tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
(Lại) thư cho Hoàng Ngọc Trâm  [đối thoại]

 

Bạn mình nói: Bữa nay ông bày đặt làm thơ nữa ư? Mình nín khe, biết phận, nên viết thư này gửi bạn ở phương xa. Thư mà không thơ. Ư mà chẳng được phép Ơ. Khổ thế!

Và thú thật, mình rất ái ngại bởi sợ mang tội dây dưa, choán chỗ, làm Tiền Vệ phải mất một khoảnh đất nếu vị tình mà hiển thị thư lên, trong khi những “lời qua tiếng lại” của chúng ta đã vuông tròn, đã yên phận, đã mát ruột mát gan, đã kết thúc trong tốt đẹp khi đi tới cuối chữ Hiểu. Mình nghĩ, những người làm thơ viết văn, họ cũng sẽ an lòng và vui thích khi đón nghe từ xa xăm, một phản hồi đằm thắm khi có kẻ hiểu mình. Mình đã vui và thích.

Bạn Trâm, xin phép mình dùng chữ bạn, nghe cho nó... thu hẹp bớt khoảng cách địa lý giữa Úc và Gia-nã-đại mênh mông, và mênh mang. Khi bạn viết những cảm nghĩ nhân ngày quốc khánh bên ấy thì cùng thời điểm, mình nghe tin nhạc sĩ Phạm Duy đang sống chuyển qua từ trần tại cố quận. Khi nghe một người thọ tới số tuổi ấy thác (nhân sinh cửu thập cổ lai hy) mình tự nhủ thầm: e ta chẳng được lộc dày như vậy, căn tu nhà ngươi đâu tá! Mình đã hơn một lần chết đi sống lại (thuyền nhân mà) cho nên sống giờ đây là hưởng chút bonus tự cao xanh. Biết vậy, chớ thắc mắc chuyện sinh tử cho thêm rắc rối cuộc đời. Cái mà mình thắc mắc, nguyên cớ để giờ này bạn đọc thư này là vầy: Chết ở quê nhà có đỡ tủi hơn ngoài cố hương? Tại sao người ta tìm về chốn xưa để vùi thân trong khi trước đó người ta cương quyết dùng mọi cách, kể cả thủ đoạn để dứt khoát đoạn lìa? Vào tháng ngày ở thế kỉ trước, lâu lắm rồi, sau khi mình tuyên thệ nhập tịch, một người đàn bà phốp pháp đại diện cho chính quyền sở tại đã ôm mình, bắt tay, nụ cười rộng mở: Chúc mừng bạn đã thành công dân xứ Canada. Mắt xanh màu trùng khơi, tóc vàng màu lá mùa thu xoắn tít, giọng nói chậm rãi chứa nhiều nhạc tính: Từ nay, bạn đi bất kỳ hang cùng ngõ hẻm nào, nếu gặp vấn nạn, tòa đại sứ của chúng ta có trụ sở đặt ở chốn ấy sẽ bằng mọi cách cứu vớt bạn ra, thoát hung hiểm, ngoại trừ... ngoại trừ trường hợp bạn buồn chân về lại cố hương, điều không may nào va vấp vào người thì bạn tự mình đối phó lấy. Bạn nghe tôi nói không? Tay mình vẫn còn nằm trong bàn tay mềm mại kia và mình suýt máy môi: Thế giới này bao la, bộ hết chỗ chơi sao vác thân về lại bển? Suýt, chưa vọt miệng, nhưng tự thâm tâm, nó khóa lại lời ấy, tựa hồ một khẳng định chẳng cần phát ra tiếng nói. Bạn ạ, cho đến giờ đây, lòng mình vẫn chưa hề vọng tưởng tới một sân si về tắm lại dòng sông xưa, ngập bụi trần. Sự đi lại là quyền tự do của mỗi cá nhân, mình tuyệt chẳng dám có ý kiến, riêng mình, nếu làm cuộc đi xa, thì tại sao không là Úc-đại-lợi, mường tượng thôi đã thấy tâm thân an lạc, khỏi phiền não khi nghe tới hai chữ Việt-nam.

Mình có người bạn còn kẹt bên đó. Hắn lớn tuổi, lo cày sâu cuốc bẫm nên muộn trễ chuyện lập gia đình. Giờ này thì vợ nó quyết định phải sinh con. Thứ nhất, đàn bà, để vượt quá một hạn tuổi nào đó thì đứa bé sanh ra sẽ bị thiệt thòi nhiều thứ, xét về thể chất cũng như trí óc, chậm phát triển. Thứ hai, vội vàng vượt cạn ở năm Thìn thì “tốt” hơn lần khân qua năm Tỵ. Vợ đau đẻ, chuyển bụng, gần lâm bồn mà hắn thì bận bịu ngồi đếm tiền, bỏ phong bì, le lưỡi liếm. Những bốn năm cái, cùng kích cỡ, độ mỏng dày thì khác nhau. Chi vậy? Sao không kíp gọi xe chở vợ vào bệnh viện ngay mà cứ bình chân như vại vậy tía? Ồ, tiền đút lót, từ y tá tới bác sĩ khoa sản để cho xuôi chèo mát mái, mẹ tròn con vuông, chẳng xẩy ra sự cố. Khi nghe kể, đầu óc mình tự nhiên mụ mị, thấy ra một cảnh tượng chẳng có gì quái gở hơn. Tốn mấy triệu đồng? Mình đắng miệng chẳng buồn hỏi. Mình lẩn thẩn tự hỏi, một ngày kia đứa bé sẽ lớn lên, sẽ nghe cha mẹ kể chuyện “cổ tích”, hẳn nó sẽ thương bố mẹ vô hạn. Làm người xứ sở nọ tốn kém quá, thất thoát tiền bạc tự trứng nước, chuồi chỗ này, ém nơi nọ mới hanh thông ngày con chào đời. Nó vào trường học, nghe quốc ca (mượn hình ảnh trong bài của bạn) hẳn lòng nó luống những ngậm ngùi. Nó khóc, chẳng phải hãnh diện, mà rơi lệ vì thương bố mẹ lỡ sinh ra trên địa hình chữ S này. Cực nhọc quá, bị bóc lột nhiều thứ quá, an phận quá, ngậm miệng lâu quá, quen cúi đầu quá. Nó sẽ cõng trên lưng một bất công quá tải. Nó sẽ ung thư cột sống. Một nấm mồ mai hậu sẽ hiện hình, an lòng chăng nếu xuôi tay nằm dưới ba tấc đất?

Mình xin lỗi nếu bạn đang buồn lòng, mình vẫn nghĩ, mà không chừng bạn cũng đồng ý, rằng nếu chết đi, quanh ta toàn cả người tử tế thì cái chết ấy không đáng để phàn nàn, để bận bịu một trì hoãn. Úc của bạn và chốn mình định cư thì thắp đuốc suốt năm canh cũng chả nhìn ra thứ “văn hóa phong bì” kinh hãi kia. Một đứa lỡ sinh ra dưới một vì sao xấu, linh hồn nó sẽ không siêu thoát khi biết chắc thân nhân mình đang vật vã cầm cái này bán cái nọ để lo cho hậu sự chính nó, kẻ vừa tắt thở.

Ở đây, rét run, trời lạnh, cao điểm mùa đông, vì thế thư này bị ám cái vần vũ tuyết trắng sắt se. Bạn biết rồi, bà mẹ Canada thường khó tính. Bên ấy, mình đồ rằng thời tiết đang ấm áp, con người nhẹ nhõm khi trút được bao nhiêu áo xống của ngự hàn. Do vậy, mình hy vọng bạn bỏ qua những lỗi lầm mình vướng mắc. Xin phép bạn đọc cho mình nói điều riêng tư: Năm mới chúc tiểu gia đình bạn Trâm được sức khỏe, an lành. Cho mình gửi lời thăm anh Hoàng Ngọc-Tuấn (kỳ thanh, bất kiến kỳ hình).

Hẹn hàn huyên dịp khác, đề tài khác, nếu bạn đọc không phiền hà và Tiền Vệ vui vẻ, như đã từng.

Thân mến,

Hồ Đình Nghiêm

 

 

------------------

Bài liên quan:

30.01.2013
[CUỘC SỐNG] ... Hôm nay lên Tiền Vệ, Trâm đọc được bài thơ ‘Cám ơn Hoàng Ngọc Trâm’ của anh, Trâm rất cảm động vì tình cảm anh dành cho Trâm, cảm ơn anh Nghiêm nhé. Qua bài thơ đó, Trâm biết được mình có thêm một người anh không chỉ nói-cùng-một-ngôn-ngữ, có-cùng-một-màu-da mà còn có-cùng-một-hoàn-cảnh, cùng-một-tâm-trạng và cùng-một-ý-hướng... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021