong và Ưu Đàm nhiều lần. Tôi rất thích con đường sáng tạo của họ. Nghệ thuật của Ưu Đàm thì táo bạo và bản năng hơn; ngược lại, tác phẩm của Hoàn Vũ đẹp tinh tế và trí tuệ dù cũng cùng một trào lưu nghệ thuật đương đại. Riêng Ann Phong, với bút pháp mạnh mẽ như những ngọn sóng dữ, với mầu xanh chủ đạo xuyên suốt luôn là một ám ảnh thường trực về thảm hoạ vượt biển trong người nữ hoạ sĩ trẻ này, đã làm cho hội hoạ của chị mang tính lịch sử của một giai đoạn đầy thảm kịch của hằng vạn người Việt bỏ nước ra đi bằng đường biển.

Ngoài ra, tôi không thể đưa ra một nhận định gì thêm về nghệ thuật của các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt còn lại, và tôi tin là ở Mỹ cũng như ở các nước khác không chỉ có chừng đó nghệ sĩ đương đại gốc Việt. Riêng chuyện khác biệt trong tác phẩm giữa các bạn ấy và anh chị em trong nước, chắc chắn là phải có. Một đằng là được đào tạo chính thức bởi các trường đại học ở Mỹ và các nước tiền tiến, và được sống giữa các trung tâm nghệ thuật đương đại của thế giới, hơn nữa các bạn trẻ gốc Việt ấy đang mang trong họ hai di sản văn hoá, thì không cách gì họ có cùng một tâm thức sống, cùng một xúc cảm nghệ thuật với các nghệ sĩ cùng thế hệ đang sống ở trong nước, một nước cộng sản kiểu Việt Nam.

 

17. Không kể đến quá trình đào tạo, chúng ta nói đến khuynh hướng sáng tác của hai nhóm nghệ sĩ tạo hình trẻ trong và ngoài nước. Những nghệ sĩ trẻ ngoài nước rất quan tâm đến việc đưa các hình thái chính trị qua biểu hiện nghệ thuật; những lãnh vực quan tâm của họ bao gồm (nhưng không giới hạn) trong các chủ đề như chính trị văn hoá và bản sắc, chính trị thân thể và tình dục, chính trị đương thời và ký ức lịch sử, chính trị kiểm duyệt và tự kiểm duyệt... Những quan tâm cùa thể hiện của nghệ sĩ trẻ trong nước có gì khác biệt?

 

Trịnh Cung: Ngoài nhiều điều rất giống nhau vì họ là trẻ và cùng hưởng những tiện ích kỳ diệu của thời đại internet, lớp nghệ sĩ trẻ trong nước tất nhiên phải có những điểm khác biệt. Họ bị sống dưới chế độ toàn trị, rất khác với các bạn Việt ở nước ngoài về môi trường sống và những yếu tố, sự kiện gây nên xúc cảm sáng tạo. Họ phải chịu một nền giáo dục mỹ thuật vừa cũ vừa không đầy đủ trong một cộng đồng rất mù mờ về mỹ thuật. Vì thế họ chịu quá nhiều áp lực trong hoạt động nghệ thuật. Họ có thừa các vấn đề gây cảm xúc nhưng không được biến nó thành tác phẩm nếu những tác phẩm đó đi ngược lại với đường lối chính trị của nhà nước. Có lẽ đây là điểm khác biệt lớn nhất và hiển nhiên nhất mà các bạn ở Mỹ không phải đối diện.

 

Sài Gòn 2009

 

 

------------

Đã đăng:

... Trong một lúc nào đó xuất hiện một khe hở quản lý văn hoá ở Hà Nội hay Sài Gòn, thì cũng đã có những triển lãm sắp đặt, trình diễn của Trương Tân, Trần Lương, Nguyễn Minh Thành,... và tranh sơn dầu của Lê Quảng Hà (“Người Máy”), Nguyễn Thái Tuấn (“Black Painting”), qua đó các nghệ sĩ đã rất mạnh mẽ lên tiếng phản biện bóng tối toàn trị của nhà cầm quyền, phản biện sự tiêu diệt hoàn toàn quyền tự do ngôn luận, quyền chọn lựa chính kiến, kể cả quyền chống ngoại xâm của người dân ở đây... (...)

 

... Dù muốn hay không thì tiến trình toàn cầu hoá vẫn cứ xảy ra và đã xảy ra qua vô số ngõ ngách, nhất là khi nhà cầm quyền Việt Nam giảm bớt chủ trương “ngăn sông cấm chợ”. Sự va chạm với văn hoá bản địa trên đường xâm nhập vào Việt Nam tất nhiên không thể nhỏ, vì bản sắc chính trị của một quốc gia cộng sản và bản sắc văn hoá truyền thống của người Việt nặng chất đình làng, hoặc cũng do mặc cảm lâu đời bị xâm lăng, thế nên nhà cầm quyền luôn có cảm giác đầy e sợ rằng những gì thuộc về tự do dân chủ sẽ tràn vào Việt Nam theo con đường toàn cầu hoá và sẽ lật mặt trái của chủ nghĩa toàn trị của Việt Nam xã hội chủ nghĩa... (...)

 

 

-----------

Mời độc giả xem thêm loạt bài phỏng vấn Trịnh Cung do Tiền Vệ thực hiện vào tháng 7 năm 2008:

... Những gì mà tôi trình bày về “Mỹ Thuật Việt Nam trong thời chiến tranh” đã đưa ra toàn cảnh của mỹ thuật hai miền Bắc và Nam Việt Nam đúng như nó đã diễn ra. Vì vừa là chứng nhân và cũng là người trong cuộc chiến thảm khốc, dai dẳng ấy, tôi đã xác định không nhìn vấn đề này theo một ý thức hệ chính trị nào. Khách quan và chuyên môn là hai tiêu chí tôi dành cho đề tài này... (...)
 
... Ngôn ngữ của mỹ thuật là một thứ ngôn ngữ khó đọc (trừ cổ điển và hiện thực), lại không thuộc về đám đông ngay cả với nghê thuật đương đại (tính cộng đồng cao hơn). Tất nhiên, đa phần hoạ sĩ đều vẽ tranh để bán mà ít quan tâm đến các nỗi đau về số phận con người, nên dưới mắt những quan chức văn hoá, mỹ thuật là đứa con ngoan hơn văn chương rất nhiều. Còn văn chương thì là một công cụ chính trị rất rõ ràng kể cả chống và làm nô dịch... (...)
 
... Hiển nhiên, không có sự phủ định cái cũ, không vượt qua cái cũ, thì chúng ta không có cái mới. Cái mới không hoàn hảo là điều tất nhiên, khi hoàn cảnh của hoạ sĩ trẻ Việt Nam đang còn như vậy. Ta hãy đọc họ ở cái ẩn chứa trong tác phẩm của họ. Cái ý niệm và hoạt động tư duy sáng tạo của họ mới là điều quan trọng nhất để ta chia sẻ với họ... (...)
 
... Các tác phẩm mới của giới trẻ đầy cá tính, to tiếng phản biện, đã đẩy mỹ thuật “chính thống” vào cái chết mòn không thương tiếc... (...)
 
... Đúng ra, người ta phải biết quí trọng mỹ thuật Trình Diễn... Nó là thứ nghệ thuật giải phóng và nhân bản nhất hiện nay... Nó chống lại tất cả những lề thói trưởng giả, kinh điển. Nó muốn băng bó lại những vết thương của cộng đồng bị xâm hại. Chẳng hạn, nó muốn mọi người phải giải trừ nạn hành hạ phụ nữ; nó muốn kêu gọi mọi người hãy vì bầu khí quyển mà bảo vệ môi trường; nó muốn thét lên thật to vì cuộc sống không có tự do... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021