tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Nguyễn Đăng Thường là người đầu tiên đã ứng dụng kỹ thuật ‘dòng ý thức’ triệt để nhất và dài hơi nhất  [đối thoại]

 

Truyện ngắn “Tiểu thuyết 2” (dài gần 10 ngàn chữ) được nhà thơ/văn Nguyễn Đăng Thường công bố vào năm 2000 là một cuộc độc thoại nội tâm với lối viết hoàn toàn không có dấu chấm và phẩy suốt từ đầu đến cuối, và ở cuối truyện, tác giả bỏ lửng, không ghi dấu chấm kết thúc.

Nguyễn Đăng Thường đã nói về truyện ngắn này như sau:

LỜI TÁC GIẢ: Truyện ngắn sau đây được gọi là “Tiểu Thuyết 2” chủ yếu là để phân biệt với “Tiểu Thuyết” (1) vốn đã được đăng tải trên tạp chí Trình Bầy tại Sài Gòn, trước năm 1975. “Tiểu Thuyết 2” là một "tiểu thuyết rất ngắn" được kể lại bằng một / nhiều tiếng nói tự trào, đầy âm thanh và cuồng nộ (và âm nhạc, âm nhạc cổ điển, và bài ca Việt & Pháp & Tây-Ta "lai căng", như bài “Tristesse” lời Việt) : một pha trộn tuỳ nghi giữa quá khứ, hiện tại, thực hư, huyền sử với "sử ký" của thời thuộc địa, nay hầu như đã xưa xa. Bởi vì lịch sử, hay định mệnh cũng thế thôi, rốt cuộc thì cũng chỉ là cái trò chơi của một / vài tên sa đích. Truyện được chia làm ba đoạn. Mỗi phần mảnh chỉ là một câu dài không dấu phết dấu chấm, cuồn cuộn như dòng thời gian tìm thấy, có khởi mà không có kết, nghĩa là câu chuyện còn để mở, có thể còn được kéo dài thêm nếu muốn. Tuy là một câu văn bất tận nhưng cũng có những phân đoạn ngầm bằng tiết điệu, bằng những dấu cắt câu ngầm (các ngoặc, từ OK được lập đi lập lại, và các lời sửa sai dự phần vào câu chuyện… của độc giả) mà độc giả có thể nhận ra ngay, và nếu muốn, có thể tự tạo ra thêm, như một cách tham gia vào quá trình dựng truyện. (NĐT)

Trước đó, vào năm 1998, truyện “Bên ngoài kinh Qu’ran” của Hoàng Ngọc-Tuấn đã ứng dụng lối viết không có dấu chấm, dấu phẩy và dấu chấm kết thúc trong hai chương, dài chừng mấy trăm chữ. Vào năm 1999, truyện ngắn “Văn sĩ ngại ngần” của Phùng Nguyễn, dài hơn 1200 chữ, chỉ sử dụng những dấu phẩy, nhưng hoàn toàn không sử dụng dấu chấm và dấu chấm kết thúc.

Như thế, trong văn chương Việt Nam đương đại, “Tiểu thuyết 2” (năm 2000) của Nguyễn Đăng Thường (dài gần 10 ngàn chữ) là truyện ngắn đầu tiên trong tiếng Việt đã ứng dụng kỹ thuật ‘dòng ý thức’ triệt để nhất và dài hơi nhất.

 

 

-----------------

Bài liên quan:

08.10.2011
[BÚT PHÁP] ... Tôi muốn chia sẻ thêm một đôi điều gợi ra từ cách nhà văn Phùng Nguyễn dùng chữ “đi một lèo” và nhà văn Hoàng Ngọc-Tuấn gợi nhắc lại một tiểu luận đã từng kích thích tôi rất nhiều khi còn là sinh viên đại học: chính là tiểu luận “Vấn đề cái mới trong tiểu thuyết thế kỷ 20”... (...)
 
[BÚT PHÁP] ... Tôi rất thích cách nhà văn Phùng Nguyễn dùng chữ “đi một lèo!” để diễn tả lối viết không chấm câu. Thật vậy, quả là “đi một lèo!”. Lối viết “đi một lèo!” này chắc chắn sẽ tiếp tục gây ngạc nhiên (và bực mình?) cho nhiều độc giả người Việt, nhưng thật ra, nó không quá mới lạ. Và nó cũng là một kỹ thuật viết hết sức cần thiết cho những văn cảnh thích hợp — cần thiết đến mức hầu như không thể thay thế... (...)
 
07.10.2011
[BÚT PHÁP] ... Có ít nhất một điều rất thú vị trong “con đường” của Nhã Thuyên. Cũng như các truyện ngắn khác thuộc dạng mà tôi tạm gọi là “đi một lèo,” người đọc sẽ không tìm thấy dấu chấm nào trong đó. Tuy vậy... (...)
 
06.10.2011
[BÚT PHÁP] ... Thưa độc giả Đào Thị Ngọc Thu. Cảm ơn chị đã đọc tác phẩm của tôi, ... tôi không biết nên trả lời chị như thế nào cho gãy gọn và sáng rõ về việc tôi cố ý không phân đoạn và chấm câu (ở truyện “con đường”, tôi cũng cố ý không viết hoa nhan đề, không viết hoa chữ đầu tiên, không có cả dấu chấm cuối cùng)... (...)
 
[BÚT PHÁP] ... Thân gởi hai tác giả Nguyễn Thanh Hiện và Nhã Thuyên. Tôi mới đọc ba bài viết của anh và chị trên Tiền Vệ... Rất cám ơn anh và chị đã cho độc giả những trang viết hay, lạ và nhiều điều mới mẻ. Tuy nhiên, tôi có điều này xin phép hỏi anh và chị. Tôi thấy ba bài viết này có điểm giống nhau là viết không có phân đoạn và chấm câu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021