tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Xin gửi đến anh Trần Tiến Dũng, nhân bài “Thầy tôi...”  [đối thoại]

 

Thân gửi anh Trần Tiến Dũng,

Lần đầu tiên trên web, tôi tìm được một bài viết thú vị về vị thầy khả kính Cù An Hưng, tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm nho nhỏ thời đầu quân dưới trướng của thầy. Xin phép được kể cùng anh.

Vào đầu thập niên 80, thầy Hưng có hai trung tâm dạy thêm Toán Lý luyện thi đại học, một chỗ gần chợ Thái Bình, một chỗ gần chợ Tân Bình, đường Nguyễn Văn Thoại. Năm 81, tôi được ông cậu họ giới thiệu vào làm thợ cho tổ hợp thủ công giấy nhám của người con trai của bà chủ chung cư Nguyễn Văn Thoại, nơi thầy Hưng mướn phòng dạy thêm. Nói là tổ hợp cho sang, thầy thợ chỉ có ba người: cậu Cương (con trai bà chủ nhà), anh Hoài (anh ruột của anh Nguyễn Thanh Vũ, đệ tử ruột của thầy Hưng) và tôi (lính tà lọt). Căn chung cư ba tầng, xây thành hình chữ U quay vào trong; ở tầng ba, phòng bên trái là lớp học của thầy, bên phải là phòng làm giấy nhám của tổ hợp. Buổi trưa Sài Gòn hâm hấp nóng nực, lời giảng với giọng Bắc của thầy nho nhỏ vọng qua, nghe rất buồn ngủ, tôi nghe được tiếng còn, tiếng mất nhưng lâu lâu lại nghe tiếng cười ồ lên của cả lớp học.

Sang năm 82, tôi vào 12, ông cậu họ của tôi, thuê phòng ở chung cư đó, lại giới thiệu tôi vào nhập môn học thêm Toán với thầy. Thầy nghĩ tình quen biết, nhận tôi vào học nhưng không thu tiền học phí, xếp cho tôi ngồi vào bàn làm việc của thầy, ngoài hành lang cửa lớp, ngó vào. Khi thật sự làm học trò của thầy, tôi không còn cảm thấy lời giảng của thầy buồn ngủ như lúc tôi cặm cụi làm giấy nhám phòng bên. Lâu lâu thầy pha trò khiến cả lớp cười vang, quên đi cái nóng buồn ngủ giấc trưa, quên đi cái chật chội của căn phòng nhỏ, chứa gần ba mươi mạng học trò. Bây giờ đọc bài viết của anh, tôi chợt hiểu thầy đã đưa thi ca vào toán học, những đạo hàm, quỹ tích, tích phân... khô khan đã trở nên nhẹ nhàng bay bổng thấm vào tâm của lũ học trò như tôi. Chữ viết của thầy trên bảng thẳng tắp, ngắn, gọn theo toán học, viên phấn thầy cầm như cây cọ của người họa sỹ tài ba, vẽ những bức hình minh họa của hình học không gian đẹp tuyệt vời, những vòng tròn tròn quay không cần sợi chỉ.

Nhưng kỷ niệm nhớ nhất của tôi về thầy là điếu thuốc Sài Gòn. Một hôm, thầy sai tôi chạy xuống lầu mua một điếu thuốc Sài Gòn. Cầm tiền của thầy, tôi hỏi ý thầy có muốn tôi mồi lửa điếu thuốc hay không, thầy gật đầu. Tôi lanh lẹ chạy xuống mua ở tủ bán thuốc lá lẻ đầu ngõ, rít đại vài ba hơi, lật đật chạy lên lại đưa điếu thuốc cho thầy. Thầy cầm điếu thuốc, giơ cao cho cả lớp xem, mặt kinh ngạc: “Chúng bây xem, thằng này KINH quá!!!” Thầy nhấn mạnh chữ KINH khiến cả lớp cười thích thú, tôi đỏ mặt, sượng trân. Thầy lại móc túi lấy tiền sai tôi đi mua điếu khác, lần này, không mồi trước nữa.

Gần ba mươi năm trôi qua, tôi vẫn nhớ tới khuôn mặt tươi vui của thầy, vừa dựng chiếc Honda dame, vừa hí hửng khoe với ông cậu họ của tôi là Huỳnh Trung Lương đỗ thủ khoa vào Bách Khoa với tổng số điểm tuyệt đối, 30 điểm. Huỳnh Trung Lương học chung khối 12 trường Phú Nhuận, cũng đầu quân với thầy ở Tân Bình. Nét hãnh diện của thầy như một người chèo đò vừa làm xong công việc cực kỳ khó khăn. Tôi vẫn nhớ nét hãnh diện của thầy về họ Cù, đúng chính thống dân Giao Chỉ như lời pha trò của thầy.

Nhân bài viết của anh, tôi thử Google tên của thầy và tìm ra trang web mang tên thầy, www.cuanhung.com, đăng những bài thơ Đường thầy dịch sang tiếng Việt.

Tôi chỉ là một đứa học trò nhỏ trong ngàn đứa học trò của thầy. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, nhờ bài viết của anh, tôi hiểu thêm một chút bên trong của người thầy khả kính năm xưa. Mừng, xin cảm ơn anh rất nhiều.

 

Hoàng Đại Dương

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021