tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Lại nói chuyện ông già bóc hành: Từ vết chàm đến vết thương (chưa lành)  [đối thoại]

 

Đầu tháng 5, vào web, thấy xứ Đức vẫn có người gửi phê bình về bài thơ “Was gesagt werden muss” của Grass trên báo Sueddeutsche Zeitung (SZ); sinh viên tả phái biểu tình ủng hộ Grass bị phe cực hữu phá đám; các bạn văn của Grass thảo luận về bài thơ trên [Xem: “Ingo Schulze zum Fall Grass...”, FAZ, 17/Apr/2012]; cả đến luật gia về công pháp quốc tế cũng qua đó thảo luận về vũ khí nguyên tử, quyền đánh phủ đầu... Hoá ra, cụ Grass lột hành, hết lớp này đến lớp khác, mùi hăng của nó cũng bay khắp xứ!

Sau khi đọc bài “Điều phải nói” của Phạm thị Hoài trên pro&contra (05/Apr/2012), viết một ngày sau khi bài thơ của Grass được công bố, tôi tìm đọc nguyên bản trên web, tình cờ thấy mục góp ý về bài thơ của Grass trên Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) [một tờ báo lớn của Đức như SZ], xem thử, thấy có nhiều điều thú vị.

Trước hết, tờ báo này chỉ nhận góp ý về bài thơ của Grass trong có 3 ngày. Sau đó, đóng mục này lại! Có tất cả là 78 bài. Tôi không đọc hết vì khá dài mặc dầu có người chỉ viết 1 hay 2 giòng, hoặc khen, hoặc chê, thế thôi. Những ngưòi viết cẩn thận hơn thì có lý luận, đưa ra luận cứ đàng hoàng, kết luận đâu ra đó, nhưng dù khen hay chê, cũng giữ ý tứ chứ không dùng chữ bừa bãi.

Lý thú là ở chỗ đọc chính các độc giả sống trong một xứ sở, phê bình một nhà văn nổi tiếng quốc tế (cùng chia sẻ các điều kiện xã hội, lịch sử... với mình) về một vấn đề (vẫn luôn luôn) nhức nhối của đất nước mình. Sở dĩ nhắc cái đặc tính “Đức” này bởi vì không ít người đã đặt câu hỏi, nếu bài thơ cảnh cáo về hiểm họa chiến tranh nguyên tử đó của bất cứ ai, hay dù cho là của một người Đức (nào đó) viết đi nữa , miễn không phải là Grass (!), thì nó có gây ra nhiều tranh cãi đến như vậy không?!

Trong các bài góp ý ở trên, phe chỉ trích Grass và khuynh hướng bênh vực Do Thái không nhiều (có thể họ gởi cho báo khác), đã phát biểu với ít nhiều hậm hực không che giấu được! Họ ưa nhắc cái vết chàm thời “cậu Günter” 17 tuổi, đi lính SS; rằng Grass chẳng hiểu gì về chính trị Trung Đông cũng như cuộc chiến sống còn của nước Do Thái.

Nhiều người ngỏ lời cảm ơn Grass đã nói ra điều mà họ nghĩ, muốn phê bình Do Thái mà không nói ra được, cũng như họ đề cao quyền tự do phát biểu.

Nhưng được đề cập đến nhiều nhất, chính là hai chữ Öffentlichkeit (công khai) và Wahrheit (sự thật) của và đối với quần chúng, không phải của chính phủ Đức. Chính sách của nước Đức (bây giờ và trước đây ở Tây Đức) cũng như thái độ của giới truyền thông đại chúng Đức trong vấn đề Do Thái vẫn luôn luôn là dè dặt tối đa.

Đến độ mà Grass chịu hết nổi, phải nói ra!!!

Nhưng ông không viết văn xuôi mà ông làm thơ. Điều này cũng tạo khá nhiều góp ý... bực mình, dù rằng ai cũng biết cái nội dung quan trọng hơn thể cách viết. Thoạt nhìn, có vẻ như Grass muốn kích thích, gợi ý tò mò và... chọc giận dân Đức qua thơ, xứ sở của nhiều nhà thơ lớn, nhưng bài phân tích của F. Schirrmacher “Giải thích về điều Grass muốn nói với chúng ta” về bài thơ của Grass cho thấy ông đã chơi chữ như thế nào, tự trào mà lại mỉa mai, chuyển hoán vị trí của Đức và Do Thái... như là có một bài thơ khác “đằng sau” bài thơ được công bố vậy. Nếu không có các ẩn dụ như vậy thì chắc hẳn ông đã viết xã luận, trắng đen rõ ràng rồi! [Xem: “Eine Erläuterung: Was Grass uns sagen will”, FAZ - Feuilleton, 04/Apr/2012]

Grass thuộc cái thế hệ cuối cùng lớn lên trong Đệ nhị Thế chiến và trưởng thành thời hậu chiến trong một nước Đức tan hoang. Sau chiến dịch loại trừ Quốc Xã [Entnazifierung] của Đồng minh lúc vừa chiếm đóng nước Đức, vào thời chiến tranh lạnh, khi Tây Đức phục hồi dần dần qua sự tiếp sức của Mỹ, người ta nói đến việc vựơt qua quá khứ (Vergangenheits-bewältigung), được hiểu là thời Quốc xã, một cách nặng nề.

Với cái tội di truyền [Erbschuld] này, người Do Thái còn chưa quên, nói gì đến tha thứ?! (Chữ Schuld có nhiều nghĩa, có thể là tội mà cũng là nợ, có điều tội hay nợ gì người ta cũng phải trả hết!). Di truyền về lịch sử thì thế hệ sau không thể chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc làm của thế hệ trước, nhưng nếu hiểu theo nghĩa gia hệ (genealogisch) thì cứ sinh ra là người Đức, tự động coi như là có tội/nợ với Do Thái rồi! Lối nhìn thứ hai này ngày nay không còn thích hợp cho các thế hệ sau này ở Đức nữa, người ta cho rằng chuyện yên lặng đồng loã với bạo lực hay tiếp sức cho chiến tranh mới chính là Erbschuld và họ ủng hộ Grass đã dám nói lên sự thật. Trong đoạn thứ 6 của bài thơ 9 đoạn, thay vì dùng chữ Erbschuld, Grass đã dùng chữ Herkunft, rất khéo [theo Schirrmacher, bài đã dẫn].

Vậy muốn trả nợ/gỡ tội, nước Đức phải làm gi? - Wiedergutmachung! (làm tốt lại), từ bồi thường qua viện trợ đến bảo đảm an ninh cho Do Thái với việc ủng hộ các chính sách của Mỹ giúp Do Thái hay bán võ khí tối tân với giá bớt, chưa kể chuyện làm thinh trước các hành động ngang ngược hay đòi hỏi một chiều của Do Thái. Chiếc tàu ngầm loại Dolphin mà Grass đề cập trong bài thơ (được ký kết mua vào tháng 3 vừa qua) là chiếc tàu ngầm thứ tư Đức bán cho Do Thái và đồng thời Đức cũng “ân cần” dặn dò đồng minh, việc leo thang vũ khí với Iran có thể mang lại những hậu quả khó lường! [Xem: Bản tin “German author Grass says Israel endangers world peace”, Reuters 04/Apr/2012, tác giả: Gareth Jones]. Cái này thì Grass gọi trong thơ là Heuchelei (đạo đức giả, như bà Hoài đã dịch) là đúng quá rồi, không thể có chữ nào khác. Không lẽ mua tàu ngầm cỡ 500 triệu Euro một cái, có thể mang đầu đạn nguyên tử, để thả cho chạy lòng vòng như chơi đèn kéo quân hay sao?!

Thập niên 60, Grass tích cực tham dự với đảng SDP (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) ở Tây Đức, trở thành một thứ “lương tâm của nước Đức” thời bấy giờ với văn tài của ông. Ông đã không ngần ngại thách thức nhiều chính trị gia Tây Đức thuở đó bạch hoá quá khứ Quốc Xã của họ và cũng làm nhiều vị điêu đứng. Về phần mình, Grass cho hay khi gia nhập quân đội vào cuối cuộc chiến, ông làm trợ thủ cho một đơn vị phòng không, chuyện nghe rất... êm tai về mặt chính trị bên cạnh những khẩu đại bác bắn máy bay, nổ long trời lở đất!

Mãi đến năm 2006, vài tháng trước khi ra mắt quyển hồi ký tự truyện “Khi bóc vỏ hành” (Beim Häuten der Zwiebel) Grass mới “thành khẩn khai báo” là ông đã gia nhập đội quân SS vào những tháng cuối cùng của cuộc chiến. Chuyện này trong gia đình ông cũng chẳng ai hay biết, trừ bà vợ. Nó là một cú sốc lớn cho công chúng về việc ông đã nói dối trong 62 năm; có người đòi thu hồi giải thưởng Nobel về văn chương của ông (nhận năm 1999); Lech Walesa, cựu chủ tịch công đoàn Đoàn Kết, lãnh tụ Ba Lan, một người bạn thân của Grass cũng đòi Grass phải trả lại bằng tưởng thưởng Công dân danh dự của tỉnh Gdansk (nay thuộc Ba Lan), trước là Danzig, nơi sinh quán cùa Grass và cũng của Walesa.

Đội quân SS (Waffen SS) là một thực thể và một biểu tượng kinh hoàng thời Đức Quốc xã. Họ là một thứ ủy viên chính trị như trong quân đội Cộng sản nhưng thiện chiến và cuồng tín trung thành với Hitler. Thành quả khủng khiếp nhất của SS là việc thực hiện cái Endlösung (giải pháp tối hậu) của Hitler cho người Do Thái: tận diệt. Theo kiểu Đức: có hệ thống, phương pháp đưọc nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, hồ sơ chi li. Kết quả là 6 triệu ngưòi ra tro trong các trại tập trung và lò thiêu mọc lên như nấm trên nước Đức và ở các nước bị chiếm đóng phiá Đông

Còn chuyện Grass, “trai thời loạn”, ham tình nguyện đầu quân vào một binh chủng nổi tiếng hay bị gọi quân dịch (sau 1943, SS thiếu quân số nên mới nhận lính động viên, cả dưới 18 tuổi) thì xin đọc tiểu sử của ông mà bài điểm sách về cuốn này [Xem: “Confessions of a super Grass”, The Observer, 24/Jun/2007, tác giả: Tim Gardam] cũng không nói gì rõ hơn! Ông thần chữ nghĩa G. Grass đã có lần tuyên bố: “Believing: it means believing in our own lies.” thì cái chuyện hư ảo cũng có thể là chuyện thật. Cái có thể thật hơn là sau khi Grass bị bắt làm tù binh của quân đội Mỹ, ông mới hiểu sự thật về SS, về chiến tranh, như ông đã nói (sau 12 năm bị đảng Quốc Xã nhồi sọ và tẩy não!)

Chấm dứt chuyện vết chàm này, xin trích lời một nhà báo viết tiếng Anh (xin lỗi vì không tìm lại được nguồn) đã viết theo điều rất là common sense: Làm sao ngưòi ta có thể đánh giá nhận định của một người đã trên 80 tuổi qua hành động của họ vào năm 17 tuổi?

Có độc giả cũng đã viết ra trên FAZ cái ý nghĩ chung của nhiều người: chẳng phải vì Holocaust mà người Do Thái có quyền lấy cái cớ đó biện hộ cho các chính sách sử dụng bạo lực đối với Palestine hay các dân tộc Trung Đông được. Năm ngày sau khi Grass phổ biến bài thơ, bộ nội vụ Do Thái tuyên bố Grass là persona non grata của nước họ. Ông thản nhiên ví chuyện đó với lối hành xử như của mật vụ Đông Đức (Stasi) cũ. Đã nói ra rồi thì cụ... tới luôn! Nói xách mé mà chơi: Na und?!

Nhiều tác giả phê bình đã đi đến kết luận chung giống nhau: chỉ cần một lần, một lần này thôi, chắc lương tâm của Grass sẽ được yên ổn!!!

Mạng tiếng Việt không thấy nhắc đến vụ này vì đề tài không mấy gần gũi cho đa số độc giả. Khi đọc những bài viết trên Tiền Vệ về bài thơ của Grass, về tiếng Đức..., tôi chợt nhớ lại hồi đầu thập niên 60 ở Sài Gòn, báo chí tranh cãi về tiếng Pháp, rằng Sartre nói thế này, Camus nói thế nọ, Sagan nói thế kia... Vui đáo để! Nói được về cái tinh tế của ngôn ngữ thì cũng nên nói, nhưng cũng chỉ nên ở điểm này thôi!

Bà Hoài viết về bài thơ của Grass, ngắn, gọn và cô đọng. Phần dịch thơ (rất chính xác) chỉ đủ để dẫn chứng. Đông Đức trước kia “vượt quá khứ” như thế nào thì tôi không rõ vì không sống ở đó; nếu được nghe giải thích của người đã có kinh nghiệm sống tại chỗ như bà Hoài thì chắc là thú vị, nhưng bả làm thinh.

Bà Hoài khôn thiệt!

 

Nguyễn T. Long
07/05/2012

 

 

------------------

Bài liên quan:

21.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Qua sự việc này, chúng ta học và rút ra được kinh nghiệm gì? Günter Grass là một nhà trí thức, ông đã vượt qua rào cản của xã hội nói lên một thực trạng mang tính chất nguy hiểm (ít nhất là theo ông) và chấp nhận thiệt thòi, vì đâu? Việt Nam chúng ta có những “điều phải được nói ra” không?... (...)
 
20.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Tôi không phải là người-chữ-nghĩa, nên viết câu kéo nhiều lúc không được mạch lạc mà cứ nghĩ là người đọc cũng sẽ hiểu như mình. Nếu quả thực câu tôi dịch có thể gây khó hiểu hay hiểu sai như anh đã chỉ ra thì chắc cũng nên sửa câu thơ ấy lại như anh đề nghị... (...)
 
18.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Lâu nay tôi là người rất thích đọc các bản dịch sáng sủa mẫu mực của anh. Nhìn chung tôi thấy bản dịch bài thơ G.G. của anh là chính xác, bởi vậy chỉ xin có một góp ý nhỏ:.. (...)
 
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Đọc bài phản hồi của anh Đinh Phương, tôi cứ đắn đo không biết có nên “phát biểu” tiếp nữa hay không. Đơn giản vì tôi ngại phải tranh luận với anh về kiến thức ngôn ngữ Đức trước đông đảo độc giả của Tiền Vệ... Nhưng nghĩ lại, tôi nhủ mình vẫn nên tiếp tục “đối thoại” với anh Đinh Phương chứ không lại bị hiểu lầm... (...)
 
17.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Từng câu từng chữ thì khác. Trọn bài lại khác. Theo tui, mỗi bài có cái “hơi” riêng. Bài dịch của Đinh Phương gần Đức hơn (có lẽ). Bài của Trần Kh. nghe Việt hơn.... (...)
 
16.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Mục đích của tôi trong bài đối thoại này là phản biện lại lời tựa của anh Trần Kh. cho rằng bài dịch của tôi đánh đố người đọc và “hơi ...ép cụ Grass”. (Ở đây tôi hiểu là “nhét chữ vào mồm cụ Grass”)... (...)
 
14.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Đọc bài thơ của Günter Grass được dịch bởi Đinh Phương vừa mới đăng trên Tiền Vệ, tôi thấy có nhiều chỗ không chính xác và (vì thế) khó hiểu, nếu không nói là dịch kiểu này thì quả là đánh đố người đọc và hơi... ép cụ Grass... (...)
 
[NHÀ VĂN & LƯƠNG TÂM] ... Chẳng biết Do Thái hay Iran có sắp dùng bom nguyên tử hay không nhưng Günter Grass đã vượt qua bằng cách dùng bom nguyên tử lương tâm của nhân loại để phá vỡ vô minh tập thể được truyền bá ở Âu Mỹ từ thời Do Thái lập quốc (1948)... (...)
 
12.04.2012
... Nhưng tại sao tôi lại im lặng đến lúc này? / Ấy là vì tôi đã cho rằng gốc gác của tôi / luôn dính liền với một vết nhơ không bao giờ được yên tịch / giam hãm, không chấp nhận sự việc này như một sự thật phải được nói ra... [Bản dịch của Đinh Phương]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021