tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Nói vậy chứ hổng phải vậy  [đối thoại]

 

Đọc thấy nhan đề “Có chăng mùi hương trong tiếng đàn vĩ cầm Đan Thọ?” trên Người Việt Online do nhà thơ tên tuổi Du Tử Lê biên soạn, tôi nghĩ bụng: Mùi hương của tiếng đàn là một đề tài nghe hơi bị khác thường. Tuy có thể chưa hẳn đã phải là hoàn toàn huyễn hoặc, nhưng quả là có phần nào đó kỳ dị và không chừng là luôn cả kỳ bí vì không rõ đó là giả tưởng hay hiện thực, hay thuần túy đây chỉ là một lối nói đầy ẩn dụ, một thứ ẩn dụ cao sang, “tình tứ” và không chừng rất ư là xôm tụ; rồi tạm thời cứ giả định là nói như thế với tính cách ẩn dụ và với một mục đích tôn vinh đầy hào sảng hay gì gì đi nữa, thì như thế cũng vẫn có phần nào đó khó thuyết phục vì cơ bản nhạc chỉ là âm thanh, khó mà có thể hình dung ra nổi là có một mùi hương trong tiếng đàn, mà đây cụ thể lại là tiếng đàn vĩ cầm “bằng xương bằng thịt” của một người nhạc sĩ phòng trà nổi tiếng: Đan Thọ.

Rồi đến khi đọc hết bài, tôi mới vỡ lẽ ra quả đây đúng là trường hợp “nói vậy chứ không phải vậy”, hoặc nếu có “phải vậy” thì chẳng qua chỉ “phải vậy” được cao lắm là một nửa mà thôi.

Đây nhé: Nhà thơ đặt vấn đề là MÙI HƯƠNG như đã ghi rõ mồn một trong nhan đề, nhưng toàn bài chỉ thấy đề cập tới HƯƠNG không mà thôi, chứ tuyệt đối không thấy nói, không thấy mô tả, không thấy đá động gì tới MÙI. Chưa kể là toàn bài, chỉ thấy có mỗi một đoạn độc nhất và tương đối khá ngắn ngủi là có liên quan, và chỉ liên quan được cao lắm là một nửa, như đã thưa, tới chủ đề đã nêu ra trong nhan đề: mùi hương và ngón đàn của Đan Thọ. Đoạn đó là:

“Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vĩ cầm...” trước khi dòng nhạc đi tiếp với những lời thật đẹp, như thơ, nồng nàn hương tình yêu mà tiếng đàn vĩ cầm của Ðan Thọ giữ được và gửi vào tâm hồn người thưởng ngoạn...

Ngoài đoạn này ra, chẳng thấy gì hơn, chẳng có gì khác, nếu nói về mùi hương. Rồi cũng chẳng thấy đào sâu, chẳng thấy triển khai gì về mối tương quan hay tương tác, vân vân giữa cái gọi là “hương tình yêu” này và tiếng vĩ cầm của người nhạc sĩ tài hoa đang nói tới để phần nào làm cho người đọc như tôi cảm nhận được một cách thuyết phục hay ít ra là hiểu rõ đầu đuôi hơn về cái “sự tích” về một “mùi hương” trong tiếng đàn của người nhạc sĩ này.

Hay rốt ráo lại, có phải chăng hương tình yêu là cái (quái) gì đó, cũng giống như “hương trinh nữ”, thí dụ một cách đại khái vậy, không có mùi, không có vị một cách chứng minh được thì làm sao mà mô tả được đây. Nếu thế thì sao không nói ngay từ đầu, từ ngay trong lối “giật tít” của bài văn để sao cho mọi sự được càng rõ ràng, cụ thể và nhất là càng cá biệt, chính xác, minh bạch và sáng sủa hơn? Chẳng nhẽ một khi đã là nhà thơ thì cái gì cũng phải cho nó lan man, cho nó mờ mờ ảo ảo? Thế mới là thi vị? Ở một tầm cao nhất?

Rồi chưa kể là về mặt cảm xúc, đầu đề, do tính cách khác thường của nó, nhưng một mặt khác nghe lại có vẻ hăm hở, “bản lĩnh”, “kêu” và khai phá ra phết, mà toàn bài chỉ thấy đươc có mỗi một đoạn là có liên quan, rồi chỉ là liên quan có tí xíu. “Support” như thế có phải là quá yếu xìu, “lặng thinh” và chung chung không? Rồi như thế thì hóa ra đây có phải là trường hợp “trái núi đẻ ra con chuột”?

 

(Hy vọng là còn tiếp)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021