tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Khi Việt kiều da trắng giúp Việt Nam “thay máu mới”  [đối thoại]

 

Lời người viết:
 
Rất bức xúc sau khi đọc một bài dịch và một bài viết của Chân Phương trên Văn chương Việt và Da Màu, tôi đã viết bài phản hồi dưới đây. Sáng ngày 4-2-2010, từ tp. HCM tôi đã gửi bài này đến cả hai tờ báo ấy.
 
Tờ Văn chương Việt không trả lời. Tờ Da Màu có trả lời đã nhận được bài và hứa sẽ liên lạc với tôi trong thời gian sớm nhất. Nhưng đến hôm nay đã gần hai ngày, các bài vở mới đều đã cập nhật trên cả hai tờ báo, và tờ Da Màu đã đăng ý kiến phản hồi mới của Chân Phương, nhưng vẫn không có bất cứ một liên lạc nào với tôi. Vì vậy tôi gửi bài này nhờ báo Tiền Vệ đăng giùm để rộng đường dư luận.
 
Trân trọng cảm ơn
Nguyễn Nguyên Chi

 

___________

 

KHI VIỆT KIỀU DA TRẮNG GIÚP VIỆT NAM “THAY MÁU MỚI”

 

Người Việt ở nước ngoài may mắn được tiếp xúc với văn minh, văn hóa phương Tây, muốn đóng góp sự hiểu biết của mình để giúp cải tiến văn hóa đất nước là điều rất đáng trân trọng. Có nhiều cách đóng góp, trong đó cách phê phán mạnh mẽ và thẳng thắn những biểu hiện tiêu cực trong mọi phương diện của đời sống Việt Nam như rất nhiều bậc thức giả đã làm là vô cùng cần thiết.

Để giúp cho sự tiến bộ của đất nước thì người giúp phải có thực tâm và thực tài. Người có thực tâm và thực tài thì dám phê phán thẳng thắn, mạnh mẽ, rốt ráo, và cung ứng những hiểu biết đúng đắn, thiết thực. Người có thực tâm và thực tài thì không a dua, xu nịnh, lòn cúi, mà cũng không tự đặt cho mình một vị trí chễm chệ ở trên mà phán ra những lời vô bổ với thái độ hãnh tiến, phát ngôn trịch thượng, ba hoa khoe mẽ, nói ba voi mà rốt cuộc không được một bát nước xáo.

Trong “Đôi Lời” ở đầu bài dịch “Cái chết của chủ nghĩa hậu hiện đại và xa hơn”, Chân Phương, một nhà thơ Việt kiều ở Mỹ, đã tô đậm một câu mà ông ta lấy làm đắc ý. Đó là một câu ông ta muốn nói với văn giới Việt Nam hôm nay: “trong xứ sở của những người mù về thông tin và kiến thức… bọn chột lý luận sẽ làm vua.” Đây không phải là một câu phê phán, mà chỉ là một câu vơ đũa cả nắm với mục đích nhục mạ.

“Xứ sở của những người mù…”? “Bọn chột…”? Nói chuyện học thuật mà sao Chân Phương lại phải dùng kiểu ngôn ngữ như vậy? Trong chốn học thuật, người được nể trọng là người có thành quả nghiên cứu, chứ chẳng phải là kẻ chưa có thành quả nghiên cứu gì mà đã biểu lộ thái độ ngạo mạn, ngôn ngữ trịch thượng, dương dương tự đắc. Mà bản thân Chân Phương đã có thành quả nghiên cứu gì? Thực tình, tôi chưa từng tìm thấy một cuốn sách nghiên cứu, lý luận hay phê bình nào của Chân Phương ở bất cứ nơi đâu. Đầu đuôi, ngoài việc làm thơ, ông ta chỉ viết được vài ba bài “tiểu luận” ngăn ngắn về thơ để tự nâng mình và thi thoảng chê bai các nhà thơ đương thời. Còn bài “Cái chết của chủ nghĩa hậu hiện đại và xa hơn” chỉ là một bài dịch từ tiếng Anh, vẫn còn những chỗ sai sót, mà Chân Phương đã đòi thay máu mới và thêm dưỡng khí cho đời sống tinh thần của một dân tộc...”? Cũng trong đoạn “Đôi Lời” ấy, Chân Phương viết:

“Hy vọng các ngòi bút VN trưởng thành tại Hoa Kỳ am hiểu sinh hoạt học thuật tư tưởng Mỹ sẽ phát hiện và giới thiệu thường xuyên các văn bản giá trị để thay máu mới và thêm dưỡng khí cho đời sống tinh thần của một dân tộc đang cần vươn lên học hỏi thế giới.”

Lẽ dĩ nhiên Chân Phương có quyền tự cho mình chính là một trong những “ngòi bút VN trưởng thành tại Hoa Kỳ am hiểu sinh hoạt học thuật tư tưởng Mỹ sẽ phát hiện và giới thiệu thường xuyên các văn bản giá trị”. Nhưng cái câu “để thay máu mới và thêm dưỡng khí cho đời sống tinh thần của một dân tộc đang cần vươn lên học hỏi thế giới” là một câu trịch thượng và đầy xúc phạm.

Cũng như mọi dân tộc trên thế giới, dân tộc Việt Nam cần liên tục thu hoạch và cập nhật kiến thức, nhưng sự phát triển kiến thức không phải là sự “thay máu mới”. Thử hỏi: dòng máu văn hóa Việt Nam “thay máu mới” để thành máu gì sau khi đọc các bản dịch của ông Chân Phương? Thay thành máu Mỹ chăng?

“Thêm dưỡng khí” thì nghe được. “Một dân tộc đang cần vươn lên học hỏi thế giới” thì nghe cũng được. Nhưng đáng lẽ ra đó là những câu do chính người Việt Nam trong nước phát ngôn. Chẳng hạn sau khi đọc xong những bản dịch hay ho, bổ ích, thì một độc giả Việt Nam có thể nói: “Những bản dịch này bơm thêm dưỡng khí cho đời sống tinh thần của dân tộc ta, một dân tộc đang cần vươn lên học hỏi thế giới.”

Nhưng nếu câu đó lại do chính ông dịch giả Việt kiều nói ra trong bản dịch của mình thì nghe vô cùng hợm hĩnh. Ông mới dịch một bài viết, gửi đăng báo, mà ông đã huênh hoang rằng ông phát hiện và giới thiệu một văn bản giá trị “để thay máu mới và thêm dưỡng khí cho đời sống tinh thần của một dân tộc đang cần vươn lên học hỏi thế giới.” Đó là cái giọng điệu của một gã da trắng từ một đế quốc đang ngạo mạn buông lời giáo huấn cho một đám dân da màu ăn lông ở lỗ.

Trong bài “Thơ Hoa Kỳ và Tân Hình Thức” của Chân Phương trên vanchuongviet.org, cũng với cái lối mục hạ vô nhân đó, ông đã viết:

“Bài viết này hi vọng cung cấp cho độc giả không rành tiếng Anh và thiếu khả năng tra cứu, đặc biệt là người VN trong nước thiếu sách báo thế giới, một cách nhìn tương đối chính xác hơn về thơ HK hôm nay”.

Đáng lẽ ông chỉ cần viết: “Bài viết này hi vọng cung cấp cho độc giả một cách nhìn tương đối chính xác hơn về thơ HK hôm nay”, là đủ. Nhưng không, Chân Phương vẫn ráng nhấn mạnh “cho độc giả không rành tiếng Anh và thiếu khả năng tra cứu, đặc biệt là người VN trong nước thiếu sách báo thế giới”!

Thế nhưng cái thái độ hợm hĩnh mục hạ vô nhân kiểu đế quốc da trắng này của Chân Phương không chỉ dành cho “độc giả không rành tiếng Anh và thiếu khả năng tra cứu” mà còn dành cho cả những nhà văn có tên tuổi ở trong nước, chẳng hạn như trong cuộc thảo luận bàn tròn internet “Văn Chương hôm nay nhìn từ ngoài lề” trên LitViet giữa 3 người cầm bút ở nước ngoài là Phan Nhiên Hạo, Chân Phương và Trần Vũ và 3 người cầm bút ở trong nước là Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Chánh và Trịnh Cung, với đề tài là mối quan hệ giữa văn chương và chính trị.

Trong một cuộc thảo luận bàn tròn thì những người tham gia cùng trao đổi với nhau trong tinh thần tương kính và xem nhau ngang hàng, giống như một nhóm người cùng ngồi quanh một cái bàn tròn để đàm luận. Thế nhưng, thái độ của Chân Phương cho thấy ông tự đặt mình lên cao hơn những người khác, đặc biệt cao hơn hẳn so với những người ở trong nước. Thay vì hỏi han và trao đổi để biết những người ở trong nước suy nghĩ và sáng tác thế nào, ông lại phán quyết về họ theo cách vơ đũa cả nắm và lên giọng với họ một cách hợm hĩnh, trịch thượng như đang giảng dạy cho những đứa học trò văn mới tập tễnh viết lách.

Mời độc giả thưởng thức những lời Chân Phương nói với các nhà văn trong cuộc thảo luận:

- Chân Phương: “Quan sát từ nước ngoài trong một thập niên qua chúng ta có thể nhận thấy các ngòi bút phản kháng hay ngoài lề ở Việt Nam phần đông khai thác đề tài dục và dâm như một ám ảnh, nhiều lúc nặng tính bệnh lý. Từ các nhóm Mở Miệng, Ngựa Trời, đến Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Đình Chính… Nhục thể với những xung lực cũng như hoang tưởng của nó đã độc tấu hay đồng ca náo nhiệt!”

+ Nghĩa là: “Phần đông” các ngòi bút phản kháng hay ngoài lề ở Việt Nam đang hùa nhau viết chuyện dâm dục, vì bị “ám ảnh”, nhiều khi vì bị “bệnh”. Từ cá nhân “độc tấu” cho đến bầy đàn “đồng ca náo nhiệt”, tác phẩm của các tác giả này chỉ để giải quyết những “xung lực” cũng như “hoang tưởng” dâm dục. Chẳng có ý nghĩa quái gì cả.

- Chân Phương: “Bất cứ nơi nào thời nào nhà thơ nhà văn có lương tâm cũng là người chiến sĩ văn hoá khó lòng làm ngơ trước số phận đồng loại, nhưng trang sáng tác của chúng ta sẽ không khá hơn một bài phóng sự hay xã luận nếu thiếu chất nghệ sĩ của ngôn từ và óc tưởng tượng.”

+ Nghĩa là: Các ông viết văn vì các ông có lương tâm, không thể làm ngơ trước số phận đồng loại, nhưng thơ và truyện của các ông “không khá hơn một bài phóng sự hay xã luận”, vì các ông “thiếu chất nghệ sĩ của ngôn từ và óc tưởng tượng”. Ngôn từ của các ông thô tục. Óc tưởng tượng của các ông nghèo nàn.

- Chân Phương: “Thiếu tưởng tượng phong phú, trang viết chỉ là bản sao chép đời thường. Thiếu nghệ thuật ngôn từ và kinh nghiệm thẩm mỹ, sáng tác nói chung sẽ đứng lại ở mức thơ văn học trò. Métier, style, craft là các khái niệm bếp núc căn bản trong nghề viết, không tách rời với độ dày kiến thức, văn hoá. Không chỉ là nhà văn, Orwell hay Koestler còn là nhà tư tưởng chính trị và học giả uyên thâm. Các ngòi bút hàng đầu từng chịu áp bức của toàn trị cộng sản như Mandelstam, Solzhenitsyn, Milosz, Brodsky, Kundera, Kís… đồng thời là những nhà nghiên cứu lớn về thơ văn phương Tây và đều có công trình biên khảo hoặc phê bình.”

+ Nghĩa là: Các ông hãy lắng nghe tôi (Chân Phương) giảng bài về những thứ mà các ông thiếu, đó là “nghệ thuật ngôn từ và kinh nghiệm thẩm mỹ”, mà thiếu những thứ đó, sáng tác của các ông chỉ “sẽ đứng lại ở mức thơ văn học trò”. Các ông hãy ráng mà học lại “các khái niệm bếp núc căn bản trong nghề viết”. Các ông hãy ráng mà noi theo các nhà văn phản kháng hàng đầu của thế giới! Họ vừa là nhà văn, vừa là nhà tư tưởng chính trị và học giả uyên thâm (giống như tôi!). Họ có tất cả những thứ mà các ông không có và có lẽ các ông sẽ không bao giờ có (vì các ông ở trong cái xứ bưng bít lạc hậu ấy, các ông lại hết tuổi để học tập, nghiên cứu rồi...).

- Chân Phương: “Tóm lại, nội lực văn hoá của một ngòi bút là kết quả của tu luyện dài hơi và sự trưởng thành nghệ thuật được hàm dưỡng từ nhiều năm học hỏi, so sánh bút pháp hay thi pháp bản thân với các tác phẩm của nhân loại.”

+ Nghĩa là: Các ông không còn hy vọng gì nữa, ở tuổi các ông thì kể như quá trễ để mà “tu luyện dài hơi”, “hàm dưỡng từ nhiều năm học hỏi”, và ở điều kiện của các ông trong nước thì vô vọng để các ông “so sánh bút pháp hay thi pháp bản thân với các tác phẩm của nhân loại.”

- Chân Phương: “Cần nói thêm một điều: các ngòi bút sáng tác ở Âu-Mỹ không ngần ngại đưa bản thảo cho bằng hữu đọc và góp ý để sửa chữa, hoàn chỉnh tác phẩm. Ta còn nhớ T.S. Eliot đã nhờ người bạn tri âm Ezra Pound biên tập, hiệu đính bài trường thi Wasteland lừng danh như thế nào; cũng như Jack Kerouac sau này đã góp bàn tay chuyên nghiệp giúp Ginsberg hoàn tất thi phẩm Howl…”

+ Nghĩa là: Các ông nên đưa bản thảo cho tôi (Chân Phương) đọc và góp ý để sửa chữa, hoàn chỉnh tác phẩm. Hãy xem những cái gương lớn đấy. Eliot cần có Pound. Ginsberg cần có Kerouac. Thế thì các ông phải cần có tôi (Chân Phương) “sửa chữa, biên tập, hiệu đính” thì mới khá ra được.

- Chân Phương: “Tôi hơi dài dòng về thơ, một phần vì méo mó nghề nghiệp một phần nhằm động viên tinh thần các bạn…”

+ Nghĩa là: Tôi (Chân Phương) làm nghề gõ đầu trẻ, nên bây giờ tôi gõ đầu các ông chẳng qua vì méo mó nghề nghiệp. Vì thấy các ông đã mất tinh thần, cho nên tôi (Chân Phương) phải giảng dạy như vậy để “động viên tinh thần” cho các ông.

- Chân Phương: “Dân ta cũng như người Nhật hay người Trung Hoa đều có mặc cảm học thuật đối với phương Tây, và vì thế thường tiếp thu gấp và muộn các tư tưởng, lý thuyết của người ta mà không có thời giờ tìm hiểu nhiều về nguyên ủy, động cơ quyền lực (knowledge & power), bối cảnh xã hội và các xu hướng văn hoá giáo dục đã sản sinh các hình thái ngôn thuyết (discursive formation) ấy.”

+ Nghĩa là: “Dân ta”, gồm tất cả các ông (ngoại trừ Chân Phương), “đều có mặc cảm học thuật đối với phương Tây, và vì thế thường tiếp thu gấp và muộn các tư tưởng, lý thuyết của người ta mà không có thời giờ tìm hiểu...” Tôi (Chân Phương) thì khác, tôi không thuộc về cái đám “dân ta” ấy, tôi ở Mỹ, tiếp thu thong thả và sớm sủa các tư tưởng, lý thuyết mới và có quá dư thời giờ để tìm hiểu.

- Chân Phương: “Tại sao thuyết Hậu Hiện Đại ra đời ở Hoa Kỳ trong khi nó vay mượn tư tưởng và lý luận Pháp, mà không được cảm tình cho lắm từ giới học giả và hàn lâm Pháp? Tại sao sau khi Sokal chơi khăm tờ Social Text (Affair Sokal, 1996) và Bin Laden tấn công New York, Hậu Hiện Đại ra đi gần như không kèn trống ở các đại học Mỹ? Tại sao tư tưởng Hoa Kỳ hơn một thập niên qua đã quay lưng với trào lưu sùng bái ngôn ngữ học (linguistic turn), từ biệt Saussure, Jakobson, Barthes, Derrida, de Man… để trở về với đạo lý (ethical turn), đọc lại Plato, Aristotle, Kant, Habermas, Bourdieu và John Rawls?”

+ Nghĩa là: Tôi (Chân Phương) đưa một loạt những câu hỏi này ra để đố các ông Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Chánh, Trịnh Cung (những người “chỉ sống trong nước” Việt Nam), nhưng tôi (Chân Phương) biết trước là các ông không tài nào trả lời được. Mà ngay cả các ông có trả lời được, thì cũng sai bét vì... (xem tiếp dưới đây)

- Chân Phương: “Còn nhiều câu hỏi và ẩn số mà những ai thiếu điều kiện sinh sống lâu năm ở Mỹ và thường xuyên lui tới các đại học Hoa Kỳ khó có thể hy vọng lý giải thấu suốt, cho nên tôi hơi ái ngại khi thấy một số ngòi bút Việt Nam chỉ sống trong nước mà lại bám theo cái đuôi made in America kia một cách hăng hái vô tư!”

+ Nghĩa là: Các ông Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Chánh, Trịnh Cung suốt đời sẽ không thể có “hy vọng lý giải thấu suốt” những câu hỏi mà tôi (Chân Phương) nêu ra. Ngay cả nếu có phép lạ mang các ông sang sống ở Mỹ, thì các ông phải làm sao đến sống gần bên các trường đại học Hoa Kỳ (như tôi) để “thường xuyên lui tới các đại học Hoa Kỳ”, nếu không thì dù các ông có ở Mỹ suốt đời, các ông cũng “khó có thể hy vọng lý giải thấu suốt” những câu hỏi hóc búa này. Mà số phận các ông là “chỉ sống trong nước” Việt Nam, thì các ông nên lo mà tắm trong cái ao làng của các ông, chứ đừng có “bám theo cái đuôi made in America kia một cách hăng hái vô tư!” như vậy.

Rõ ràng những câu hỏi mà Chân Phương nêu ra trên đây là những câu hỏi rởm đời, chỉ nhằm khua ồn ào để loè những người “chỉ sống trong nước” Việt Nam và những người không “thường xuyên lui tới các đại học Hoa Kỳ”!

Tại sao nhà văn, nhà thơ Việt Nam phải cần hiểu những câu hỏi đó? Để “thay máu mới” chăng? Tại sao phải “thường xuyên lui tới các đại học Hoa Kỳ” thì mới hiểu? Chứ đọc sách, đọc tài liệu trên internet thì không hiểu nổi sao? Trong số hàng vạn nhà văn, nhà thơ Mỹ hiện nay có bao nhiêu người “thường xuyên lui tới các đại học Hoa Kỳ”? Mà “thường xuyên lui tới các đại học Hoa Kỳ” để làm gì? Để đi học lại? Đi dạy? Đi tham quan? Đi uống cà phê? Đi ngắm nữ sinh?

Trong cuộc thảo luận bàn tròn này, Chân Phương đã tự đặt mình vào vị trí tưởng tượng của một ông giáo sư Mỹ chuyên nghiên cứu và giảng dạy lý thuyết văn chương, và đặt các ông Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Chánh và Trịnh Cung vào vị trí của những người Việt Nam lạc hậu, kẹt cứng trong một “xứ sở của những người mù về thông tin và kiến thức”, và tuyệt vọng vì suốt đời còn lại sẽ không bao giờ “có điều kiện sinh sống lâu năm ở Mỹ và thường xuyên lui tới các đại học Hoa Kỳ”. Đặt định hai vị trí như vậy nên Chân Phương mặc tình mà làm ông vua chột, lên giọng trịch thượng, ba hoa, ra những câu đố (bí hiểm!) mà ông không bao giờ giải thích, vì có giải thích thì các ông ở trong nước cũng không đời nào hiểu nổi!

Một thái độ như vậy sẽ không bao giờ mang đến lợi ích gì cho văn hóa, văn học Việt Nam. Một thái độ như vậy chỉ để “tự sướng” một cách bệnh hoạn. Chính cái người có thái độ này mới là người cần phải “thay máu mới”, nếu không thì vẫn chỉ là một gã Việt kiều da trắng đóng vai ông vua chột.

 

Nguyễn Nguyên Chi
Tp. HCM, 3-2-2010

 

 

---------------

Bài liên hệ:

06.02.2010
[VĂN CHƯƠNG & HỌC THUẬT] ... Đôn Kihôtê và Xantrô Panxa mãi võ đầu hẻm cuối xóm dưng không lại muốn hâm nóng lại một cuộc tranh cãi đã nguội lạnh với mục đích gì? Tại sao lại căm thù thơ tân hình thức Việt và chủ nghĩa hậu hiện đại đến thế kia nhỉ? Vì không muốn thơ ca văn chương nghệ thuật của ta tách khỏi những lối mòn cũ? Vì mặc cảm với nhóm Mở Miệng? Vì thơ “cách tân chửi bới vu vơ” của mình không có độc giả?... (...)
 
05.02.2010
[VĂN CHƯƠNG & HỌC THUẬT] ... Chuyện mù, chột & sáng ở đâu cũng đầy ra. Chuyện vua, thường dân & hay phó thường dân cũng vậy. Tây với Ta. Việt Nam không là ngoại lệ. Nam hay nữ, già hay trẻ, Bắc hay Nam, và... trong nước hay hải ngoại. Sáng thì cực hiếm (nên, và quý), chột thì in ít, còn mù thì vô số kể. Đồng bào tin tôi đi. Có nhân chứng vật chứng hẳn hoi nè... (...)
 
04.02.2010
[VĂN CHƯƠNG & HỌC THUẬT] ... Vào trang web văn học da thuộc không bơi giếng chiều mưa nọ kia / Bé bự Sương tui thấy có một ông thơ thẩn sính kết án vĩ cầm kia nọ / Kéo giây tơ câm chuyển thanh một bài tiểu luận lăng nhăng nọ kia / Mong hạ bệ trễ nãi một cái chủ nghĩa văn học lừng danh tiếng kia nọ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021