tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Cái vô tri trong “học thuật”  [đối thoại]

 

Lời thưa:
 
Đọc xong mấy bài góp ý quanh vụ tên sách Vô tri do Cao Việt Dũng dịch từ cuốn L'Ignorance của Milan Kundera, tôi ghé thử vào blog Nhị Linh, thấy ở đó cuộc tranh cãi cũng khá gay cấn nhưng không kém phần khôi hài.
 
Khôi hài nhất là có một người mang nick Lan Hương cứ luôn luôn dùng cái nhãn “học thuật” để bênh vực cho Nguyễn Thị Từ Huy. Đầu đuôi đến nay Lan Hương lặp đi lặp lại cái nhãn “học thuật” cả thảy 5 lần.
 
Tôi muốn góp ý thẳng trên blog Nhị Linh về cái kiểu “học thuật” này nhưng vì mỗi lần tôi góp ý xong, bấm “Post Comment”, lại thấy trang blog đòi “Please choose a profile”. Tôi lúng túng không hiểu phải làm thế nào, nên nghĩ tốt nhất nên gửi ý kiến lên trang Tiền Vệ để nhiều người cùng đọc, nếu ai thích tranh cãi thì tham gia dễ dàng, thuận tiện hơn.

 

 

Cái vô tri trong “học thuật”

 

Theo báo Thể thao & Văn hóa, Nguyễn Thị Từ Huy là tiến sĩ văn chương Đại học Paris 7 (Pháp) với luận án về Alain Robbe-Grillet (đã in thành sách tiếng Việt là Alain Robbe-Grillet: Sự thật và diễn giải). Thế thì Nguyễn Thị Từ Huy chuyên nghiên cứu về tiểu thuyết của Alain Robbe-Grillet. Nhưng điều đó không có nghĩa là Nguyễn Thị Từ Huy sành sõi luôn cả tiểu thuyết của Milan Kundera. Lại càng không có gì đảm bảo là chị sành sõi luôn trong lĩnh vực tiếng Hán-Nôm, nên khi chị nhảy vào luận bàn về các từ ngữ Hán-Nôm thì nghe rất lủng củng. Mà ngay cả cái “học thuật” của chị về tiếng Pháp cũng có vấn đề.

Trong bài TS Nguyễn Thị Từ Huy nói chuyện về tiểu thuyết “L’Ignorance” của Milan Kundera (Tia Sáng 21/01/2011), Nguyễn Thị Từ Huy đã biểu diễn cái “học thuật” của chị:

... 'Vô tri’ còn có từ đồng nghĩa là “vô tri vô giác”. Và vô tri được dùng như là tính từ, thường phải nói là ‘vật vô tri’, thông thường bản thân từ ‘vô tri’ không đứng một mình. Trong tiếng Pháp cũng vậy, chỉ có tính từ “inanimé”, không có danh từ tương ứng, người Pháp cũng nói ‘objet inanimé’ [vật vô tri].

Chỉ trong một đoạn văn ngắn, cái “học thuật” Nguyễn Thị Từ Huy đã có mấy cái sai liên tiếp.

- “Vô tri” (tiếng Hán-Việt) không có nghĩa là “inanimé” (tiếng Pháp).

- “Inanimé” có nghĩa là “vô hồn”, gồm có “in-” (vô, không có) + “animé”, cùng gốc với “âme” trong tiếng Latin là anima, trong tiếng cổ Hy Lạp là ánemos (hơi thở, linh hồn).

- “Inanimé” không chỉ là tính từ.

- “Inanimé” còn là danh từ giống đực, “L'inanimé” nghĩa là “vật vô hồn”, trái nghĩa với “Le vivant”, như trên trang “Devoir-de-philosophie”, ở đề tài “Entre l'inanimé et le vivant, la différence est-elle de nature ou de degré?”, người ta có giải thích:

On dit d’une chose qu’elle est inanimée lorsqu’elle est privée de mouvement. En effet, le terme vient du latin «anima» qui signifie âme : une chose inanimée est une chose sans âme, c'est-à-dire privée de tout principe de mouvement. Par la confrontation avec le terme vivant, le sujet nous invite à penser l’inanimé comme une chose qui n’est pas inanimée temporairement (comme un homme évanoui) mais qui est constitutivement inanimée, c'est-à-dire non vivant.

 

Tôi chỉ nêu ra một ví dụ để khuyên Nguyễn Thị Từ Huy nên khiêm tốn hạn chế cái “học thuật” của chị trong lĩnh vực nghiên cứu Alain Robbe-Grillet rồi từ từ học hỏi thêm, thay vì vội vàng giương cờ trên những lĩnh vực khác. Vài ba năm nghiên cứu tiểu thuyết Alain Robbe-Grillet để hoàn thành một luận án tiến sĩ thì không phải là đã thông kim quán cổ gì đâu. Nếu quá tự mãn, không biết lượng sức mình, ắt sẽ còn làm nhiều trò cười nhố nhăng.[*]

 

_________________________

[*]Những trò cười trong “học thuật” ở nước ta thì nhiều vô kể, như mới hôm Mùng Một vừa qua, ông Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ, chuyên gia văn hóa học và sử Việt Nam và Trung Quốc đã làm trò cười khi “giảng” về ý nghĩa của năm Tân Mão trong chương trình phỏng vấn của đài BBC:

“Tân Mão, về can chi thì mười năm mới có một cái Tân, mà tân lại có nghĩa là mới.
“Năm mới thì người ta có cái 'tống cựu nghênh tân' - tiễn đưa những cái cũ và đón chào những cái mới.
“Theo tôi năm nay là năm tân thì chúng ta phải triệt để tiễn đưa những cái cũ và đón chào những cái mới.”
 
Trên blog Nguyễn Xuân Diện có một độc giả tên Nguyễn Việt Long đã vạch ra cái “học thuật” “ba lăng nhăng” của ông Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ:
 
Chữ Tân (辛) trong Tân Mão không có nghĩa là mới, mà có các nghĩa: cay [đắng]; vất vả, khó khăn; đau khổ. Còn tân với nghĩa “mới” viết là 新.

 

 

-----------------

Bài liên quan:

31.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Nói thế chứ cái lối ứng xử quanh co này đúng ra không phải là “sự không biết” hay “bất tri” hay “vô tri” hay “bất trí” hay “vô trí” gì cả. Phải nói ngay đó là sự “trí trá” mà không ai muốn thấy ở một kẻ “trí thức”... (...)
 
28.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Cách giải thích của Nguyễn Thị Từ Huy, đúng như Cao Việt Dũng đã phê phán, “sử dụng từ điển dạng phổ thông (hoặc cách hiểu cá nhân) để giảng giải về từ ngữ. Tranh luận về chữ nghĩa thì làm thế đâu có được”. Nếu xét về nghĩa từ nguyên, cách dịch của Cao Việt Dũng là chính xác và sang trọng... (...)
 
27.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Milan Kundera có viết nhiều đoạn về ngữ nghĩa của “ignorance” trong tác phẩm của mình. Độc giả có thể đọc nguyên tác L’Ignorance hoặc các bản dịch để hiểu tác giả muốn hàm ý gì khi dùng chữ “ignorance” để mô tả tình trạng lưu vong... (...)
 
26.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Trong lĩnh vực dịch thuật tác phẩm văn chương, ý nghĩa của mỗi chữ cần được hiểu trong văn cảnh của từng tác phẩm, chứ không thể dựa hẳn vào lối giảng nghĩa mỗi chữ riêng lẻ trong các cuốn từ điển. Nghĩa là: Trước hết, cháu hãy đọc kỹ cuốn sách của Milan Kundera... (...)
 
24.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Điều này làm cháu và chắc chắc các bạn cháu cảm thấy hoang mang. Cháu vẫn nghĩ dịch giả Cao Việt Dũng và TS Nguyễn Thị Từ Huy đều có uy tín, nhưng bây giờ cháu không biết ai đúng ai sai. Cháu có đem hỏi giáo sư bộ môn thì ông nói ông không theo dõi chuyện này nên không tiện trả lời... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021