tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Thơ ca và chính trị  [đối thoại]

 

Có một điều kỳ lạ. Khi những người Cộng sản Việt Nam chưa nắm quyền, họ hoạt động hết mức công suất của Thơ nhằm làm chính trị. Có thể nói không ai dùng Thơ làm chính trị, dùng Thơ dấn thân tài tình như họ. Những câu thơ kiểu “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ / mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền…” (Sóng Hồng) là những tư tưởng người đọc gặp thường xuyên. Ngay cả khi yêu, nhà thơ lớn Tố Hữu vẫn “Trái tim anh đó / Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ: / Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều...” Gần như không một sự kiện chính trị nào trong công cuộc “giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước…” mà thoát ra khỏi thơ Tố Hữu. Thơ ông đầy “Máu và Hoa”.

Nhưng khi họ nắm quyền, thì hoàn toàn ngược lại.

Sự đàn áp của họ thì vô cùng. Bi thảm như vụ Nhân Văn – Giai phẩm với câu nói nổi tiếng của Tố Hữu: “Gọi nó về, bắt lấy nó” tiêu diệt cả một thế hệ đầy tài hoa của dân tộc. Còn những trường hợp riêng lẻ thì không ai nhớ xiết. Chỉ mơ hồ xa lắc từ Trần Vàng Sao thân tàn ma dại cho đến gần đây như Bùi Chát ngơ ngác đâu đâu... Mà thật ra Thơ muôn đời chống lại sự bất công. Sự bất công thì bao giờ mới hết? Nên những trận mưa đá thịnh nộ của Thơ vẫn còn nổ ra, nhưng sự thịnh nộ của nó nhiều khi không kịp tác động lên nhà cầm quyền hay xã hội mà nhà thơ đã lãnh trọn những cú nốc-ao ác hiểm.

Nhưng những người Cộng sản là chúa hay ve vãn các nhà thơ. Thậm chí một số họ trở thành nhà thơ. Và khi hưu trí thì không phải một số, mà hầu hết, họ làm thơ. Thơ của họ không làm cho cuộc sống dễ chịu hơn hay những bà vợ yêu họ hơn. Họ dùng thơ để chỉ huy, như muôn ngàn cách để chỉ huy xã hội của họ. Không chỉ đơn giản là tìm kiếm một sự trang trí, thơ của các nhà lãnh đạo mang lại cho họ sức mạnh ma thuật với công chúng, và ngay cả với các nhà thơ, là sự ân sủng hay ban phước. Như một vị thần.

Cuộc đụng độ giữa thơ ca và chính trị này của Thơ Việt lại không gây ra nhiều đối kháng. Đơn giản vì quá nhiều nhà thơ chẳng những không đủ tầm đối cực, mà còn ủng hộ những giai điệu này và giành nhau công trạng truyền tải cho nó thêm du dương. Những nhà thơ ít ỏi còn lại phải đứng bên ngoài cuộc chơi sẽ trở nên trong suốt, vô hình và mơ hồ ở một vỉa hè nào đó. Khi nhà chính trị gập người xuống tưởng như đang âu yếm, thì như một con mèo, họ sẽ nuốt các nhà thơ này như nuốt một con chuột nhắt nhỏ. Con chuột không phải là không khí, nó không thể mất đi không dấu vết. Nó có thể vương vài ba tia máu nơi kẽ răng dù con mèo rất nhanh liếm mép. Nó biến mất khi nó vừa kịp biết thế giới vẫn còn nhiều ánh sáng. Nó chỉ có lỗi vì không biết ánh sáng không phải chỉ dùng để soi sáng mà còn để đốt cháy.

Cũng có con chuột không phải là chuột nhắt. Vì vậy mà có thể xảy ra sự cố. Vì nhà chính trị cũng có thể cực đoan không thua gì các nhà thơ. Thơ ca và chính trị có lẽ cũng có vài thứ chung, trong đó có sự cực đoan. Nhà chính trị có thể nằm cổ áo của các con chuột lớn tiếng và bắt mọi thứ phải chịu sự thay đổi theo ý của họ. Tuy nhiên nỗi đau này sẽ thể hiện ở những thi sĩ cùng thời. Nó thức tỉnh và bắt đầu một giai đoạn mới. Và xuất hiện nhiều hơn những nhà thơ “vỉa hè”.

Cũng có những đam mê giống nhau giữa thơ ca và chính trị. Nó hấp dẫn người ta cố dành chiến thắng trong cuộc chơi danh vọng hay quyền lực. Các nhà thơ Việt cũng ít giữ được bình tĩnh vào những mùa giải thưởng, xét tài trợ hay một cái gì đại loại mang lại cho nhà thơ một chút thứ bậc hay danh giá vừa nhắc đến ở trên.

Nhưng cuộc sống hiện tại thì quá phong phú. Nhà chính trị có thể nhảy múa giữa các hành động, vì họ có thể nói dối. Các nhà thơ thì sao? Những bài thơ thường chỉ dám ẩn dụ, nên những ngụ ý này không đầy đủ. Không như văn xuôi, (Nguyễn Huy Thiệp từng chán nản khi nhận xét đại ý rằng 80% những nhà thơ Việt Hội viên Hội Nhà Văn là những gã bất tài và lưu manh), những ẩn dụ nửa vời này của Thơ cũng chả mang lại gì nhiều. Các công việc giải mã mệt mỏi thường làm người đọc bỏ cuộc. Và các nhà thơ tự sướng bằng những bài thơ đánh đố hèn nhát ấy. Một số ít trở nên sang trọng trong mặt bằng thơ Việt đang trở thành hò vè này vì các nhà chính trị hưu trí làm thơ đang như nấm mọc sau mưa. Mục đích của cuộc hành trình vô tình đã bị các nhà chính trị làm chệch hướng quá nhẹ nhàng.

Nhưng cuộc chơi chưa kết thúc. Những ý tưởng hình ảnh đó không biến mất với những nhà thơ “vỉa hè”, những nhà thơ không phải làm thơ để sản xuất ra sự thơ mộng. Nó chấp nhận một giai đoạn lửng lơ nhưng Thơ không bao giờ thoả hiệp. Tiếc là tài năng như vậy chưa nhiều, nhưng không phải không có. Và không phải không làm con mèo khó chịu. Các nhà chính trị Việt Nam làm việc bằng những văn bản, nghị quyết. Nó cũng được sản xuất bằng từ ngữ. Và khi vấp phải những ngôn từ diễu nhại, hành động thôi miên của họ mất tác dụng. Những con chuột nhắt dũng cảm không chỉ đối diện với con mèo mà còn đối diện với nhiều cái bẫy. Giông gió có thể xảy ra. Nhưng một thế giới mới với những sự tưởng tượng mới được hình thành. Và đó là điều mà người ta cần ở Thơ.

Dĩ nhiên là Thơ không thể có sức mạnh để làm chính trị. Như hiện nay, nó không thể gây ra một cuộc thoả hiệp nhưng nó phản đối sự thoả hiệp. Nó không thể gây ra cuộc chiến nhưng nó có thể phản đối cuộc chiến. Khi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến phải ra toà thời kỳ vụ án PMU 18, dư luận đau đớn. Đành rằng ông đi tù vì những bài báo chống tham nhũng, nhưng việc tống giam một nhà thơ chiến đấu với cái ác đã làm đau những thi sĩ cùng thời của ông. Nó bắt đầu một giai đoạn mới ở những nghệ-sĩ-công-chức ở miền Bắc Việt Nam mà trước đó người ta không biết được sự bất lực này khi nào mới chịu thay đổi. Họ bắt đầu lên tiếng, đồng loạt và trái chiều hơn.

Các nhà thơ “vỉa hè” thì bắt đầu nếm trải sự nguy hiểm rõ rệt hơn và các nhà chính trị cũng dè chừng hơn trong việc lạm quyền của mình. Các nhà thơ chính thống cũng bắt đầu không chỉ khác nhau về những sự lãng mạn gió mây hay nhào lộn chữ nghĩa, mà các vấn đề khác của tư tưởng đã phân cách họ. Đại Hội Nhà Văn vẫn còn những nhà thơ non tay nghề và háo danh đi họp để giao lưu chụp ảnh, nhưng cũng là nơi các chính kiến được cất lên. Sự đòi hỏi tách nhà thơ ra khỏi sự quản lý của các nhà chính trị bằng cách đề xuất Hội Nhà Văn không nhận tiền ngân sách của một nhóm nhà thơ chính thống không được nhiều người hưởng ứng, và tiếng nói của họ bị khuất lấp rất khéo léo chứ không chỉ là màn lịều lĩnh rút điện micro, mà bằng những tràng pháo tay điên dại của các nhà thơ giao lưu chụp ảnh vừa nói trên.

Thơ ca không có quyền lực. Nhưng ngôn ngữ có cuộc đời của nó, mơ hồ xa xa phía trước. Không chịu có điểm dừng. Nó là cõi lửng lơ bất tử ảo tưởng của các nhà thơ, nhưng đó là điều các nhà chính trị ghét nhất. Nhà chính trị chạm vào con người ở một mặt cụ thể, một tình huống cụ thể. Còn Thơ có thể ở mọi tình huống. Quyền lực càng cố thu hẹp sự quan tâm và hiểu biết của mọi người thì Thơ càng nhắc người ta về sự đa dạng phong phú trong sự tồn tại của mình. Thơ ca chế giễu các nhà tù và hát ca sự tự do như những chú chim hót về sự mở rộng độ lượng của bầu trời. Có lẽ vậy mà ở Việt Nam, những kẻ “chính thống” không ngừng chống lại sự xâm nhập của Hậu Hiện Đại. Vì nó góp phần làm cho thế giới tư tưởng người Việt trở nên đa nguyên và dễ dàng chấp nhận những khác biệt. Các phẩm chất tươi mới của Hậu Hiện Đại bị gạt đi, chỉ còn lại chiếc mũ tục tĩu, bí hiểm… Cũng đáng tiếc là những cây bút lạm dụng ngôn ngữ tục tĩu bừa bãi vô tình làm vấn đề trầm trọng thêm. Và ở đây, điểm yếu cốt tử của các nhà thơ Việt là mù ngoại ngữ được các nhà chính trị phát huy tối đa bằng cách dùng những uốn éo ngụy biện nấp dưới nhãn hiệu sang trọng của các cây đa cây đề. Và không cần như Tăng Sâm giết người, họ không cần phải nói đến 3 lần người ta đã phải tin lập tức. Ngày càng ít những nhà thơ chính thống viết xuống những cái làm họ đau đớn. Họ bị cuốn theo báo chí. Cả về nội dung và hình thức để an toàn và được đăng để kiếm sống. Như một cách làm hàng. Sự sang trọng, thỉnh thoảng nếu có, được chứng tỏ bằng cách a-dua phản đối một điều gì đó một cách vừa phải, và luôn khôn khéo đi sau hay chỉ đi ngang qua các sự kiện và rất giỏi trong việc chôm lại và biên tập các ý kiến giới Blogger.

Nhưng đã có sự di chuyển lạc quan. Hy vọng vẫn còn ở các nhà thơ vỉa hè, và một số nhà thơ chính thống khi mà họ ý thức được tuổi 18 đã là công dân cầm lá phiếu đi bầu cử, đã mặc áo lính vác súng ra trận nếu đất nước bị xâm lăng chứ không phải ngồi chờ xếp hàng mãi đến 35 tuổi vẫn còn được nhận danh hiệu hài hước xoa đầu vỗ vai nhà thơ trẻ, với vài ba chuyến xe đò miễn phí đến một nơi miễn phí và ăn những bữa ăn miễn phí.

 

 

------------------

Bài liên quan:

15.08.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Nguyễn Hữu Hồng Minh trả lời phỏng vấn như thế ni... Còn Lê Thiếu Nhơn thì như vậy nè... (...)
 
25.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Trong khi những người yêu văn chương khắp nơi đang “Tưởng niệm Phạm Công Thiện” - hiện tượng văn nghệ một thời - dù yêu dù ghét, dù coi ông là thiên tài hay chỉ là thứ lập dị phá hoại… - thì tất cả đều nhất quán ở một điểm: mọi hoạt động chữ nghĩa của Phạm Công Thiện là luôn ca tụng, xiển dương tinh thần tự do, kích thích và thôi thúc văn nghệ sĩ hướng về phía tự do, , thì văn nghệ sĩ Việt Nam hôm nay làm cái tréo ngoe như vầy... (...)
 
23.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Lài lang thang trên net, đọc được đoạn sau đây trong bài “Muốn công bằng, phải công khai” của TƯỜNG DUY... Thấy tếu ghê, mời quý vị xem cho vui... (...)
 
14.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Mình cứ “tấm tắc”... cười mãi khi đọc được cái câu nói rất chi là dân dã “Hỏi ngu bỏ mẹ!” trong truyện cười... “vãi đái” của bác Phùng Tường Vân đăng trên Tiền Vệ! Đến bây giờ nghĩ lại mình vẫn không thể nhịn được, vẫn bật cười “khanh khách”... (...)
 
08.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] Chuyện xảy ra một buổi tối tại một sân chiếu “phim phường”, Saigòn sau 1975. Trên màn hình bà con đang say mê theo dõi hình ảnh đất nước Liên Xô giàu đẹp, chợt một dòng nước “cần câu” nhẹ nhàng “lan toả” ... (...)
 
07.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... “Cây bút hội nhà văn nào - tác phẩm ấy”, thì cũng... đúng với cái tình cảnh của “cái nước mình nó thế”! Tức là, “những cây bút” mà ngày ngày bị/được “tưới” bởi cái thứ “nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa”, thì làm sao có thể cho ra “tác phẩm để đời”, hay nói như cụ Nguyễn Du, là “mua vui cũng được một vài trống canh”, được!... (...)
 
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Viết về ông Hồ Chí Minh / với những chuyện tình mùa Xuân, mùa Đông / còn nóng bỏng mặt giấy / và màu máu thắm đỏ, của ông ấy / thì có mà chết sớm / chém ngang lưng / it ra cũng “trảm giam hậu” / vì ông ấy chết rồi / nhưng còn để lại bao nhiêu là công an / Có đâu như Gia Long / như Lê Lợi / làm gì có công an văn hóa bảo vệ cho!... (...)
 
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... nếu tác giả cuốn Dị Hương / hay tác giả cuốn Hội Thề / hay một hội viên nào khác của Hội Nhà văn Việt Nam / dám viết một bộ tiểu thuyết lịch sử / qua đó những góc cực kỳ khuất / trong tâm lý của Hồ Chí Minh / bị đem ra rọi... (...)
 
06.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Ôi Hội Nhà văn lòng bao la biển cả / Dù hơn một lần Mẹ đã hồ nghi và cho người lên tận Đà Lạt theo dõi và điều tra tôi / tôi có điều kiện cảm thông hơn với những người điều hành Hội / nhưng tôi sốt ruột lắm rồi / Tôi phải lên tiếng vì Mẹ và cho Mẹ / Nhiều đồng nghiệp mọi miền... động viên... xoa đầu vỗ vai tôi cho thế là được... (...)
 
05.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Không biết tự bao giờ, Hội Nhà Văn Việt Nam đem vào tranh luận những giáo điều định lượng, số đông, bảo rằng kẻ khen (chúng tôi) đông lắm, phe chê bai khác nào như “châu chấu đá xe”, có lẽ dần dần đang hình thành một thứ văn học kiến nghị, tệ hơn nữa một thứ văn học doạ dẫm mất rồi... (...)
 
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Hình như, đây không phải lần đầu dư luận lên tiếng về các hoạt động như kết nạp hội viên, trao giải thưởng... của Hội Nhà Văn VN, và bao giờ Hội cũng chọn cách im lặng, làm dư luận mệt mỏi mà mình vẫn an toàn... (...)
 
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Hầu hết những bài ca ngợi “Hội thề” & “Dị hương” đều viết theo “phương pháp luận bịt mắt bắt dê” kiểu Lê Thành Nghị. Như thế này, liệu người đọc có dám tin rằng Hội Nhà văn Việt Nam đang sở hữu một đội ngũ lý luận phê bình đích thực?... (...)
 
03.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Câu chuyện kể ra đã hơi có mùi ẩm mốc, nhưng cũng cứ xin được có đôi lời : thưa đó chẳng qua cũng là một thứ hiện tượng “Đông Thi” đó thôi... (...)
 
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Nếu Nghêu Sò Ốc Hến là một vở tuồng hài “vĩ đại”, thì “vở đời Nghêu Sò Ốc... Sến” mà chúng ta luôn được chứng kiến trên cái “làng Việt Nam” thân thương, là một vở “kịch cỡm” vĩ đại! Ngao ngán thay!... (...)
 
02.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Nhìn tấm hình ông Chủ Tịch HNVVN Hữu Thỉnh trao tặng giải thưởng tiểu thuyết cho tác giả Hội Thề Nguyễn Quang Thân, tôi thấy có một cái gì thật xiêu lệch, bất ổn trong thái độ của cả hai vị ấy... (...)
 
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... toan tính tuyệt tác / tưởng tượng chẳng ngán / đảo điên hắc bạch / lịch sử lật tung / tự trào dân tộc / báng bổ cha ông / liếm đít ngoại địch / thiên triều thần phục / thế dân bán nước / tuyệt tác tuyệt tác / giả(i) nhì giả(i) nhất / tuyệt tác tuyệt tác / tiền boa tới tấp... (...)
 
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... “Hội thề” không hẹn mà gặp, lại trùng với “tâm huyết” và dụng công của ông chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đang thực thi kế hoạch “kinh phí của nhà nước cấp cho các bác để o bế quan hệ với Trung Quốc”, “ Cái này nó liên hệ mật thiết tới... tiền”, nên tác phẩm này của Nguyễn Quang Thân bỗng như lân gặp pháo, như mèo gặp mỡ... dẫn đến giải thưởng cao nhất của cuộc thi tiểu thuyết, âu cũng là điều dễ hiểu vậy... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021