|
Hình ảnh Người/Máy: Những thông điệp gì phát ra từ đó?
[đối thoại]
|
![]() |
Cuộc triển lãm “MÁY” của Lê Quảng Hà gần đây là một hiện tượng gây sốc trong giới mỹ thuật Việt Nam, và vì thế nó đã gây ra tranh luận. Tuy nhiên, tôi thấy cuộc tranh luận chỉ mới xoay quanh vấn đề có hay không có “tiêu chuẩn về cái đẹp” và vấn đề thể hiện mỹ thuật trong và ngoài giá vẽ. Tất nhiên, đó là những điều đáng tranh luận, nhưng tôi muốn mở rộng cuộc tranh luận sang một vài hướng khác nữa, có thể còn gây sốc nhiều hơn.
1. Hình ảnh Người/Máy Trước hết, ta thử hỏi những hình ảnh Người/Máy của Lê Quảng Hà có gì mới mẻ nếu ta lấy chúng ra khỏi môi trường mỹ thuật Việt Nam, và đặt chúng vào môi trường mỹ thuật thế giới? Gần 100 năm trước, từ 1915, Francis Picabia đã vẽ con người qua những hình ảnh máy móc. Thử xem vài bức sau đây:
![]() Francis Picabia
Thánh của các thánh / Đây là chân dung của tôi, 1915.
![]() Francis Picabia
Chân dung một cô gái Mỹ trần truồng, 1915.
![]() Francis Picabia
Đây, ông Stieglitz đây rồi / Lòng trung thành và tình yêu, 1915.
![]() Francis Picabia
Hôn phu, 1916.
![]() Francis Picabia
Cô bé sinh ra không có mẹ, 1918.
Thế rồi, sau Francis Picabia, thì George Grosz vẽ chính mình thành một cái máy tự động “sống” chung với một phụ nữ hoàn toàn là con người. (“Daum” là đảo tự của “Maud”, một cái têm mà George Grosz đặt ra cho người yêu của mình).
![]() George Grosz
Nàng “Daum” kết hôn với chàng “George” người máy tự động..., 1920.
Thậm chí, ông chua chát cho rằng những “cột trụ của xã hội” là những kẻ có cái đầu chứa đầy máy móc:
![]() George Grosz
Những cột trụ của xã hội, 1926.
Ba mươi năm sau, Nigel Henderson làm cho hình ảnh con người máy móc thành ra dị hợm kỳ quái hơn:
![]() Nigel Henderson
Cái đầu của một con người, 1956.
Và tất nhiên, suốt hậu bán thế kỷ 20 chúng ta có thể thấy rất nhiều hoạ sĩ, với chủ trương chống lại tình trạng cơ giới hoá cao độ của xã hội, vẫn thường vẽ những hình ảnh nửa người nửa máy rất lạnh lùng, vô cảm. Gần đây, Paul Faris còn dùng hình ảnh máy móc để chế giễu những nhà phê bình nghệ thuật có đầu óc cứng đờ như một thứ “robot” đã được “programmed” sẵn.
![]() Paul Faris
Nhà phê bình chột mắt, 2004.
Và chẳng phải chỉ nhà phê bình là người máy, mà cả hoạ sĩ cũng trở thành người máy. Paul Faris vẽ chính mình, một hoạ sĩ, là một người máy hoàn chỉnh (trông giống y như “nhà phê bình” ấy!) và có khả năng tự hoạ chân dung chính mình, mà “người mẫu” lại là một người máy hoàn toàn giống mình như từ một khuôn đúc ra:
![]() Paul Faris
Chân dung / chân dung tự hoạ, 2005.
Ý tưởng tạo hình Người/Máy của Lê Quảng Hà, do đó, không thật sự là mới mẻ trong môi trường mỹ thuật thế giới đương đại. Tuy nhiên, xét về phong cách, tôi cho rằng lối vẽ và sắp đặt của anh rõ ràng là có nét riêng. Tôi không thể tìm thấy trong cuộc triển lãm “MÁY” của anh có một ảnh hưởng rõ rệt nào từ phong cách của những người đi trước.
2. Những thông điệp Thông điệp của Lê Quảng Hà qua cuộc triển lãm “MÁY” là gì? Nếu thông điệp ấy là lời báo động về một đời sống bị cơ giới hoá, bị tràn ngập bởi máy móc, thì thông điệp ấy không có gì mới mẻ (vì trên thế giới đã có rất nhiều hoạ sĩ phát ra thông điệp ấy suốt gần một thế kỷ nay rồi). Thông điệp ấy không mới mẻ so với thế giới, nhưng lại cũng không hợp với thực tế Việt Nam, vì Việt Nam vẫn chưa phải là một nước phát triển về kỹ nghệ và công nghiệp nặng. Hiện tượng chạy đua tiêu dùng các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, ipod, máy vi tính, v.v... hiện nay ở Việt Nam cần được thể hiện qua những hình ảnh mang tính nanotechnology (công nghệ siêu vi), chứ không thể qua những hình ảnh máy móc nặng nề như thế của Lê Quảng Hà. Tôi đoán Lê Quảng Hà muốn đưa ra một thứ thông điệp khác. Trong cuộc triển lãm của anh có những hình ảnh gợi đến thứ văn hoá ăn chơi truỵ lạc của thời “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; có những hình ảnh gợi đến sức mạnh lạnh lùng sắt máu của công an và quân đội dưới chế độ toàn trị; có những hình ảnh gợi đến cái thái độ máy móc, quan liêu, một chiều, ngu xuẩn của những đầu óc đã bị tê liệt và mất hết cá tính; có những hình ảnh gợi đến cái thảm kịch trong tư tưởng và tâm hồn của những con người bị nghiền nát dưới một guồng máy phi nhân... [Mời xem phóng sự ảnh của Phạm Long về cuộc triển lãm “MÁY” của Lê Quảng Hà] Tôi không biết tôi đoán có đúng cái thông điệp của Lê Quảng Hà hay không. Nếu tôi đoán đúng, thì cuộc triển lãm của anh quả là một sự cọ xát có ý thức và can đảm với thực trạng đời sống Việt Nam hiện tại. Và, với một lối thể hiện táo bạo như thế, nó là một hiện tượng mới mẻ và đáng lưu ý trong mỹ thuật Việt Nam và, hơn nữa, nó vô cùng cần thiết cho tư duy và sự thể hiện sáng tạo của con người nghệ sĩ tự do trong thời điểm hôm nay.
------------------- Các bài liên hệ:
04.12.2008
... Vẽ là nhu cầu bộc lộ tâm trạng của hoạ sĩ và đó là sáng tạo tự do, không thể đóng khung mọi hành động sáng tạo vào một “khuôn khổ” chung nào đó. (Dù rằng hành động đó chỉ có thiện ý vì cái đẹp đi chăng nữa). Bởi nếu thế thì chỉ cần các “Chính ủy” chỉ đạo là đủ, cần gì đến suy nghĩ của các nghệ sĩ nữa... (...)
02.12.2008
... Cái đẹp là một khái niệm mở, tạo ra những vẻ đẹp biến hoá không ngừng trong nghệ thuật nói riêng và trong đời sống nói chung. Vì thế, sự bắt chước rập khuôn, tuân theo những nguyên tắc của người đi trước để làm công việc sáng tạo và thẩm định giá trị tác phẩm hôm nay, là dấu hiệu tiêu vong của nghệ thuật... (...)
Để góp tư liệu cho cuộc đối thoại về Triển Lãm “MÁY” của Lê Quảng Hà, anh Phạm Long từ Hà Nội đã gửi đến Tiền Vệ một số ảnh do anh chụp được ngay tại Viện Geothe trong ngày khai mạc cuộc triển lãm (24.10.2008)... (...)
01.12.2008
... “Người khác”, và cả “chính mình” trong tranh anh, đều trở thành những hình nhân dị dạng, ma quái, nhiều khi mang dáng dấp dã thú, với những cái nhìn đau đáu, xỉa xói hay đanh lạnh, tồn tại bên nhau, nhiều khi kết dính vào nhau nhưng mỗi người vẫn là một cõi tách biệt, nặng trịch... (...)
30.11.2008
... Người mẫu của ông phần lớn đều xấu, da thịt bèo nhèo, không có vẻ gì quyến rũ cả. Thế nhưng tranh của ông vẫn đẹp... (...)
29.11.2008
... Chỉ căn cứ vào lập luận chung chung của Lê Thiết Cương trong bài “Mèo trông nhà”, tôi có cảm tưởng quan điểm thẩm mỹ của Lê Thiết Cương vừa lạc hậu vừa ngây thơ... (...)
28.11.2008
... Trong khi Cương có thể mãn nguyện với sự mất tự do của mình trong cái lồng son với những nguyên tắc, thì Cương lại đi trách cứ những người khao khát bầu trời sao không vào lồng để chia sẻ cùng anh sự tẻ nhạt đó... (...)
... Vẽ tranh nhưng tâm hồn anh vẫn đang lơ mơ cùng sắp đặt. Hà giống như một anh chàng trong chuyện cổ ra chợ mua một con mèo thật to khoẻ về để một công đôi việc vừa bắt chuột, vừa... trông nhà... (...)
|