tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Trả lời ông Nguyễn Anh Thăng  [đối thoại]

 

Tôi xin phép trả lời ông Nguyễn Anh Thăng về ý kiến của ông trên Tiền Vệ ngày 7.8.2013. Ý kiến ấy liên hệ đến quyển sách về Trịnh Công Sơn (TCS) mà tôi đã viết cũng như liên hệ đến chính cá nhân tôi.

Qua tên Trịnh Công Sơn / Ngôn Ngữ & Những Ám Ảnh Nghệ Thuật, chủ đề quyển sách của tôi nằm ngay trong tựa đề của nó. Tôi viết về ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật của một tác giả, một nghệ sĩ, một nhạc sĩ. Chúng ta, mỗi người, trong đời, đứng trước bất cứ sự kiện hay vấn đề gì, cũng đều có thể tự có cho mình những lý giải riêng. Lý giải, diễn giải, luận giải, trong suy nghĩ của tôi, là một trong những thao tác căn bản của đời sống con người. Nó giúp ta tiếp tục sống còn trong cuộc đời. Như một con người. Và ta chịu trách nhiệm về những lý giải đó. Và đó cũng là tự do của mỗi cá nhân. Tự do đó cho phép anh đứng thẳng trên hai chân của mình và cất lên tiếng nói từ suy nghĩ mình, cho dù suy nghĩ ấy đến từ trái tim hay từ bộ não. Những lý giải về mặt nghệ thuật cũng thế. Lý giải bộc lộ con người.

Tôi tôn trọng tự do suy nghĩ và phát biểu của ông Nguyễn Anh Thăng.

Dù sao, cách đặt vấn đề của ông, đặc biệt những phát biểu trong đoạn cuối của ông, với những gán ghép tùy tiện, không cho phép tôi nhìn ông như một con người thật sự muốn đối thoại thẳng thắn.

Ngoài ra, ông đã cắt xén khi trích dẫn tôi về chuyện “khúc xạ”. Điều ấy có thể gây hiểu lầm. Tôi xin phép được trích dẫn lại đầy đủ như sau: “Thực tại của cuộc đời, một cách nào đó, hiện ra trước mắt mỗi một chúng ta do chính nơi cái nhìn của ta về nó. Mà tâm hồn ta rung động như thế nào thì cái nhìn, từ đó, sẽ “khúc xạ” thực tại theo sự rung động ấy. Cái nhìn của tôi về “thực tại” Trịnh Công Sơn cũng là một cách nhìn của tôi về cuộc đời.”

Trở lại với cách đặt vấn đề của ông Nguyễn, từ một câu viết của tôi, nhìn TCS như một biểu tượng của bi kịch Việt Nam hậu bán thế kỷ XX, ông, một cách không minh nhiên, nhưng qua phát biểu của mình, ngầm ý cho rằng quyển sách của tôi, phải viết về bi kịch Việt Nam hậu bán thế kỷ XX. Và, với ông, bi kịch Việt Nam hậu bán thế kỷ XX chỉ là chuyện thuyền nhân, bộ nhân, v.v... Ông không nói gì, hoặc không quan tâm, đến những vấn đề khác. (Theo tôi, cho dù những vấn đề đó chắc chắn phản ánh bi kịch Việt Nam, nhưng chúng cũng chỉ là một phần của một toàn cảnh, của cuộc chiến Việt Nam nói chung, của lương tâm con người, đặc biệt con người Việt ở cả hai hai bên bờ chiến tuyến, và của một bi kịch lớn hơn trong trái tim nhiều người Việt chúng ta.) Rồi, sẵn trớn, dựa trên cái tiền đề áp đặt và không đúng của mình, ông cho rằng, “bằng chính kinh nghiệm cá nhân”, tôi viết về bi kịch Việt Nam hậu bán thế kỷ XX “mà lại “khúc xạ” cái thảm trạng thuyền nhân và bộ nhân Việt Nam ở vào thời điểm ấy như là chuyện bình thường” là không có lòng “xót xa”, là nhìn câu chuyện với một “thấu kính” có vấn đề. Tôi thật sự không biết ông có đọc quyển sách của tôi hay không. Vì tôi không hề viết gì về chuyện thuyền nhân, bộ nhân, v.v..., trong sách của tôi cả. Lý do là những chủ đề ấy không thuộc phạm vi cuốn chuyên luận về TCS của tôi.

Tôi nhớ một chuyện có thật xảy ra ở Việt Nam trước năm 1975. Trong một buổi chợ Tết đêm tại chợ Bến Thành, tôi và nhiều người ở đó nghe anh quảng cáo cho một sạp bán kem đánh răng Perlon (vốn là một thương hiệu khá nổi tiếng thời đó) rao với khách hàng đi chợ Tết rằng: “Ai đánh kem Perlon là người hào hoa, quý phái, lịch thiệp / Anh chị đánh kem Perlon / Anh chị là người lịch thiệp, quý phái, hào hoa” (với ngầm ý cho rằng ai không đánh kem Perlon thì không có được những phẩm chất trên!). Mọi người nghe câu rao đều cười. Có nhiều người chắc hẳn biết rằng anh chàng ấy đang áp dụng một lối “tam đoạn luận” ngụy biện. Bởi vì ngay từ tiền đề anh ta đã sai! Có thể một người đánh kem Perlon đúng là một người hào hoa, quý phái, lịch thiệp. Nhưng không phải ai đánh kem Perlon cũng thế. Và lại càng không đúng nữa đối với những người không đánh kem Perlon. Họ vẫn có thể là những người lịch thiệp, quý phái và hào hoa. Cũng vậy là kiểu suy luận như thế này: “Đàn ông là người / Đàn bà không phải là đàn ông / Vậy, đàn bà không phải là người”. Tiền đề của kẻ đưa ra suy luận đúng, nhưng không đủ. “Đàn ông là người” thì đúng rồi, nhưng đàn bà cũng là người. Tiền đề đã cố tình bỏ qua nhận thức ấy. Tiền đề không đúngđủ thì sẽ dẫn đến những sai lạc tất nhiên sau đó.

Trước khi chấm dứt phần trả lời này, tôi xin phép được nói một lần nữa (ngoài việc đã nói trong sách) là, trong quyển sách viết về TCS của mình, chủ đề của tôi là vấn đề ngôn ngữ. Ngôn ngữ Việt, được một con người Việt sử dụng trong ca từ của mình. Ngoài ra, tôi còn viết về những ám ảnh nghệ thuật của người nhạc sĩ, đặc biệt những ám ảnh về thời gian và không gian nghệ thuật của ông. Xin trích:

“(...) Phương pháp xếp chồng văn bản của Charles Mauron, với nỗ lực gắn phân tâm học vào phê bình văn học, sẽ cho ta những cơ hội để nghiên cứu những mạng lưới liên tưởng trong ngôn ngữ và hình ảnh được thể hiện trong thế giới nhạc ngữ của Trịnh Công Sơn. Nó sẽ giúp ta khám phá ra những ám ảnh mà anh luôn ôm ấp trong đời sống cũng như trong những giấc mơ của mình. Từ sự liên kết các mối ám ảnh này qua những văn bản là hàng trăm bài hát của Trịnh Công Sơn, ta có thể nghe ra các tiếng vọng dội âm nhau cũng như các hình ảnh phóng chiếu, khúc xạ lẫn nhau trong những giấc mơ về đời sống cũng như qua những giấc mơ về một cõi thiên thu giữa cuộc đời của anh. Tất cả những ám ảnh này làm nên con người vô thức của tác giả. Nó có thể phác họa nên một cấu trúc tinh thần, dẫn đến một thứ mà Mauron gọi là “huyền thoại cá nhân” của một nhà văn, một nghệ sĩ.

(...) Thi pháp học trong chuyên luận này giúp ta khảo sát kỹ hơn thời gian và không gian nghệ thuật trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Nó cũng giúp ta trong việc đi vào một số những phân tích trên mặt thao tác ngôn ngữ của người nghệ sĩ và phát hiện được hệ thống từ vựng của tác giả. Hệ thống từ vựng và thao tác ngôn ngữ nơi một người phản ánh thế giới tinh thần của người ấy. Thi pháp học cho ta một dụng cụ khá tốt để thực hiện những công việc trên.”

Tôi xin phép trích dẫn chỉ để nói rằng, quyển sách của tôi được viết trong một “khung” tinh thần như thế, và nhắm vào những chủ đề như thế. Những điều ông Nguyễn Anh Thăng tìm cách áp đặt vào quyển sách của tôi chỉ là ý muốn riêng của ông.

Xin cám ơn ông Nguyễn. Và xin cũng được cám ơn diễn đàn Tiền Vệ cùng tất cả những độc giả đã bỏ thì giờ theo dõi câu chuyện này.

Trân trọng,

Bùi Vĩnh Phúc

 

 

-----------------

Bài liên quan:

07.08.2013
[ĐỌC VĂN] ... Lại tự hỏi: nhạc sĩ TCS không là thuyền nhân nên ông không thấy “xót xa” thì coi cũng tạm chấp nhận, chứ ông BVP bằng chính kinh nghiệm cá nhân mà lại “khúc xạ” cái thảm trạng thuyền nhân và bộ nhân Việt Nam ở vào thời điểm ấy như là chuyện bình thường thì cái “thấu kính” của ông BVP chắc phải có vấn đề?... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021