tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Rác, chân hương và khẩu hiệu  [đối thoại]

 

Khải Định (1885 –1925) là một trong những ông vua bất tài nhất trong lịch sử, khét tiếng với máu đỏ đen, sở thích yến tiệc và lễ lạt cùng thứ gu thời trang loè loẹt, lố lăng, từng bị nhà ái quốc Phan Chu Trinh hạch tội trong “Thư thất điều”, mắng là kẻ làm nhục quốc thể. Dẫu gì thì Khải Định ta đã mất, lịch sử đã phán xét và nơi yên nghỉ của ông ta cũng là dấu tích còn lại của một thời kỳ lịch sử.

 

 

Tôi đến đó một ngày đầu năm 2017 và ấn tượng đầu tiên là sự khó chịu, bực bội, giống như ăn bánh chưng đụng sạn hay rùng mình khi thấy con chuột cống bò trên tấm trải giường sạch sẽ của mình. Giữa vẻ rêu phong cổ kính của di tích có gần 100 tuổi là cái khẩu hiệu đỏ vàng “Anh - Việt đề huề”, trông rất nhức mắt:

“Chúc mừng năm mới – 2017 – Đinh Dậu – Happy New Year”.

Tôi hay bất cứ du khách nào cũng vậy, đến với cái lăng này là đến với một dấu tích của lịch sử, đến để suy tưởng về những thăng trầm và hưng phế của thời cuộc trước những lớp trầm tích không gian và thời gian đã đọng lại trên toàn bộ bề mặt rêu phong của nó sau bao nhiêu gió bão và nắng mưa.

Sao lại trơ trẽn phá vỡ nét cổ kính kia bằng cái khẩu hiệu ngang phè kia?

Tôi lịch sự trình bày suy nghĩ của mình với hai cán bộ ngay tại cổng vào, một là nhân viên soát vé, một chừng như là sếp đến kiểm tra.

“Đây là quy định của nhà nước. Ngày đầu năm tất cả các cơ quan nhà nước phải giăng khẩu hiệu thể hiện tinh thần chúc tết với nhân dân của cán bộ công nhân viên!”

“Nhưng đây là một di tích lịch sử, đâu phải là một cơ quan nhà nước?”, tôi lập luận.

“Không cần biết. Đó là quy định của nhà nước”.

Viên cán bộ như là sếp đanh mặt lại rít lên, có vẻ như cố kìm cơn giận trước kẻ lắm chuyện: nếu đây là thời cải cách ruộng đất, không chừng, anh ta cũng lôi tôi lên đấu tố mất thôi!

Mặt mày như thế, có treo cả ngàn cái khẩu hiệu chúc Tết thì cũng vô ích!

Cái mà tôi cũng như bất cứ người dân Việt Nam nào khác cần là một nụ cười, một lời nói nhỏ nhẹ, một ánh mắt đầy thiện chí và những cử chỉ ân cần. Không có gì khó khăn và không có gì là mất thì giờ lắm, như khi chúng ta bước vào phòng tiếp tân của một công ty tư nhân hay một cơ quan công quyền tại bất cứ một nước dân chủ nào: What can I do for you? […] Please take a seat. It won’t be long.

Tại sao phải tốn kém dựng lên những biểu ngữ loè loẹt như thế trong khi có thể dễ dàng, thoải mái với một nụ cười thật tươi, “Năm mới vui vẻ” hay “Năm mới phát tài”?

Mỗi cơ quan là một khẩu hiệu, cả nước có bao nhiêu cơ quan và phải tốn kém với bao nhiêu là khẩu hiệu? Trong cả ngàn lý do khiến Việt Nam nghèo và tụt hậu, còn có lý do từ chính sách “khẩu hiệu trị” của cái chính quyền không thể nào cười với nhân dân của mình.

Tôi rảo bước quanh lăng mà cứ lẩn thẩn tự hỏi mình: Lăng Khải Định đã trở thành một “cơ quan nhà nước” hay hệ thống chính trị này đã trở thành một thứ “Lăng” của một ông vua bất tài?

Dẫu gì, hai phía cũng có một mẫu số chung, như một sự trùng hợp thú vị nhưng đau đớn.

Một ông vua bất tài và một chế độ bất tài, bất tài nhứt hạng trong lịch sử.

Một ông vua thích đỏ đen và một chế độ thích cờ bạc. Vua đỏ đen trên chiếu bạc, thời trẻ, lúc chưa lên ngôi, từng cầm cố gia nhân và lạy lục nhà vợ để có tiền đánh bạc. Chế độ thì đánh bạc bằng vận mạng quốc gia, bằng chiến tranh, bằng những thí nghiệm kinh tế!

Một ông vua diêm dúa, lố lăng và một chế độ loè loẹt, hình thức chủ nghĩa. Vua diêm dúa với những y phục lố lăng và đánh thuế nông dân thật nặng để có tiền xây lăng. Chế độ cũng vậy, với những công trình và những tượng đài nghìn tỷ!

 

Lại một chủ thuyết

 

Tôi từng tưởng tượng và suy diễn nhiều chuyện quái dị và điên rồ nhưng chưa bao giờ, chưa bao giờ mường tượng nổi một “chủ thuyết” như thế.

Chủ thuyết “Chất Lượng – An Toàn – Xanh Sạch”.

Chợt nghĩ đến một ý kiến của ông Nguyễn Gia Kiểng: Cộng sản đã phạm nhiều tội ác nhưng những tội ác giết người, trừng phạt người thua cuộc mà người đời đề cập cũng không khác mấy với những vua chúa ngày trước, khi họ lật đổ một triều đại.

Cái tội lớn nhất, oan nghiệt nhất của cộng sản là tội làm mất thì giờ!

Phải mất bao nhiêu thì giờ để đi từ cái chủ thuyết đấu tranh giai cấp đã làm “sạch bách” đất nước từ phần xác đến phần hồn để đi đến cái chủ thuyết “xanh sạch” này?

 

Ai công nhận?

Mỹ Sơn là di sản văn hóa – lịch sử được UNESCO công nhận.

Nhưng thứ tiếng Anh trương ra trong khu này thì được ai công nhận đây?[1]

 

 

Chùa Hộ Quốc: Khuyến Thiện, Trừng Ác, Mã Viện và Lý Thiên Vương!

Tên đầy đủ trên cổng chính của chùa là “Thiền Viện Trúc Lâm - Chùa Hộ Quốc – Phú Quốc”.

Đây là một ngôi chùa với phong cách kiến trúc thời Lý – Trần, trong khuôn viên có hàng chục gốc cây lưu niệm của những nhà chính trị, cao thì có các uỷ viên Bộ chính trị, thấp nhất cũng phải là hàng uỷ viên trung ương đảng: Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Phùng Quang Thanh, Trương Hoà Bình v.v...

 

 

Cửa Chùa Việt bao giờ cũng có hai nhân vật canh cổng hai bên, ông “Khuyến Thiện” và ông “Trừng Ác”, nhưng đó là chùa thường, chùa dân gian. Đây có vẻ như là chùa vua, chùa quan mà lại chính chính thức mang tên “Chùa Hộ Quốc” nên tôi buộc phải nghĩ đến hình ảnh canh cửa cao hơn, cao hơn mấy bậc: đó phải là những anh hùng kiến quốc và hộ quốc, kẻ trừng ác phải là những dũng tướng thẳng tay trừng trị bọn xâm lược hay bọn bán nước cầu vinh.

Nhưng hai nhân vật đắp nổi như hai phù điêu bằng đồng hai bên cổng không cho phép tôi nghĩ như thế. Dẫu cố, hai nhân vật cứ bắt tôi phải nghĩ khác đi.

Với viên tướng bên phải thì những hình ảnh minh hoạ còn đọng lại trong trí não từ những bài học quốc sử đầu tiên thời tiểu học cứ bắt tôi nghĩ đến Mã Viện, tên tướng xâm lược đã bức tử Hai Bà Trưng và đi vào lịch sử chúng ta với truyền thuyết về cây trụ đồng “Giao Chỉ diệt”.

 

 

Còn vị đứng bên tả thì, dù ăn mặc như là võ tướng, đôi mắt lại lim dim như đang thử rượu hay đang cố đóng vai một nhà hiền triết.

 

 

Cả hai đều là võ tướng qua hai bộ giáp sắt “hộ thân” nhưng hoàn toàn không có một tấc sắt trên tay để sẵn sàng “hộ quốc”..

Nhưng khoan, đừng nghĩ rằng đây là chùa, là thiền viện, là nơi chúng ta phải nói “không” với vũ khí sát thương.

 

 

Vào trong, bên trái của chánh điện là một bức tượng to lớn, ngạo nghễ với thanh giáo nhọn trên tay phải, ngọn tháp bảo bối trên tay trái. Nó không thể không bắt tôi nghĩ đến Thác Tháp Lý Thiên Vương, hay Lý Tịnh, vị thần trong các miếu thờ của Đạo Giáo đã phăng phăng đi vào tiểu thuyết chương hồi, thành nhân vật không thể không nhắc đến trong Phong ThầnTây Du Ký.

Làm sao Lý Thiên Vương – kẻ từng là Tổng tư lệnh của đội binh nhà trời trong cuộc chiến chống lại con khỉ mang tên Tề Thiên -- lại có thể xuất hiện trong một ngôi chùa Việt, nhất là khi chùa chính thức mang tên “Hộ Quốc”?

Hãi hùng thay, hai tướng canh cửa “Hộ Quốc” thì không tất sắt trong tay, còn Lý tướng quân thì nào giáo, nào cái tháp thần bảo bối có thể hút đối phương, thiêu huỷ đối phương thành hơi, thành khói!

Tôi cố tự thuyết phục mình rằng đó không phải là ông họ Lý, nhưng càng dạo quanh, càng thấy nhiều, câu hỏi đó càng ám ảnh!

Như hòn đá khắc thơ của ông Trương Hoà Bình,

Ông Trương xuất thân là trung tướng công an, làm bài thơ này khi đang là Bí thư Trung ương đảng kiêm Chánh án Toà án nhân dân tối cao, nay ông Trương đã là Phó Thủ tướng.

 

 

Trúc Lâm Hộ Quốc
Lưng tựa Núi Rồng
Hướng tới Biển Đông
...

“Hướng tới” như một suy nghĩ thì từ bất cứ nơi đâu, ở bất kỳ toạ độ nào chúng ta đều có thể “hướng” tới Biển Đông. Nhưng như một ngôi chùa “Lưng tựa Núi Rồng” thì cái việc “hướng” này chỉ đơn giản là một động từ nghĩa đen: Lưng tựa Núi Rồng / Nhìn ra phía Biển Đông!

Từ một địa điểm ở trên bờ Tây của doi đất phía Nam đảo Phú Quốc thì chỉ có thể nhìn ra… Vịnh Thái Lan.

Sao phải tới tận Vịnh Thái Lan xây một “thiền viện” để toan tính việc giữ gìn bờ cõi ở Biển Đông?

Những ông vua cộng sản trị này mắc bệnh thần kinh hay đang toan tính những chuyện xa vời mà người phàm chúng ta không thể hiểu?

Trước mắt là tên họ và chức danh của họ và… rác, bên những gốc cây lưu niệm.

 

 

 

Đau đáu với những chuyện không thể hiểu, tôi nhớ lại cảnh đã chứng kiển ở Đại Nội Huế trước đó hơn tuần.

Bên trong là nơi vua làm việc, sân bên ngoài là nơi các quan đứng chầu, chờ phiên được gọi vào hầu. Xếch một góc sân chầu là một cái đỉnh, trông bề ngoài thì cũng uy nghi, trang trọng nhưng bên trong thì chỉ toàn chân hương và… rác, kể cả tàn thuốc.

 

 

 

Rác là những thứ vứt thải, sau khi một món hàng tiêu thụ đã được sử dụng, không còn sử dụng thêm được nữa.

Chân hương là phần còn sót lại khi một nén nhang đã tàn, khi cái không khí trang trọng và linh thiêng thoang thoảng mùi trầm đã kết thúc, lúc con cháu đời sau kết thúc cái nghi lễ nhìn lại, tưởng vọng hay thông công với người đi trước.

Cơ hồ non nước chúng ta cũng vậy, y như là ruột của cái đỉnh với bề ngoài uy nghi nằm xế một góc sân chầu.

Chùa chiền, đền đài mọc lên thật nhiều nhưng cũng như những cái chân hương, chẳng có sự trang trọng và linh thiêng, chẳng một nỗ lực thông công giữa thế hệ sau với thế hệ đi trước.

Còn lại là rác, của một xã hội đang lao theo cơn sốt tiêu thụ.

Tô điểm thêm cho chúng là những cái khẩu hiệu đỏ vàng loè loẹt nhưng rỗng tuếch!

 

 

_________________________

Chú thích:

Toàn bộ những hình ảnh trên được tác giả chụp bằng mobile phone.

[1]Từ “halt” ở đây hoàn toàn sai, phải dùng từ “rest”. Người Anh – Mỹ sử dụng từ “rest station” để chỉ những trạm nghỉ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021