tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Lại nói về bệnh vô cảm  [đối thoại]
 

Xung quanh hiện tượng cô giáo mầm non phạt đứa trẻ bốn tuổi vì tội biếng ăn bằng cách nhốt vào thang máy vận chuyển thức ăn và bấm nút cho thang chạy, đã có nhiều cách lý giải, bình luận. Theo tôi, căn nguyên của hiện tượng trên đơn giản là bệnh vô cảm — căn bệnh có thể nói đã trở nên bão hoà trong đời sống tinh thần của một bộ phận không nhỏ con người trong xã hội hôm nay. Vô cảm giơ máy điện thoại quay phim cảnh một hội đồng nữ sinh xé áo, giật tóc, đấm đá túi bụi một nữ sinh trên đường phố. Vô cảm “trích” lại một phần tiền cứu trợ lũ lụt của bà con để... xây cổng làng. Vân vân và vân vân. Ở một khía cạnh khác, vô cảm đồng nghĩa với cái gọi là “lòng thành” bị triệt tiêu. Gửi phong bì thăm một đồng nghiệp bệnh trọng, chỉ vì sợ mang tiếng là đồng nghiệp bệnh trọng mà không thăm. Thi thoảng tạt về quê dúi cho bố mẹ già ít tiền, chỉ vì sợ mang tiếng là mải theo đuổi tiền tài danh vọng mà không đoái hoài gì đến bố mẹ già. Vân vân và vân vân. Và cô giáo mầm non kia muốn đứa trẻ ăn nhiều không xuất phát từ lương tâm của một cô giáo, một “người mẹ thứ hai”, mà chỉ vì sợ mang tiếng là trẻ lớp mình phụ trách không đảm bảo cân nặng theo chuẩn quy định, ảnh hưởng đến danh hiệu thi đua, đến lương... tháng của chính bản thân mình. Hai chữ “tình thương” đã bị đánh bật ra khỏi khẩu hiệu quen thuộc không thể vắng mặt trong các đơn vị trường học: “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. Bệnh vô cảm nơi một bộ phận giáo viên một phần nguyên nhân là do bệnh thành tích trong giáo dục biến chứng.

Và ngày 20 tháng 11 lại đang đến. Mấy hôm rày, ghế đá các sân trường phổ thông có sự hiện diện của các bậc phụ huynh. Họ là ban chấp hành chi hội phụ huynh của các lớp. Họ ngồi đợi giáo viên chủ nhiệm lớp dạy xong tiết để cùng “thống nhất” dùng quỹ chi hội bỏ phong bì cho mỗi giáo viên bộ môn là bao nhiêu và sẽ nhờ cô/thầy chủ nhiệm thay mặt tập thể phụ huynh và học sinh lớp chúc mừng cô/thầy bộ môn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong ngày đó, trò vô cảm coi như đã hoàn thành nghĩa vụ làm trò, được nghỉ học tự tổ chức hội hè; thầy vô cảm không cảm thấy mình bị tổn thương, nghề mình bị rẻ rúng...

 

 

---------------

Bài liên hệ:

30.04.2010
[VỀ SỰ VÔ CẢM] ... Nếu đất nước nầy bị xâm lược? / Mặc xác nó không phải chuyện của tôi / Nếu tổ quốc nầy lâm nguy? / Thây kệ nó tôi không phải lo / Nhân dân của anh bị chà đạp? / Ôi dào, thì tôi cũng là dân đó thôi... (...)
 
12.04.2010
[CHÍNH TRỊ & XÃ HỘI] ... Bạn bè thân thiết với tôi, cứ 10 người thì cả 10 khuyên tôi nên im lặng? Tôi chỉ cười và trả lời rằng, có lẽ nên thế. Nhưng, im lặng sao nổi khi bất công gào thét còn nỗi đau của người dân thì quằn quại và không đo nổi những day dứt, mỗi ngày? Bao giờ trí thức hết vô cảm, thì lúc ấy, dân tộc sẽ không còn vô cảm nữa. Một danh nhân đã nói rằng khi mà trí thức tham tiền, quân nhân sợ chết và quan chức lọc lừa thì đó là dấu ấn chính xác để khẳng định về cái lẽ suy đồi... (...)
 
07.04.2010
[CHÍNH TRỊ & XÃ HỘI] ... Đất nước phát triển, người giàu càng giàu và người nghèo càng nghèo ư? Mặc kệ! Giao thông ngày nào cũng tắc nghẽn ư? Mặc kệ! Tham nhũng tràn lan ư? Mặc kệ! Giáo dục càng lúc càng đi xuống ư? Mặc kệ! Nạn bạo động càng ngày càng hoành hành trong học đường ư? Mặc kệ! Môi trường càng ngày càng ô nhiễm ư? Mặc kệ! Trung Quốc đánh chìm tàu đánh cá Việt Nam ư? Mặc kệ! Giới lãnh đạo ngu dốt và độc tài ư? Mặc kệ! — Tại sao một dân tộc vốn thường xuyên tự hào là yêu nước mà một lúc nào đó bỗng dưng đâm ra thờ ơ dửng dưng một cách lạ lùng như thế?... (...)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021