tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Marx (chuyên ăn bám) + Engels (tư sản thứ thiệt)  [đối thoại]

 

Chủ nghĩa cộng sản, trớ trêu thay, đã được sáng tạo bởi một người chuyên ăn bám và một người tư sản thứ thiệt. Karl Marx chính là một người chuyên ăn bám, và Friedrich Engels chính là một người tư sản thứ thiệt.

 

Engels và Marx

 

Karl Marx, một người chuyên ăn bám

Từ khi còn trẻ, Karl Marx đã biểu lộ thái độ của một người chuyên ăn bám. Năm 1835, cha của ông trợ cấp cho ông theo học luật tại đại học Bonn và mong ông trở thành luật sư. Nhưng suốt một năm đầu tiên ở Bonn, Marx lại bỏ thì giờ ra để ăn nhậu, chơi bời, tán chuyện triết lý và làm những bài thơ mà chính ông sau này đã thú nhận là “bắt chước và tầm thường” (“imitative and mediocre”). Ông học hành rất ít, nhưng thường xuyên quậy phá và uống rượu. Ông đã bị bắt giam một ngày vì tội gây náo động; và trong một cuộc đánh lộn tay đôi, con mắt bên phải của ông bị thương vì ăn một cú đấm. Suốt một năm ở Bonn, ông vay mượn tiền bạc của nhiều người để tiêu xài phung phí và gây ra rất nhiều món nợ khiến cha của ông phải đứng ra trang trải cho ông, rồi lập tức mang ông ra khỏi Bonn, và gửi ông đến đại học Berlin.

Ở Berlin, Marx bỏ hẳn ngành luật, chuyển sang học triết và đậu tiến sĩ, nhưng ông lại theo nghề viết báo. Nghề viết báo không đủ nuôi sống ông, nhưng ngay sau khi ra trường mới được 2 năm, ông lấy vợ và đẻ 7 đứa con liên tục (trong đó có 4 đứa chết yểu). Vì thế, ông và cả gia đình ông đã sống bám vào sự trợ cấp đều đặn của Engels. Ngoài món trợ cấp đều đặn ấy, Marx còn thẳng thừng xin xỏ tiền bạc của Engels và những người khác liên tục với một thái độ lợi dụng không biết xấu hổ. Không chỉ ăn bám vào tiền bạc của người khác, Karl Marx còn ăn bám cả sức lao động của người khác. Ông đã không hề trả một đồng lương cho bà Helen Demuth, người đã làm đầy tớ suốt đời cho gia đình ông và đã đẻ cho ông một đứa con trai mà ông không thừa nhận. [Xem bài “Tính cách của Karl Marx”].

Mỉa mai thay, khi Helen Demuth qua đời năm 1890, bà được chôn chung một nấm mộ với vợ chồng Karl Marx tại nghĩa trang Highgate ở London. Ở thế giới bên kia, bà sẽ được ông trả nợ, hay bà vẫn tiếp tục làm đầy tớ không lương và đẻ con vô thừa nhận?

 

Friedrich Engels, một người tư sản thứ thiệt

Friedrich Engels (1820-1895) là con trai của một doanh nhân phát đạt. Thế nhưng, năm 1840, lúc ông được 20 tuổi, ông tuyên bố từ bỏ con đường doanh nghiệp, và trở thành một người thù ghét ý thức tư sản. Điều khôi hài nhất là, 10 năm sau đó, chính Engels lại quay về với cha của ông để... kiếm tiền, vì nghề viết lách không đủ để sống và nuôi ông bạn Karl Marx chuyên ăn bám.

Năm 1864, sau khi cha của ông qua đời, ông kế thừa doanh nghiệp của cha, và bắt đầu có dư tiền để sống thoải mái và nuôi cả gia đình của Karl Marx. Ngày 1 tháng Bảy, 1869, Engels bán cổ phần kinh doanh của mình và thu được một tài sản kếch sù. Ông viết thư cho Karl Marx:

Hurrah! Today I finished with sweet commerce, and I am a free man! [A ha, sướng quá! Hôm nay tớ chấm dứt cái doanh nghiệp ngọt ngào, và tớ là một người tự do!]

Nên nhớ rằng Engels răn dạy giai cấp công nhân hãy tháo bỏ xiềng xích để được tự do, nhưng chính ông thì lại được tự do khi có rất nhiều tiền!

Eleanor Marx, con gái của Karl Marx, chứng kiến sự khoái trá của Engels ngày hôm đó, đã kể lại như sau:

Tôi sẽ không bao giờ quên câu nói khải thắng 'Đây là lần cuối', mà ông reo lên trong lúc ông lê đôi ủng hai da trong buổi sáng cuối cùng ông đang trên đường đi đến công ty. Vài giờ sau, khi chúng tôi đứng nơi cửa để đợi ông về, chúng tôi thấy ông đi qua cánh đồng nhỏ trước nhà ông. Ông hớn hở vung gậy trong không khí và hát ca, và khuôn mặt nở rộ một nụ cười.

Tháng Chín, 1870, Engels dời lên sống ở London, gần bên nhà Karl Marx, và gặp Karl Marx hàng ngày. Ông có rất nhiều tiền, nên suốt 25 năm còn lại của đời ông, ông sống cực kỳ sung sướng, luôn thưởng thức các món ăn hảo hạng, uống rượu vang hảo hạng và giao du rất hào sảng.

Trước khi ông chết, ông viết di chúc để lại tất cả tài sản và nhà đất cho các con và cháu của Karl Marx, nhưng không để lại một đồng xu nào cho Frederick Demuth (đứa con trai vô thừa nhận của Karl Marx) [Xem bài “Tấm lòng của Eleanor Marx đối với Freddy, người con vô thừa nhận của Karl Marx”].

Phương diện tình ái của Engels cũng sặc mùi tư sản. Ông yêu hai chị em Mary Burns và Lydia Burns. Ông quan hệ ái tình với Mary, tậu cho Mary một ngôi nhà ở Manchester. Rồi khi ông lên London, ông sống chung với Lydia. Ông gọi Lydia là “my wife” (vợ của tôi), nhưng ông không bao giờ cưới Lydia.

Là một người tư sản thứ thiệt nhưng lại đi rao giảng ý thức vô sản, Engels sống như một kẻ đạo đức giả. Trong cuốn The Origin of the Family, Private Property, and the State (1884), ông cho rằng hình thức hôn nhân một chồng một vợ (monogamous marriage) phát sinh từ nhu cầu của xã hội giai cấp (class society) trong đó người đàn ông làm chủ người đàn bà và làm chủ gia đình để bảo đảm tài sản của mình sẽ được kế thừa bởi con cái của mình. Ông rêu rao rằng trong một xã hội cộng sản, quan hệ giữa người và người sẽ thoát khỏi sự ràng buộc của tài sản. Thế nhưng, suốt hơn 30 năm, cuộc sống của cả gia đình Karl Marx rõ ràng bị ràng buộc bởi tài sản của Engels. Và khi Engels mất, không có vợ con, thì chính ông viết di chúc để bảo đảm rằng người nào trong đám con cháu của Karl Marx sẽ kế thừa những thứ gì trong tài sản của ông!

 

 

Đã đăng:

17.12.2008
... Có lẽ em quá “cảm tính” — nhưng em không thể ngăn được cảm nghĩ rằng Freddy đã chịu đựng sự bất công to lớn suốt cả đời ông ấy. Không phải là điều tuyệt diệu hay sao khi mình quay lại để nhìn mọi sự một cách thẳng thắn, bởi dường như chúng mình quá hiếm khi thực hành những điều tốt lành mà chúng mình rao giảng — cho những kẻ khác?... (...)
 
... Marx luôn mồm hô hào tranh đấu cho quyền lợi của người lao động, nhưng chính ông lại là một kẻ bóc lột ghê tởm. Ông đã không hề trả một xu cho Helen Demuth — người đã làm đầy tớ suốt đời cho gia đình ông —, hơn nữa, ông còn lạm dụng tình dục Helen, làm cô ta có chửa, đẻ ra một đứa con trai nhưng không được lấy họ Marx... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021