điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Lại nói chuyện “Người” và “Nghề” curator

 

Trong nền mỹ thuật Việt Nam, curator là nhân vật còn thiếu và cần phải có. Không ít người trong làng mỹ thuật Việt Nam đã nói và tin như thế. Nhưng, cụ thể, curator là ai? Curator có vai trò và vị trí như thế nào — có phải curator chỉ là người chuyên tổ chức triển lãm? một loại chuyên viên hoạt động ở bảo tàng? hay là một kiểu nghệ sĩ mới của nghệ thuật đương đại? v.v...

 

Người ta cũng dạy nghề “curator” cho trẻ con đó...!

 

Nhiều người cho rằng curator là một nghề khó. Rất khó, mà trong điều kiện giáo dục đào tạo như ở Việt Nam sẽ khó có được trong một sớm một chiều. Trước đây, trong một bài báo của mình, đề cập đến chuyện curator từ đâu ra, tôi đã viết: “...Cần phải có thời gian tuyển lựa rồi đào tạo, rồi tuyển lựa lại? Thực ra, không nhất thiết. Chỉ cần dựng một thiết chế công nhận và quảng bá vai trò, vị trí curators, họ sẽ xuất hiện. Ở khắp nơi trên thế giới đều vậy: Curators có thể xuất thân từ trường lớp, có thể từ vị trí của một nhà phê bình, một giáo sư mỹ thuật, một nhà báo, một nhà quản lý nghệ thuật, cũng có thể đơn giản chỉ là một “quí ông, quí bà” am hiểu và yêu thích nghệ thuật, có tài tổ chức và thành thạo trong lãnh vực truyền thông...”. Đọc, không ít người tỏ ý không đồng tình, cho rằng “đâu dễ thế, curator nào cũng phải lận lưng dăm ba bằng tiến sĩ...

Tôi ngờ rằng “cái cảm giác” về “sự cần” và “sự to” của các curator kia chỉ là ảo tưởng. Cái ảo tưởng dễ có bởi bối cảnh và tâm thế của chúng ta khi tiếp xúc với người và nghề curator: họ xuất hiện như là những “cầu nối”, những “lực đẩy” cho chúng ta trong bước đầu hội nhập vào thế giới nghệ thuật đương đại, thấy “cái gì cũng mới, cũng lạ”, và thấy mình lạc hậu, ở bên lề... Trước bối cảnh và tâm thế này, hình ảnh các curator trở nên vừa “cao”, vừa “sang” với dáng dấp của một “thủ lĩnh”, một “đầu tàu”...

Một vài người Việt Nam, tự nhận là curator, nhiều khi đơn giản vì thích, vì thèm cái hình ảnh, cái dáng dấp vừa ‘lừng lững” vừa “lung linh” đó... Và, không chừng, chính họ, một mặt, vừa “nghiêm trọng hoá” vai trò và vị thế curator, một mặt, lại giả vờ khiêm tốn chỉ nhận là curator “nghiệp dư” đã góp phần biến curator trở thành huyền thoại, thậm chí trở thành “Bụt” luôn có sẵn ba điều ước cho ai đó may mắn!

Huyền thoại thì hấp dẫn hơn hiện thực. Đành rằng có những thành tựu trong hiện thực đã được thúc đẩy bởi huyền thoại, nhưng chỉ có huyền thoại, hiện thực không có nền móng để phát triển. Các thành tựu nếu có, rất dễ trở thành ảo ảnh có rồi tan đó... Nền mỹ thuật Việt Nam đã có quá nhiều huyền thoại!

Thực ra, đừng thấy những tên tuổi lẫy lừng như Harald Szeemann, như Hou Hanru... mà đã vội “hoảng”. Curator, không chỉ là thế giới của những người như thế. Cũng như hội hoạ không chỉ là thế giới của những Dali, Picassco... Trước khi thành “nghệ” với những đỉnh cao của mình, hội hoạ cũng chỉ là một kỹ năng cần có nơi mỗi con người: kỹ năng nắm bắt hình ảnh và các ấn tượng về thế giới thông qua kênh thị giác; kỹ năng biểu hiện nhận thức về thế giới và các cảm nhận cá nhân bằng ngôn ngữ tạo hình... Để hiểu người và nghề curator, cũng nên bắt đầu từ sự truy nguyên như thế.

Cách đâu mấy năm, bắt đầu tìm hiểu về curator, tôi suốt ngày lang thang trên mạng (internet). Những website đầu tiên tôi gặp — qua google — là những website dạy "nghề" curator cho trẻ em. Đa số nhắm đến đối tượng từ năm đến mười tuổi.

Người ta dạy gì cho các em ở đó?

Người ta dạy cho các em cách tổ chức một cuộc triển lãm. Chi li như việc chọn khung cho tranh, cách đặt tên tranh, cách làm bảng chú thích, cách treo tranh lên tường, cách bố trí ánh sáng, cách soạn thảo và trình bày một cái thiệp mời, một mẫu tờ rơi và poster quảng cáo, cách tổ chức một buổi lễ khai mạc, các nghi thức tiếp tân, cả cách diễn giải một tác phẩm, và cách ghi nhận các ý kiến phản hồi..., và, xuyên suốt, là cách làm thế nào để phòng tranh vừa hài hòa vừa biểu lộ cách nhìn, cá tính người tổ chức...

Tuy nhiên, quan trọng nhất, không phải là ở những chuyện vừa nêu. Thực tế, người ta không dạy để các em trở thành những curator "nhí". Mà sâu xa hơn, là để các em có ý thức và biết cách tổ chức cuộc sống của mình — cách tổ chức luôn bao hàm ý nghĩa truyền thông. Học cách tổ chức một cuộc triển lãm, các em đồng thời được hướng đến một bài học: tất cả những gì mình đưa ra, sắp xếp, bài trí chung quanh, đều là những yếu tố làm nên (hay thể hiện) hình ảnh bản thân mình. Đây là một ý thức "sống còn", bởi chúng ta có lẽ, ai cũng biết, sự thành bại của một con người trong xã hội không chỉ thuần túy tùy vào năng lực, mà còn tùy thuộc rất nhiều vào việc tự tạo cho mình một hình ảnh thế nào trong mắt nhìn người khác. Hình ảnh này, thể hiện qua áo quần, tóc tai, qua cách nói năng, qua tác phong đi đứng, qua cách tổ chức không gian sống, không gian làm việc v.v...Tất cả ý thức về lòng tự trọng, về ý nghĩa của cuộc sống, về giá trị của thời gian, tính hợp lý v.v... của một con người đều thể hiện qua đó.

Sự sáng tạo hình ảnh bản thân này, càng cần phải được đặc biệt ý thức, nhất là khi phải sống trong các mối quan hệ xã hội hiện đại — xã hội có những tượng trưng và ẩn dụ khác.

Sống quá lâu trong các quan hệ làng-xã, số đông người Việt Nam, thực tế vẫn chưa kịp nhận biết các đặc điểm này trong các quan hệ xã hội hiện đại. Để dễ hiểu, chúng ta thử so sánh sự khác biệt giữa cái chợ "truyền thống' của chúng ta với cái siêu thị hiện đại. Ở chợ, số lượng người bán và số lượng sản phẩm được bán, nhiều khi ngang nhau. Và, ở chợ, sự thành công hay thất bại, không phụ thuộc nhiều vào sản phẩm mà chủ yếu vào người bán. Đến chợ, người ta ít quan tâm đến bao bì, đến thương hiệu sản phẩm, đến cách bài trí sản phẩm..., mà đơn giản, chỉ quan tâm đến người bán. Người bán, nhiều khi chỉ cần ăn nói có "duyên", niềm nở một chút là đã có đông khách hàng... Siêu thị khác hẳn. Siêu thị nào hầu như cũng chỉ có người thâu tiền chứ hiếm thấy người bán. Người mua đối diện với sản phẩm. Họ lựa chọn theo niềm tin vào cái "made in..." nào đó, theo hiểu biết về thương hiệu, hay sự hấp dẫn của bao bì... Nói chung là những gì hết sức tượng trưng. Ngay cả hành động mua, cũng khác. Khi lựa chọn thương hiệu này chứ không phải thương hiệu khác, bao bì này chứ không phải bao bì khác, không chắc đã xuất phát từ nhu cầu thực tế hay hiểu biết về chất lượng, mà nhiều khi, do sự quyến rũ của chính thương hiệu, của chính bao bì, và cũng có thể là một hành động mang tính “ẩn dụ” — ẩn đàng sau, nhiều khi chỉ là những cảm giác của một thứ mặc cảm nào đó...

Siêu thị, đó là hình ảnh thu nhỏ của một xã hội hiện đại. Trong bối cảnh xã hội này, người ta nhận biết nhau, đến được với nhau, hợp tác được với nhau... bắt đầu từ sự nhận diện hình ảnh của nhau qua những "tượng trưng" và "ẩn dụ' như thế. Bất cứ ai đã hoặc đang làm việc cho một cơ quan nước ngoài nào đó, có lẽ, đều hiểu đây là một bài học quan trọng như thế nào.

Người ta không dạy các em thành curator. Người ta dạy cho các em biết cách tổ chức cuộc sống, biết cách tự thể hiện, tự truyền thông về mình.

Từ đây có thể nói: kỹ năng curator, trước hết và cơ bản hơn hết, là kỹ năng làm cho mọi người nhìn thấy mình, thấy cái mà mình muốn họ thấy... Không phát xuất từ đây để điều chỉnh cách nhìn, chúng ta sẽ khó thấy đươc bản chất công việc cũng như vai trò và vị trí của các curator trong một nền mỹ thuật...

 

Curator — thế giới của những “thằng đểu” ?!

 

Đọc đoạn trên, không ít người, đặc biệt các hoạ sĩ, chắc hẳn khó chịu. Mà khó chịu cũng phải. Một mặt, nó trái với một cách nghĩ phổ biến: “hữu xạ tự nhiên hương” — đã là “người tài” thì sẽ hiện ra tác phẩm, mà đã hiện ra tác phẩm, thì sớm muộn gì cũng được nhìn thấy, đón nhận — “ồn ào mà làm gì!”, “curator mà làm gì!”...Mặt khác, nó khơi dậy những kinh nghiệm khó chịu: sự sáng tạo hình ảnh người hoạ sĩ không thông qua tác phẩm, xưa nay và ở đâu cũng vậy, thường là những gì hết sức giả tạo. Nó mang tính chất “trình diễn” và ý nghĩa chỉ là huyễn hoặc rồi sẽ tan đi rất nhanh. Nó chỉ cần thiết cho những kẻ thực dụng, những kẻ khôn ngoan, thậm chí là của những “thằng đểu” — những kẻ không thực sự yêu ai nhưng luôn tỏ ra đa tình v.v...

Tôi sẽ đề cập kỹ hơn về những chiêu thức “sáng tạo ảo ảnh” về mình — từ cách làm cho “cao sang”, cho “siêu phàm”... cho đến “nghệ thuật tạo... tai nạn” — nơi khá đông hoạ sĩ ở khắp mọi nơi, trong bài kế tiếp. Trong bài này, tôi chỉ xin lưu ý rằng, thực ra, các hoạ sĩ không thể bỏ qua các hoạt động truyền thông về mình, không thể từ chối vai trò của các curator.

Hoạ sĩ nào, thực chất, cũng làm việc đơn độc và bao giờ cũng ở trong một góc khuất nào đó. Ngay cả khi các hoạ sĩ quây quần lại với nhau thành nhóm này nhóm nọ, thì đó, cũng vẫn là những nhóm hoạ sĩ đơn độc, ở trong góc khuất...  Thậm chí, còn là ở trong “bóng tối”. Hoạ sĩ càng sáng tác như một nỗ lực “vượt thoát”, nỗ lực “tìm kiếm”... thì lại càng ở sâu hơn trong bóng tối. Công chúng chỉ nhìn thấy hoạ sĩ, khi họ được phát hiện, được tiến cử.

Phát hiện và tiến cử hoạ sĩ cho công chúng, có thể là một đồng nghiệp đã thành danh, một nhà báo, một nhà phê bình có uy tín, nhưng cũng có thể chỉ là một “quí ông, quí bà” có địa vị xã hội và yêu thích nghệ thuật. Xưa đã vậy, và hiện tại vẫn vậy. Nhưng hiện tại, từ những năm tám mươi của thế kỷ trước trở lại đây, gắn liền với những đổi thay trong môi trường sinh hoạt mỹ thuật, đặc biệt là những đổi thay trong quan niệm nghệ thuật, dẫn đến sự phát triển rầm rộ những hình thức thực hành nghệ thuật mới, cũng như sự lùi sâu của phê bình ra hậu trường..., các curator đã nổi lên như là những nhân vật chuyên nghiệp trong lãnh vực này.

Đối với nhiều người trong làng mỹ thuật Việt nam, curator đươc hiểu chỉ là người cầm ngọn cờ “đương đại” — đứng ở vị trí đối lập hay phủ định nghệ thuật “truyền thống”. Thực ra, curator không chỉ là nhân vật của nghệ thuật “đương đại”. Với bản chất như đã nêu, curator là nhân vật “cơ bản” trong một nền mỹ thuật — nhân vật chúng ta đang thiếu và cần phải có. Bao năm qua, không có curator, các hoạ sĩ phải tự giới thiệu mình, phải tự tổ chức triển lãm, và hiệu quả — mọi mặt — thường rất kém. Khi không có curator, khi phần lớn hoạ sĩ không có kinh nghiệm “tự tiến cử mình”, thì nổi lên trên bề mặt — được công chúng biết đến nhiều và thành công trên thị trường — không chừng đúng như mọi người vẫn nói, chỉ là những kẻ khôn ngoan, khéo léo hay gặp may chứ không chắc đã là những tài năng thực sự. Tổ chức triển lãm riêng, đa số hoạ sĩ nghĩ một cách đơn giản: thuê mặt bằng ở đâu đó, treo tranh lên tường, đặt bừa cho triển lãm một cái tên, thiệp mời nhiều khi cũng in bừa (không chăm sóc gì về mặt mỹ thuật, thậm chí có thiệp mời còn sai lỗi chính tả be bét...), rồi cũng cắt băng khai mạc, cũng “nâng ly” chúc mừng như bao nhiêu triển lãm khác, thế là xong. Mà thế là xong thật! Với không ít hoạ sĩ, sau một cuộc triển lãm, phần thu về, chỉ là một vài bài báo “vô thưởng vô phạt”, một chút ảo tưởng từ những tán tụng xã giao của bạn bè, đồng nghiệp, một vài tấm ảnh chụp lúc khai mạc làm kỷ niệm mà thôi. Còn phần đóng góp cho nghệ thuật, cho xã hội, có hay không, nhiều khi cũng chẳng biết... — hiếm khi có sự hồi âm của phê bình, còn công chúng, trong đa số trường hợp, cũng chẳng biết mà đến (hay khi biết được thì triển lãm đã bế mạc mất rồi)... Các triển lãm chung, do Hội hay do Vụ Mỹ thuật tổ chức, thực tế, cũng chẳng khác gì nhiều. Thì cũng nhân lễ này lễ nọ, hay cứ theo chu kỳ hàng năm (hay vài năm) mà tập hợp lại — tranh cũ, tranh mới, tranh tả thực, tranh trừu tượng... cứ bày cùng một “mâm” — “cả làng vui vẻ”, hiếm khi có một tiêu chí, một chủ trương gì cho rõ ràng. Triển lãm mở ra mười ngày hay cả tháng rồi khép lại, và thường chẳng để lại chút dư âm, dư vị gì trong lòng xã hội. Đối với số đông công chúng, những cuộc triển lãm này gần như không có... Nói chung, đa số đã làm mà không biết rằng: “Hoạ sĩ, khi sáng tác, anh ta tạo ra một sự kiện nghệ thuật, nhưng khi tổ chức triển lãm, anh ta tạo ra một sự kiện truyền thông. Ở phần việc thứ nhất, anh ta là người chuyên nghiệp, nhưng ở phần việc thứ hai, anh ta hoàn toàn nghiệp dư...” (Lê Hoài Nam — Thể thao & Văn hoá, 12/2005). Sự có mặt của các curator, hay ít nhất, có ý niệm về hoạt động curator, hoạ sĩ có thể sẽ tránh khỏi những cách làm — “không biết để làm gì, và làm như thế nào?” — như thế!

Hơn nữa, khi phát hiện hoạ sĩ cho công chúng, bất cứ curator có tài nào cũng đồng thời làm công việc phát hiện hoạ sĩ cho hoạ sĩ. Ai tiếp xúc nhiều với các hoạ sĩ và chịu khó quan sát, đặc biệt khi có kiến thức về tâm lý nghệ thuật, có thể, đều phát hiện ngay điều này: hoạ sĩ, khi sáng tác, họ là nghệ sĩ, nhưng khi dừng lại, quyết định ký tên lên mặt tranh, thì bao giờ, họ cũng ký với tư cách người xem đầu tiên. Tư cách sau của họ, thường, “lạc hậu” hơn so với tư cách đầu một chút. Đến khi họ đặt tên cho tranh, nhất là khi họ diễn giải tranh của mình, thì trong đa số trường hợp, họ lại “lạc hậu” hơn một chút nữa. Đây là sự “lệch pha” thường tình giữa “con người sáng tạo” với “con người văn hoá” nơi từng nghệ sĩ. Khoảng cách giữa các tầng tâm thức với ý thức này càng lớn, chứng tỏ hoạ sĩ đang mù mờ về đường hướng và chưa thực sự tìm thấy được nguồn năng lượng sáng tạo có thể có nơi mình. Gắn bó với hoạ sĩ, một góp ý đúng của curator về tên tranh, về cách diễn giải tranh, nhiều khi cũng đã có tác động khai mở giúp hoạ sĩ phát hiện chính bản thân mình. (trước khi có các curator chuyên nghiệp, phần đóng góp này, nhiều khi thuộc về một “bà vợ”, một người bạn... nào đó của hoạ sĩ — không ai hay biết!)

Rõ ràng, curator là một nhân vật cần. Tuy nhiên, cũng không nên có quá nhiều ảo tưởng về họ. Đúng họ là những người chuyên nghiệp trong lãnh vực rọi sáng những vùng tối của một nền nghệ thuật để làm lộ ra những tài năng, nhưng họ không phải là các thiên thần đi ban phát ánh sáng. Cái ánh sáng mà họ mang theo — mỗi người mỗi khác — có thể phù hợp với nơi này, với người này, nhưng không chắc đã phù hợp ở nơi khác, với người khác. Vấn đề không khó hiểu, bởi, Phát hiện nào cũng là phát hiện từ một góc nhìn, tầm nhìn, cách nhìn. Curator phát hiện hoạ sĩ cho công chúng. Nhưng không có công chúng nói chung. Công chúng, chỉ có thể là công chúng của một thị trường nghệ thuật nào đó, hay công chúng của một khuynh hướng nghệ thuật nào đó, hay thậm chí, còn là “công chúng của tương lai”... Nhắm đến công chúng nào, là tùy vào vị trí, vào quan điểm, vào cách nhìn nghệ thuật của từng curator...

 

Nhưng, nói gọn lại, Curator là gì?!

Nhiều người hỏi, đại khái: “Lâu nay, tôi nghe nói nhiều về Người và Nghề curator, nhưng càng nghe càng rối — curator là người chuyên tổ chức triển lãm? curator là một loại chuyên viên bảo tàng? curator là người giám tuyển?...”
 

Nếu nhìn trên bề mặt hiện tượng, rất khó nói đầy đủ về curator — ít nhất là nói cho ngắn gọn. Trong thế giới mỹ thuật, curator có mặt ở rất nhiều vị trí khác nhau và đóng nhiều vai trò khác nhau. Không chỉ làm việc ở các bảo tàng, các trường đại học, các trung tâm nghệ thuật, các gallery lớn, curator còn có mặt ở không ít ngân hàng, không ít bệnh viện hay khách sạn. Trong “Nhà Trắng” của chính phủ Hoa Kỳ cũng có nhóm năm, bảy curator làm việc. Chưa kể đến các curator độc lập xuất hiện ngày càng đông và càng ngày càng có vai trò nổi bật như những nhân vật tiêu biểu nhất của nghệ thuật đương đại. Về công việc cũng vậy, tuỳ theo vị trí, có khi curator là người quản lý mỹ thuật, có khi là người tổ chức và điều hành triển lãm, có khi là người giám tuyển, có khi làm công việc gần như một giám đốc nghệ thuật hay một giám đốc sáng tạo (trong một công ty PR), có khi được hình dung như một mẫu nghệ sĩ kiểu mới v.v... Một điều cũng cần phải nói thêm là vai trò và trí của các curator cũng phân hoá và biến đổi ngày càng đa dạng hơn theo những kênh, những tuyến hết sức khác nhau trong cùng một thiết chế mỹ thuật. Có curator của các kênh thương mại thuần tuý, có curator của các quan hệ nghệ thuật “cơ bản”, có curator của các hoạt động ứng dụng nghệ thuật, và, có curator gắn liền với các biến chuyển của nghệ thuật đương đại...

Tìm hiểu về curator, nếu sa đà trên bề mặt này, rất dễ rơi vào mấy nguy cơ: một, dễ tưởng bộ phận là toàn thể theo kiểu “thằng mù sờ voi” — chỉ thấy các kiểu curator ở vị  trí “mũi nhọn”, mà không thấy các kiểu curator “cơ  bản” hơn thực tế vẫn đang rất cần để thúc đẩy nhanh quá trình chuyên nghiệp hoá và hội nhập các mặt của mỹ thuật Việt Nam. Nguy cơ này đang có thật. Thứ hai, bởi bao giờ cũng vậy, nổi lên bề mặt, thường là những nhân vật xuất sắc, và, cũng có khi là những nhân vật thời thượng. Bị hấp dẫn bởi cái xuất sắc, chúng ta dễ thấy curator là cái gì quá cao, quá khó. Do đó, đâm ra coi thường hay nghi ngờ những nổ lực mày mò của một số curator trong nước — trở thành một sự cản trở cho họ. Bị hấp dẫn bởi cái thời thượng, chúng ta dễ xem nhẹ những cái bình thường. Trong khi thực tế, tất cả đều phải sống và bắt đầu từ những cái bình thường

 

Theo tôi, tốt hơn hết, nên quay về bắt đầu với các định nghĩa cơ bản về bản chất hoạt động curator. Ban đầu, có thể hơi trừu tượng, mơ hồ, nhưng dần dần, qua quá trình diễn giải, chúng ta dễ dàng nhận thấy các quan hệ thực tế của hoạt động curator với nhu cầu đổi mới — chuyên nghiệp hoá và hội nhập — của chúng ta như thế nào. Về nguyên tắc, rõ ràng, chỉ khi nhận thấy các quan hệ thực tế này, chúng ta mới có thể sẵn sàng một ý thức tiếp nhận, và sau đó, mới có thể sẵn sàng một thiết chế bảo trợ “chính danh hoá” vai trò và tư cách curator. Và sau nữa, mới có thể hình dung hết các vị trí, cũng như các điều kiện và các yêu cầu cần thiết để xây dựng một lực lượng curator của mình...

Về bản chất, có thể nói một cách vắn tắt, curator là những người làm công việc PHÁT HIỆN và TIẾN CỬ nghệ thuật. Xin lưu ý: khi nói đến PHÁT HIỆN, phải nhớ đến TIÊU CHÍ và TIÊU CHUẨN, khi nói đến TIẾN CỬ, phải nhớ đến ĐỐI TƯỢNG, MỤC ĐÍCH và CÁCH THỨC. Và, khi nói đến nghệ thuật, cũng không nên quên, đó không phải là một thế giới thuần nhất như ta vẫn tưởng mà luôn luôn có sự phân hoá thành những KÊNH (giao tiếp), những NGƯỠNG (giá trị) hết sức khác nhau — không (nhất thiết) phủ định nhau. Trong hoạt động curator, hai phần việc PHÁT HIỆN và TIẾN CỬ không tách rời, và tất cả, bao giờ cũng nằm trên một kênh giao tiếp, một ngưỡng giá trị nghệ thuật nhất định: phát hiện là để tiến cử; tiến cử cho ai, để làm gì, sẽ quyết định tiêu chí, tiêu chuẩn phát hiện, và, sẽ quyết định cách thức tiến cử, cũng như vị trí curator. Khi curator làm việc cho gallery thương mại với mục đích làm thế nào thu lại lơi ích kinh tế cao nhất và ổn định..., thì rõ ràng, tiêu chí phát hiện của anh ta phải là các hoạ sĩ đã ăn khách hoặc có khả năng ăn khách. Riêng về tiêu chuẩn phát hiện thì tùy vào tài năng — liệu anh ta có đủ kinh nghiệm và nhạy cảm để đọc được hay tiên đoán được những biến chuyển trong nhu cầu thị trường tương ứng hay không, cũng như để đọc được khả năng cùng những triển vọng đáp ứng của các hoạ sĩ hay không. Cuối cùng, quyết định sự thành hay bại, vẫn là cách thức anh ta tiến cử hoạ sĩ ra thị trường đối tượng như thế nào. Trong cách thức tiến cử, việc tổ chức các cuộc triển lãm, việc vận động sự ủng hộ của giới truyền thông, phê bình, việc tiếp cận vận động trực tiếp khách hàng đối tượng, việc chăm chút hình ảnh hoạ sĩ trong lòng công chúng nói chung và khách hàng đối tượng nói riêng v.v... đối với anh ta là những việc vô cùng quan trọng, đòi hỏi anh ta vừa phải nhìn rộng vừa phải chi li, vừa phải mơ mộng vừa phải rất thực tế, đặc biệt là phải giàu năng lực sáng tạo... Khi curator làm việc cho một bảo tàng nghệ thuật, với nhiệm vụ lôi kéo mọi người đến bảo tàng, thì tiêu chí của anh ta, không gì khác hơn, chính là làm cho bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn, gần gũi hơn với mọi người. Ở đây, tiêu chuẩn là phải phát hiện ra những giá trị mới mẻ có quan hệ với cuộc sống đương đại, phải sáng tạo ra các hoạt động mở rộng hoặc gia tăng giá trị của bảo tàng từ thế giới hiện vật đã có hay cần phải bổ sung. Sự tiến cử của anh ta ở đây, là tiến cử một cách nhìn mới, một cách cảm nhận mới về nghệ thuật. Cách thức hoạt động của các curator trong các bảo tàng đã không ngừng được sáng tạo: Anh ta phải biết cách tổ chức các triển lãm chuyên đề, phải biết cách tổ chức các hoạt động giao lưu, cũng như các hoạt động tuyên truyền, giáo dục v.v...

Diễn giải qua các vị trí khác, chúng ta hẳn thấy, không chỉ công việc mà cả tư cách curator cũng biến đổi theo, hết sức đa dạng. Nhưng chỉ qua hai ví dụ trên có thể tạm rút ra kết luận, với bản chất hoạt động như vậy, curator là một CẦU NỐI hết sức quan trọng giữa các thành phần khác nhau trong một nền mỹ thuật, và giữa các nền mỹ thuật; là một LỰC ĐẨY cũng hết sức quan trọng cho sự vận động đổi mới của các thành phần khác nhau trong một nền văn hoá mỹ thuật...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021