tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Ngày đại lễ của đất nước  [đối thoại]

 

Lần đầu tiên tôi đến Sydney Opera House để xem kịch là vào năm 1985, và đó là vở Master Class của David Pownall. Bao nhiêu năm đã trôi qua rồi mà những hình ảnh trong vở kịch ấy vẫn còn để lại ấn tượng thú vị trong ký ức tôi. Vở kịch kể chuyện Stalin và Zhdanov dạy cho Prokofiev và Shostakovich sáng tác nhạc. Stalin và Zhdanov mà dạy sáng tác nhạc ư? Sao lại không. Các nhà lãnh tụ độc tài là những kẻ có mọi khả năng và có thể dạy thiên hạ bất kỳ điều gì!

Trước khi kể lại dăm ba chuyện trong vở kịch, tôi xin nói lướt qua một chút xíu về nguyên nhân tại sao Stalin và Zhdanov nẩy ra ý muốn dạy cho các nhạc sĩ cách sáng tác nhạc. Stalin bắt đầu muốn dạy sáng tác nhạc từ năm 1947, sau khi ông đi xem một vở nhạc kịch của Vano Muradeli, nhà soạn nhạc người Georgia.

Để làm tăng màu sắc văn hóa địa phương, Muradeli đã mang điệu múa dân gian lezghinka vào vở nhạc kịch, nhưng thay vì mượn nguyên cái giai điệu cổ truyền, ông lại sáng tác một giai điệu mới cho điệu múa ấy. Stalin là người Georgia, đến xem vở nhạc kịch vì óc tự hào dân tộc. Khi điệu múa dân gian lezghinka bắt đầu diễn ra trên sân khấu, Stalin rất thích, vỗ tay theo đoạn nhạc dạo, nhưng ông ngưng vỗ tay lập tức, và trở nên cau có, vì ông chờ nghe cái giai điệu cổ truyền mà lại chỉ nghe cái giai điệu mới. Ông xoay sang Zhdanov, phàn nàn: “Thằng này nó viết thứ nhạc gì vậy?” Zhdanov đáp: “Nó sáng tác giai điệu mới để đệm cho điệu múa cũ.” Stalin phán: “Ngu xuẩn. Phải dạy cho bọn chúng thế nào là sáng tác nhạc.”

Thế rồi sau đó Stalin và Zhdanov bắt tay vào việc dạy sáng tác nhạc. Trong hàng ngũ nhạc sĩ thời đó, Prokofiev và Shostakovich là hai tên tuổi lớn nhất, thế nên Stalin và Zhdanov cần phải dạy cho họ trước, để làm gương, và cũng vì Stalin không thể nghe nổi nhạc của Prokofiev và Shostakovich, thứ nhạc mà ông cho là “không có giai điệu, hình thức chủ nghĩa, tiểu tư sản, tiêu cực…” Tất nhiên, ở ngoài đời, cái cách dạy sáng tác nhạc của Stalin và Zhdanov thì lạnh lùng, ghê rợn, bằng nghị quyết, bằng chỉ thị, và bằng hình phạt; nhưng, trong vở kịch, thì kịch tác gia David Pownall khéo léo khai triển những khía cạnh cười ra nước mắt.

Cảnh gây sốc nhất trong vở kịch Master Class là cảnh Stalin bảo Prokofiev mở cho ông nghe những đĩa nhạc nào mà Prokofiev tự cảm thấy hài lòng nhất. Prokofiev mang ra cả một chồng đĩa nhạc, nhưng đĩa nào cũng bị Stalin chê trách. Thế rồi, để biểu diễn cơn thịnh nộ của một nhà lãnh đạo tối cao, Stalin quơ luôn cả chồng đĩa nhạc, vừa gào thét vừa ném thật mạnh cho từng đĩa nát ra hành trăm mảnh trên sàn nhà. Sân khấu đầy những tiếng đĩa vỡ dòn tan như pháo. Mảnh đĩa bắn tung toé khắp cả phòng.

Cảnh buồn cười nhất là Stalin ngồi trước đàn piano, sáng tác một bản nhạc để làm mẫu mực cho Prokofiev và Shostakovich noi theo. Ông lọ mọ gõ từng nốt vụng về, nhưng với vẻ mặt hết sức tự hào, và cuối cùng ông “sáng tác” được một giai điệu ngắn, cực kỳ ngô nghê. Zhdanov hết lời ca ngợi cái giai điệu đó, và Stalin ra lệnh cho Prokofiev và Shostakovich dùng cái giai điệu đó để soạn thành một bài hợp xướng phù hợp với tính Đảng và tính nhân dân.

Lãnh tụ Cộng sản tài hoa dường ấy, thì lãnh tụ phát-xít cũng tài hoa chẳng kém. Trong cuốn The cult of art in Nazi Germany, Eric Michaud mô tả rằng Hitler đã giáo dục, bổ nhiệm, và hướng dẫn cho các nghệ sĩ.[*] Chỉ riêng một mình ông mới có thể nhìn thấy mọi phương diện của một tác phẩm, và các nghệ sĩ có nhiệm vụ lắng nghe ông để làm sao thể hiện được cái “Tư Tưởng vĩ đại” của ông trong tác phẩm.

Những kẻ có tham vọng lãnh đạo chính trị, bất kỳ thuộc chủ nghĩa nào, nếu thiếu căn bản văn hoá và đạo đức, thì chỉ đem tai hoạ đến cho xã hội. Cái tâm lý “lãnh đạo” khiến những kẻ ấy càng ngồi lâu ở vị trí “lãnh đạo” thì càng trở nên vĩ cuồng. Họ thấy mình càng ngày càng to lớn hơn thiên hạ, thông tuệ hơn thiên hạ, tài ba hơn thiên hạ về mọi phương diện. Cuối cùng, họ thấy trong thiên hạ chỉ một mình họ là có khối óc để suy nghĩ, có con mắt để nhìn, có lỗ tai để nghe, và có cái miệng để nói. Họ thấy toàn thể quần chúng đều ngu xuẩn, mù loà, điếc lác, câm ngọng. Vì thế họ cần phải giảng dạy cho mọi người trong xã hội về mọi điều, mọi việc. Và họ thấy không ai có thể thay thế được họ nữa.

Italo Calvino có viết một truyện ngắn rất lạ lùng, nhưng hết sức thâm thuý. Truyện có nhan đề “La decapitazione dei capi” (Chém đầu lãnh đạo).[**] Trong đó, ông kể chuyện về một quốc gia dân chủ tuyệt đối. Quốc gia ấy không có loại lãnh đạo vĩ cuồng tham quyền cố vị, vì hiến pháp quy định rằng khi mỗi nhiệm kỳ chấm dứt, thì toàn thể thành viên trong nội các của chính phủ phải bước lên máy chém. Và sau khi chém đầu họ xong, nhân dân sẽ chào đón một chính phủ hoàn toàn mới. Ngày lễ chém đầu lãnh đạo là ngày đại lễ của đất nước!

 

 

_________________________

[*]Eric Michaud, The cult of art in Nazi Germany, trans. Janet Lloyd (Palo Alto, CA: Stanford University Press, 2004) 50.

[**]Italo Calvino, “La decapitazione dei capi”, Il Caffè, XIV, 4, 04/08/1969.

 

 

---------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021