tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Thái độ đáng thất vọng của Bs Trần Xuân Ninh  [đối thoại]

 

Bài viết “Chính nghĩa có tất thắng?” của Bác sĩ Trần Xuân Ninh đăng trên Tâm Thức Việt Nam (9.3.2009) khiến tôi thất vọng vô cùng.

Dù ông Ninh không phải là thần tượng của tôi, tôi cũng xem ông là người có học, hấp thụ văn hoá Tây phương. Được biết, trước 1975 ông Ninh từng học y tại Pháp và Mỹ, sau về dạy tại Đại học Y khoa Sài Gòn và nổi tiếng với nghề giải phẫu nhi. Sau 1975 ông Ninh sang Mỹ sống với nghề cũ, nhưng trở nên nổi tiếng hơn, khi ông tham gia lãnh đạo Mặt Trận QGTNGPVN.

Với bề dày học thức và kinh nghiệm hoạt động đó, những tưởng rằng ông Ninh sẽ là một người bản lĩnh, hành xử có văn hoá. Tuy nhiên bài viết trên cho thấy ông thiếu hẳn những tố chất này. Từ gần 100 năm trước, các thế hệ sĩ phu đã tìm cách cải hoá những thói xấu của người Việt trong các bài viết “Xét tật mình”, mình phải thay đổi để dân tộc Việt có thể sánh vai cùng năm châu. Nay đọc bài của ông Ninh thấy vẫn y như vậy.

Nói hơi quá, nhưng phản ứng của ông Ninh trong vụ bỏ phiếu bất tín nhiệm cô Madison Nguyễn không khác cách hành xử của mấy anh bần cố nông trong các vụ đấu tố hay mấy bà buôn bán vặt ăn thua đủ với nhau ngoài chợ.

Theo tôi, mấy bần cố nông hay giới buôn vặt này không đáng trách hay đáng khinh. Họ là những người ít học, sống trong đói nghèo, bị cộng sản xúi giục, đem tài sản địa chủ phú nông ra làm mồi thì hớn hở theo đuôi. Trường hợp những kẻ có học, số “đẻ bọc điều” mà phản ứng như vậy mới đáng trách.

Sau đây tôi xin đề cập thẳng vào bài viết của ông Ninh.

 

I. BS Ninh viết:

“Trong cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm Madison Nguyễn tại San Jose thành phố California vừa qua, phe ủng hộ Madison đã thắng với số phiếu 55% so với 45%. Những người này dĩ nhiên là đang khoan khoái tự đắc. Phía cộng đồng không khỏi thất vọng lắc đầu.”

 

Tôi xin có đôi lời:

1. Ông Ninh đang thua nên ông cay cú. Nếu phe ông Ninh thắng không biết ông có “khoan khoái tự đắc” hay không?

2. Sống ở Mỹ đã lâu, ông Ninh nên học cách ứng xử của các chính trị gia Mỹ. Việc đầu tiên mà họ làm khi biết tin mình thất cử là gọi điện thoại chúc mừng đối thủ, sau đó kêu gọi cử tri hãy đoàn kết và ủng hộ đối thủ của mình. Gần nhất là Thượng nghị sĩ John McCain: thua cuộc nhưng ông ta không cay cú chửi bới, mà thừa nhận rằng ông Obama giỏi hơn mình. Ông Ninh hãy tìm lại các video clip, đọc lại từng lời của ông McCain để mà “xét tật mình”.

3. Tóm lại chúng ta thấy gì: tham gia một cuộc chơi dân chủ thì anh phải chấp nhận luật chơi dân chủ, phải chấp nhận ý kiến của số đông. Đó là chọn lựa của cử tri, anh phải chấp nhận.

4. Ông Ninh đã tự mình làm một cuộc khảo sát và trưng cầu dân ý hay chưa? Hay ông chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của mình mà dám tuyên bố là “Phía cộng đồng không khỏi thất vọng lắc đầu”?

5. Phản ứng của ông Ninh làm tôi nhớ tới ông Tổng thống mù Wahid của Indonesia. Bị bà Megawati đánh bại, ông tức tối bồng con gà trống đi ra khỏi dinh tổng thống, vừa đi vừa chửi với các phóng viên: “Cử tri đã dại dột bầu cho bà Magawati, chỉ thời gian ngắn nữa họ sẽ thấy hậu quả của việc mình làm!”

 

II. Bs Ninh viết:

“Đã có những phản ứng đầu tiên cho là có gian lận, và chỉ ra một số dấu hiệu. Nhưng không chắc những dấu hiệu này đủ để kết luận khi ra trước toà án phân xử. Dù sao thì kết quả cuộc bầu cử cho thấy rằng phe thắng không yên lòng, nhanh chóng coi như sự việc đã xong. Bởi thế, báo điạ phương San Jose Mercury News kể là gần gạnh với tài phiệt và giới chức đương quyền thành phố đã mở ra cuộc thăm dò ý kiến độc giả là có hài lòng với kết quả cuộc bỏ phiếu hay không.”

 

Tôi xin có đôi lời:

1. Giới buôn vặt có thể phát biểu ẩu tả: “Tôi biết chị ăn cắp túi tiền của tôi. Nhưng tôi không có bằng chứng, nếu có, tôi đã đưa chị ra toà rồi.” Ông Ninh là nhà khoa bảng, hơn nữa ông là một lãnh tụ chính trị, thiết tưởng ông cần phải đắn đo khi tuyên bố, viết lách.

2. Nếu việc “chỉ ra một số dấu hiệu gian lận” là “phản ứng đầu tiên” thì “phản ứng chung cuộc” hay “kết luận cuối cùng” của họ là thế nào? Phải chăng cuối cùng thì nhận thấy đó chỉ là những phản ứng cảm tính, dấu hiệu gian lận là vô căn cứ nên không dám đưa ra toà?

3. Trong môi trường dân chủ và minh bạch như Mỹ thì trò gian lận bầu cử chỉ có thể có tác dụng khi số phiếu chênh lệch cực thấp, thí dụ bên A được 49.99 phần trăm và bên B được 50.01 phần trăm.

4. Khi tỷ lệ thắng thua trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Madison Nguyễn là 55-45 phần trăm thì nếu có chuyện “gian lận”, sự gian lận này khó mà đảo ngược tình hình. Nếu Madison chỉ được 54.9 phần trăm phiếu tín nhiệm thì cô ta vẫn thắng cơ mà?

5. Nếu “kết quả cuộc bầu cử cho thấy rằng phe thắng không yên lòng” thì tại sao ở phần I lại bảo là họ “khoan khoái tự đắc”?

6. Những chính trị gia có văn hoá và chuyên nghiệp là chính trị gia “thắng không vênh vang”, “thất bại không cay cú”. Khi thắng cuộc, một ứng cử viên có thể tỏ ra nhã nhặn, khiêm cung để bảo vệ sự đoàn kết của cộng đồng.

7. Tôi không rõ trường hợp của Madison. Tuy nhiên. nói chung, trong những trường hợp như vậy thì đừng nên suy diễn thái độ cố chứng tỏ thiện chí của họ như là “không yên lòng”. Đó là lối suy diễn của kẻ người nhỏ nhen, của tiểu nhân cay cú.

8. Báo chí luôn khai thác những đề tài nóng để bán báo, việc tờ San Jose Mercury News mở mục “Thăm dò ý kiến độc giả” có quan hệ gì đến việc “phe thắng không yên lòng”?

9. Chính quyền phải biết ý dân để làm việc, khó mà kết luận rằng hành động của họ cũng liên quan đến việc trên.

 

III. Bs Ninh viết:

“Dù sao thì sống trong môi trường mở, tự do và dân chủ Hoa kỳ, luật chơi là phải tôn trọng kết quả của cuộc bầu trong khuôn khổ luật pháp qui định, ngay cả trong trường hợp có những bất thường nhưng không đủ yếu tố kể là phạm pháp. Ngoài ra thì cũng còn những lý do khác khiến cho sự phạm pháp vẫn có thể bỏ qua. Thí dụ như việc trốn thuế. Có thể nói rằng không ít người trốn thuế, nhưng không phải sở thuế đi truy tố hết tất cả, trừ trường hợp hiển nhiên rõ ràng không thể được, vì lý do thực dụng, để tránh tốn kém.

Bởi vì sẽ là vô lý nếu truy tố tốn một triệu đô la để lấy số tiền gian lận là 100,000 đô la. Hay là như trường hợp O. J Simpson, một lực sĩ da đen với những chứng cớ giết vợ gần như rõ ràng không thể chối, nhưng vẫn được tha, vì luật sư bào chữa nêu ra được rằng phương pháp lấy các chứng cớ và điều tra là có tính cách kỳ thị. Luận cứ của luật sư có thể gọi là nền tảng của xã hội tôn trọng con người, chống kỳ thị, nên đã thắng.”

 

Tôi xin có đôi lời:

1. Nếu đã “tôn trọng luật chơi” thì tại sao ông Ninh lại lảm nhảm những điều trên?

2. Nói thật nhiều về một kết quả bầu cử thật rõ ràng 55-45 cho thấy ông Ninh rất ấm ức. Vì ấm ức, chịu không nổi nên ông tung hoả mù. Cũng như ở phần II, ông Ninh áp dụng phương pháp nguỵ biện “Fallacy of the Consequent”: kết nối những chuyện không liên quan với nhau để người đọc rút ra kết luận theo ý mình.

3. Sở Thuế không thể bắt hết số người trốn thuế vì không có đủ tài nguyên, còn trường họp Madison thì sao? Theo ý ông Ninh thì chính quyền Mỹ không thể bắt hết số người bỏ phiếu gian lận cho cô Madison vì không có đủ tài nguyên chăng?

4. Nếu luật sư của Simpson lạm dụng yếu tố chủng tộc để lung lạc bồi thẩm đoàn, còn theo ý ông Ninh thì phe cô Madison đã sử dụng yếu tố nào để lung lạc cử tri, thuyết phục họ bỏ phiếu tín nhiệm cô?

5. Ông Ninh là nhà khoa bảng tuy nhiên lý luận của ông rất ấu trĩ.

6. Đúng ra, luật sư của Simpson mới là người có óc kỳ thị. Điểm cốt yếu của việc kỳ thị màu da là xét đoán con người dựa vào màu da, bất kể đó là màu gì.

7. Thí dụ tôi bầu cho ông Obama vì ông là người có tài, người nói hay, chuyện này OK. Nhưng nếu tôi bầu cho ông ta vì ông ta là người da đen thì có nghĩa là tôi xét đoán ông ta trên màu da. Do đó tôi là người kỳ thị.

8. Luật sư của Simpson dùng màu da của Simpson để tác động đến xét đoán của bồi thẩm đoàn, do đó rõ ràng ông ta là kẻ kỳ thị.

9. Thế nhưng hoá ra ông Ninh không hiểu thế nào là “chính nghĩa” hay ít ra lạm dụng chữ này.

10. Tranh cãi tại San Jose nổ ra giữa hai chọn lựa: đặt tên là Saigon Business District hay Little Saigon. Đây chỉ là cái tên, là hai chọn lựa với những lý do riêng, không thể nói cái tên nào “chính nghĩa” hơn cái tên nào?

11. Giả sử một bộ phận cộng đồng muốn đặt tên là “Little Saigon” và một nhóm khác muốn đặt tên là “Little Hochiminh City” thì chữ “chính nghĩa” mới nên mang ra áp dụng. Đụng đâu, xổ “chính nghĩa” đó, thì e là sẽ xảy ra tình trạng “lờn thuốc”, ông Ninh là bác sĩ chắc ông rành chuyện chuyện “lờn thuốc” hơn tôi.

 

IV. Bs Ninh viết:

“Trở lại với vụ Madison, nếu bỏ sang bên những nhận xét cảm tính bực tức, thì phải thấy rằng cần xét lại mấy chữ “chính nghĩa tất thắng”. Trong vụ này, qua những sự kiện được đưa ra trên mạng điện tử cũng như trên các báo chí, người ta thấy Madison đã phản bội cộng đồng, bỏ qua những hứa hẹn lúc tranh cử, cũng như gian dối trong suốt quá trình ứng phó với đòi hỏi của cộng đồng. Tóm lại, phía đòi bãi nhiệm là có chính nghĩa. Nhưng đã thua. Hay nói cho đúng là chỉ thắng một nửa, tức là chỉ được thành phố cho treo bảng mấy chữ chỉ đường Little Saigon. Vậy thì chính nghĩa đâu có thắng?”

 

Tôi xin có đôi lời:

1. Lần nữa, ông Ninh cho thấy khả năng xét đoán và lý luận cực kỳ ấu trĩ của ông.

2. Nếu việc của cô Madison đúng như ông nói thì đó chỉ là một trường hợp, ông không thể từ đó mà tán ra việc xét lại câu “chính nghĩa tất thắng”. “Chính nghĩa” là khái niệm trừu tượng, và khái niệm “chính nghĩa thắng” này phải hiểu theo cái nhìn vĩ mô, hướng về tương lai lâu dài.

3. Không rõ ông Ninh có học sử Việt, văn Việt? Ông có đọc “Bình Ngô Đại Cáo”? Nghĩa quân của ta phất cao cờ chính nghĩa “Ta đây: Núi Lam Sơn dấy nghĩa/ Chốn hoang dã nương mình / Trời thử lòng trao cho mệnh lớn / Ta gắng trí khắc phục gian nan.” Thế nhưng họ phải khốn đốn nằm gai nếm mật suốt 10 năm “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần / Lúc Khôi Huyện quân không một đội” mới có thể đi đến ngày “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn / Lấy chí nhân để thay cường bạo.”

4. Ông Ninh từng là một trong những lãnh tụ của Mặt Trận, hiện giờ là lãnh tụ của nửa đảng Việt Tân.[1] Người sao mà dễ chán nản, xuống tinh thần thế, chỉ mới thua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà đã hoài nghi chữ “chính nghĩa” thì làm sao có đủ nghị lực để lãnh đạo?

 

V. Bs Ninh viết:

“Tại sao lại có sự việc này? Và điều gì đã làm cho những chính khách thành phố ủng hộ Madison?” Sẽ rất là đơn giản để mà nói rằng họ không hiểu Cộng sản là gì. Cũng sẽ là đơn giản để mà nói rằng họ bị Madison lươn lẹo lường gạt.”

 

Tôi xin có đôi lời:

1. Sính xổ “chính nghĩa”, ông Ninh sính trao mũ cối. Cộng sản có liên quan gì tới chuyện này? Tại sao cái tên Saigon Business District thì có lợi cho cộng sản hơn là tên Little Saigon?

2. Tuy nhiên cách chụp mũ cối của ông Ninh có vẻ nhát, thiếu dũng khí. Ông không dám nói thẳng mà lòng vòng, mấp mé. Theo ông Ninh thì “sẽ rất là đơn giản” để nói rằng “họ” (ám chỉ chính trị gia San Jose) “không hiểu Cộng sản là gì” hay “họ” bị “Madison lươn lẹo lường gạt”.

3. Nếu đó là chuyện “rất đơn giản”, không đáng nói, ông còn viết ra làm gì?

 

VI. Bs Ninh viết:

“Kết luận sẽ là khác, nếu hiểu rằng những người ra ứng cử là những người cần phiếu. Muốn có phiếu thì phải có tiền vận động và có người đi bỏ phiếu. Madison Nguyễn không có đa số dân như chúng ta đã thấy. Nhưng cô này có sự ủng hộ của một số thương nhân toan tính hay đã làm ăn với VC và một số chính trị gia thời cơ và một số cây bút không những Việt Nam mà cả ngoại quốc. Tên tuổi của những ngưòi này dư luận đã biết. Cái khả năng vận động người để gọi là nói lên tiếng nói của họ cũng cho thấy không có là bao. Nhưng cái khả năng vận động và sử (sic) dụng xảo thuật để thắng vào lúc quyết định thì có hơn phía cộng đồng đòi bãi nhiệm Madison trong kỳ bầu cử vừa qua.”

 

Tôi xin có đôi lời:

1. Không rõ ông Ninh có bị lú lẩn gì hay không mà viết những điều dư thừa như thế? Trên đời này có ai ra ứng cử mà không cần phiếu? Việc các ứng cử viên “cần phiếu” là điều rõ như chúng ta phải có nước mới sống, thế mà ông làm như một triết lý bí hiểm: “nếu hiểu rằng những người ra ứng cử là những người cần phiếu”.

2. Ông Ninh lý luận: i/ Cô Madison không có dân; ii/ Nhưng cô ta có các thương gia, các chính trị gia thời cơ và một số nhà báo; iii/ dư luận biết rõ những người này; iv/ Nhóm này không có khả năng vận động người; v/ Họ chỉ hơn phía đòi bãi nhiệm nhờ vào khả năng vận động và sử dụng xảo thuật vào lúc quyết định.

3. Lý luận như thế thì làm sao làm lãnh tụ chính trị?

4. Khả năng chính trị của một người, một đảng phải là biết chọn đúng thời điểm quyết định để tung đòn quyết định. Nếu nhóm của cô Madison biết “vận động và sử dụng xảo thuật để thắng vào lúc quyết định” thì rõ ràng là họ… có khả năng vận động chính trị. Sao ông dám lại phán: “không có là bao”?

 

VII. Bs Ninh viết:

“Những mánh khoé bóp méo các thăm dò trong quá trình cộng đồng đấu tranh cho tên Little Saigon vẫn còn tiếp tục cho tới nay, trong cuộc thăm dò sau khi có kết quả đầu phiếu mới đây của báo San Jose Mercury News. Nhiều người cho hay rằng sau khi phía ủng hộ Madison chiếm đa số thì những ngưòi ghi danh phát biểu gặp khó khăn không vào trang điện tử Xin có đôi lời được nữa. Đã có những bài viết phân tích về những xảo thuật này như của tiến sĩ Lê hữu Phú. Và chắc chắn là sẽ còn những phân tích hữu ích khác. Một cách vắn tắt thì phía thiểu số ủng hộ Madison Nguyễn có tiền và biết sử dụng xảo thuật chính trị. Những người chống Madison Nguyễn là những người đi thẳng tới quần chúng. Cái khó là làm sao vận động được sức mạnh đúng lúc.”

 

Tôi xin có đôi lời:

1. Lần thứ hai ông Ninh dùng chữ “xảo thuật”. Như đã góp ý tại phần I: nếu thua thì nên vui vẻ chấp nhận ý kiến cử tri.

2. Ấm ức vì thua mà không làm gì được, cũng chịu chấp nhập kết quả, do đó kêu gào rằng mình chỉ thua là do đối phương chơi gian. Viết như vậy thì có khác gì cảnh ăn thua đủ của mấy bà buôn vặt?

3. Nếu tin theo lý luận của ông Ninh thì “quần chúng” tại San Jose là những kẻ dễ dãi và thiếu nguyên tắc đến mức cực kỳ tệ hại.

4. Theo ông thì quần chúng là nhóm chống Madison, tuy nhiên cô này chỉ cần sử dụng tiền bạc và chút xảo thuật là họ bỏ hết chính nghĩa!

 

VIII. Bs Ninh kết luận:

“Vụ Madison Nguyễn chính là một trường hợp thuận lợi cho cộng đồng rút kinh nghiệm thao luyện phát huy sức mạnh của mình trong cuộc đấu tranh chính trị ở một xã hội mở và ổn định. Không thắng trong điều kiện này thì khó mà nói đến thắng lợi ở những hoạt động chính trị trong nước, với chế độ CS biến thái độc tài và nắm giữ hệ thống trấn áp bạo lực.”

 

Tôi xin có đôi lời kết luận:

Người cần “rút kinh nghiệm thao luyện” trong việc này để “phát huy sức mạnh” là chính ông Ninh. Đọc bài viết của ông, từ đầu đến cuối, không thấy ông đưa ra một lý luận nào khả dĩ lọt lỗ tai.

Là lãnh tụ của nửa đảng Việt Tân, ông cần phải có những phản ứng ngay thẳng, chính trực, cần phải lý luận đâu ra đó, nói một lời đáng gía một lời. Đừng nên phải ứng và lập luận như mấy anh bần cố nông đi đấu tố hay mấy bà buôn vặt.

 

 

 

_________________________

[1]Đảng này đã tách thành hai. Nhóm ly khai do ông Ninh cầm đầu tự gọi mình là “Việt Tân Chính Thống”, và gọi đảng chính còn lại là “Việt Tân Chệch Hướng”!


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021