tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Cứt trong nghệ thuật  [đối thoại]

 

Trong bài “Phân quý hơn vàng”, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc kể lại những chuyện về và chung quanh tác phẩm “Artist's shit” của Piero Manzoni, và hỏi độc giả “Bạn nghĩ sao?”

Trên blog của Nguyễn Hưng Quốc ở VOA, có một độc giả nói: “Điều này chỉ nói lên cái bế tắc trong đời sống tinh thần của nghệ thuật. Bế tắc & vô nghĩa, thậm chí điên rồ. Hình như nhân loại sắp đến lúc...diệt vong?” Một số độc giả khác thì phàn nàn, cho rằng “phân” là thứ dơ dáy, sao lại đem vào nghệ thuật!

Tuy nhiên, ý kiến của độc giả Huê Nguyễn thì rất thú vị:

Trong “Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh” có câu: “Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.” — “Chẳng nhơ chẳng sạch” (bất cấu bất tịnh) là tinh thần bất nhị uyên áo của Đông phương. Vậy mà đến thế kỷ 21, nhiều người Việt Nam tự xem mình là hiểu biết nghệ thuật, nhưng vẫn không hiểu nổi Manzoni!!!

Ở đây, tôi xin nói thêm mấy ý nho nhỏ.

Ngày xưa, trong văn chương Thiền tông đã có nói đến cứt. Trong “Vô Môn Quan” có viết:

Tăng chúng hỏi: “Phật là gì?”

Thiền sư Vân Môn Văn Yển bèn trả lời: “Càn thỉ quyết!” (Que cứt khô!).[*]

Ở Âu châu, xưa nay cứt cũng đã được đem vào văn chương qua ngòi bút của nhiều tác giả danh tiếng, như Aristophanes, Marcus Valerius Martialis, Decimus Junius Juvenalis, Dante, François Rabelais, Geoffrey Chaucer, Alexander Pope, Jonathan Swift, Henry David Thoreau, Georg Büchner, Wilhelm Busch, Gottfried Benn, Franz Kafka, Thomas Mann, Heinrich Böll, Günter Grass, Friedrich Dürrenmatt, ... vân vân và vân vân.

Bởi vậy, đã có rất nhiều học giả viết những công trình nghiên cứu nghiêm túc về “scatology” trong văn chương. Thậm chí, cứt còn quan trọng đến mức một học giả nổi danh của Pháp, nhà phân tâm học Dominique-Gilbert Laporte (1949-1984), đã viết cuốn sách nghiên cứu lịch sử của cứt, Histoire de la merde, và được nhà xuất bản Christian Bourgois Éditeur ấn hành tại Paris năm 1978. Cuốn này được dịch ra tiếng Anh thành History of shit (bởi Nadia Benabid và Rodolphe el-Khoury) và được nhà xuất bản của đại học MIT lẫy lừng ấn hành tại Cambridge, Massachusettes, năm 2000.

Cứt thì hiển nhiên là một đề tài nghiên cứu hết sức cần thiết trong y khoa, sinh vật học và cổ sinh vật học. Và nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cứt thì được trang trọng gọi là “scatologist”. Thế nhưng, có lẽ trong xã hội của người Việt Nam — một dân tộc cực kỳ cao quý và trong sạch! — hiếm có ai tự tin và hãnh diện in lên trên danh thiếp “Giáo Sư X., tiến sĩ sinh vật học, chuyên gia nghiên cứu về cứt”!

Tuy nhiên, dù cứt thì dơ dáy như ai cũng biết, hay cứt thì quan trọng qua cái nhìn của khoa học, trong nghệ thuật nó vẫn chỉ là một đề tài như bất cứ đề tài nào khác trên đời.

Cứt không làm một tác phẩm nghệ thuật trở thành “hay” hay “dở”, cũng không thể làm nó sạch sẽ hơn hay dơ dáy hơn. Giá trị của tác phẩm là do tài năng của tác giả trong việc sử dụng bút pháp của mình để diễn đạt những gì ở đằng sau và bên trên những cục cứt.

 

_________________________

[*]Theo một số tài liệu cổ, ngày xưa ở Trung Hoa người ta dùng “càn thỉ quyết” để chùi đít. Đó là một dụng cụ như cái que dài, được vạt bằng, chùi xong thì rửa sạch cái que, để dành cho lần sau, vì thời ấy người bình dân ở nông thôn chắc chắn là chưa có giấy. Sau này lại có người cho rằng “càn thỉ quyết” chính là cục cứt khô cứng lại như cái que.

 

--------------

Bài liên hệ:

26.08.2009
[MỸ THUẬT] ... Theo Manzoni, bất cứ thứ gì, kể cả những vật dụng thông thường trong đời sống hàng ngày, cũng có thể trở thành nghệ thuật khi bàn tay người nghệ sĩ chạm vào. “Cứt của người nghệ sĩ” là một trong những ví dụ cực đoan nhất: người nghệ sĩ biến chính chất thải trong cơ thể của mình để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021