tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Từ “sự không biết” đến sự trí trá  [đối thoại]

 

Những sự kiện quanh bài nói chuyện “Không biết và không muốn biết” của Nguyễn Thị Từ Huy khiến tôi muốn nói lên vài ý kiến.

Tôi sống ờ Tiệp từ năm 1969 đến nay nhưng chỉ đọc được 6 cuốn tiếu thuyết của Kundera bằng tiếng Tiệp: Žert (Trò đùa, 1967), Valčík na rozloučenou (Điệu valse giã từ, 1972), Život je jinde (Đời sống ở nơi khác, 1973), Kniha smíchu a zapomnění (Sách về tiếng cười và sự quên lãng, 1978), Nesnesitelná lehkost bytí (Đời nhẹ khôn kham, 1984), và Nesmrtelnost (Sự bất tử, 1990).

Milan Kundera là nhà văn Tiệp, nhưng độc giả Tiệp lại không may mắn bằng độc giả Việt Nam. Những cuốn nổi danh sau này của Kundera như La Lenteur (1995), L'Identité (1998) và L'Ignorance (2000) thì độc giả Tiệp không có bản dịch tiếng Tiệp để đọc. Chính tác giả Kundera có lẽ không có thì giờ để dịch những cuốn sách của mình sang tiếng Tiệp và cũng có lẽ vì số bản in tiếng Tiệp ít quá, không bõ công cho ông tự dịch. Các dịch giả người Tiệp thì không ai dám dịch tiểu thuyết của Kundera sang tiếng Tiệp khi ông còn sống sờ sờ ở đây, vì họ sợ dịch không chuẩn, không hay. Cách đây vài năm có một dịch giả giấu tên, ký bút danh C.B.D., đã dịch cuốn L'Identité sang tiếng Tiệp là Totožnost, rồi tung lên internet, gây nên một cuộc tranh cãi xôn xao trong văn giới Tiệp, người thì ủng hộ, kẻ thì phản đối vì cho là dịch mà không có sự đồng ý của tác giả là hành động xúc phạm, người thì khen ít ra cũng có bản tiếng Tiệp để đọc, kẻ lại chê là bản dịch có nhiều chỗ sai, không xứng với nguyên tác tiếng Pháp... Mời các bạn xem cuộc tranh luận “Lze pirátský překlad Kunderovy Totožnosti chápat jako chvalitebný počin?” trên báo Literárky.

Cuốn L'Ignorance thì mãi đến nay vẫn chưa có bản tiếng Tiệp. Độc giả Tiệp biết tiếng Pháp, tiếng Anh... thì tìm mua bản ngoại ngữ. Ai không biết ngoại ngữ thì chỉ nghe loáng thoáng nói cái tên sách Nevědomost, tức là cuốn L'Ignorance, chứ không thể có bản tiếng Tiệp để đọc. Nên nhớ là ở Tiệp rất ít người biết tiếng Pháp. Dân gốc Việt có ở Tiệp khoảng hơn 60 nghìn người, còn dân gốc Pháp chỉ có khoảng hơn 2 nghìn.

Trước đây chừng 5 năm, tôi có đi nghe một bài nói chuyện về cuốn L'Ignorance trong một hội trường nhỏ ở Praha. Diễn giả thuyết trình trôi chảy trước một cử tọa chừng 20 người. Lẽ tất nhiên là diễn giả nói tiếng Tiệp và khán giả nghe rất thích. Nhưng sau bài thuyết trình, có những khán giả thắc mắc nếu muốn mua cuốn Nevědomost thì mua ở đâu. Diễn giả nói hãy đọc nguyên tác L'Ignorance hay mua các bản dịch ngoại ngữ vì chưa có bản dịch tiếng Tiệp. Khán giả tiu nghỉu, thất vọng. Nghe nói hay quá thì ai cũng muốn đọc để thưởng thức, nhưng không có bản tiếng Tiệp thì thà đừng nghe còn hơn, vì cảm giác ấm ức giống như chỉ được cho ngửi mùi thơm của thức ăn mà lại không được cho ăn vậy.

Đến đây thì tôi xin chuyển sang bài nói chuyện của Nguyễn Thị Từ Huy ở Cà phê Sách Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội, hôm 25/01/2011 vừa rồi. Không biết chị có lối nói sôi nổi hấp dẫn bằng ông diễn giả người Tiệp ở Praha hay không, nhưng tôi đoán là sau khi nghe chị nói thì khán giả cũng muốn tìm đọc bản tiếng Việt của cuốn L'Ignorance. Trong bài thuyết trình, chị nói cái tên sách tiếng Việt là “Sự không biết”, vậy thì người ta biết mua bản dịch ấy ở nơi nào! Ví dụ như có người xách xe chạy ra các hiệu sách ở Hà Nội để tìm cho ra cuốn “Sự không biết”, thì có lẽ họ sẽ tìm cho đến bét mắt.

Trên báo Tia Sáng hôm 21/01/2011, Nguyễn Thị Từ Huy có nhắc đến bản dịch Vô tri của Cao Việt Dũng. Nhưng vừa nhắc đến cái tên sách Vô tri là chị đã nói ngay là chị “không đồng tình”, “không tán thành cách dịch tên tác phẩm là Vô tri”. Rồi chị giải thích lung tung lên, nào là dịch thành “Sự không biết” như chị mới đúng, hay nếu muốn dùng cấu trúc hán ngữ để dịch từ l’ignorance thì phải dùng chữ “bất tri” mới được...

Độc giả lơ mơ nghe chừng ấy thôi cũng chẳng dám bỏ tiền mua bản dịch Vô tri làm gì, vì ngay cái tên sách mà đã dịch sai thì làm sao dám tin chất lượng dịch của nội dung sách? Vậy thì hóa ra độc giả Việt Nam tưởng là may mắn hơn độc giả Tiệp, rốt cuộc cũng chỉ ngửi khói như độc giả Tiệp. Nghe cho sướng, rồi nhịn thèm. Chán mớ đời.

Nhưng những sự kiện quanh bài nói chuyện “Không biết và không muốn biết” của Nguyễn Thị Từ Huy thật ra còn ly kỳ hơn nhiều. Hôm 21/01/2011 chị chê cái tên sách Vô tri, nhưng hôm 25/01/2011, ngay trước buổi thuyết trình, chị lại nhắn trên blog của Cao Việt Dũng là:

“Rất có thể là tôi nhầm lẫn trong cách hiểu NGHĨA TIẾNG VIỆT của từ “vô tri”. Rất mong được trao đổi và học hỏi thêm bạn Cao Việt Dũng...”

Nói thế tức là Nguyễn Thị Từ Huy đã nhận ra cái từ “Vô tri” cũng có ý nghĩa tương đương với cái “Sự không biết” của chị. Thế mà trong buổi thuyết trình sau đó chị vẫn khăng khăng nói tên cuốn sách là “Sự không biết” và hoàn toàn lờ đi cái tên bản dịch Vô tri. Giá như chị thuyết trình bằng tiếng Pháp về cuốn L'Ignorance để rồi khán giả sẽ tìm mua bản tiếng Pháp ấy để đọc thì hợp lẽ. Đằng này chị thuyết trình bằng tiếng Việt cơ mà!

Lại còn có thêm những cái thiếu thật thà.

Nguyễn Thị Từ Huy nói: “Còn về vụ giấy mời và thông tin báo chí thì quả thật là tôi không liên quan và cũng không biết mọi chuyện đã diễn ra như CVD tường thuật”.

Nhưng cô Thái Thanh của báo Tia Sáng lại nói: “Về giấy mời: Giấy mời được soạn thảo theo ý của chị Từ Huy.”

Nguyễn Thị Từ Huy cũng nói: “Thực ra đây là một bài viết được gửi cho tạp chí Tia Sáng, và từ bài viết đó mà những người tổ chức hình thành ý tưởng về buổi nói chuyện. Và buổi nói chuyện này có chủ đề là một vấn đề căn bản của cuốn sách, đó là chủ đề “sự không biết”. Tôi sẽ đề nghị tạp chí Tia Sáng công bố nhanh bài viết này để giải tỏa mọi hiểu lầm có thể.”

Nghĩa là trước hết chị đã gửi bài viết cho báo Tia Sáng. Rồi “từ bài viết đó mà những người tổ chức hình thành ý tưởng về buổi nói chuyện”. Rồi ngày 21/01/2011 Tia Sáng đưa ra thông báo về buổi thuyết trình của chị, trong đó có cả cái ý tưởng chê bai cách dịch “Vô tri” của Cao Việt Dũng. Rồi buổi thuyết trình diễn ra chiều 25/01/2011. Nhưng đến 30/01/2011 văn bản bài thuyết trình của chị mới xuất hiện trên Tia Sáng, và theo cô Thái Thanh thì đây là “bài viết đã hoàn thiện của chị Từ Huy về tiểu thuyết L'ignorance dưới đây, bài viết được hoàn chỉnh sau khi tham khảo những ý kiến bổ ích của những nhà nghiên cứu và dịch giả uy tín như Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Dương Tường, Phạm Toàn... những người đã tham dự buổi nói chuyện.”

Than ôi, bài viết đã hoàn thiện của Nguyễn Thị Từ Huy có những cái sai mà Cao Việt Dũng đã vạch ra:

Cả TS Nguyễn Thị Từ Huy lẫn tạp chí Tia Sáng cần phải cẩn thận hơn trong viết lách và biên tập: không có địa danh nào là “Itact” (cách viết này lặp ba lần trong bài, chứng tỏ sai hệ thống chứ không phải một nhầm lẫn về typo) địa danh đó là Ithaque/Ithaca, quê hương Ulysse/Ulysses.

Không phải “Kundéra” mà là “Kundera”.

Tên vở kịch của Molière là “Le bourgeois gentilhomme” chứ không phải “Le bourgois gentilhome”.

Ngay tức khắc, Nguyễn Thị Từ Huy đáp lại:

“Rất cảm ơn Cao Việt Dũng đã chỉ ra những lỗi typo trong bài. Bài được hoàn chỉnh giữa những bề bộn công việc ngày tết nên đã không soát hết...”

Tưởng là bài viết đã hoàn tất từ trước ngày ra thông báo trên Tia Sáng cơ chứ? Vì “từ bài viết đó mà những người tổ chức hình thành ý tưởng về buổi nói chuyện” cơ mà? Và những “lỗi typo” lặp lại ba lần thì đúng là một “sự không biết” rất ư là “vô tri” vậy.

Nói thế chứ cái lối ứng xử quanh co này đúng ra không phải là “sự không biết” hay “bất tri” hay “vô tri” hay “bất trí” hay “vô trí” gì cả. Phải nói ngay đó là sự “trí trá” mà không ai muốn thấy ở một kẻ “trí thức”.

“Bài thuyết trình hoàn thiện” của Nguyễn Thị Từ Huy còn có lắm cái sai khác mà có lẽ các bậc thức giả đọc qua sẽ phát hiện ngay, vì thế tôi xin dừng ở đây.

 

 

-----------------

Bài liên quan:

28.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Cách giải thích của Nguyễn Thị Từ Huy, đúng như Cao Việt Dũng đã phê phán, “sử dụng từ điển dạng phổ thông (hoặc cách hiểu cá nhân) để giảng giải về từ ngữ. Tranh luận về chữ nghĩa thì làm thế đâu có được”. Nếu xét về nghĩa từ nguyên, cách dịch của Cao Việt Dũng là chính xác và sang trọng... (...)
 
27.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Milan Kundera có viết nhiều đoạn về ngữ nghĩa của “ignorance” trong tác phẩm của mình. Độc giả có thể đọc nguyên tác L’Ignorance hoặc các bản dịch để hiểu tác giả muốn hàm ý gì khi dùng chữ “ignorance” để mô tả tình trạng lưu vong... (...)
 
26.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Trong lĩnh vực dịch thuật tác phẩm văn chương, ý nghĩa của mỗi chữ cần được hiểu trong văn cảnh của từng tác phẩm, chứ không thể dựa hẳn vào lối giảng nghĩa mỗi chữ riêng lẻ trong các cuốn từ điển. Nghĩa là: Trước hết, cháu hãy đọc kỹ cuốn sách của Milan Kundera... (...)
 
24.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Điều này làm cháu và chắc chắc các bạn cháu cảm thấy hoang mang. Cháu vẫn nghĩ dịch giả Cao Việt Dũng và TS Nguyễn Thị Từ Huy đều có uy tín, nhưng bây giờ cháu không biết ai đúng ai sai. Cháu có đem hỏi giáo sư bộ môn thì ông nói ông không theo dõi chuyện này nên không tiện trả lời... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021