tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Chợ đời tị nạn  [đối thoại]

 

Đọc bài “Rữa” của Đinh Linh làm tôi nhớ những năm đầu đến Mỹ.

Tôi nhớ khu Locke Drive tức Xóm Rác mà Đinh Linh nhắc đến. “Thằng bạn thân” của tôi cũng từng ở đó. Đó là con đường cụt, trên dưới hai mươi căn duplex rẻ tiền. Muốn vào Xóm Rác phải đi qua cái creek quành quèo, sâu trũng. Mùa mưa nước bắn phủ tràn mui xe. Thỉnh thoảng tôi đến nhà thằng bạn chơi, nếu chị nó đang nấu ăn, thiếu gì đó, là sai nó chạy qua nhà “ông Châu cô Hà” mua, nó thường rủ tôi đi cùng.

Tôi nhớ nhà thằng bạn tôi cách nhà ông Châu cô Hà mấy căn, ở giữa là nhà ông T có người con du học trước 75, cộng tác mật thiết với báo Cái Đình Làng, báo của “Việt kiều yêu nước”, tức phe thân cộng. Tôi nghe người lớn “đồn” thế nên lúc nào đi ngang nhà ông T tôi cũng len lén nhìn vào bên trong cánh cửa luôn đóng kín. Người ta cũng đồn cô Hà là “người ở” của “ông Châu dân biểu/luật sư ngày trước ở Việt Nam, qua tới Mỹ ổng “bợ” luôn cô Hà. Giờ đọc bài viết của Đinh Linh mới biết cô Hà là thư ký của ông Châu.

Nhà thằng bạn tôi nằm cùng dãy nhà Đinh Linh nhưng ở mé trong nên không ngửi mùi rác rữa… nồng nàn/nặc như Đinh Linh gánh chịu. Quán ông Châu cô Hà bán đủ thứ hầm bà lằng, mỗi thứ một chút, nhưng gạo và nước mắm là hai món chính nên lúc nào đến mua cũng có. Tất cả ngổn ngang chật cứng lối đi trong cái garage chu vi chứa chỉ được một chiếc xe. Quanh tường garage đóng mấy cái kệ rất thủ công nghệ. Mùi garage ẩm mốc, tối tăm, rất chi là đời “tị nạn”. Bao nhiêu năm trôi qua, nhưng giờ đây, khi đọc bài viết của Đinh Linh tôi vẫn nhớ rõ cái miệng ưa cười và tiếng Việt phát âm lơ lớ Tàu của cô Hà.

Thời đó, ngoài tiệm ông Châu cô Hà, khi có thời giờ, chúng tôi xuống phố San José, ghé chợ Nhật Dobashi trên đường số 5, thức ăn ở đấy dĩ nhiên nhiều hơn, nhưng muốn đầy đủ hơn thì phải đi chợ Việt Nam Thực Phẩm ở mãi tít Palo Alto. Vài năm sau, chợ gì... (tôi quên mất tên, vì thường nghe người lớn gọi là chợ “ông đại tá” mở trên đường số 4, gần góc đường Santa Clara). Mỗi khi ghé chợ này, tôi thường thấy mấy cô con gái mới lớn trạc tuổi tôi ngồi xổm lặt rau còn mấy đứa em nhỏ hơn thì nằm ngủ khoèo trên mấy bao gạo.

Tôi đã từng vô ra cái chợ garage/tị nạn của ông Châu cô Hà không dưới hai mươi lần, nhưng hoàn toàn không nhớ ở đó có thằng con trai tên Đinh Linh — nhỏ hơn “thằng bạn thân” của tôi vài tuổi, sau này tôi gọi “hắn” là chồng.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021