tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Phản biện về bài viết của TT Đông Ba  [đối thoại]

 

 

Điều đầu tiên, tôi rất cám ơn TT Đông Ba đã đọc bài tôi viết. Để tránh sự mâu thuẫn không cần thiết, tôi xin đi thẳng vào những nghi vấn của tác giả bài viết.

 

Thứ nhất, TT Đông Ba nói:

“Tôi đã đọc bài này trên báo Văn thơ trẻ của Ngô Hương Giang ngày 10/7/2010, lúc đó bài này có tên là “Mấy suy ngẫm về học thuật Việt Nam”! Hai bài hoàn toàn giống nhau không khác một chữ, ngoại trừ trong bài “Mấy suy ngẫm về học thuật Việt Nam” trên Văn thơ trẻ có hai đoạn sau đây nhưng trong bài “Mấy suy ngẫm về giáo dục Việt Nam” trên Tiền Vệ thì không có”...

Có hai vấn đề cần thưa:

Một là, báo Văn thơ trẻ chưa bao giờ là của tôi, đó sự áp đặt và gán ghép thiếu chứng cứ.

Hai là, cả hai bài “Mấy suy ngẫm về học thuật Việt Nam”“Mấy suy ngẫm về giáo dục Việt Nam” ban đầu có tên chung là “Xu hướng cáo chung của học thuật Việt Nam”. Ý tưởng về bài viết nảy sinh, khi tôi dịch xong “Sự cáo chung của chủ nghĩa hiện đại” của tác giả Eduardo De La Fuente. Bài báo viết xong, nơi tôi gửi đầu tiên là Tiền Vệ (mong BBT làm chứng về điều này cho tôi) trước khi gửi đăng trên Văn thơ trẻ. Tuy nhiên, chờ hai ngày, Tiền Vệ không có hồi âm cho tôi về bài viết đó. Tôi nghĩ, hẳn bài viết đó cần sửa lại. Sau khi đăng trên Văn thơ trẻ, ngày 28 tháng 7 năm 2010 tôi sửa lại và gửi đăng ở Tiền Vệ. Do đó, việc sửa đổi bài viết, tất yếu phải có cắt bỏ.

Tôi nói:

“Tôi dám quả quyết rằng, Việt Nam có nhiều thiên tài hơn Đức, Ý, Pháp…đó không phải là sự tán tụng dân tộc một chiều, bình tâm nghiệm xét chúng ta thấy, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn cho đến Hồ Quý Ly, Phạm Quỳnh, Hồ Chí Minh…và nhiều cá nhân kiệt xuất khác, họ đều là những thiên tài trong một lĩnh vực cụ thể” (“Mấy suy ngẫm về học thuật Việt Nam”)

Điều đó hiển nhiên, tại sao không? Nếu chúng ta thừa nhận lịch sử dựng xây nước nhà của chúng ta (nói thao thao bất tuyệt như các sách sử) là 4000 năm bề dày văn hóa + văn hiến. Vậy, nếu đúng lô gích, 4000 năm đó sản sinh ra nhiều thiên tài, mỗi thiên tài có vai trò, tầm vóc trong một lĩnh vực cụ thể thì đâu có sai. Nếu trách thì trách các nhà soạn sử trước đã. Nếu có trách thì xin trách chúng ta lập bia đá ghi danh nhân vật quá nhiều.[1] Chúng ta hàng ngày cầm trên tay bộ Thiền Luận [2] của Daisetz Teitaro Suzuki nhưng đã bao giờ chúng ta đặt nó bên cạnh Khóa hư ngữ lục [3] của Trần Thái Tông chưa? Trong khi đó, nếu đem đối sánh giữa hai tư tưởng ở hai thế hệ và ở hai đất nước, chúng ta thấy, ý tưởng trong hai cuốn sách này đâu khác xa nhau là mấy, thậm chí, có những luận điểm của Trần Thái Tông còn đi trước và uyên thâm hơn Suzuki. Tại sao chúng ta không tự hào về điều đó???

 

Thứ hai, TT Đông Ba nói:

“Thật tình tôi không hiểu đoạn văn này có ý nghĩa gì. Nó quái gở trong cả lập luận lẫn ngữ pháp. Tác giả lấy bằng chứng khoa học nào để tuyên bố “Phải nói, người Việt Nam có phẩm tính khoa học không thua kém bất kỳ bộ óc thiên tài nào trên thế giới, duy chỉ có điều, chúng ta chưa thực sự khơi dậy tiềm năng đó...”? Nếu “bốn ngàn năm nay, người Việt vẫn trăn trở trong việc kiếm tìm mảnh đất neo đậu tư duy của mình”, thì làm sao khẳng định họ “có phẩm tính khoa học không thua kém bất kỳ bộ óc thiên tài nào trên thế giới”?”

Tôi xin thưa, thực tiễn đã chứng minh cho ta thấy điều đấy, hoặc là tôi sai hoặc là sách ghi chép sử sai? Mong tác giả hãy chứng nghiệm. Nếu nói “Nếu “bốn ngàn năm nay, người Việt vẫn trăn trở trong việc kiếm tìm mảnh đất neo đậu tư duy của mình”, thì làm sao khẳng định họ “có phẩm tính khoa học không thua kém bất kỳ bộ óc thiên tài nào trên thế giới” là sai, thì tôi xin đặt lại vấn đề với TT Đông Ba như sau: Tôi nói “người Việt có phẩm tính khoa học không thua kém bất kỳ bộ óc thiên tài nào trên thế giới” đâu có mâu thuẫn gì với “bốn ngàn năm nay, người Việt vẫn trăn trở trong việc kiếm tìm mảnh đất neo đậu tư duy của mình”. Mối quan hệ giữa hai mệnh đề trên là mối quan hệ giữa phẩm tínhhiện tượng, giữa ẩn thểhiện thể, giữa nội dunghình thức, rất rõ ràng. Phẩm tính khoa học là cái thuộc về bản chất bên trong, là cái khu biệt với mọi cái khác-không-phải-là-nó, vậy thử hỏi, người Việt từ trước tới giờ không tư duy sao? Chẳng lẽ tôi và anh không tư duy sao? Ngữ hệ Việt là cái ở trên trời rơi xuống đất sao (vì ngôn ngữ dân tộc nào sẽ quy định phương thế suy từ của dân tộc ấy)? Bởi bản chất khoa học là duy lý, là phê phán. Trong khi đó, “bốn ngàn năm nay, người Việt vẫn trăn trở trong việc kiếm tìm mảnh đất neo đậu tư duy của mình” là mệnh đề thông báo về môi trường nuôi dưỡng tư duy, là hình thức của nội dung là hiển thể của ẩn thể, là duyên của nhân và quả… Từ đó kết luận: Chúng ta có phẩm tính khoa học, nhưng chúng ta chưa có môi trường phù hợp để tư duy đó phát triển. Vậy theo anh, ý đó của tôi là sai ư? Tôi xin đơn cử một ví dụ dễ thấy là, dường như dân tộc nào phát triển mạnh về khoa học thường gắn liền với nó là có nền tảng triết học vững mạnh và chủ nghĩa hoài nghi triệt để. Chính nền tảng triết học và chủ nghĩa hoài nghi là môi trường nuôi dưỡng dư duy khoa học, dù là duy tâm thì cũng là khoa học về thần học. Nước ta có hệ thống tư tưởng không? xin thưa, có. Chúng ta có nền tảng triết học không? Xin thưa, không. Tôi nói, chúng ta có hệ thống tư tưởng, vì, chúng ta có suy tư và triết lý về cuộc sống. Tôi lại nói, chúng ta không có nền tảng triết học, vì, chúng ta không có đội ngũ đông đảo nhà triết học (duy nhất chỉ có một triết gia là Trần Đức Thảo), không có thế giới quan triết học và đặc biệt, không có nền tảng siêu- hình học. Vậy, chúng ta không có nền tảng triết học, không có nền tảng hoài nghi luận, tức, không có mảnh đất neo đậu tư duy, chẳng lẽ là nhận định sai và mâu thuẫn ư?

 

Thứ ba, TT Đông Ba nói:

“Có lẽ ai có học chút ít cũng đều nghe câu nói của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn. Tiếng ta còn thì nước ta còn”. Tôi không hiểu với cái loại “học thuật” gì mà Ngô Hương Giang lại moi ở đâu đó ra câu “tiếng Việt còn thì dân tộc còn” của ông Phạm Quỳnh nào đó? Đã moi ra một câu nói sai bét mà còn bạt mạng đem câu sai bét ấy ra so sánh với câu “ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể” của Heidegger, thì đây là loại “học thuật” gì? Loại “giáo dục” gì?”

Xin thưa, đó không phải là câu nói sai, mà là chủ ý của tôi. Trong bài viết của mình, tôi nói:

Đầu thế kỷ, ông là người đã dám mạnh dạn phát ngôn cho một chân lý giản đơn nhưng mang tầm triết học, “tiếng Việt còn thì dân tộc còn”, sau này chúng ta bắt gặp luận điểm quan trọng đó trong triết thuyết của Heidegger. Heidegger đã nói, “ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể” (“Mấy suy ngẫm về giáo dục Việt Nam”)

Điều ấy có nghĩa, phần để trong ngoặc kép của tôi là do tái biên lại ý tưởng của Phạm Quỳnh (vì tôi không chú thích cụ thể, nhưng vẫn để trong ngoặc kép nhằm tôn trọng ý tưởng Phạm Quỳnh tiên sin), mặc dù, tôi thừa biết rằng, nó nằm đầy dẫy trong các sách),[4] nhưng việc tái biên là để phù hợp với sự liên hệ trong quan điểm của Heidegger. Mặt khác, hình thức diễn ngôn có thể khác nhau, song, tôi nghĩ tác giả TT Đông Ba cũng đồng ý với tôi là, về lôgích tư duy chúng như nhau: “tiếng việt còn thì dân tộc còn” = “tiếng ta còn thì nước ta còn”. Hơn nữa với Luận giải văn học và triết học là cuốn sách đánh dấu tư tưởng dễ thấy nhất của Phạm Quỳnh thì, tư duy của ông chưa thể nâng lên thành tư duy “phạm trù”. Theo nghĩa ấy, câu “tiếng ta còn thì nước ta còn” chưa thể xem là phạm trù mang tầm thế giới quan triết học được, vì, theo tôi, ông chỉ hình dung phần nào tính triết học của ngôn ngữ khi phân tích truyện Kiều, chứ chưa thể là người đi sâu nghiên cứu bản chất ngôn ngữ như các nhà thực chứng luận và các nhà triết học ngôn ngữ sau này. Do đó, cách tôi đánh giá Phạm Quỳnh và Heidegger là cách nhìn của con người hiện thời với quá khứ tiền nhân.

 

Thứ tư, TT Đông Ba nói:

“Nếu đã “giải thiêng tất cả”“hoài nghi tất cả” thì tại sao tác giả không giải thiêng và hoài nghi Hồ Chí Minh? Tại sao còn ca tụng Hồ Chí Minh một cách mù quáng đến như vậy?”

Xin thưa, Hồ Chí Minh cũng giống như những nhân vật tôi đưa ra chỉ là đơn cử cho bài luận, vậy thì, liệu có cần thiết phải giải thiêng không? Nếu giải thiêng thì phải giải thiêng hết cả Đức Phật, Jesu, Gandhi… vậy thì, bài viết của tôi còn gì là “suy ngẫm về giáo dục” nữa. Nó sẽ biến tấu sang đề tài và lĩnh vực khác rồi. Tôi không xem bài viết của mình là hợp lý tất yếu, nhưng tôi là người “biết rào vườn”.

 

Thứ năm, TT Đông Ba nói:

“Cái loại “học thuật” của Ngô Hương Giang như thế mà đòi hạ “cái tượng đài về người thầy” ư? Nhưng làm gì có “cái tượng đài về người thầy” trên đất nước này để mà hạ xuống? Trên đất nước này, các tượng đài chỉ dành cho những kẻ giết thầy, chôn sống thầy mà thôi” (Những điều quái gở trong “giáo dục” và …)

Xin thưa, có cái tượng đài đó hay không? Nên hạ hay tiếp tục giữ vững? Tôi xin gửi nơi bạn đọc tự phán xét. Về phần tôi, tôi im lặng (ít nhất là giây phút này).

Còn quá nhiều những hiểu lầm nữa, tôi không những không có thời giờ, mà còn không muốn bàn tiếp về những điều bắt bẻ phi lý như trên của TT Đông Ba. Trên đây là những phản biện của tôi về bài viết “Những điều quái gở trong 'giáo dục' và 'học thuật' của Ngô Hương Giang” của TT Đông Ba.

_________________________

[1]Xin xem: Nhiều tác giả (2010), Văn khắc Hán Nôm Thăng Long Hà Nội, NXB Văn học - TTNC Quốc học.

[2]Daisetz Teitaro Suzuki (2005), Thiền Luận, 3 tập, NXB tổng hợp TPHCM.

[3]Trần Thái Tông (2009), Khóa hư ngữ lục, NXB Văn học, Hà Nội.

[4]Phạm Quỳnh có nói “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn. Tiếng ta còn thì nước ta còn” trong: Luận giải văn học và triết học (2003), NXB Văn hóa thông tin, tr.123, 10 thế kỷ bàn luận về văn chương, tập1, NXB giáo dục, 2007 tr.512, Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, tập 1, 2001, NXB Lao Động, tr.390...

 

 

--------------

Bài liên hệ:

02.08.2010
[GIÁO DỤC] ... Cái loại “học thuật” của Ngô Hương Giang như thế mà đòi hạ “cái tượng đài về người thầy” ư? Nhưng làm gì có “cái tượng đài về người thầy” trên đất nước này để mà hạ xuống? Trên đất nước này, các tượng đài chỉ dành cho những kẻ giết thầy, chôn sống thầy mà thôi... (...)
 
31.07.2010
[GIÁO DỤC] ... Chúng ta mở ra liên tiếp các cuộc hội thảo về đổi mới giáo dục. Thế nhưng, cái điều bình dị và giản đơn là “học trò”, chúng ta lại không để ý tới. Đó là sự né tránh đối với hạn chế của chúng ta, hay đó là hành vi xem nhẹ những cá thể học diễn giải. Học thuật Việt Nam cần phải xem “học trò” như là trung tâm của mọi nhận thức. Đã đến lúc “cái tượng đài về người thầy” vốn từng được xem là trung tâm của mọi sự vững bền, cần phải được hạ xuống... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021