tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Về việc từ bỏ Đảng và cái gọi là “lý tưởng cộng sản”  [đối thoại]

 

Tại sao vẫn còn nhiều người chưa bỏ Đảng? Trong bài báo “Bỏ Đảng là một cú sốc rất lớn” trên BBC, anh Nguyễn Lân Thắng đã giải thích rằng, ngoài lý do “bảo vệ sổ hưu” như ông Đại Tá kiêm Phó Giáo sư Trần Đăng Thanh đã nêu ra, còn có 3 lý do khác nữa: 1/ Rất khó vượt qua mình; 2/ Chịu một mặc cảm tâm lý “xấu hổ” khi nhìn lại quá khứ hợp tác và phục vụ cho Đảng; 3/ Sợ ảnh hưởng đến công việc của con cái.

Thử phân tích 3 lý do này:

1/ Rất khó vượt qua mình.

Anh Nguyễn Lân Thắng nói: “... tôi nghĩ một phần sâu thẳm hơn ở sâu thẳm những người đảng viên kỳ cựu là họ rất khó vượt qua mình. Bởi vì cả cuộc đời của họ, họ hy sinh cho lý tưởng cộng sản, họ hy sinh thực sự cả sinh mạng của mình cho Đảng Cộng Sản.”

Thế nhưng, cái “lý tưởng cộng sản” mà họ đã “hy sinh cả cuộc đời” để theo đuổi và bảo vệ ấy là gì vậy? Cái “lý tưởng cộng sản” ấy có dính líu gì đến sự trường tồn của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam hay không?

Người đọc không thấy anh Nguyễn Lân Thắng giải thích về những điều này. Người đọc chỉ thấy anh nói rằng “họ hy sinh thực sự cả sinh mạng của mình cho Đảng Cộng Sản”. Như vậy, phải chăng cái “lý tưởng cộng sản” ấy và cái Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là một?

Nếu cái “lý tưởng cộng sản” ấy và cái Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là một, thì bây giờ khi cái Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thối nát và bất nhân đến tận cùng và đã trút lên đầu nhân dân Việt Nam vô tận những khổ nạn, thì cái “lý tưởng cộng sản” ấy có còn đáng để họ tiếp tục “hy sinh cả sinh mạng” để bảo vệ nó nữa hay không? Và tại sao họ lại “rất khó vượt qua mình” để từ bỏ cái Đảng ấy? Hay là họ xem cái Đảng ấy lớn hơn tất cả những khổ nạn mà dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ phải chịu đựng?

2/ Chịu một mặc cảm tâm lý “xấu hổ” khi nhìn lại quá khứ hợp tác và phục vụ cho Đảng.

À, thì ra cái lý do thứ hai này giải thích cho cái việc “rất khó vượt qua mình”! Nghĩa là những đảng viên kỳ cựu này cũng đã nhận ra rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam (cái mà họ đã xem là “lý tưởng” của họ) bây giờ đã thối nát và bất nhân đến tận cùng, nhưng họ vẫn không từ bỏ được nó, vì họ “xấu hổ khi nhìn lại quá khứ hợp tác và phục vụ” cho nó.

Anh Nguyễn Lân Thắng giải thích thêm: “Thế nhưng bây giờ nếu họ tuyên bố một cách công khai, chính thức việc ra khỏi Đảng là một cú sốc rất lớn và thực sự là họ cũng rất là xấu hổ, bởi vì họ phải thừa nhận những sai lầm của mình.”

Như thế, họ không thể từ bỏ Đảng chỉ vì họ không muốn cảm thấy “xấu hổ” khi phải “thừa nhận những sai lầm của mình”! Vậy thì quá hiển nhiên là họ xem sự tự ái của cá nhân họ còn lớn hơn tất cả những khổ nạn mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng. Mặc cho dân tộc đã, đang và sẽ tiếp tục đổ bao nhiêu máu và nước mắt để chịu đựng sự cai trị của một cái Đảng tận cùng thối nát và bất nhân, họ vẫn khư khư bám vào cái Đảng đó, để khỏi cảm thấy “xấu hổ”!

3/ Sợ ảnh hưởng đến công việc của con cái.

Anh Nguyễn Lân Thắng còn giải thích thêm: “Bởi vì có những người ngoài chuyện cá nhân, họ còn vướng víu rất nhiều vào vấn đề con cái họ còn ở trong hệ thống nhà nước, Và cái việc bố mẹ mà làm thì họ rất sợ ảnh hưởng đến công việc của con cái.”

Lý do này lại càng tệ hại hơn nữa. Như thế thì họ (những người đã “hy sinh cho lý tưởng cộng sản” và đã “hy sinh thực sự cả sinh mạng của mình cho Đảng Cộng Sản”) giờ đây xem công việc làm ăn của con cái mình còn lớn hơn cả tương lai của dân tộc Việt Nam. Vì “sợ ảnh hưởng đến công việc của con cái”, họ vẫn bám khư khư vào một cái Đảng mà chính họ đã thấy rõ sự thối nát và bất nhân tận cùng của nó. Còn nghịch lý hơn nữa: cái “lý tưởng cộng sản” ấy nghe nói là cao vĩ lắm, giải phóng cả thế giới cơ, khiến họ sẵn sàng “hy sinh cả sinh mạng” cơ, nhưng hoá ra nó cũng không lớn bằng công việc làm ăn của con cái!

Tóm lại, cả 3 lý do trên đây đều đặt tâm lý cá nhân cũng như lợi ích cá nhân cao hơn quyền lợi và tương lai của dân tộc; và trong cả 3 lý do trên đây, chẳng có lý do nào chứng tỏ bất cứ một “lý tưởng” gì cao đẹp cả.

 

***

 

Sau khi giải thích vì sao nhiều đảng viên vẫn chưa chịu từ bỏ Đảng Cộng Sản Việt Nam, anh Nguyễn Lân Thắng nói thêm: “Tôi nghĩ Đảng chưa bao giờ ở tình thế hiểm nghèo như thế này bởi những người trí thức tương đối có tiếng tăm, tương đối có uy tín ở trong xã hội, mà bây giờ họ tuyên bố ly khai khỏi Đảng, một cách chính thức, đây là một tổn thất vô cùng lớn về mặt tính chính danh của Đảng, lúc này uy tín của Đảng không còn gì nữa, thực sự không còn gì nữa. Hành động của ông Lê Hiếu Đằng và ông Phạm Chí Dũng có thể cũng dẫn đến một phong trào ly khai khỏi Đảng một cách ồ ạt, diễn ra với một số lượng lớn, và lúc đó sự cầm quyền của Đảng sẽ bị lung lay một cách rất dữ dội.”

Thật vậy, nếu hàng loạt những đảng viên kỳ cựu có danh tiếng mà công khai từ bỏ Đảng, thì điều này sẽ dẫn đến một phong trào ly khai khỏi Đảng một cách ồ ạt, khiến Đảng sẽ khó mà tránh khỏi sự sụp đổ. Một khi Đảng sụp đổ thì dân tộc Việt Nam mới có thể bắt đầu hồi sinh để xây dựng một tương lai tươi đẹp.

Như thế, những ai chỉ vì 3 lý do nêu trên mà vẫn cố tình tiếp tục bám lấy cái Đảng tận cùng thối nát và bất nhân ấy, mong cho nó trường tồn, thì thật khó lòng để nhận sự thông cảm từ hàng triệu nạn nhân của cái Đảng ấy.

Anh Nguyễn Lân Thắng nói: “Những người còn chưa thể công khai tuyên bố ly khai đảng cộng sản cần nhận được sự cảm thông của cộng đồng và xã hội”,“tôi nghĩ việc đánh giá người ta có dám tuyên bố ly khai ra khỏi Đảng một cách công khai hay không thì mình cần phải có một cái nhìn khách quan và nhân văn”, “cộng đồng và xã hội cần phải có sự ‘thông cảm chứ không nên chỉ trích những người Đảng viên mà người ta chưa dám ra’.”

Anh Nguyễn Lân Thắng nói như thế thì bất cập. Anh quên đặt vấn đề ngược lại. Anh cho rằng những đảng viên ấy cần sự cảm thông từ hàng triệu nạn nhân của Đảng, nhưng anh quên hỏi rằng chính họ có chịu cảm thông với những nỗi đau khổ tột cùng của hàng triệu nạn nhân của Đảng hay không? Một bên là một số người cần sự cảm thông cho những lý do mang tính tâm lý mặc cảm cá nhân và quyền lợi cá nhân của mình. Một bên là hàng triệu người cần sự cảm thông cho nỗi đau khổ tột cùng mà mình đã phải trả bằng máu và nước mắt. Bên nào lớn hơn?

Nếu cái “lý tưởng” của những người theo Đảng Cộng Sản ấy thực sự có quan tâm đến dân tộc, thì họ phải cảm thông với nỗi đau khổ của đồng bào, và họ phải dứt khoát từ bỏ Đảng, chứ không thể tiếp tục bám lấy nó vì những lý do mang tính tâm lý mặc cảm cá nhân và quyền lợi cá nhân của mình. Nếu trước kia họ đã thực sự dám “hy sinh cả sinh mạng” để theo Đảng, thì tại sao bây giờ, khi họ đã thấy sự thối nát và bất nhân tột cùng của Đảng, họ lại không dám “hy sinh” những mặc cảm và quyền lợi cá nhân để từ bỏ Đảng?

Anh Nguyễn Lân Thắng đã dấn thân vào sự tranh đấu cho lẽ phải, và đúng như anh tự nói về mình: “Thế nhưng những công việc mà tôi làm nó cũng xuất phát từ tiếng gọi của lương tâm và tôi cứ làm thôi, còn sự bất trắc có thể đến với tôi bất kỳ lúc nào. Và tôi đã chuẩn bị tinh thần để đón những điều xấu nhất có thể xảy ra.”

Vì tiếng gọi của lương tâm, anh đã dấn thân vào sự tranh đấu cho lẽ phải, và chấp nhận mọi bất trắc. Thật vậy. Và nếu thế thì chính anh cũng thấy rằng những người không chịu từ bỏ Đảng là những người không làm theo tiếng gọi của lương tâm, hay là có lẽ trong chính bản thân họ không có tiếng gọi của lương tâm. Cho nên, nếu anh kêu gọi “cộng đồng và xã hội cần phải có sự ‘thông cảm chứ không nên chỉ trích những người Đảng viên mà người ta chưa dám ra’“ thì lời kêu gọi của anh là bất cập và không công bình.

Tôi cho rằng những người ấy, nếu cái “lý tưởng” ngày xưa của họ có chút gì ý nghĩa, thì họ cần phải lắng nghe tiếng gọi của lương tâm, và thực sự làm theo tiếng gọi của lương tâm, tức là gạt bỏ những mặc cảm và quyền lợi cá nhân, để bước ra khỏi Đảng và đi về với dân tộc. Làm được như thế, họ không cần phải mong chờ sự cảm thông của ai cả, và không sợ ai chỉ trích cả.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn, Sydney, Australia.

 

 

------------------

Bài liên quan:

10.12.2013
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] Tôi đọc bài viết đăng trên BBC, về những phát ngôn của anh Nguyễn Lân Thắng, với một cảm giác ngỡ ngàng như vấp phải hòn đá. Vẫn là hòn đá cũ nhưng được sơn phết lại bằng một màu sắc khác, bởi những bàn tay trẻ tuổi mang tư tưởng tiến bộ khác... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021