tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Quê hương là mùi thịt nướng (từ dĩa cơm tấm)  [đối thoại]

 

Có lẽ, tất cả những người Việt xa quê như tôi đều có chung một nỗi nhớ về một nơi xa xôi mà chúng tôi quen gọi là “nhà”. Nỗi nhớ đó trở thành cụ thể trong những lúc mà đôi mắt ta chỉ muốn nén chặt lại, ép cho nước mắt chảy ra.

Và nỗi nhớ càng nồng hơn, lúc tay tôi run run đưa vào miệng món cơm tấm. Một dĩa cơm tấm đối với tôi cũng là bầu trời ký ức. Muốn nuốt nhưng không sao trôi, làm sao có thể nuốt một nỗi nhớ nhà!

Lúc ở Việt Nam chưa bao giờ tôi nhận ra mình và món cơm tấm lại gắn bó đến như vậy. Từ lúc lên năm tôi đã biết vì sao người ta gọi là “cơm tấm”. Mẹ bảo rằng cơm tấm được làm từ hạt tấm, đó là những hạt gạo sứt mẻ, không hoàn hảo, bị vứt ra. Người nghèo thường dùng để nấu cơm. Hồi đó và cả bây giờ nữa người ta nghèo lắm. Đất nước không còn chiến tranh nhưng dân vẫn nghèo. Cái đói, cái khổ và những kẻ ác vẫn ăn sâu bám rễ vào con người Việt Nam. Có được những hạt gạo tấm mà ăn là quý lắm rồi.

Vào những ngày chuyển mùa ở Sài Gòn, khí trời hơi lạnh hay có vài cơn mưa lất phất, mà chạy trên đường, nghe mùi thịt nướng xộc vào mũi thì nước bọt tự chảy ra và cái lạnh cũng phải nhường chỗ cho cái bụng sôi rồ rồ. Khó mà có cái gì so sánh được với cái sự quyến rũ của mùi thịt nướng bay ra từ trong những quán cơm tấm ven đường. Có thể nói đó là một loại nước hoa của đô thị Sài Gòn mà ai cũng muốn chạy ngang qua để xức cho khứu giác. Miếng thịt nướng từ dĩa cơm tấm Việt Nam chứa đựng và chia sẻ sự ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, ô nhiễm người, một đặc trưng không thể nào quên của Sài Gòn.

Đối với tôi, cái mùi thơm đường phố từ miếng thịt nướng có dính miếng mỡ nằm ngổn ngang trên cái vỉ khét đó là mùi của quê hương.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

31.10.2009
[VĂN HOÁ] ... Có những dân tộc bị ám ảnh triền miên bởi những vấn đề siêu hình, nhờ đó tôn giáo và triết học, đặc biệt siêu hình học, phát triển rực rỡ. Có những dân tộc khác bị ám ảnh bởi kỹ thuật, hết cày cục sáng chế cái này thì lại cày cục sáng chế cái khác, máy móc mới ra đời dồn dập, nhờ thế, họ tiến bộ không ngừng. Còn dân tộc Việt Nam? Hình như chỉ có một ám ảnh lớn: Ăn... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021