VĨNH BIỆT TOAN ÁNH: NHÀ BẮC BỘ HỌC UYÊN THÂM, GẦN GŨI
(bài viết của Lý Đợi)
Theo tin từ gia đình, nhà văn / nhà văn hoá Toan Ánh đã từ trần vào khoảng 23 giờ 50, ngày 14/5 (tức 20/4 Âm lịch) năm 2009, hưởng thọ 95 tuổi. Trong suốt thế kỷ 20, cùng với Sơn Nam (chuyên về phong tục Nam bộ), Nguyễn Văn Xuân (phong tục Trung bộ), Toan Ánh được xem là nhà phong tục học Bắc bộ tài hoa. Lĩnh vực nghiên cứu của ông trải rộng từ phong tục, tín ngưỡng và nhạc cổ Việt Nam.
TOAN ÁNH
(1914-2009)
Đã hết “phong lưu đồng ruộng”
Toan Ánh tên thật là Nguyễn Văn Toán, sinh năm 1914, thuở nhỏ đi học tại quê nhà và học ở Hà Nội. Ông làm thơ và viết văn từ rất sớm, năm 1934, ông đã có thơ đăng báo Loa, ký tên là Đào Vân; đến 70 tuổi, ông vẫn còn làm thơ tình. Truyện ngắn “Chiếc nhẫn quý” in trên Tiểu thuyết thứ Bảy năm 1935. Trước năm 1945, ông từng cộng tác với nhiều báo và tạp chí như Tao đàn, Trung Bắc Chủ nhật, Bạn dân, Tiểu thuyết thứ Bảy, Bạn đường... ở Hà Nội; và Tân dân, Bách khoa, Lẽ sống... ở Sài Gòn. Những tác phẩm đầu tiên của ông phải kể đến là Bước đầu (Anh Thịnh xuất bản, 1943, Hà Nội), Phong lưu đồng ruộng (Anh Hoa xuất bản, 1944, Hà Nội)...
Đã nhiều lần, và ngay cả trong hồi ký, ông tự giới thiệu về mình như sau:
“Tôi quê ở làng Thị Cầu, huyện Võ Giàng, Bắc Ninh - một vùng đất quan họ nổi tiếng. Vì vậy, bài biên khảo đầu tiên của tôi viết về tục hát quan họ ở vùng quê tôi, bài này đăng trên báo TRUNG BẮC TÂN VĂN năm 1937, dưới bút danh Minh Trúc. Hát quan họ là một giọng hát đặc biệt, không phải của toàn miền Bắc mà chỉ của mấy huyện Tiên Du, Võ Giàng và Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và của mấy xã thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, như: Mật Ninh, Nội Ninh, Sen Hồ. Thời trẻ, tôi nhiều lần đi theo bọn hát quan họ nhưng không hề cất tiếng hát lần nào. Thú thật là tôi không có giọng để có thể hát được quan họ. Tuy vậy, tôi tìm hiểu, ghi chép kỹ và sau này đã viết các cuốn CẦM CA VIỆT NAM, HỘI HÈ ĐÌNH ĐÁM.”
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ khi lập quốc cho tới cuối thế kỷ 19, vùng đất Bắc Ninh (đời Hồng Đức, triều Lê gọi là Kinh Bắc) đã có tới 17 trạng nguyên, 622 tiến sĩ. Toan Ánh sinh ra từ truyền thống hiếu học này, nên thừa hưởng được sự bài bản, bác học và cả sự tinh tế, thanh lịch trong ứng xử, nghiên cứu. Đương thời, ông luôn đau đáu về chuyện xưa, nếp cũ của văn hoá và phong tục Bắc bộ. Cách viết của ông vốn trong sáng, gần gũi; không giống bậc tiền bối Phan Kế Bính (1875–1921) khi viết Việt Nam phong tục (1915); và càng khác với văn phong của nhà văn Nguyễn Tuân (1910–1987) khi viết tùy bút. Ông đúng là kẻ “phong lưu đồng ruộng”, bởi từ khi còn rất trẻ cho lúc rời xa cõi thế, quan điểm, thẩm mỹ và chí hướng nghiên cứu, biên khảo của ông vẫn vậy. Ông đi ra từ hồn quê gốc rạ, và dùng học thuật để nhìn về hồn quê gốc rạ.
Và về với “hương nước hồn quê”
Năm 1939, ông lập gia đình, vợ ít hơn 9 tuổi, người cùng quê. Họ sống với nhau được 30 năm, có 11 người con, khi ông 55 tuổi (1969) thì người vợ yêu quý qua đời, lúc ấy bà mới 46 tuổi. Từ đó tới năm 2009, đã 40 năm qua, ông sống đời goá bụa...
Năm 1954, ông di cư vào Nam; năm 1955, ông giữ chức quản thủ thư viện Bộ Thông tin ở Sài Gòn cho tới khi nghỉ hưu. Trước 1975, có lúc ông được mời dạy về văn hoá, phong tục tại Đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn) và Đại học Văn khoa Huế.
Toan Ánh uyên thâm Nho học và vững vàng về tiếng Pháp, nên khi nghiên cứu, biên khảo, ông đều vận dụng linh hoạt hai vốn kiến văn này, dùng phương pháp phân tích của phương Tây để tìm hiểu văn minh của nước nhà. Ông nổi tiếng nhất với các bộ sách về nếp cũ, người xưa (11 cuốn) như Nếp xưa (Xã hội ấn quán, 1693), Nếp cũ – con người Việt Nam (Nam Chi tùng thư, 1966, Sài Gòn), Nếp cũ – tìn ngưỡng Việt Nam, 2 tập (Nam Chi tùng thư, 1967-68, Sài Gòn), Nếp cũ – làng xóm Việt Nam (Nam Chi tùng thư, 1968, Sài Gòn)...
Đối với nhiều nhà nghiên cứu quốc tế, hay những sinh viên nước ngoài đến học, làm việc về văn hoá tại Việt Nam, các cuốn sách của Toan Ánh là một lựa chọn, vì sự minh bạch, gần gũi. Ngoài ra, bộ Việt Nam chí lược (gồm 5 cuốn) cũng rất có giá trị về nghiên cứu, sưu khảo; những cuốn sách khác như Cầm ca Việt Nam, Hồn muôn năm cũ, Trong họ ngoài làng, Ta về ta tắm ao ta... cũng rất lý thú khi đọc.
Trong mỗi tác phẩm của ông, cách đặt vấn đề nhất quán, hành văn dung dị, nhưng cách tiếp cận thì khá linh hoạt. Năm 1957, ông viết Trong lũy tre xanh để phê phán thói hư tật xấu ở làng; ngay năm sau, ông tái bản Phong lưu đồng ruộng để ngợi ca văn minh thôn xóm. Hay như bộ Những truyện ăn trộm và Nghệ thuật bắt trộm cũng đã là một sự “thách đố” về suy luận của người đọc. Năm 1999, ông cho xuất bản cuốn Hương nước hồn quê, cắt nghĩa ca dao bằng cách phân tích các câu chuyện tình yêu nổi tiếng trong lịch sử... Nói chung, để biết thế nào là phong lưu và văn minh đồng ruộng; để biết thế nào là hội hè đình đám, nếp cũ, tục xưa; để biết câu ca điệu lý, giọng quan họ, các nhạc cụ cổ truyền và phong cách diễn xướng... của các đồng quê Bắc bộ, thì không thể nào bỏ qua các sách của Toan Ánh. Qua hàng ngàn trang sách, ông cũng đã bày tỏ lòng tự tôn về một vùng đất, về một dân tộc có truyền thống về văn hoá, nếp sống văn minh, và vẻ đẹp của tinh thần.
Tháng 5/2004, NXB Trẻ đã ký Hợp đồng nhượng quyền có thời hạn để họ độc quyền xuất bản trên toàn quốc Toan Ánh toàn tập (gồm 124 tác phẩm đã in và chưa in) trong thời hạn 10 năm (2004-2015).
_________________________
Hình ở đầu bài: Chân dung TOAN ÁNH (ảnh chụp năm 2008)