|
I-mêu của William Shakespeare gửi nhà nhận định Huỳnh Hoàng Anh
[đối thoại]
|
![]() |
Dear ông Huỳnh Hoàng Anh:[*] Hôm qua ông Nguyễn Du lại viếng chơi với tôi và an ủi tôi đừng buồn vì cô đơn ít có người Anh nào đọc. Rằng bây giờ người Anh không thể ngồi yên dưới cầu Luân Đôn nhỏ bé mà ngâm nga mãi thơ kịch của tôi nữa. Rằng thơ kịch của tôi nhảm lắm vì ngày xưa thì chắc chắn là không ai thích đọc. Điều này rút ra từ những suy luận, căn cứ vào lịch sử, vào trình độ văn minh, bối cảnh xã hội Anh thời điểm đó. Rằng người Anh ca tụng tác phẩm của tôi nhưng không ngưỡng mộ nó nhiều lắm. Rằng các giáo viên dạy văn tại trường phổ thông, cao đẳng hay đại học có đọc lướt thướt một vài đoạn, chánh yếu là đọc sách và bài viết giới thiệu phân tích, tham khảo đủ để giảng bài mà thôi. Rằng tôi chỉ đi chôm ý tưởng và truyện tích của ngoại nhân... Nhưng ông Nguyễn Du vẫn ấm ức khi được ông dạy bảo là vì nhờ phong trào đấu tranh cháy bỏng chống thực dân để dành độc lập, câu nói của ông Phạm Quỳnh như một lời hiệu triệu chống đế quốc Pháp và thế là người ta bắt đầu đổ xô đọc Kiều, khen Kiều hết lời. Kiều làm một cuộc phục sinh, rồi phục hưng, lên tuyệt đỉnh vinh quang từ ấy. Ông Nguyễn Du có cho tôi xem lời của ông Đào Nguyên Phổ viết như sau: “truyện giai nhân diễn thành giai tác, lại đượm hương trời càng là thêm vẻ, nên chi người ngâm vịnh quí hơn được ngọc bích, tranh nhau sao chép, đến nỗi giá giấy đắt như giấy quí Lạc Đô.” Tôi xin nhờ ông xem lại là giữa ông già lẩm cẩm Đào Nguyên Phổ và ông phản đế Phạm Quỳnh thì ai là bậc tiền bối. Tôi vì kém tiếng Việt không rành Kiều mấy nhưng kính mong ông giúp đỡ học hỏi thêm... Bill
_________________________ [*]Xem Huỳnh Hoàng Anh, “Kiều, tuyệt tác không độc giả”, Tiền Vệ (13.09.2009). |