tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Inrasara thân mến  [đối thoại]

 

Bạn không cần dàn trận rất nhiều từ ngữ xủng xoẻng, đao to búa lớn, các tiểu mục in đậm để chống chế cho cách lập luận sai lầm và khiên cưỡng của bạn mà tôi đã nhiệt tình, thành tâm chỉ ra. Phần chống chế dài lê thê của bạn, thực ra chỉ tóm lại trong 1 câu: mặc dù các bạn thơ nữ Việt Nam, (nếu kể từ Dư Thị Hoàn, Tuyết Nga... mà bạn coi là thế hệ cách tân đầu tiên) cho đến Phan Quỳnh Trâm, Khương Hà Bùi... thế hệ hậu-hiện đại đã hoàn tất sứ mệnh: giãy giụa thành công khỏi tấm lưới định kiến về giới nữ vây bủa từ phía nam quyền mà (may sao) vẫn tồn tại ở nơi nào đó để phải khổ công phá bỏ(!), (trong khi với thế giới văn minh, nó từ lâu đi vào dĩ vãng), và thời điểm 2015 khi nhà thơ Inrasara công phu viết cả 1 cuốn sách khảo sát 20 nhà thơ nữ thì các nhà thơ của cả 3 thế hệ cách tân ấy, không ai được cầm đèn chạy trước ô tô, phải lần lượt kế thừa nhau và phải chờ sắp xếp của bạn để mà phá bỏ cái định kiến mà ngoài thế giới người ta phá bỏ từ năm 1949! (Cũng theo bạn Sara thì người viết nhất định phải lấy những định kiến từ bên ngoài, từ chuyện “giải thưởng nhỏ, to” trở đi làm thành “vấn đề” của chủ thể sáng tạo!)

Cám ơn bạn đã đưa ra cho tôi và độc giả một định nghĩa rất lạ tai mà buồn cười: “nhà phê bình thực hành” là nhà phê bình nhất định phải tìm cho bằng được một cái phòng thí nghiệm nào đó để gieo cấy các hiện tượng nhất quyết minh họa cho một thứ lý thuyết mà từ lâu thế giới đã hoàn tất và bỏ qua, (ví dụ như vấn đề nữ quyền buộc vào thơ hay vaccine đậu mùa...) để rồi reo lên EUREKA!

Từ “thế hệ” Dư Thị Hoàn và Tuyết Mai hay xa nữa, Thuỵ An, Lệ Hằng..., giới tính đã là như nó vốn là, chẳng hề mặc cảm hay che đậy. Giới tính NỮ được xưng tụng, kiêu hãnh từ vài trăm năm trước chứ đâu cần đến Sara phải lẩm cẩm đề nghị “cắt đuôi” cho nó làm người. Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn... đều đàn ông Nho gia thứ thiệt, cớ sao lại đều phải nương vào hình bóng người nữ để bộc bạch con người trữ tình của mình? Chẳng phải hình ảnh người nữ là tinh tế, phức tạp, cao siêu, là biểu tượng hơn mọi biểu tượng lắm ru?

Bài hồi âm của bạn khiến tôi buồn ngủ. Trước khi tôi ngủ gục, chân tình lưu ý bạn thêm một điều: đừng vội vàng phát hiện nét độc đáo ở một tác giả thơ khi chưa đọc kỹ và suy nghĩ nghiêm túc về tác giả ấy. Ví dụ. Vi Thùy Linh, trong hai tập KhátLinh là hai tập đáng được kể của cô, với nhân vật nữ là một cô gái trẻ hơi ngốc nghếch chưa nếm trải được gì nhiều “ẩn mật” của tình yêu, chỉ muốn thông qua tình ái, tình dục (có khi được lạm dụng như một phương tiện), hay một bản thể khác để chứng nghiệm lại cá nhân, tại sao bị mang ra so sánh một cách bất công để làm nổi bật “vực thẳm về nhận thức”? Kể ra Vi Thùy Linh cũng oai vệ quá rồi, cô không cần ai phải bênh vực. Nhưng bạn Sara thì cần xem lại điều tôi gợi ý: định nghĩa về ý tưởng nữ quyền và định nghĩa về THƠ để khỏi lầm lẫn hai khái niệm và tôn xưng những bài thơ ngớ ngẩn, trùng lặp.

Tôi chấm dứt trao đổi với bạn tại đây để khỏi chết vì chán ngấy. Bên ngoài giễu cợt, nhưng không phải nói gì chứ, tôi rất thành tâm. Bạn biết mà.

 

Khánh Phương

 

-------------------

Bài liên quan:

03.07.2015
[TRANH LUẬN VỀ THƠ] ... Sáng nay, mở mắt đọc ngay bài Khánh Phương quảng cáo cho tác phẩm sắp phát hành của tôi: Thơ nữ trong hành trình cắt đuổi hậu tố ‘nữ’ ... Tiếc là bạn quảng cáo hơi trật, trật từ chi tiết nhỏ trật đến trung tâm tinh thần cuốn sách... (...)
 
02.07.2015
[TRANH LUẬN VỀ THƠ] ... Với một nhan đề chứa khái niệm thiếu tính khoa học và sẵn mang định kiến với một dòng thơ “tụt hậu”, thua kém, dù có gọi dưới bất kỳ tên gọi nào, cách tiếp cận của Inrasara cho thấy tính kỳ thị nặng nề đối với vấn đề “tính nữ” hay chữ “nữ”... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021