tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Thanh nhạc  [đối thoại]

 

Có một từ ngữ âm nhạc mà người ta hay nói đến hà rầm, và có lẽ là người ta cũng hiểu nó hà rầm, mà tôi nghe dù cũng là hà rầm mà chỉ dám đoán để cố hiểu thôi, chứ không dám nói là hiểu đích xác. Đó là chữ “thanh nhạc”.

Nói cho vui vui, có thể đơn giản đây chỉ là trường hợp “ai cũng hiểu chỉ mình êng không hiểu” theo cái nghĩa là chẳng có gì ghê gớm, và dễ như thế mà cũng không hiểu/không thấy hoặc việc hiểu ra điều này chỉ là vấn đề búng tay cái boóc một phát thôi nếu được đúng người am hiểu chỉ cho thêm chút xíu. Bài góp ý này là với ước mong là sẽ có một sự thể như thế xảy ra.

Cách dùng từ này rất thường nghe thấy, và nghe như thế tôi thường nảy sinh thắc mắc. Và thắc mắc đây đương nhiên cũng chỉ là do không hiểu “thanh nhạc” một cách đích xác là gì. Như cách dùng nó trong câu sau đây:

“Mục đích lớp thanh nhạc là nhằm hướng dẫn học viên kỹ thuật luyện và giữ giọng hát, hơi thở cùng một số phương pháp để học viên có thể tự dàn dựng và trình diễn thành công những bài hát.”

(http://nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=122929&z=3)

Lớp dạy hát có qui củ nào mà không nhằm mục đích như thế, chưa kể là những điều/đề tài đem ra dạy thì cũng xêm xêm, vậy lớp thanh nhạc cũng chỉ là lớp dạy hát một cách tiêu chuẩn vậy thôi dù phương pháp có thể là khác ít nhiều? Nếu thế thì tại sao không nói quách là lớp dạy hát cho nó khoẻ mà phải gọi là “lớp thanh nhạc”?

Vậy câu văn trên từ Người Việt online phải được hiểu là:

“Mục đích của lớp dạy hát theo lối thanh nhạc là nhằm...” (?)

Nếu cách hiểu như thế là đúng thì, trước hết, về mặt thể loại, thanh nhạc là loại nhạc gì đây? Cổ điển/truyền thống Tây phương (western classical/traditional music) hay bán cổ điển (semi-classical music)? Hay cái gì khác? Nếu nó là cổ điển Tây phương hay bán cổ điển thì tại sao nói nó là “thanh” trong khi, một cách hiển nhiên, thực chất của hai loại này chưa hẳn đã là “thanh”? Thiệt tình không hiểu.

Và trên thế giới, ngoài Việt Nam ra, có nước nào khác gọi nhạc cổ cũng như bán cổ Tây phương là “thanh nhạc”? [Nếu có thì về mặt ngữ vựng, có từ quốc tế nào tương đương với chữ “thanh” theo nghĩa thông thường hay ngoại lệ của tiếng Việt hoặc theo nghĩa riêng biệt và đặc thù của nó trong chữ “thanh nhạc” hay không? À, đến đây thì ít ra là cần phải có sự thống nhất trong việc hiểu trong chữ “thanh nhạc” -- chữ “thanh” theo nghĩa thông thường cũng như ngoại lệ của nó là gì và nghĩa riêng biệt và đặc thù của nó là gì trước cái đã. Vậy, nếu hiểu chữ “thanh” theo nghĩa thông thường thì dễ quá: nó có thể là thanh thanh, trong sáng, trong sạch, thanh tao, thanh nhã, thanh lịch, thanh sang, thanh khiết, thanh bần..., hay là một màu sắc như thiên thanh chẳng hạn, vân vân... Ngoài ra, nó có nghĩa nào ngoại lệ hay không thì tôi không biết vì phương tiện cũng như khả năng tra cứu của tôi rất giới hạn. Còn nghĩa riêng biệt và đặc thù của chữ “thanh” trong “thanh nhạc” là gì thì tôi cũng không biết nốt vì tôi chưa từng được nghe nói tới điều đó bao giờ (bởi vậy mới có bài góp ý này).] Hay đây chỉ là hoàn toàn và rất riêng của Việt Nam ta, do ta tự biên tự diễn, tự biến chế ra một cái tên như thế để gọi nhạc cổ hay bán cổ, với dụng ý thân thương trìu mến tâm lý tình cảm xã hội gì đó?

Mặt khác, không cần biết gì cả, cứ xem “thanh nhạc” đương nhiên không là cổ điển thì cũng là bán cổ điển thì xuất xứ của lối nói này là từ đâu? Ai khởi xướng, mấy ông cha nhà thờ hay mấy ông thày dạy nhạc hồi xưa khi nền tân nhạc Việt Nam mới bắt đầu những bước chập chững?

Hay là, một mặt khác nữa, như đã nói qua, nó chẳng cổ mà cũng chẳng bán cổ gì cả? Mà đích thực lại là một cái gì khác, rất độc sáng và đặc biệt Việt Nam như Vovinam trong lãnh vực võ thuật, chẳng hạn vậy?

Kế tiếp, nếu xem thuật ngữ “lớp thanh nhạc” đây là một lớp dạy nhạc theo lối “thanh nhạc” thì “thanh nhạc” nói ở đây mặc nhiên trở thành một phương pháp truyền đạt việc hát hò sao cho hay. Nếu như thế thì về mặt lịch sử, phương pháp này xuất phát từ đâu, nguyên ủy là do ai khởi xướng... cũng là điều cần nên tìm hiểu. Quan trọng hơn nữa, nó có là một phương pháp độc lập không lệ thuộc bất cứ một thể loại nhạc nào hay không? Rồi du nhập hay ảnh hưởng từ đâu? Hay đây cũng chẳng cần gì phải du nhập và cũng chẳng phải do ảnh hưởng bởi ai hay cái gì cả: nó là hoàn toàn từ ta mà ra thôi, bởi vì một khi ta đã có “thanh nhạc” là một thể loại tân nhạc đặc biệt Việt Nam rồi, thì từ đó việc đẻ ra “thanh nhạc” như là một phương pháp dạy đàn ca xướng hát cũng đặc biệt Việt Nam là chuyện đương nhiên thôi?

Tóm lại, “thanh nhạc” về mặt thể loại, có thể là một thể loại âm nhạc do ta sáng chế, hay ít ra là cái tên do ta sáng chế và phát minh dùng để đặt cho một thể loại âm nhạc, cổ hay bán cổ Tây phương, đã có sẵn. “Thanh nhạc”, về mặt phương pháp, thì đó cũng có thể là do ta sáng chế hoặc phát minh. Còn cái việc nó có phải là một cái tên do ta sáng chế và phát minh dùng để đặt cho một phương pháp dạy hát ĐÃ CÓ SẴN hay chưa thì tôi hoàn toàn không có ý kiến bởi vì tôi chẳng biết gì về phương pháp đó cả thì không thể nào có ý kiến được.

Và tỷ như nó đã sẵn có rồi thì đặt cho nó một cái tên mới thì đã có chết ai đâu? Có phải thế không? Và tỷ như nếu như thế là làm sao để nghe cho nó có vẻ hoa mỹ một cách thân thương hay quý phái cao sang vậy thôi thì như thế đã sao?

Cái nữa là về mặt thành quả, phương pháp này đạt được hiệu ứng như thế nào? Nó có giúp ích gì nhiều cho học viên? Nhưng trong câu phát biểu sau đây thì thấy có vẻ như là nó có vấn đề:

“Cũng giống như những ca sĩ Việt Nam mình vẫn “mê” (mà bác Hoàng mới dẫn ra thí dụ đó) cũng đâu có biết thanh nhạc chi, trong khi mấy diva divo miền Bắc có trình độ thanh nhạc mà hát nhạc miền Nam trước 75, nhiều thính giả lại nghe không lọt?” (Xyz, Nghe lại, thấy “phê” khó chi sánh nổi... [đối thoại])

Đọc câu trên tôi có cảm tưởng “có trình độ thanh nhạc” là cái gì có thể là ghê gớm lắm (?). Và nếu quả thực nó có vấn đề thì cốt lõi của vấn đề đó là gì, và nằm ở đâu? Tại sao như thế?

Rồi lại còn từ “thanh giọng” nữa mới chết chứ. Lần đầu tiên tôi biết đến từ này là mới đây thôi, từ bài viết “Tôi và một vài giọng hát đẹp của nền tân nhạc Việt nam” trên Da Màu của tác giả Ngô Nguyên Dũng, như trong câu sau đây:

“Thuở thiếu thời, đầu thập niên 1960, tôi mến chuộng những ca sĩ có thanh giọng rõ ràng, trong sáng và những bài hát có ca từ “dễ ăn sâu vào lòng thính giả mộ điệu.”

Vậy “thanh giọng” là gì? Từ đâu ra? “Thanh nhạc” và “thanh giọng” có quan hệ gì với nhau? Từ này đẻ ra từ kia? Học “thanh nhạc” là mặc nhiên có “thanh giọng”? Hay cũng laị là một lối gọi thân thương trìu mến? Hay giọng từ thanh quản? Vân vân...

Ai biết làm ơn vui long soi sáng giùm.

Đa tạ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021