tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Phạm Duy ba xạo?  [đối thoại]

 

Bên Da Màu, trong bài “lại nói chuyện về thơ” của cây viết Phan Xuân Sinh có đoạn:

... Phạm Duy có gặp một số anh em văn nghệ tại Boston, trong cuộc gặp gỡ nầy có người hỏi Phạm Duy là: “Anh phổ nhạc thơ của nhiều thi sĩ, có hai thi sĩ lớn như Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên. Sao anh không phổ thơ của họ?” Phạm Duy trả lời: “Hai ông nầy thơ hay thật, thế nhưng thơ của hai ông lý trí quá khó phổ thành nhạc được.” Nói thế để chúng ta biết rằng thơ hay chưa chắc làm rung cảm được người đọc...

Trong khi đó bên Diễn Đàn, trong bài “Phạm Duy: thơ phổ nhạc” cây viết Đặng Tiến cho rằng Phạm Duy là mẫu người lý tính [ít ra là trong nghiệp vụ hay chức năng làm nhạc của mình(?)]. Đây, trích Đặng Tiến:

Một độ chênh khác, nhỏ thôi, cũng nên tỏ bày : Hoàng Cầm là nghệ sĩ duy cảm, có lúc duy tâm; Phạm Duy là người duy lý. Bên kia sông Đuống được sáng tác tháng 4-1948, trong cảm xúc, khi tác giả được tin giặc Pháp tràn vào chiếm làng mình; được tin lúc nửa khuya Hoàng Cầm xúc động làm một mạch đến gần sáng thì xong bài thơ dài, không toan tính, sắp xếp gì. Còn Phạm Duy khi phổ nhạc thì toan tính, suy nghĩ bằng âm nhạc về một bài thơ dài, trong... nửa năm ! Có lẽ trong tinh thần duy lý đó, nhiều câu thơ «siêu thực» mà Hoàng Cầm cho là «thần linh», trong Lá Diêu Bông, 1959, hay Quả Vườn Ổi, không còn xuất hiện trong lời ca...

Như thế tôi hiểu là, nhưng chưa dám chắc là hiểu đúng, nêu tinh thần duy lý của Phạm Duy ra, ý định của cây viết Đặng Tiến có phần nào đó là muốn biện minh cho việc Phạm Duy xén bớt lời của nhà thơ Hoàng Cầm khi phổ nhạc, xén bớt một cách rất “lý trí”, cân bằng và trong chừng mực có thể chấp nhận được. Một mặt khác, tôi hiểu là, nhưng cũng chưa dám chắc là hiểu đúng, một cách hỗ tương, cắt xén như thế, và có thể là cắt xén một cách khá tươm tất và gãy gọn như vậy, chứng tỏ tinh thần duy lý cao độ của họ Phạm, biết dung hòa những cái thực và những cái siêu thực môt cách điệu nghệ và tuyệt hảo, ngoài việc bỏ công sức và, nhất là, rất nhiều thời gian (“nửa năm”, thí dụ vậy) ra.

 

Cái “rắc rối của cuộc đời” thường có nhiều dạng, hay nhiều hình thái. Một trong nhiều hình thái đó là sự che đậy. Thí dụ trên qua câu nói của Phạm Duy là một.

Dù tôi hoàn toàn chẳng có bằng cớ cụ thể, xác đáng, có tính cách “hiện trường” nào để xác quyết là (vì lý do này, lý do nọ) Phạm Duy kỳ thị hay lãnh cảm hay dị ứng hay gì gì đó mà không đả động gì tới thơ của hai nhà thơ được đề cập, dù thơ của họ không những chỉ “hay thật” chung chung không thôi mà còn là “hay thật” thuộc hàng đỉnh cao, “đền của đền”, tôi vẫn nghi ngờ câu trả lời trên của Phạm Duy là một câu nói không thật; và mục đích như thế có thể là để che đậy điều gì đó. Tôi nghi ngờ vì hai lý do sau đây:

1) Nói như thế có vẻ như Phạm Duy muốn tự hạ mình xuống. Quan trọng hơn, nói như thế thì không khác nào Phạm Duy lại đi chịu thua người khác? Như thế, theo nhận xét của tôi, là trái với bản tính của Phạm Duy bởi vì một mẫu người hầu như lúc nào cũng mang phong thái kẻ cả, không những chỉ là “bố già” không thôi mà còn có khi là “ông cố nội” nữa... như Phạm Duy thì thường không bao giờ xẩy ra chuyện đương, không đi tự hạ mình xuống hoặc chịu thua ai cả, đời nào!

Thua người khác vì thực tế cho thấy là Phạm Đình Chương ít ra là, theo tôi nhớ, với “Nửa hồn thương đau” là một, “Dạ tâm khúc” là hai, đã phổ/lấy cảm hứng từ thơ Thanh Tâm Tuyền; rồi tới Trần Thiện Thanh cũng phổ thơ của Tô Thùy Yên qua “Chiều trên phá Tam Giang”. Và có thể còn ít nhiều bài phổ thơ khác kiểu như thế bởi hai người này hay bởi những ai khác nữa mà tôi chưa từng được biết.

Như thế rõ ràng là dù thơ của hai nhà thơ này nói chung là có “lý trí” quá xá quà xa tới đâu đi chăng nữa, nhưng Phạm Đình Chương, và ngay cả Trần Thiện Thanh, một ca/nhạc sĩ khác không tầm vóc bằng cả hai họ Phạm đều làm được, mà chẳng lẽ Phạm Duy lại thoái thác, chê “khó”, chẳng chọn ra được bài nào hay ngay cả câu nào để phổ hoặc để lấy cảm hứng từ đó để tái tạo rộng ra hơn hoàn toàn toàn theo ý mình sốt cả. Như vậy chứng tỏ rõ ràng là Phạm Duy đã thua hai nhạc sĩ kia. Chẳng nhẽ Phạm Duy lại chịu thua như thế sao?

Một cách nói khác là, về mặt tác động trong sáng tác, muốn sáng tạo thì phải có rung cảm, thì như thế hóa ra là cái “nơ-rôn” làm cho con người ta rung cảm nơi Phạm Duy hoàn toàn tê liệt trước những câu thơ “đền của đền” của hai nhà thơ được đề cập, trong khi những câu thơ cũng thuộc hạng “đền của đền” nhưng của những nhà thơ khác thì Phạm Duy lại phổ một cách ngon ơ như đã từng thấy? Một cách ngắn gọn: Phạm Duy hoàn toàn “liệt kháng” trước thơ Thanh Tâm Tuyền và thơ Tô Thùy Yên và sở dĩ có chuyện đó LÀ VÌ nó “lý trí quá”? Có thể nào là như thế? Thế là thế nào, có tin được như thế hay không?

2) Như đã nêu trên, “Phạm Duy là người duy lý”. Bingo!

Nhạc sĩ duy lý, vốn sẵn tài hoa bậc nhất và kinh nghiệm sáng tác cũng đã sẵn đầy mình, lại chịu khó chịu khổ sáng tác một cách cật lực, và nổi tiếng “sung” như vậy mà gặp thơ “lý trí quá” thì phải mừng hết lớn như cá gặp nước, như mèo thấy mỡ mới phải chứ; và kết quả tưởng chừng sẽ như là lửa vồ rơm tới nơi; rồi từ đó phải là bùng lên cái việc gọi là “gươm phóng giữa rừng... hoa” loạn cào cào lên cho thấy cảnh, cho “hoa rơi bên thềm” tá lả, hóa thân thành biết bao là giai điệu tuyệt vời để lại cho người đời, chứ lại chạy làng như thế là sao vậy hè?

Tới đây tôi mơ hồ nhận ra rằng sự thể có vẻ như đang có chiều hướng trở nên nhùng nhà nhùng nhằng. Tuy chưa có gì là rối rắm lắm, nhưng rõ ràng là ông đang nói gà bà phang vô vịt: Phạm Duy “chê” thơ “lý trí quá”, “khó phổ thành nhạc được”; trong khi Đặng Tiến lại cho “Phạm Duy là người duy lý”! Thế là thế nào? Hay có khi nào xảy ra trường hợp là giữa hai ông này, cách dùng chữ và nghĩa ngữ của chữ họ dùng nhìn thì na ná hay y chang nhưng nội hàm và ngữ cảnh khác nhau thì sao? Tôi thì cho là không có chuyện đó bởi vì những thuật ngữ như vậy “bẩm sinh” hay bản chất đã rơi vào dạng tự nó nói lên cho chính nó (it speaks for itself) về mặt ngữ nghĩa, cho nên có đặt cho nó nằm trong bất kỳ ngữ cảnh nào đi nữa thì nó cũng chỉ đều có nghĩa như nhau mà thôi.

Nói gì thì nói, chưa kể là tới đây bài viết cũng đã khá dài, và để cho mau kết thúc, tạm thời tôi cứ thế mà ôm chân “nhà phê bình” Đặng Tiến cho chắc ăn, để rồi sẽ hạ hồi phân giải sau, khi có dịp. “Đặng Tiến đã nói như thế.” Rốt ráo và kết cuộc, nghi vấn Phạm Duy ba xạo của tôi nói nãy giờ lại càng có cơ được cũng cố hơn: làm gì có chuyện một con người duy lý mà lại chạy làng trước những bài thơ “lý trí quá”.

 

 

-----------------

Bài liên quan:

09.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Cách đây 13 năm, mình được một anh bạn mời tới nhà ăn mừng tân gia. Mục đích là để khoe nhà, sẵn khoe luôn dàn máy Karaoke mới sắm. Chủ nhà hát liên tiếp 5 bài hát mở hàng dàn máy. Lúc đó mình như thấy tuần tự hình ảnh Phạm Duy - Trịnh Công Sơn - Từ Công Phụng - Lê Uyên Phương và Cung Tiến ngã lăn đùng ra chết giấc... (...)
 
08.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Hát karaoke — đây là đang nói về karaoke đàng hoàng, chứ tuyệt nhiên chẳng có dính dáng gì đến karaoke ôm bậy ôm bạ như ở Việt Nam — cũng có thể được xem là một sự bùng nổ dữ dội, ít ra là tại những nơi có người Việt mình tại Mỹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021