tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Văn chương Việt Nam: xác lập (lại) quyền lực hay cần năng lượng mới  [đối thoại]

 

Tôi muốn bắt đầu từ điểm thâu tóm trong bài viết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

Trong bài viết sơ lược và ngắn ngủi này, tôi không có tham vọng gì hơn là bày tỏ một phần trong sự nhận thức của mình về sứ mệnh thơ ca của từng nhà thơ, thơ ca của từng dân tộc và thơ ca của từng khu vực đối với đời sống tinh thần của nhân loại đang có quá nhiều thách thức và nguy cơ bị hoang hoá. Và qua đây, tôi cũng bày tỏ ý thức của những nhà thơ chân chính Việt Nam, một đất nước mà những ngày của hoà bình quá ít ỏi trong hơn 10 thế kỷ qua. Một đất nước đã luôn luôn tìm mọi cách loại bỏ chiến tranh và từ bỏ hận thù để mang văn hoá nói chung và thơ ca của mình nói riêng đến với con người. Nhưng nó cũng bị những thế lực phi văn hoá chống lại và nhiều lúc làm cho chảy máu.

Phản hồi của nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệtnhà thơ Phan Nhiên Hạo cùng một số độc giả khác đã đưa đến suy nghĩ: điều đáng quan tâm hơn cả ở bài viết của Nguyễn Quang Thiều, không phải ở chỗ đã “nói ra được điều gì đó” (thậm chí cả một số điều các nhà thơ khác chưa [dám] nói, như ý kiến của một độc giả) mà ở chỗ nó đã làm lộ ra điều, không chỉ cần nói bằng ngôn từ đẹp, mà còn cần RỐT RÁO. Câu hỏi “về thực trạng thơ ca /văn chương Việt Nam hôm nay” không hoàn toàn được Nguyễn Quang Thiều đặt ra, nhưng lại là điểm va chạm của những người quan tâm đến văn chương Việt. Và những gì tôi đang nghĩ và trình bày dưới đây, thực ra, lại toàn là những câu hỏi – biết đâu chẳng hết sức sách vở của một kẻ đi sau, mà nói ra điều gì cũng thấy đầy rẫy ảo tưởng, mù mịt, không đến đích. Xin bỏ quá cho cái nhan đề to tát trên kia!

 

Quá khứ của cái-không-quá-khứ

Ngoái nhìn, và đổ lỗi cho lịch sử là cách tiện lợi hơn cả để bỏ qua điều chẳng hay. Nhưng luôn thấy lịch sử là kẻ-sai cũng là một sự dễ dãi và có phần hài hước. Ai cũng biết lãng quên không phải chuyện muốn là xong.

Là một kẻ trẻ đầu non dạ, tôi không có kí ức về quá khứ chiến tranh, về giai đoạn chảy máu và gây ra chấn thương lớn của lịch sử dân tộc. Tôi chỉ có thể nhìn, cảm nhận bằng kí ức của người khác, của văn chương, nghệ thuật, qua những di chứng vẫn nhức nhối đến hôm nay, qua những cuộc tranh luận mắc mớ không xong đến ngột ngạt... Thế hệ tôi không muốn bị lừa dối, cũng không muốn phải chịu cái bóng quá lớn của dân tộc, cũng không muốn phải trở thành kẻ lật lọng để “tiến lên”.

Trong văn chương, lịch sử là một dòng chảy mà những người thuộc và sống cùng, chỉ muốn nối tiếp, chứ không muốn bất hoà, chém giết, đào sâu chôn chặt. Dù Trần Dần muốn chôn thơ Mới, hay Thanh Tâm Tuyền muốn vượt qua ngay cái quá khứ vô danh của văn chương nghệ thuật Việt Nam để nhập thẳng vào nghệ thuật phương Tây hiện đại. Thật hào hứng biết bao – tôi cũng đã từng phấn khích phát hiện ra mình như một kẻ hậu sinh không quá khứ: không chiến tranh, không đau thương, không dè chừng mắt nhìn xung quanh e ngại, không thi pháp thơ Mới hay thơ đổi mới, v.v. Nhẹ nhõm, và cũng trống rỗng biết bao khi không phải đặt cho mình việc ứng xử với quá khứ như thế nào, cả quá khứ lịch sử và quá khứ nghệ thuật - gần của dân tộc. Nhưng phải chăng, đó cũng chỉ là một ảo tưởng, hay, môt ngoa dụ, một say sưa trong lúc thái quá cảm giác phấn hứng mà thôi? Văn chương, con người của những đất nước có chảy máu tất đã bị tổn thương. Nếu can đảm, có lẽ cần xé toạc những dải băng, những an ủi, để nhìn rõ cả vết loét, mảng thối rữa nếu lịch sử đã luôn đặt con người vào tình thế không-thể-cắt-bỏ và được-lựa-chọn-lại.

Nói rằng thơ ca/văn học Việt Nam đã “bị lợi dụng” để làm những mục đích ngoài bản chất của nó, vậy bản chất của nó là gì? Hoặc giả, nó đã tự nguyện để được-lợi-dụng? Không rõ. Mỗi cá nhân phóng chiếu một nhận thức khác về những gì đã qua, có kẻ say sưa, có kẻ điên cuồng, kẻ oán giận, kẻ mệt mỏi, kẻ thờ ơ. Có thể tất cả chỉ là con rối của lịch sử mà thôi, nếu bản lĩnh và tài năng không đủ để cưỡng dòng chảy khủng khiếp của nó. Và khi nó kết thúc, không có tiếng vang, thì (nên) đổ lỗi cho hoàn cảnh chăng?

Những tác phẩm minh hoạ cho cuộc chiến đã xong nhiệm vụ (tự nguyện?) với dân tộc, đã chết đi rồi, đó là thiệt thòi của một dân tộc đổ máu, cũng (sẽ) là may mắn khi nó không còn sống tưng bừng, (mà chỉ lay lắt hay nhẹ nhàng bé nhỏ đi như một lẽ tự nhiên). Làm sao cái bảo thủ, trì trệ, và những cuộc sống bợ vào cái bảo thủ đó sạch bong được đến trắng trơn? Đến lúc, cần lọc lại trong quá khứ hai miền Nam Bắc những gì là thơ ca/văn chương còn lại — cưỡng lại sức xói mòn của thời gian, của sự kiểm duyệt, độc tài, của thói bội bạc, của sự a dua... Điều đó có lẽ chẳng phải là số phận riêng của một dân tộc nào. Nền thơ nào cũng có kẻ độc tài, kẻ đi ngược lại con đường thơ ca, và vì thế mới luôn phát sinh/cần tiếng nói cưỡng lại sự áp chế đó. Nếu tất cả cứ suôn sẻ một tình yêu hiền lành “thuần tuý” với “văn chương thuần tuý” thì thật khó hình dung lúc đó văn chương là gì và nhà văn nhà thơ làm gì...

Nhìn lại, có thể thơ của Miền Bắc XHCN đã không đi theo được tiếng gọi của thơ ca – trong khi thơ miền Nam đã vượt xa trong tiến trình hiện đại hoá. [Nhưng ngay cả văn chương miền Bắc, ngoài văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa, cũng còn cần tính đến những thử nghiệm hiện đại.] Đâu là căn nguyên của sự sống – chết và đứt đoạn này? Với hôm nay, thơ miền Nam đương đại kế thừa, vượt thoát quá-khứ-đáng-kể của văn chương miền Nam giai đoạn trước như thế nào, và thơ miền Bắc đương đại – chịu thiệt thòi của sự đứt đoạn văn chương, ứng xử với nó ra sao, nhất là, khi cả hai miền Nam Bắc đã có một sự tương ứng về tiền đề văn hoá, sự nhập dòng với văn chương thế giới?

Liệu sẽ có một thời kì mới của thơ chăng? Liệu có thể ứng xử với quá khứ theo cách: những gì đã không tạo được thành một giai đoạn của quá khứ nghệ thuật hay chỉ là quá khứ của cái không-quá-khứ thì, với nghệ thuật, hãy để nó tự/bị huỷ hoại, mòn rữa?

 

Xác lập (lại) quyền lực hay cần năng lượng mới

Sức mạnh của thể chế tạo ra cực phân chia quyền lực. Nhiều vấn đề không-được-nói-ra là bởi thiếu quyền lực. Một ví dụ, xin nối tiếp ý của nhà thơ Phan Nhiên Hạo về văn chương Miền Nam trước 1975 (chưa được Đảng và Nhà Nước Việt Nam công khai thừa nhận) và văn học Miền Nam đương đại (chưa được giới văn chương Bắc Kì để tâm?).

Gia tài văn học Miền Nam đến nay không thể nói là không được dần dần xuất hiện trở lại, không kể các sách triết học, văn hoá được in lại nhiều ở Việt Nam. Dễ nhận thấy, như trường hợp Thanh Tâm Tuyền, cũng như với hiện tượng Trần Dần ở miền Bắc – dù ít xôn xao hơn nhiều, đã có thể thành một “món mới”, và có luận văn tốt nghiệp của sinh viên làm về thơ Thanh Tâm Tuyền ( trong sự thấy được của tôi tại khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội).[1]

Tôi đồng tình với cách đặt vấn đề mà nhà thơ Phan Nhiên Hạo đưa ra:

Sự thật là Việt Nam không những có hai nền văn chương hoàn toàn khác nhau từ 1954 đến 1975, mà thậm chí hiện nay, sự khác biệt giữa văn chương Hà Nội và văn chương Sài Gòn (ở đây tôi muốn nói loại văn chương phi-nhà nước nhưng bao gồm những tác giả quan trọng nhất của Sài Gòn) là rất rõ rệt. Văn chương đương đại Việt Nam, vì thế, không thể được trình bày như một thực thể đồng nhất, bỏ qua những khác biệt căn bản giữa văn chương miền Bắc và văn chương miền Nam trước 1975, giữa văn chương nhà nước và văn chương phi-nhà nước hiện nay.

Tại sao lại (cần) nhấn việc văn học miền Nam chưa được thừa nhận bởi văn nghệ sĩ Miền Bắc? Nó liên quan đến sự nghiêng lệch của quyền lực chăng? Tại sao các nhà nghiên cứu, phê bình, và người sáng tác ở miền Nam không lên tiếng và làm công việc giãi mã nó để làm một sự đối ứng? Vấn đề ở đây có thể chẳng phải bởi Nhà Nước hay “văn chương Nam Bắc phân tranh”, mà bởi, chẳng có ai thực sự đủ độ quan tâm và lên tiếng? Không lẽ đợi một-cái-miệng-chung-chung-trừu-tượng?

Việc xác định lại vai trò của văn chương Miền Nam quá khứ và hiện tại như một bộ phận cấu thành văn học dân tộc cần điều gì? Giới thiệu lại, xuất bản lại các sách của văn chương Miền Nam trước 1975? “Nghiệm thu”, đánh giá, trao đổi? Đó sẽ là việc của ai: Của giới xuất bản? Của các nhà nghiên cứu, phê bình? Các nhà thơ? Của bạn đọc? Một ví dụ để ứng chiếu rất dễ thấy là nỗ lực biến đổi cách ứng xử, trước hết và quan trọng hơn hết, thu hút sự quan tâm của bạn đọc với thơ Trần Dần ở phía Bắc. [Chưa biết chừng, và có thể đã xảy ra, Trần Dần lại là một thần tượng mới.] Đối với gia tài văn hoá, văn học miền Nam trước 1975, với vốn đọc ít ỏi. nhưng tôi nghĩ không phải tất cả sách đã in đều còn ý nghĩa đến ngày nay. Làm thế nào để kẻ trẻ đầu non dạ biết được một tâm nguyện chân thành về quá khứ của văn học dân tộc, nỗ lực hiện đại hoá của văn chương miền Nam Việt Nam giai đoạn đó để không lặp lại, cũng không say sưa với việc làm mới và tạo hào quang mới cho một giai đoạn bóng tối của lịch sử?

Về văn học miền Nam đương đại (ở các hiện tượng văn chương phi-nhà nước, theo từ dùng của nhà thơ Phan Nhiên Hạo), Sài Gòn như được mặc định bởi hình ảnh “văn chương vỉa hè” “ngoại vi” “phi chính thống” – khiến cho khác biệt Nam-Bắc được khoét sâu thêm. Nhưng thú thật, đến giờ, như một người đọc, tôi vẫn không sao hiểu được đâu là văn chương nhà nước và phi nhà nước, chính thống và phi chính thống? Tất cả văn chương đăng trên tienve, damau... mà không đăng báo trong nước là phi nhà nước, phi chính thống, là ngoại vi chăng, trong khi, đó có thể đơn giản là một sự lựa chọn không gian/ tất nhiên cũng bao hàm thái độ và hứng thú của người viết? Trong nhiều năm qua, Ngựa trời, Mở miệng – làn sóng thơ trẻ Sài Gòn – là hai ấn tượng rõ rệt, nhưng một vấn đề nữa, chưa biết chừng lại thành “vấn nạn”: hiện tượng xuất bản vỉa hè – liệu đến giờ có phải vẫn là một niềm lạc quan của văn chương Việt Nam (mà ban đầu, là biểu hiện đáng nói của hành vi hiện thực hoá khát vọng tự do đầy ẩn ức của người Việt) không?

Tuy nhiên, ở miền Bắc, dù không thành trào lưu hay “làn sóng”, vẫn có những hiện tượng nỗ lực tìm kiếm sự độc lập trong văn chương. Còn lại, một phần dễ nhận thấy của đời sống văn chương (ví dụ, trên báo chí) của miền Nam hay Bắc, có gì khác nhau? Vậy là, để nối lại một ý của nhà thơ Phan Nhiên Hạo, vẫn cứ có sự thống nhất như thường của hai miền Nam Bắc. Miền Bắc thấy/ngưỡng vọng một Miền Nam tự do hơn, có truyền thống nối từ Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng? Miền Nam thấy một miền Bắc quyền lực hơn? Miền Nam “chơi” văn chương còn Miền Bắc dựa vào cái thế để “lập ngôn”? Rút cục lại, đâu đâu, chúng ta cũng thấy những ảo tưởng, những dè chừng, ở đó không ít sự tự ti và kiêu ngạo trước nhau (xét ra, cũng lại là một biểu hiện của tự ti?).

Có lẽ, trong văn chương đương đại Việt Nam, đã (cần) đi qua giai đoạn mà sự cuồng nhiệt trong phản ứng có thể khơi gợi một cái gì mới sẽ đến và kích thích một niềm lạc quan hơn trong văn chương, như cái ngột ngạt và hứng khởi trước và trong cơn bão. Nó đang cần đến những người viết – không chia Nam Bắc – có nhận thức trung thực về diễn trình văn chương của dân tộc, và trở thành những kẻ viết độc lập. Còn việc định giá lại văn chương của vùng, miền như thế nào, cần đến những tiếng nói quyền uy chăng?

Nhưng, tôi thiển nghĩ, trong văn chương, còn quyền năng của cái không/chưa được nói, thuộc về năng lượng thi ca. Bằng chứng là, Thanh Tâm Tuyền vẫn là một hình ảnh quan trọng của văn chương Miền Nam và Việt Nam. Cái đáng sợ cũng sẽ xảy ra khi quyền năng của cái không được nói này — như quyền năng của bóng tối với sức mạnh của im lặng, sự dữ dội của im lặng — bỗng nhiên đánh mất bản tính và hung hãn tìm mọi cách phải được thành một quyền lực; hay ngao ngán hơn, chưa biết chừng, sự phản kháng lại chỉ là một hành vi “xả” đơn giản, không đến nơi đến chốn và dễ biến thái thành “hành vi tự sướng”.

Điều lẽ ra cần được biết đến mà không được ắt bức bối, thiệt thòi. Nhưng cũng như, lấy lại chuyện Bùi Giáng, bảo ông chỉ yêu tưởng tượng là khổ, riêng ông không thấy khổ. Ai mới là khổ? Tôi nghĩ, trong văn chương, chỉ nên trước hết để tâm đến sáng tạo và đừng tham vọng về quyền lực, kể cả quyền lực để sở hữu không gian sáng tạo, để những người yêu nó, cần đến nó, đối thoại được với nhau nhiều hơn và tiệm cận đến bản tính của sáng tạo là tự do – không ràng buộc vào bất cứ điều gì ngoài nó. Có thể, đó cũng là một ảo tưởng.

Văn học Miền Nam có cần được Nhà Nước công nhận không? Thanh Tâm Tuyền có cần được nhà nước công nhận không? Ngay cả Trần Dần, Lê Đạt ở miền Bắc có nhất nhất cần được Nhà Nước công nhận không? Có thể có, có thể không. Quan trọng là độc giả cần. Nhưng sự vinh danh với người sáng tạo đâu đơn giản/phức tạp như thế. Hãy nghĩ đến việc làm thế nào để nó đến với công chúng nhiều hơn – và lấy lại ý của nhà thơ Phan Nhiên Hạo, hãy công bằng khi nói về nó (tôi hiểu điều đó có nghĩa là công bằng với công chúng văn chương, cả trong nước và thế giới, nếu có), và tôi muốn thêm, đừng bận tâm đến Nhà Nước.

Vì Nhà Nước không phải văn chương, cũng không phải công chúng của văn chương, cũng không phải người sáng tạo ra văn chương. Nó là một khái niệm. Nhưng khi văn chương bị dàn áp, bị dụ dỗ, bị chèn ép... thì trước hết, các nhà thơ/văn, độc giả cần lên tiếng. Tôi nghĩ chẳng ai đợi văn chương được yêu chiều cưng nựng. Vì dẫu được/tự coi là một nước thơ, người Việt vẫn ưa thích văn thơ như một thứ giải lao chơi chơi chứ không ưa kẻ vắt kiệt mình cho nó. Nếu nó làm cây kiểng, làm chim hót trong lồng vui mắt vui tai thì ai cũng dễ mến yêu, nhưng kẻ nào vắt kiệt mình, kẻ đó (có thể) phải chịu là một-thân-phận.

Rút cục lại, như nhiều nhà thơ đã lên tiếng, cái cần ở Việt Nam lúc này phải chăng là sự rốt ráo? Rốt ráo không phải để lật ngược tình thế bóng tối thành ánh sáng và/hay ngược lại. Cái cần, trong văn chương, không phải là xác lập lại (hay phân chia) quyền lực, không cần tạo ra quyền lực mới thay thế quyền lực cũ – dù quyền lực bảo thủ có thể là cái gai hoặc đôi khi, là cả một sự “buồn nôn”, mà ai biết được khi nào sự bảo thủ sẽ chết – văn chương cần người đọc sáng tạo và người sáng tạo. Cái không phải là văn chương thì tự chết. Cái là văn chương có đập chết cũng không/chưa chắc chết.

Cái cần, là sự tích chứa và bùng vỡ một ý thức mới, một năng lượng mới – theo cách nói của Phạm Công Thiện.

 

Tự do hay không tự do

Tự do, với tôi, trong nhiều trường hợp sử dụng, gần như một nguỵ biện. Khát vọng tự do mãi là khát vọng lớn của loài người, của văn chương nghệ thuật, của thi ca. Nhưng không lẽ, nhân loại không nói vì nghĩ-rằng-không/chưa-có-tự-do-để-nói? Bởi tự do không phải cái sẵn có trong một kho chứa vô hình, chỉ việc lấy ra mà xài vô tội vạ. Bởi tự do chỉ đến trong khi nói/làm. Không ai biết hình thù của nó. Không ai sở hữu nó. Và không ai không có được nó. (Tôi) không cần biết một nhà thơ nào đó có được nói tự do hay không, cũng khó lấy hoàn cảnh khách quan để nói rằng ở Việt Nam không có tự do để nói. [Liệu có một thứ tự do – kiểu Mĩ, kiểu Pháp...chăng?] Cái tự do của một người viết, người đọc chỉ biết được qua trang viết, qua chữ nghĩa của anh ta. Không gì khác. Khi anh ta nói về “khát vọng tự do”, “những giấc mơ tự do” cũng không hẳn có nghĩa là chưa có tự do. Có thể có một sự thật: chúng ta chưa có những thông điệp của tự do[2] – thì đó, hãy nghĩ đến cái trách nhiệm thuộc về mỗi cá nhân, bởi chẳng có một thứ tự do chung của tất cả mọi người, cũng không có một thứ tự do thay mặt đất nước, dân tộc, một thứ tự do đại diện, chỉ có tự do của cá nhân anh/chị mà thôi.

Xoay đi xoay lại vấn đề tự do hay không tự do với người nghệ sĩ, nhưng tự do đó là gì? Có lẽ đến giờ, một từ tự do trừu tượng vẫn cứ là một ẩn ức – một khát vọng bị đè nén và chưa được giải phóng “hết cỡ” với văn chương Việt. Nhưng tại sao một dân tộc yêu tự do và có bản lĩnh độc lập như Việt Nam (cứ liệu là sự chống chọi với các cuộc xâm lược văn hoá mấy ngàn năm nay – nếu cứ liệu đúng) lại phải chịu quá nhiều dày vò ẩn ức về tự do? Hay cái bản lĩnh gốc rễ của người Việt, ở một thời kì xa xưa nào đó, đến nay, đã chỉ còn là một huyền thoại, một kí ức xa xôi quá đỗi? Phản ứng về tự do, với một bức tường sừng sững án ngữ rằng không có tự do để nói, sẽ gây nghi ngờ, và chưa biết chừng, những kẻ trẻ đầu non dạ sẽ “adua” nỗi sợ (chẳng phải đầu lại phải mang tai!). Vậy là người viết ở Việt Nam sẽ cùng chia nhau cái thú của sự “sống trong sợ hãi” chăng? Hay sẽ kêu to những phát ngôn đòi tự do rộn ràng rộn ràng trong văn chương?

Người Việt vốn không (quen) rốt ráo, đã đành rồi, nhưng cũng chưa bằng cái hại của việc không trung thực, trong cả sự phản ứng lẫn không phản ứng. Bởi văn chương dù phổ quát, nhưng lại không chấp nhận sự đánh đồng, hay sự lập lờ, nhập nhằng. Đúng hơn, văn học không có sứ mệnh chung chung, hay có lẽ thời nay nên ít nói đến những sứ mệnh chung chung? Sự mơ hồ có thể tạo ra cảm giác về cái đẹp. Nhưng cũng như sương mù, nó có thể che lấp đi những diễn giải tội ác – cái tội/nghiệp/chướng của một không gian văn chương nghệ thuật không đối thoại, khó đối thoại.

Có lẽ bởi đặc tính “hoà hiếu”, bản tính “nước”, “ở bầu thì tròn ở ống thì dài” của người Việt, như các nhà nghiên cứu văn hoá đã chỉ ra. Nhưng trong văn chương, điều đó đáng cảnh giác hơn đáng an lòng. Không cực đoan và khéo ăn khéo nói, chúng ta sẽ có một nền văn học hỗn dung zui zẻ. Thật khoẻ!

Dẫu vậy, thói cầu an của tôi cũng thường dẫn tôi đến hình dung chữ nghĩa thích được im nhiều hơn là gào thét. Trong im lặng, (chữ nghĩa làm) chúng ta sướng.

 

27.05.09

 

_________________________

[1]Có điều một thực tế ở Việt Nam, tiếng nói của ngành khoa học ngữ văn trong trường học và tiếng nói của đời sống văn chương đương đại như là hai mảng biệt lập theo kiểu: không ai muốn thật sự biết đến ai; kẻ coi người kia là giáo điều, kẻ thấy đời sống đang diễn ra “không giá trị”, “không kết tinh”, bản thân tôi cũng đã thất thường nhìn thế giới văn chương trong trường đại học như một thế giới chết, ngột ngạt. Nhưng phải chăng cũng vì sự thiếu chia sẻ lẫn nhau, mà một bên nói về việc “thiếu học thuật” “lệch lạc trong nghiên cứu, phê bình”, một bên “thừa học thuật” mà không đụng được những vấn đề tồn đọng trong đời sống văn chương Việt?

[2]Để nối tiếp ý kiến của độc giả Phạm Chí. Và ngay trong ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, khi nhà thơ nói đến một “dòng thơ của nhân cách con người, của cái đẹp và khát vọng tự do” thì dòng thơ đó có hoàn toàn độc lập với cái gọi là “thơ minh hoạ” (nhìn bề mặt, cũng là một biểu hiện gộp chung vào khát vọng tự do độc lập của dân tộc, trong chiến tranh)? Hoặc khái niệm “thơ minh hoạ” cần được hiểu thế nào?

 

-------------------------------------------------------------------

Các bài đối thoại liên quan đến văn học đương đại:

25.05.2009
[VĂN HỌC] ... Nguyễn Quang Thiều chưa nói rốt ráo về những chỗ đó chính vì bản thân ông chưa có tự do để nói. Trong bài tham luận của ông có hai lần ông chạm đến khái niệm “tự do”... Cả hai lần, ông chỉ nói đến “khát vọng tự do” và “những giấc mơ về tự do”, nghĩa là chưa có tự do... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Lối đọc và diễn giải của nhà thơ Võ Tấn Cường khá là lạ lùng. Từ một ảo giác nào đó, anh cho rằng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đặt ra câu hỏi: “Thơ Việt đang ở vị trí nào của nền thơ Đông Á?” ... Sau khi tưởng tượng Nguyễn Quang Thiều đã đặt ra câu hỏi ấy, Võ Tấn Cường khẳng định ngay rằng Nguyễn Quang Thiều “không thể tìm được câu trả lời”!... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Thưa anh Võ Tấn Cường, Tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi: “Thơ Việt nam ở vị trí nào trong nền thơ Đông Á?” Tôi không biết anh đọc điều này ở đâu? Sứ mệnh của thơ ca mà tôi nói đến trong bài viết là sứ mệnh của Cái đẹp và Lương tâm anh ạ. Nó không hẳn là những bài thơ cụ thể in trên báo hoặc sách... (...)
 
24.05.2009
[VĂN HỌC] ... Lịch sử thơ ca Việt Nam đã cho thấy bao nhiêu nhà thơ chịu cảnh khốn khổ chỉ vì một câu thơ, bài thơ bị hiểu lầm là ám chỉ về chính trị. Thơ ca Việt Nam đã thức tỉnh khát vọng sống của con người hay ru ngủ con người trong cơn mê vô tận của sự đớn hèn? Thơ ca Việt Nam chưa bao giờ là thứ thơ tâm linh và khó có thể đạt được điều này trong khi con người đang từng ngày bị “chính trị hoá”... (...)
 
14.03.2009
[VĂN HỌC] ... Hai bài đối thoại ngắn về “vái cây đa” và “thờ cây... mít” rất thú vị. Hoan hô và cảm tạ Lưu Thế Hiệp và Hà Thanh Thuỷ đã lên tiếng thay độc giả... (...)
 
13.03.2009
[VĂN HỌC] ... Những thí dụ về lối phê bình “vẽ bùa” thì nhan nhản trên sách báo, và thỉnh thoảng độc giả có thể bắt gặp những thí dụ “đặc sắc”. Tôi xin đóng góp một vài thí dụ mà tôi tình cờ lượm được. Trong bài “Phạm Duy trên đăng trình đến vô cực”, Thuỵ Khuê bình bài “Thiền Ca số 1” của Phạm Duy như sau... (...)
 
12.03.2009
[VĂN HỌC] ... Còn nếu quả thật ông Đỗ Quyên không có í chê thơ Mai Văn Phấn, thì việc đem thơ Nguyễn Đình Thi ra để tán dương ngay trong câu kết của lời bình về thơ Mai Văn Phấn lại là việc nhảm nhí, lãng xẹt, giống như mượn cớ bình thơ Mai Văn Phấn để “vái cây đa” vậy... (...)
 
11.03.2009
[VĂN HỌC] ... Tình yêu và tình dục như hoà quyện lại với nhau, thành một. Người ta không yêu nhau như thần linh yêu nhau, ở đó, chỉ có tình cảm tinh ròng, thuần tuý, trừu tượng và mơ hồ. Ngược lại, người ta yêu nhau bằng tất cả thân thể của mình. Yêu với trái tim, với đầu óc, với môi, lưỡi, răng, với bộ phận sinh dục, với da, thịt, với toàn bộ con người của mình... (...)
 
07.03.2009
[VĂN HỌC] ... Cái nỗ lực “hiện đại” hoá thẩm mĩ thơ Tượng Trưng (như cái nỗ lực của ông Hoàng Ngọc Hiến), níu nó về thế kỉ 21 (để chê trách thơ của các thi sĩ trẻ hôm nay là “mơ hồ nhưng chưa chính xác” và “chính xác nhưng lại chẳng mơ hồ” [sic], và để dạy cho họ làm thứ thơ “phải có tính nhạc hiện đại” “kết hợp giữa cái mơ hồ và cái chính xác” [sic]) là một nỗ lực vô hiệu. Thậm chí vô nghĩa... (...)
 
06.03.2009
[VĂN HỌC] ... Ông Hiến thường có lối lý luận vơ đũa cả nắm, thích rút gọn mọi chi tiết phức tạp thành một vài câu phán đơn giản, ra vẻ là đã nắm được cái chìa khoá độc đáo, duy nhất của vấn đề. Nhưng kỳ thực những câu phán đơn giản ấy của ông Hiến lại chứa đầy những điểm tự mâu thuẫn hay lệch lạc một cách rất căn bản về phương pháp luận... (...)
 
02.03.2009
[VĂN HỌC] ... Không biết ông Hiến đã tổng hợp bao nhiêu sách vở, bài viết, nghiên cứu, thảo luận... về “hậu hiện đại” để nặn ra một công thức cô đọng đến thế! Theo công thức đó, ta có thể đi ngược thời gian và tìm thấy từ nhiều thế kỷ trước đây đã có vô số tác phẩm mang khí vị hay hơi hướng “hậu hiện đại”... (...)
 
[VĂN HỌC] ... So sánh hai cuộc phỏng vấn, tôi lại càng thấy... ớn tới tận óc, vì càng nói thì nhà văn Nguyễn Đình Chính càng cho thấy ông chỉ nói... bậy... (...)
 
01.03.2009
[VĂN HỌC] ... Về kỹ thuật và hình thức cấu trúc, văn phong của Online... ba lô không tuân thủ theo một khuôn mẫu bất biến. Nó chưa định hình. Nó còn đang ở dạng bào thai. Có thể nó sẽ là một đứa trẻ xinh xắn nhưng cũng có thể là quái thai. Về nội dung, Online... ba lô đang cố gắng dò tìm những đại giá trị mới. Có thể những đại giá trị này không có hoặc có mà chưa có tên gọi. Đó là những yếu tố hậu hiện đại... (...)
 
28.02.2009
[VĂN HỌC] ... Nhơn tiện cũng nói thiệt luôn. Cái trò đưa phong bì để dựng phỏng vấn giả mà làm tiếp thị này thì quá phổ biến ở nước ta. Tự lăng-xê dỏm để tiếp thị. Nhan nhản ca sĩ ra CD, nhà thơ nhà văn ra sách mới, đều chơi cái trò này. Ớn tới tận óc!... (...)
 
27.02.2009
[VĂN HỌC] ... Trời ơi, bác Hiệt dạy em sai rồi! Truyền thống dân tộc “Tôn sư trọng đạo” ngời sáng như thế, sao bác lại xui dại em? Hơn nữa, em lấy tư cách gì mà dám nện? Bản thân em còn chưa rõ “Hậu hiện đại” thế nào, kiến thức em cũng còn “nhếch nhác” lắm, nào dám lên mặt dạy dỗ gì ai, nói gì tới “nện nhừ xương” hả bác?... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Thiển nghĩ, nếu tác phẩm của Alessandro Baricco được dịch trên 30 thứ tiếng vì có một giọt cà cuống, tác phẩm của Nguyễn Đình Chính được nữ thi sĩ Phạm Thị Điệp Giang đọc và phê bình trên mục Đối Thoại vì có nửa lọ cà cuống, thì thơ Nở Ngày có “hơi hướng hậu nhảm đại” của bần sĩ chỉ có... xác cà cuống mà thôi... (...)
 
26.02.2009
[VĂN HỌC] ... Cô Giang ơi, ông Nguyễn Đình Chính đã làm đúng phóc theo tinh thần “hậu hiện đại” do ông Hoàng Ngọc Hiến truyền giảng đấy! Ông Chính còn triển khai tối đa cho thật đậm đà chất “hậu hiện đại”... Vậy mà cô Giang lại chê trách ông Chính là “cũ kinh khủng”, “sáo và sến kinh khủng”, “dâm mọi lúc mọi nơi”, thì tội nghiệp cho ông Chính quá đi chứ. Con dại, thì cái mang... (...)
 
24.02.2009
[VĂN HỌC] ... Bìa sách được in rõ “tiểu thuyết Hậu hiện đại”... đọng lại cả cuốn truyện Online... Balô chỉ là cái sự nhảm ba lăng nhăng của một lão nghệ sỹ nửa mùa, đại nhảm. Cũng có phần nào văng mạng như tác giả đã cho biết (mà văng chưa tới nơi). Nhưng, xét về khía cạnh nào đó, sự nhảm ấy, sự cố gắng nhảm ấy, lại càng làm tăng thêm sự bất lực của một lớp người, càng cố tỏ lại hoá ra chỉ là càng cố tưởng (mình còn ngon lắm!)... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021