tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Giai thoại văn chương tiểu lục  [đối thoại]

 

Lê Quý Đôn có cuốn Kiến văn tiểu lục, trong đó ông dày công nghiên cứu, đối chiếu, bác bỏ hay nghi ngờ những “kiến văn” người xưa để lại.

Người Việt mình thích những giai thoại văn chương hơn là tự thân văn chương, do đó các sách vở, bài viết về đề mục này khá là... trăm hoa đua nở, đua nở một cách vô tổ chức, vô trách nhiệm.

Nay thử lục lại một vài giai thoại xem sao, tạm gọi là “giai thoại văn chương tiểu lục”.

Ngày 25.11.2009 báo Công An Nhân Dân đăng bài “Cái ‘ngang’ của Nguyễn Tuân” của Lê Hồng Thiện! Thế nhưng Nguyễn Tuân ngang đâu chưa thấy, chỉ Lê Hồng Thiện nói ngang!

Lê Hồng Thiện viết:

“Sinh thời, Nguyễn Tuân có sáu bút danh thì ba bút danh: Ngột Lôi Quật, Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc thoạt nghe đã thấy ngang ngang rồi. Lại nữa, nhà thơ Tế Hanh có kể, khoảng năm 1973, một đoàn nhà văn Việt Nam gồm Nguyễn Tuân, Kim Lân, Tế Hanh được Hội Nhà văn Liên Xô (cũ) mời sang thăm. Khi đến thăm nghĩa trang danh nhân thế giới ở Matxcơva, nơi yên nghỉ của các nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, người phiên dịch đi theo đoàn đã bố trí cho mỗi người một bó hoa, ai muốn viếng nhân vật nào thì đặt hoa lên mộ nhân vật ấy. Nguyễn Tuân yêu cầu cô phiên dịch mua cho hai bó hoa. Kim Lân đặt hoa lên mộ Êrenbua, còn Nguyễn Tuân đặt hoa lên mộ Sêkhốp và Gôgôn. Đi một đoạn, chợt nhìn thấy mộ Khơrúpxốp, Nguyễn Tuân dừng lại thắp hương. Biết Kim Lân và Tế Hanh ngần ngại, Nguyễn Tuân giục Kim Lân và Tế Hanh ra xe trước.”

 

Người có chút hiểu biết thì không thể nào tin được mấy chuyện này.

 

Thứ nhất là không hề có cái gọi là “nghĩa trang danh nhân thế giới ở “Mátxcơva”!

Thủ đô Nga chỉ có hai nghĩa trang nổi tiếng có tên là Новодевичье кладбище (Nghĩa trang Novodevichy) và Некрополь у Кремлёвской стеныin (Nghĩa trang Bức tường Kremlin).

Nghĩa trang Novodevichy là nơi yên nghỉ của những nhà văn hóa Nga. Nghĩa trang Bức tường Kremlin thì dành cho mấy lãnh tụ cộng sản Liên Xô. Trừ trường hợp “Khơrúpxốp” (Nikita Khrushchev) bị Brezhnev hạ bệ từ năm 1964 thì khi chết được chôn tại Nghĩa trang Novodevichy không kèn không trống, chứ không được hưởng lễ nghi quốc táng tại Nghĩa trang Bức tường Kremlin như mấy lãnh tụ cộng sản khác.

Chuyện rành rành như vậy mà bài báo Công An lại bịa ra cái gọi là “nghĩa trang danh nhân thế giới ở Mátxcơva”!

 

Thứ hai là chuyện hương hoa

Nếu “người phiên dịch đi theo đoàn đã bố trí cho mỗi người một bó hoa” thì mỗi người được một bó hoa: phúng điếu theo tiêu chuẩn, tưởng niệm theo nhu cầu.

Tới đó, “cô phiên dịch” còn phải bận phiên dịch, thì Nguyễn Tuân lấy quyền gì mà bắt cô ta bỏ ngang công việc, chạy đi mua hoa thêm, bất lịch sự thế!

Lại còn chuyện thắp hương nữa! Mátxcơva năm 1973 mà giống như chợ Đồng Xuân thời kinh tế thị trường bây giờ, muốn mua hương thắp lúc nào thì có ngay lúc ấy! Xin các “đồng chí” từng sống lâu ở Nga làm ơn cho biết năm 1973 nếu muốn có một bó nhang tại “nghĩa trang danh nhân thế giới ở Mátxcơva” thì phải mua ở chỗ nào? Hay là khi đi Liên Xô, Nguyễn Tuân lén lận lưng mang theo một bó nhang?

 

Thứ ba là lá gan của Nguyễn Tuân!

Giả thiết là “nghĩa trang danh nhân thế giới ở Mátxcơva” năm 1973 có bán nhang đèn hoa quả vàng mã như ở Việt Nam thời bây giờ, thiển nghĩ có cho ăn chả cá Lã Vọng miễn phí cả đời Nguyễn Tuân cũng không dám thắp nhang trước mồ Khruchev!

Năm 1973 là năm Leonid Brezhnev còn thống trị Liên Xô, tới thắp hương trước mồ Khrushchev cho KGB còng đầu đấy à!

Nguyễn Tuân có ngang với đàn em văn nghệ thì ngang. Với đảng thì Nguyễn Tuân nhờ biết sợ mới sống nổi, một điều “lột xác”, hai điều “kiểm điểm”.

Nguyễn Tuân phải “lột xác” lên và “tự kiểm điểm” xuống mới giữ được cái chỗ đội mũ trên đầu. Ở đó mà dám qua Nga thắp hương trước mồ Khruchev!

 

Thứ tư là xuất xứ của giai thoại

Tế Hanh đã qua đời ngày 16.7.2009, tức là trước số báo trên hơn bốn tháng. Cứ lôi tên người chết rồi ra làm chứng kiểu này thì có chuyện gì mà người ta không ba hoa cho được?

Chưa hết, tác giả còn “theo nhà thơ Tế Hanh” mà viết tiếp:

“Cũng theo nhà thơ Tế Hanh, năm 1959, Nguyễn Tuân và Tế Hanh cùng Nguyễn Văn Bổng vào thăm Quảng Bình. Khi đến cầu Hiền Lương, Nguyễn Tuân đi ra giữa cầu. Mọi người nhìn ông cứ lo lo vì chỉ bước một bước nữa là sang bên kia, sợ phía địch nổ súng. Đến thanh cầu cuối cùng, Nguyễn Tuân quay trở lại. Đồng chí công an phụ trách hỏi Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân cười và hỏi lại: "Nếu tôi bước quá một bước nữa thì sao nhỉ...". Một lần khác, vào năm 1964, Tế Hanh vào Vĩnh Linh cùng với Nguyễn Tuân. Cùng đi còn có nhà thơ Tú Mỡ. Nguyễn Tuân lại rủ Tú Mỡ đi ra sát bốt công an ở giữa cầu tuyến để quan sát. Nhà thơ Tú Mỡ e ngại không đi, Nguyễn Tuân lại đi một mình, làm mọi người hồi hộp lo âu. Đến khi ông quay trở lại phía bên này cầu (thuộc địa phận của ta) thì mọi người mới yên tâm. Cái "ngang" của nhà văn Nguyễn Tuân là thế.”
 

Năm 1957 Nguyễn Tuân viết bài tuỳ bút “Phở” nên bị đảng kiểm điểm lên, kiểm điểm xuống, run như cầy sấy, phải viết kiểm điểm, bảo rằng Nguyễn tôi xin “lột xác”.

Chỉ mang tội “thèm phở” mà đã xin “lột xác”.

Nếu thêm tội “thèm nhảy lên cầu Hiền Lương” không chừng Nguyễn Tuân phải bị phanh thây tứ mã!

 

Nói tóm lại, hãy cẩn thận với những “giai thoại văn học” ... bịa!

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021