tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Những người biết đùa  [đối thoại]

 

HL xin cám ơn ý kiến trao đổi của hai ông Võ Văn NamNguyễn Đăng Thường. Vì các vị đã quan tâm đến bài viết của HL, và đã dành thì giờ quý báu của các vị để trao đổi với HL. Xin bỏ qua những ngôn từ không trực tiếp bàn đến vấn đề. HL xin hầu chuyện hai ông.

Thưa ông Võ Văn Nam

HL công nhận ông có công phu sưu tầm những SGK, giáo trình, đề thi có những chữ “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan” để chứng minh HL nhai lại, chứng minh HL là “một học sinh chỉ biết nhai lại một cách máy móc cái kiểu ngôn từ lý luận văn học XHCN nghèo nàn và cũ rích cách đây hơn nửa thế kỷ”. Cách làm của ông có vẻ là khoa học, là nói có sách, mách có chứng. Nó cũng chứng tỏ một trình độ chuyên nghiệp nhất định trong viết lách của ông. HL đoán chừng ngày xưa ông là học sinh giỏi Văn nên mới nhớ cụ thể các giáo trình như vậy. Một học sinh bình thường không thể nhớ kỹ được như ông.(?)

Bây chừ HL xin nói chuyện “nhai lại”, như chủ đề bài viết của ông. Theo ông, “nhai lại”lặp lại một cách máy móc? Ông đã đưa ra các trích đoạn chứng minh cho cách hiểu ấy.

Ông cho rằng lặp lại là xấu chăng? Xin thưa rằng, thế là ông không minh triết đấy.

Trái đất lập lại mãi quỹ đạo của nó nên mới có ngày và đêm. Mặt trăng lặp lại khuôn mặt của nó quanh trái đất nên mới có trăng tròn trăng khuyết. Vạn vật tuần hoàn, Xuân, Hạ, Thu, Đông, nghìn xưa vậy, nghìn sau cũng vậy, có phải là lặp lại không? Cái bánh xe luân hồi: sinh, lão, bệnh, tử, chung cho mọi kiếp người có phải là lặp lại không? Trong bản thân mỗi người chúng ta đều mang bản đồ gène của tổ tiên lòai người, một bản copy nguyên bản, thế có phải là Thượng đế “nhai lại” không? Có bao giờ ông chán như cơm nếp nát cái thân xác ông, tức là cái bản “nhai lại” của tổ tiên, rồi ông muốn tự huỷ sinh mệnh mình, để làm lại bản thể khác không? Câu trả lời chắc chắn là không! Và dù có muốn ông cũng chẳng thể làm được, bản thể ông mãi mãi là cái “nhai lại” của Thượng Đế. Khổ thân ông quá! Câu nói của cụ cố Hồng trong Số Đỏ “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” đến nay người ta còn lặp lại đấy. Chỉ tiếc những người lặp lại câu ấy không hiểu nghĩa gốc của văn bản. Cụ cố Hồng nói biết rồi nhưng cụ đâu có biết gì, vậy người nói lại câu ấy cũng mù như cụ. Cái vòng tròn lặp lại trong cấu trúc truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao là một sáng tạo có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đấy ông ạ.

Thế có nghĩa là, ông chỉ thấy hiện tượng chữ được dùng lại, mà không thấy bản chất của vấn đề. Thưa ông, vũ trụ và nhân sinh luôn lặp lại, nhưng mỗi vòng lặp lại là có sinh hoá, có tiến bộ. Cái tôi cô đơn bế tắc trong thơ hôm nay của các nhà thơ Hải Ngoại hay trong nước, khác với cái tôi cô đơn bế tắc trong thơ Lãng Mạn 1930-1945, thưa ông. Tôi thấy mình bơi trong một cái chai đóng nút, nếu không là bế tắc thì là gì? Lời Trăn Trối của Lê Thị Thấm Vân với con gái như vậy, không cực đoan là gì? Bởi vì Lê Thị Thấm Vân đã đẩy đến tận cùng của mọi giới hạn, mà chắc chắn không một người mẹ VN nào lại khuyên con gái như thế, và nếu mọi cô gái VN đều nghe và làm theo lời mẹ trăn trối như Lê Thị Thấm Vân, thì những hậu quả xã hội sẽ thế nào? Thưa, thế không là cực đoan hay sao? Ông thử so sánh cái tôi trong Nhớ Rừng của Thế Lữ với cái tôi trong Khổ Lắm Nói Mãi của Đinh Linh xem có khác không? Xuân Diệu viết: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất/ không có chi bè bạn nổi cùng ta”, thưa, như vậy có là cái tôi cực đoan không? Rõ ràng cái tôi cực đoan của Xuân Diệu là sự khẳng định cá tính sáng tạo, cái tôi cực đoan ấy có ý nghĩa tích cực của nó, khác xa với cái tôi cực đoan của Lê Thị Thấm Vân, đẩy đến tận cùng sự tha hoá, thưa có phải vậy không?

Thái độ của người trí thức là luôn hoài nghi mọi chân lý và tìm cách phản bác cho được những nguỵ chân lý. Lẽ ra ông phải hoài nghi mọi vấn đề HL đặt ra, và xem xét lại nó, rồi đưa ra những luận điểm những chứng lý khả tín, để bác những luận điểm của NL. Nhưng ông đã không làm được điều đó, mà chỉ bám vào một hai từ, như một cái phao cứu sinh, để chế nhạo, bôi bác và tự che mắt mình trước thực tại. Có lẽ những mặc cảm tự ty nào đó đã làm cho ông mờ mịt trước sự thật. Xin hãy nhìn trừng trừng vào sự thật mà tra hỏi cho ra chân lý. Dù ông có bịt mắt, bỏ chạy thì sự thật sờ sờ những bài thơ HL dẫn ra vẫn còn đó. Và điều quan trọng là, ông đã không phản bác được bất cứ luận điểm nào trong bài viết của HL. Có lẽ cái kinh nghiệm của ông với cái gọi là lý luận văn học XHCN đã làm cho ông tê liệt và khiếp sợ trước sự thật trần trụi. Vâng, ông hãy thử viết một bài phân tích giá trị văn chương của những bài thơ ấy đi. HL sẽ chăm chú đọc và tiếp thu nếu đó là những phân tích có giá trị chân lý. HL đăng bài của mình trên diễn đàn Tiền Vệ là để được lắng nghe, để được học tập ý kiến của mọi người. Xin ông hãy trao đổi cụ thể, vào những vấn đề học thuật mà HL đã đặt ra, có vậy cuộc nói chuyện của chúng ta mới đem lại những giá trị.

Thực tình mà nói, trong bài viết của HL có nhiều vấn đề, nhiều khái niệm, nhiều nhận định cần được giải thích trước, nhưng HL nghĩ rằng, những điều sách vở ấy, bạn đọc đã biết rồi, nên HL lướt qua thôi. Chẳng hạn, viết về các lý thuyết phê bình thì Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn đã viết khá đầy đủ trên Tiền Vệ rồi. HL nhắc lại chỉ là thừa, và không khéo lại thất lễ vì “múa rìu qua mặt” chủ nhà. Và vì thế bạn đọc hoài nghi cho rằng HL không đủ sức dẫn giải thế nào là “cảm thức” và “thi pháp” Hậu Hiện Đại, rằng HL: đọc lỗ mỗ, hiểu lôm côm, còn ăn nói thì to đại cồ, HL đặt cái tiêu đề vĩ đại giật tít lấy le... Xin thưa lại, HL viết cẩn trọng, có phương pháp luận hẳn hoi và phương pháp nghiên cứu nghiêm túc, thế nên những nhận định HL đưa ra là có giá trị của nó. HL chắc chắn rằng những bậc thức giả nhìn thấy được vấn đề.

Bây giờ xin thưa chuyện với ông Nguyễn Đăng Thường. Để vắn gọn, HL xin chỉ ra 3 chỗ sai của ông.

Thứ nhất, trong bài viết “Thơ Việt, một hành trình chưa ngừng nghỉ”... HL không hề đề cập gì đến các lý thuyết văn học, bởi vì đấy không phải là chủ đề bài viết của HL. Nhưng khi đối thoại với HL, ông lại chỉ nói về lý thuyết văn chương, như vậy là lạc đề.

Cái sai thứ hai, trong suốt bài viết, ông tập trung hết sức mình để phản bác lại Roland Barthes, rằng ““Tác giả” không những chưa chết mà trái lại đã sinh sôi nẩy nở,... ”, vậy ông đang đối thoại với Roland Barthes, đâu có đối thoại với HL, lại lạc đề nữa.

Nhưng ông không thể phản bác được Roland Barthes đâu, vì cả thế giới công nhận ông ta, dù ông có viết một chuyên luận rằng Tác Giả Vẫn Sống thì cũng vô ích. Bởi trong phản hồi “Sự hàm hồ của phương pháp”, HL còn đề cập đến Chủ Nghĩa Hình Thức, Phê Bình Mới Anh Mỹ, Cấu Trúc Luận, Giải Cấu Trúc và Thuyết Người Đọc nữa, đâu chỉ có một R. Barthes coi nhẹ tác giả. Ngay như Ông Phan Huy Đường ở Pháp cũng đã có bài viết rằng Văn không là người đề phản bác laị quan điểm “văn là người” của Buffon (le style est l’homme même). Một mình ông làm sao ông chống lại được cả thế giới!

Tôi tưởng ông đưa ra được một lý thuyết mới, hoá ra! Ông viết là: “chí ít là vì đã có nhiều nhà văn nhà thơ sử dụng các bút danh khác nhau để viết”. Câu văn này chứng tỏ ông chưa có được kiến thức cơ bản phân biệt tác giảnhà văn. Một nhà văn có nhiều bút danh. Tác giả là người viết tác phẩm với một bút danh nhất định. Khi anh thay đổi bút danh thì đã trở thành tác giả khác rồi. thế nghĩa là tác giả cũ đã chết. R. Barthes nói không sai đâu ông ạ. Chỉ có ông sai thôi.

Cái sai thứ ba là, trong cả bài biết dài dòng của ông, tóm kết lại là ông bênh vực cho hai độc giả Lâm Quang ThănLê Công Thân. Ông viết: “Cuối cùng, xin thưa: Lâm Quang Thăn và Lê Công Thân đã làm đúng”. Ông lại sai nữa, vì suốt bài viết ông có bênh vực gì cho các quan điểm của hai ông này đâu. Hơn nữa những vấn đề hai độc giả này nêu ra HL đã giải quyết triệt để rồi. Ông có nhắc lại cũng không có giá trị gì.

Toàn bộ bài phản biện của ông quá nửa được lập luận bằng kiểu câu “Nếu... thì”, nghĩa là lập luận của ông được đặt trên những giả định, mà giả định thì không có giá trị khẳng định. Và dù đã dài dòng ông vẫn không chứng minh được tác giả HL trong bài viết “Thơ Việt, Một Hành Trình...” còn sống, vì đơn giản thế này, ông không thể xác định được giới tính của tác giả HL, không thể định vị được toạ độ xã hội của HL. Ông bất lực buông xuôi: “Vâng còn rất nhiều cái nếu khác nữa nhưng ông jà mít đặc ở xứ người đã mệt rồi. Mà có nói thêm thì cũng chỉ bằng thừa thôi, nhứt là nói chuyện với... cô hồn.”

Do đâu ông thất bại thảm hại trong lập luận đối thoại với HL vậy? (Xin ông tự xét mình)

Bây giờ HL áp dụng “lý thuyết” tác giả vẫn sống của ông để giải mã về ông,

Mở đầu bài viết ông văng tục: “Cái — hay con — gì đó đã đẻ ra “Thơ Việt, một hành trình chưa ngừng nghỉ” và “Sự hàm hồ của phương pháp... ” Ông gọi HL bằng cái giống. HL không nghĩ rằng trong đối thoại, người trí thức, người nghệ sĩ sáng tác như ông lại dùng thứ ngôn ngữ ấy để nói chuyện với người đối diện. Giữa ông và HL có một khoảng cách văn hoá không thể vượt qua được nữa rồi.

Sau câu chửi thề mở đầu, ông ào ạt “đánh” HL bằng một loạt lập luận “nếu… thì”. Ông dùng chiến thuật trấn áp HL, theo kiểu lấy thịt đè người, kiểu cả vú lập miệng em, kiểu đánh knock out, đánh sặc tiết, đánh chết tươi ngay HL. Không may cho ông, gậy ông lại đập lưng ông, bởi vì ông đã mắc 3 cái sai HL đã phân tích ở trên. Thưa ông, phương pháp sai thì kết quả sai là vậy, Vì thế HL mới viết “Sự Hàm Hồ Của Phương Pháp”, rất tiếc ông không giải mã được cái nhan đề ấy.

Tại sao ông lại thảm bại như vậy?

Thưa, có lẽ vì ông quá giận HL nên bốc hoả mờ mắt chăng; hay chỉ có ông là chân lý, chỉ có ông biết hết mọi sự trên đời này, và người khác là không biết gì? vì trong cách nói của ông, HL thấy ông nhìn thiên hạ bằng con mắt “mục hạ vô nhân”; hay ông cụ đã quá oải rồi, lú lẫn rồi chăng?

HL nói vậy có thể độc giả không tin, bây giờ xin độc giả nghe chính ông Nguyễn Đăng Thường tự xác định về mình qua bài thơ đặc sắc của ông, nhan đề là: ÔNG GIÀ BẤT TÀI, đăng trong tuyển tập thơ KH CAT B TONG, Nhà xuất bản Giấy Vụn. Trang 38. Bùi Chát chịu trách nhiệm xuất bản, phát hành tháng 9.2005 (HL có gửi kèm hình chụp trang bìa cuốn này). Bài thơ như sau:

 
Ông Già Bất Tài
 
Trưa 04.08.2005 tôi nhận được cái email ngộ nghĩnh này. Xin chia sẻ với độc giả Tiền Vệ và xin đa tạ người gửi. Mong bạn đọc và người biên thư sẽ xem đây là một thi phẩm tuyệt tác để đời của tôi. Và cũng mong nó sẽ được đăng lại trong các thi tuyển tiếng Việt trong tương lai như là bài thơ email đầu tiên của ta.
NĐT
 
From: Toannguyen
Date: Thu, 4Aug 2005 09:17:56-0700(PDT)
To: [xxx]
 
Subject: ông già bất tài
Ông Nguyễn Đăng Thường ơi, sao tôi thấy ông cứ hết nịnh bợ người này đến nịnh bợ người khác vậy. Trước đây ông nịnh bợ Tân Hình Thức của Khế Iêm, bây giờ ông nịnh bợ bọn cách tân giả cầy Tiềnvệ, bọn thơ rác thơ dơ ba xu. Ông già rồi, phải biết rằng mấy thứ đó chỉ là đồ giả. Ông không bao giờ tự viết một cái gì được hay sao mà phải lấy thơ người khác ra hiếp dâm. Tôi thấy ông rõ ràng là một ông già bất tài vô tướng, bây giờ gần xuống lỗ rồi nên vội vàng vớt vát, làm trò hề để mong được chú ý. Nhưng mà không ai chú ý đến ông đâu, tại vì ông chỉ là một ông già bất tài, theo đuôi kẻ khác. Người ta chỉ tôn trọng những người có tài năng và quan trọng nhất là có tinh thần độc lập sáng tạo. Nếu ông còn muốn người ta tôn trọng ông chút nào thì đừng làm trò khỉ bắt chước nữa. cái đó để dành cho bọn nhóc hỉ mũi chưa sạch, bọn vô liêm sỉ như mấy thằng Mở Miệng, Mở Đít gì đó ở Việt Nam. Vài lời nói thẳng, nói thật, nói riêng với ông, để ông suy nghĩ. Mong lắm thay.
 
Thinh
 

HL xin bày tỏ sự khâm phục ông NĐT ở chỗ, ông đã chọn email này làm “thi phẩm tuyệt tác để đời” của ông. Và có lẽ cũng là tuyệt phẩm trong cái mà ông tự nhận là “Tôi là người sáng chế và chủ nhân độc nhất của thể Không-thơ & Không-văn tiếng Việt”.

Như vậy là đã rõ ràng thưa ông NĐT! Ông chưa hề phản bác được bất cứ nhận định nào trong bài viết “Thơ Việt Một Hành Trình...” của HL, và vì thế văn bản đó vẫn còn nguyên giá trị của nó.

Xin ông hãy phản bác vài luận điểm sau đây xem, tức là ông chứng minh ngược lại, để chỉ ra rằng HL nói sai.

1. Nhiều bài thơ Thiền của các vị ấy (Vạn Hạnh Thiền Sư, Không Lộ Thiền Sư, Mãn Giác Thiền Sư...) đạt tới nghệ thuật Thiền độc đáo cả trong tư tưởng và hình tượng.

2. Tuy vậy các nhà thơ cũng có động cựa nhất định để thoát ra ảnh hưởng của thơ Đường. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng những câu Lục ngôn trong một bài Thất ngôn. Những nhà thơ khác Việt hoá thơ Đường bằng cách đem chất liệu thiên nhiên, đời sống tâm tư tình cảm con người Việt Nam vào thơ, đưa thơ gần gũi với đời sống nhân dân.

3. Cái tôi tâm trạng là hạt nhân trung tâm. Ngôn ngữ, hình ảnh, cảm xúc, trong Thơ Mới khác hẳn thơ Đường trước đó. Thơ Mới đã đem đến cho bầu trời thi ca Việt Nam nhiều ánh sáng lạ (thí dụ Bích Khê, tập Tinh Huyết, 1939).

4. Hoàng Cầm, Phạm Thiên Thư cũng là những thi sĩ tài hoa bậc nhất của thơ Việt Nam đương đại.

5. Đó là một tiến trình không ngừng nghỉ sáng tạo, một tiến trình đầy sức lực đi về phía trước. Trong tiến trình ấy hiện lên những khuôn mặt rạng rỡ. Tuy vậy thơ Việt chưa có một nền thơ riêng. Cũng nhìn vào tiến trình ấy, tuy thơ Việt đã có những thành tựu, song thơ Việt luôn đi sau thơ thế giới.

HL xin cám ơn Tiền Vệ đã đăng những ý kiến trao đổi của HL với độc giả, HL coi đó là những chú thích cần thiết để hiểu bài viết “Thơ Việt, Một Hành Trình Không Ngừng Nghỉ”. Nếu có điều gì không phải, xin bạn đọc thứ lỗi.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

01.04.2010
[VĂN HỌC] ... dù đã to tiếng rằng “tác giả đã chết”, rằng ta đã “thiền ngộ”, rằng ta chỉ “tiếp cận theo Thi Pháp Học”, rằng ta “không đánh giá, không lý giải về các thành tựu và giá trị văn chương”, rằng ta “không quan tâm đến con người của tác giả là ai, trong nước hay ngoài nước, Nam hay Bắc”, nọ kia kia nọ tùm lum tà la, vân vân và vân vân, nhưng tiếc thay/tiếu lâm thay văn bản đã chứng minh... ngược lại! ... (...)
 
31.03.2010
[VĂN HỌC] ... Chán chường nhất là những cụm từ “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan”. Đó là những cụm từ mà các nhà lý luận văn học đầy “tính Đảng”, “tính nhân dân”, đã đem ra để chê bai, kết án những tác phẩm lãng mạn thời 1930-1945. Thế rồi suốt hơn nửa thế kỷ qua, bao thế hệ học sinh từ mái trường XHCN chui ra lại tiếp tục lải nhải những cụm từ đó. Trong mắt họ, hầu như bất cứ cái gì thiếu “tính Đảng”, thiếu “tính nhân dân”, không hồ hởi ca tụng Đảng và Nhà nước thì đều có thể dán cho những cái nhãn “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan” ... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Cảm hứng để HL viết bài này xuất phát từ sự trì trệ của thơ VN hiện nay, HL muốn tìm hiểu xem con đường thơ Việt đã trải qua là con đường thế nào, để có một cái nhìn vào tương lai. Tất nhiên đây là cái nhìn chủ quan của HL. Những nhà nghiên cứu, nhà thơ và bạn đọc khác sẽ có cái nhìn khác. Mỗi người chỉ có thể nhìn thấy một phía của chân lý... (...)
 
30.03.2010
[VĂN HỌC] ... Khóc Hoàng Lan là khóc cho cả nền giáo dục Việt Nam. Khóc tiễn đưa tang đầu óc trống rỗng mà ăn nói to tướng của các cây viết lách được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa vô cùng thân yêu. Khóc cho sự đọc lỗ mỗ, hiểu lôm côm, còn ăn nói thì to đại cồ... (...)
 
29.03.2010
[VĂN HỌC] ... Xin nói ngay, bài “Thơ Việt, một hành trình chưa ngừng nghỉ” của Hoàng Lan là một mớ kết hợp hổ lốn của các ý tưởng trong giờ học văn dưới mái trường XHCN cộng với những thông tin chắp vá lôm côm lệch lạc về thơ Việt Nam nói riêng, văn học nói chung, và cái nhìn chủ quan rất thiên vị Bắc/Nam, trong nước/ngoài nước... (...)
 
27.03.2010
[VĂN HỌC] ... Lướt qua một chút hành trình thơ Việt, ta có thể nhận ra điều gì? Đó là một tiến trình không ngừng nghỉ sáng tạo, một tiến trình đầy sức lực đi về phiá trước. Trong tiến trình ấy hiện lên những khuôn mặt rạng rỡ. Tuy vậy thơ Việt chưa có một nền thơ riêng. Cũng nhìn vào tiến trình ấy, tuy thơ Việt đã có những thành tựu, song thơ Việt luôn đi sau thơ thế giới... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021