tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Sự hàm hồ của phương pháp  [đối thoại]

 

Trước khi trao đổi với các độc giả Lâm Quang ThănLê Công Thân, Hoàng Lan (HL) nói qua một chút về bài viết của mình để bạn đọc khác cũng có thể chia sẻ.

Trước hết HL xác định THƠ VIỆT, MỘT HÀNH TRÌNH CHƯA NGỪNG NGHỈ không phải là một bài Văn Học Sử. HL không trình bày toàn diện bộ mặt văn học, không đánh giá, không lý giải về các thành tựu và giá trị văn chương. Công việc này là của Viện Văn Học Viện Nam. Nhưng khi chọn một đề tài có chiều dài lịch sử và bề rộng tác giả, thì đâu là cách tiếp cận tốt nhất. HL đã chọn cách tiếp cận theo Thi Pháp Học. Thơ VN qua các giai đoạn lịch sử, tuy có khác nhau về nội dung tư tưởng, nhưng sự khác biệt căn cốt là khác biệt về thi pháp. HL đã triển khai bài viết căn cứ trên phương pháp luận này.

Về phương pháp làm việc, HL căn cứ trên văn bản tác phẩm mà không quan tâm đến con người của tác giả là ai, trong nước hay ngoài nước, Nam hay Bắc. Umberto Eco cho rằng “chúng ta cần tôn trọng văn bản, chứ không phải tác giả với tư cách là người này hoặc người kia”. Lý luận văn học hiện đại , từ Hình Thức Luận đến Phê Bình Mới (The New Criticism), Cấu Trúc Luận (Structuralism) và Giải Cấu Trúc (Post-Structuralism) và thuyết người đọc (Reader Theory), đều chỉ quan tâm đến văn bản, xem nhẹ vai trò của tác giả. Roland Barthes tuyên bố tác giả đã chết (Death of the Author). Khi đưa ra một nhận định nào, HL đều dẫn văn bản tác phẩm và triển khai luận điểm của mình căn cứ trên tác phẩm cụ thể ấy, không tán ra ngoài câu chữ của văn bản. Trong cách trình bày của mình, để tránh sự phức tạp cho người đọc, HL chỉ chọn những tác phẩm tiêu biểu cho thi pháp mình muốn nói, không đi vào tiểu tiết.

Để viết bài này HL đã đọc lại khá nhiều tác phẩm của nhiều tác giả, bởi nếu không đọc tác phẩm thơ thì sao viết về thơ được.Thí dụ, viết về thơ Lý, Trần, Lê, thơ Thiền VN, HL đã đọc lại Thiền Uyển Tập Anh, Hoàng Việt Thi Tuyển. Cũng vậy khi viết về thơ từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Khuyến, HL phải đọc lại Quốc Âm Thi của Nguyễn Trải, Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ chữ Hán của Nguyễn Du Trong Thanh Hiên Thi Tập, Bắc Hành Tạp Lục...Viết các nhà thơ đương đại cũng vậy, chẳng hạn về Thanh Tâm Tuyền, HL đọc Tôi Không Còn Cô Độc (1956), Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy (1964), Thơ Ở Đâu Xa (1990), viết về Bùi Giáng, HL đọc Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn... với các tác giả khác cũng vậy...

Cảm hứng để HL viết bài này xuất phát từ sự trì trệ của thơ VN hiện nay, HL muốn tìm hiểu xem con đường thơ Việt đã trải qua là con đường thế nào, để có một cái nhìn vào tương lai. Tất nhiên đây là cái nhìn chủ quan của HL. Những nhà nghiên cứu, nhà thơ và bạn đọc khác sẽ có cái nhìn khác. Mỗi người chỉ có thể nhìn thấy một phía của chân lý. Trong bài viết, HL diễn giải về một vài bài thơ để minh hoạ cho luận điểm của mình. HL có cách đọc của mình để tìm ra thông điệp chưá đựng trong văn bản ấy. Mục đích không phải để khen chê, vì khen chê là cảm tính chủ quan, không nên bàn đến. Hơn nữa, Diễn giải (Interpretation) hiện đại cho rằng ý nghĩa của tác phẩm là vô tận , mỗi người đọc có thể tìm ra một ý nghĩa cho riêng mình. Chẳng hạn, Lê Đạt làm thơ theo quan niệm bóng chữ, diễn giải một bài thơ Lê Đạt không quan trọng ở chỗ tìm hiểu xem tác giả nói gì, mà ý nghĩa chính của tác phẩm là cái mà người đọc cảm nhận được. Vì thế nếu có những khác biệt thậm chí ý kiến trái ngược, cũng là bình thường và có thể chấp nhận, nếu người viết có đủ cơ sở để thuyết phục bạn đọc (thí dụ, xin đọc Nguyễn Hưng Quốc, 'Thơ Con Cóc': Một bài thơ hay).

Xin có đôi lời thưa với các độc giả Lâm Quang Thăn và Lê Công Thân

Trước hết xin cám ơn các ông đã đọc và có phản hồi. Dù bài viết của HL hay dở thế nào nhưng được bạn đọc quan tâm và chỉ ra những chỗ chưa được thì thật là quý, HL xin cám ơn lần nữa.

HL mong chờ những ý kiến có giá trị học thuật phản bác lại những luân điểm của HL, nhưng rất tiếc đến giờ chưa có, thế nên bài viết của HL vẫn giữ nguyên giá trị của nó.

Những ý kiến của độc giả đều tập trung vào tác giả HL, rằng HL thiên vị Bắc/Nam, trong nước/ngoài nước, rằng HL được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, đầu óc trống rỗng mà ăn nói to tướng, đọc lỗ mỗ, hiểu lôm côm, ngớ ngẩn ngây thơ đến rợn người... Xin thưa, ấy là phương pháp đọc không tập trung vào văn bản mà qua văn bản đoán mò về tác giả. Các vị đã đoán không đúng về tác giả HL. Dù các vị có dùng Phân Tâm Học để định vị tác giả cũng vô ích vì Tác giả đã chết rồi (Roland Barthes), xin đừng bận tâm đến tác giả mà cần đối diện với văn bản để chỉ ra những chỗ sai của HL. Nhưng chưa vị nào làm được việc này.

Ông Lê Công Thân có đặt ra vài vấn đề có tính học thuật, nhưng chưa lý giải mà chờ HL trả lời, dù sao đó cũng là ý kiến nghiêm túc, HL xin thưa:

Nhận xét về luận điểm của HL “Cùng làm thơ có vị Thiền nhưng thơ Phạm Thiên Thư sang trọng còn thơ Bùi Giáng có khi lại tuềnh toàng...”, ông viết: Thơ Thiền mà còn có loại “sang trọng” với loại “tuềnh toàng”? Mà thơ Bùi Giáng là “tuềnh toàng” hay sao? Thưa đúng vậy, ấy là nói về thi pháp, biểu hiện trong việc sử dụng từ ngữ. Tôi dùng chữ “tuềnh toàng” để chỉ cách dùng chữ nghĩa xô bồ của Bùi Giáng, vấn đề là với cách dùng chữ như thế, Bùi Giáng vẫn viết được những câu thơ tài tình, sâu sắc về tư tưởng và không dễ đọc. Thí dụ:

Sự tình kể ngược kể xuôi
Khẩn trương vô cớ sụt sùi vô căn
Oái oăm rất mực thường hằng
Toi đâm đấm đá ôi chèng đét ôi
Ngẫm ra cho kỹ càng chơi
Kỳ càng kỳ cục ba rơi cũ càng
(Chiêm bao 24.)
 

Lê Công Thân: Thơ Thanh Tâm Tuyền sử dụng “dòng ý thức” ở chỗ nào? Cách viết “dòng ý thức” mà sao lại là “của văn chương Hiện Sinh thời bấy giờ” . Ông còn chỉ ra kỹ thuật “dòng ý thức “ (stream of consciousness) do nhà tâm lý học William James sáng chế từ cuối thế kỷ 19, rồi “dòng ý thức” được ứng dụng vào tiểu thuyết rất sớm bởi những tác giả như Marcel Proust, James Joyce...

Xin thưa, Văn chương miền Nam Việt Nam những năm 1955-1975 chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Hiện sinh rất mạnh mẽ (xin đọc: Chủ nghĩa Hiện sinh ở Miền Nam Việt Nam 1954-1975 của Huỳnh Như Phương). Kỹ thuật viết “dòng ý thức” là một trong những kỹ thuật làm mới cách viết (xin đọc La Nausée của J-P Sartre, Cũng Đành của Dương Nghiễm Mậu ). Thơ Thanh Tâm Tuyền được viết bằng kỹ thuật ấy, nhờ thế mà thơ TTT thoát ly được ảnh hưởng của Thơ Mới (1930-1945). Trong Thơ Mới, nhân vật trữ tình là Cái Tôi tâm trạng, trong thơ TTT, nhân vật trữ tình là Cái Tôi chìm đắm trong dòng chảy ý thức (xin so sánh nhân vật trữ tình Tôi trong hai bài : Vội Vàng của Xuân Diệu và Tĩnh Vật của Thanh Tâm Tuyền)

Lê Công Thân: “Hoàng Lan: Xin điểm một vài khuôn mặt trẻ: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thuý Hằng, Nguyễn Quang Thiều, Trương Nam Hương, Lê Thiếu Nhơn, Phan Thị Vàng Anh, Trần Ngọc Tuấn... - Những người này đều ngoài 30 tuổi cho tới ngoài 50 tuổi, sao lại gọi là “trẻ”? Hay vì Hoàng Lan từ hành tinh nào mới tới địa cầu?”

HL gọi những tác giả này là trẻ vì đa số họ sáng tác sau đổi mới 1986, tính đến nay đã 24 năm. Lúc họ xuất hiện với những tác phẩm ghi được dấu ấn trong văn đàn VN họ còn rất trẻ. Trong thơ văn, tác giả không có tuổi. Nguyễn Du viết trong thơ mình nhiều lần chữ “bạch đầu”, thí dụ: “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên” nếu bảo Nguyễn Du là thi sĩ già thì sẽ là một ngộ nhận.

Lê Công Thân: “Hoàng Lan: Thi pháp Hậu Hiện Đại được thể nghiệm thành công hơn ở Văn Cầm Hải. Xin đọc: “Sinh tồn”... Bài thơ “Sinh tồn” của Văn Cầm Hải có “thi pháp Hậu Hiện Đại” ở chỗ nào? Hay là Hoàng Lan chỉ nói bạt mạng lấy được?”

Để chỉ ra thi pháp Hậu Hiện Đại trong bài Sinh Tồn của Văn Cầm Hải, có lẽ HL phải nhờ đến các nhà phê bình chuyên nghiệp, rành rẽ về Hậu Hiện Đại như Hoàng Ngọc Tuấn... giúp thôi (xin đọc: Hoàng Ngọc Tuấn, Thử thưởng thức một tác phẩm văn chương hậu hiện đại). Nhưng cũng xin mạo muội thưa với ông Lê Công Thân rằng, trong bài Sinh Tồn, cấu trúc, thời gian, không gian, nhân vật là những yếu tố của tác phẩm truyền thống đã bị phá vỡ, thêm vào đó là những yếu tố ngẫu nhiên, hoang tưởng. HL nghĩ rằng Sinh Tồn đã được viết bằng thi pháp Hậu Hiện Đại. Xin ông Thân đọc lại và so sánh với một bài thơ Lãng Mạn xem HL có nói đúng không, HL không có nói bạt mạng lấy được như ông nghĩ đâu.

HL nhận thấy thế này: Phần HL viết về thơ cổ điển, thơ Thiền, thơ Lãng Mạn, các vị không phản bác. Các vị chỉ bị “choáng” khi đọc những cảm nhận của HL về các bài thơ của vài nhà thơ Hải Ngoại. Xin thưa rõ: về giá trị thơ văn Hải Ngoại, đã có những bài viết của Thuỵ Khuê, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Hưng Quốc mà HL đã nêu. HL không nhắc lại (hiểu ngầm là HL công nhận giá trị của những bài viết ấy, và độc giả đã đọc).

Những bài thơ mà HL cop lại là tình cờ trên net, cũng là các bài mà tác giả cố ý trình diễn ra như một phần cá tính sáng tạo của mình, nó cũng gây “shock” với người đọc, nhờ thế để lại dấu ấn tác giả trong lòng người đọc. Nếu là một bài riêng lẻ, một tác giả riêng lẻ thì đó chỉ là hiện tượng tình cờ, còn nếu đã là nhiều bài, xuất hiện ở nhiều tác giả thì chắc chắn đó là một xu thế, một mục đích sáng tác. Cảm nhận của HL về các bài thơ đó trước tiên là về thi pháp, sau đó mới là cảm nhận giao tiếp. HL đã chỉ ra những bài thơ đó tràn đầy cảm thức Hậu Hiện Đại, nhưng về thi pháp nó tuy có mới nhưng vẫn là thơ cũ: thơ văn xuôi, nhân vật trung tâm là “cái tôi” tâm trạng (giống như thơ Lãng Mạn 1930-1945).

Nếu độc giả đọc những bài thơ của tác giả hải ngoại mà HL đã trích so sánh với bài thơ của Harold Pinter (Nobel văn chương 2005) dưới đây, hẳn cảm nhận của bạn đọc sẽ khác, và nhận ra đâu là giá trị đích thực của thơ. Xin đọc

 
AMERICAN FOOTBALL
(Một khúc suy tư về Cuộc Chiến Vùng Vịnh)
 
Tạ ơn Chúa!
Thật hiệu quả.
Bọn tôi đã nện cho bọn nó xịt cứt ra.
Bọn tôi nện cho cứt chạy ngược lên lỗ đít
của chính bọn nó
Và xịt ra hai lỗ tai đéo của bọn nó.
Thật hiệu quả.
Bọn tôi đã nện cho bọn nó xịt cứt ra.
Bọn nó chết ngạt trong cứt
của chính bọn nó!
Tạ ơn Chúa!
 
Xin ngợi ca Chúa về mọi điều tốt lành.
Bọn tôi nện bọn nó văng vào cứt đéo.
Bọn nó đang ăn cứt.
 
Xin ngợi ca Chúa về mọi điều tốt lành.
Xin ngợi ca Chúa về mọi điều tốt lành.
Bọn tôi nện cho những hòn dái của bọn nó bể nát như bụi,
Bể nát như bụi đéo.
Bọn tôi đã làm vậy đó.
 
Bây giờ tôi muốn cô tới đây
và hôn lên miệng tôi.
 

Chỉ có điều HL không mấy vui khi được các ông các ông Lâm Quang Thăn và Lê Công Thân tiếp chuyện bằng một thứ ngôn ngữ có lẽ là “hậu hiện đại”, hay một kiểu ngôn ngữ “hậu... gì đó”. Văn hoá VN vốn trọng con người, trọng khách. HL mới chỉ xuất hiện lần đầu trên Tiền Vệ, nhưng lại được các vị đối xử “nồng nhiệt” quá. Và dù có không vừa ý điều gì với HL, các vị cũng xin “lựa lời mà nói “, sao lại la lối lên như thế này, HL có bóp cổ các vị đâu: “Ôi bà con hàng xóm xin cho con miếng giẻ (nhanh nhân lên giùm) cho con lau nước... tè!!!!.”; Đọc cái kết luận này xong thì tôi cảm thấy cần phải đi uống một lít nước lạnh để khỏi văng... nước miếng.”. HL tưởng các vị ném cứt ném đái nhổ nước bọt vào mặt HL chứ. May mà cũng còn một chút gì đó là tự trọng. Chẳng lẽ văn hoá ứng xử của xứ người[1] là thế chăng! HL không tin vậy. Các vị thử lên Tây Nguyên xem, những người dân tộc, ở trần đóng khố, khi gặp khách lạ, họ đâu có tiếp đãi như các vị ứng xử với HL đâu!

Bây giờ HL xin nói bằng kỹ thuật giễu nhại (pastiche) vài cảm nhận của mình khi đọc những comments của độc giả Lâm Quang Thăn và Lê Công Thân. HL thấy các vị bị “choáng” quá, và vì thế bị bốc hoả lên đầu, các vị giãy lên như đỉa phải vôi. Các vị khóc, các vị cười, nước mắt nước mũi văng tùm lum. Các vị lu loa lên, như một diễn viên có nghề, khóc cười điệu nghệ đến nỗi tè cả ra quần, ưót tèm lem cả diễn đàn Tienve. Chỉ tiếc là các vị không đưa ra được một luận điểm nào để bác lại những luận điểm của HL, và vì thế cơn uất ức càng bốc lên, và các vị đã hành xử chẳng khác gì những nhân vật trong bài thơ của Lê Thị Thấm Vân, Đinh Linh, Đỗ Kh. (HL xin xác định rõ là nhân vật trong bài thơ, chứ không phải là tác giả bài thơ). Nhìn các vị diễn, HL buồn cười và thương hại quá, vì các vị không đọc tác phẩm mà soi vào văn bản của HL như công an VN soi lý lịch vậy. Hoá ra các vị đang sử dụng phương pháp phê bình Marxist để điều tra tác giả đấy!!! (HL nói điều này các vị lại chối đay đảy cho mà coi, hihi!)

Có lẽ đã hơi dài lời, HL xin mượn thơ Bùi Giáng để kết câu chuyện thế này

Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa
Hỏi tên rằng một, hai, ba
Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm
 

Bùi Giáng viết bằng ngôn ngữ “vô ngôn” của Thiền, vì thế không dễ hiểu. HL xin diễn giải thế này, Xin đừng hỏi tên tôi, đừng hỏi quê tôi (như công an hỏi cung). Khi anh còn nhìn tôi bằng con mắt cân đong đo đếm chi ly một, hai, ba; khi anh đối diện với tôi bằng “nghi tâm “( tức là cái Tâm Sai Biệt), không phải bằng cái Tâm Bát Nhã, thì chúng ta không thể nói chuyện với nhau được. Với HL cũng vậy.

Nếu các vị lại ứng xử với HL như vậy nữa, thì HL mượn câu Kiều để thưa với quý vị, “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. HL đành im lặng, vì mình khác nhau về văn hoá quá. Thương ôi, cùng là người Việt!

Vài lời xin thưa với bạn đọc. Nếu có gì không phải, xin thứ lỗi.

 
Hoàng Lan

 

_________________________

[1]Phụ chú của nhóm biên tập mục Đối Thoại: Ở đây Hoàng Lan đã đoán nhầm, vì trong hai người đối thoại với Hoàng Lan, chỉ có Lê Công Thân là đang ở nước ngoài, còn Lâm Quang Thăn đang ở tại Việt Nam.

 

---------------

Bài liên hệ:

30.03.2010
[VĂN HỌC] ... Khóc Hoàng Lan là khóc cho cả nền giáo dục Việt Nam. Khóc tiễn đưa tang đầu óc trống rỗng mà ăn nói to tướng của các cây viết lách được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa vô cùng thân yêu. Khóc cho sự đọc lỗ mỗ, hiểu lôm côm, còn ăn nói thì to đại cồ... (...)
 
29.03.2010
[VĂN HỌC] ... Xin nói ngay, bài “Thơ Việt, một hành trình chưa ngừng nghỉ” của Hoàng Lan là một mớ kết hợp hổ lốn của các ý tưởng trong giờ học văn dưới mái trường XHCN cộng với những thông tin chắp vá lôm côm lệch lạc về thơ Việt Nam nói riêng, văn học nói chung, và cái nhìn chủ quan rất thiên vị Bắc/Nam, trong nước/ngoài nước... (...)
 
27.03.2010
[VĂN HỌC] ... Lướt qua một chút hành trình thơ Việt, ta có thể nhận ra điều gì? Đó là một tiến trình không ngừng nghỉ sáng tạo, một tiến trình đầy sức lực đi về phiá trước. Trong tiến trình ấy hiện lên những khuôn mặt rạng rỡ. Tuy vậy thơ Việt chưa có một nền thơ riêng. Cũng nhìn vào tiến trình ấy, tuy thơ Việt đã có những thành tựu, song thơ Việt luôn đi sau thơ thế giới... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021