tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Mỹ thuật Việt Nam thời WTO: “Tây muôn năm, Tàu muôn năm”  [đối thoại]

 

Mỹ thuật Việt Nam — xả thân theo Tây, dấn thân theo Tàu

Sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và là xu thế không thể cưỡng lại. Tất nhiên hội nhập kinh tế cũng gắn liền với hội nhập văn hóa. Tuy nhiên, cùng với xu thế toàn cầu hóa sẽ là xu hướng đa dạng hóa văn hóa. Những gì không bền vững sẽ dễ dàng bị hòa tan và trở nên giống nhau, cái gì yếu thì sẽ bị nuốt chửng và trở nên lai căng, chắp vá rồi dẫn đến sự bắt chước hời hợt và nông nổi. Đó là tính toàn cầu của thời đại hiện nay nhưng những gì là căn cước, là cốt lõi thì sẽ có đà phát triển. Vì phần căn cước, phần cốt lõi đó chính là cái riêng, cái bản sắc, chỉ có cái riêng, cái bản sắc mới tạo nên cái độc đáo cho văn hóa tộc người, cũng như “cái tôi” mới làm nên một con người vậy.

Trong mỹ thuật, từ khi đổi mới đã mở ra cánh của giao lưu rộng mở, các thiết chế cũng như chính sách văn hóa cũng được cởi mở hơn, nghệ sỹ có nhiều cơ hội giao lưu học hỏi để rồi mỹ thuật của chúng ta đã phát triển ồ ạt, đã để lại nhiều cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển rực rỡ của các trường phái. Quan trọng hơn cả là sự đề cao “cá nhân” trong sáng tác, và thực tế là đã để lại nhiều thành quả. Cùng với sự phát triển đó là một thị trường nghệ thuật đầy bát nháo hình thành theo kiểu chợ trời nhiều hơn sự quy củ, các gallery tấp nập kẻ mua người bán, vẫn trưng bày mọi “món hàng” sặc sỡ, “đa phong cách” và sạch sẽ như siêu thị. Tranh nhái, tranh chép vẫn phát triển mạnh mẽ không thua kém gì những năm trước đây. Đó là mặt nổi, còn sâu xa mà nói thì mỹ thuật đang tỏ ra yếu kém và đã lộ ra nhiều nhược điểm. Có thể nói là không có gì mới, cũng đồng nghĩa với từ “không có gì cả”. Mấy năm trở lại đây, các họa sỹ Viêt Nam hết vẽ theo Tây rồi lại theo mấy họa sỹ Trung Quốc mới nổi. Và có thể nói rằng: Mỹ thuật Đương đại Việt Nam đa số chỉ là sự bắt chước chứ không phải là sự tiếp nhận, giao lưu hay ảnh hưởng.

Mỹ thuật Việt Nam hiện nay về căn bản vẫn tiếp thu cái mới, cái lạ bằng trên nền tảng của những tư tưởng a dua mà không có sự chọn lọc hay “dấn thân” nào cho nghề nghiệp, trong khi để đạt được nghệ thuật đỉnh cao bắt buộc người nghệ sỹ phải “dấn thân” và hi sinh, nhưng thử điểm lại xem nghệ sỹ Việt Nam được mấy người “dấn thân” thực sự? Vì thế chúng ta có quyền khẳng định như trên. (điều đó chúng ta thấy rất rõ ở các triển lãm cá nhân hay tập thể, ở các phòng tranh hay ở ngay xưởng vẽ của các họa sỹ). Như vậy, mỹ thuật Việt Nam cũng như văn hóa, kinh tế... từ sau đổi mới đến nay đã trải qua nhiều cột mốc quan trọng, mỗi cột mốc đều để lại những kết quả nhất định. Cột mốc gần đây nhất không kém phần quan trọng, đó là hội nhập kinh tế, không chỉ chứng tỏ Viêt Nam có nền kinh tế thị trường mà ngoài ra chúng ta cũng đang có một nền mỹ thuật đầy tính thị trường. Cả hai điều này đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa và nghệ thuật. Khi gia nhập WTO, chúng ta chịu sự ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, và sự phập phù thăng giáng của kinh tế không những ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống, mà còn làm cho nền mỹ thuật của chúng ta chao đảo và hụt hẫng, bởi tất cả đều chịu sự chi phối của kinh tế. Vì kinh tế quyết định tất cả, cái “hạ tầng cơ sở đã quyết định thượng tầng kiến trúc” ai cũng hiểu điều Ċó. Đó là điều đáng phải lưu tâm trong thời điểm hiện nay. Về văn hóa nói chung như một hệ quả tất yếu, các thước đo, các giá trị chuẩn mực bao giờ cũng bị đảo lộn, giá trị cũ có nhiều phần lỗi thời, các giá trị đích thực không được truyền tải, giá trị mới thì nhanh chóng hình thành mà chưa rõ hình hài, thậm chí chưa kịp biết tên. Trong mỹ thuật thì có sắp đặt, trình diễn, “nhái”, lai Tàu lai Tây đủ cả. Tất cả đều được cho là “mới”. Nghĩ lại chúng ta thấy chúng ta mới chỉ đua đòi thế giới theo kiểu người ta có gì thì mình cũng phải có cái đấy trong khi văn hóa của ta có vẻ đa dạng và có bề dày nhưng lại yếu ớt, con người của chúng ta không có nền tảng học thuật vững chắc, căn cước dân tộc không ổn định. Từ xưa đến nay, cái gì cần là ta vay mượn chỉ để đáp ứng nhu cầu trước mắt. Nên rốt cuộc chỉ vay mượn được những cái hời hợt, bề ngoài, dẫn đến bắt chước...

 

Bản sắc dân tộc chỉ là vẻ bề ngoài — thực chất vẫn là “Tây muôn năm, Tàu muôn năm”

Chúng ta nói nhiều, bàn nhiều đến tương lai và vận mệnh của đất nước khi gia nhập WTO, vậy trong mỹ thuật chúng ta có gì để hội nhập? Chúng ta hội nhập như vậy sao? Chúng ta hội nhập bằng cách người ta có gì thì mình cũng phải có cái đó bằng mọi giá sao? Chúng ta có nghĩ gì đến chuyện phù hợp hay không phù hợp? Ai cũng biết một cái cây, muốn đưa từ nơi này đi nơi khác để trồng thì cũng phải xem thổ nhưỡng, khí hậu xem có hợp hay không. Những gì chúng ta đang thể hiện không phải là hội nhập mà là sự lai tạp gượng ép. Để hội nhập thực sự trong mỹ thuật mà không bị đánh mất mình, không bị hòa tan, chúng ta phải lấy cái căn cước của chúng ta ra để tiếp nhận mà thôi, cái căn cước đó chính là “Bản sắc văn hóa dân tộc”. Bản sắc văn hóa dân tộc ư!? Vậy thế nào là “Bản sắc văn hóa dân tộc”? Điều này chúng ta đã bàn đi bàn lại nhiều lần, mỗi người bàn một kiểu, mỗi người hiểu một kiểu và mỗi người làm một kiểu, cuối cùng là hiểu sai, bị lệch lạc dẫn đến việc người sáng tác cứ việc ôm cái vỏ của từ “Bản sắc văn hóa dân tộc” vào tác phẩm của mình mà cho đó là dân tộc. Dân tộc không phải là cái “khăn đóng- áo the”, cũng không phải là “mái đình- cây đa”, càng không phải là các ông sư mặc áo cà sa... mà dân tộc xuất phát từ bên trong tất cả những vỏ bọc đó, là cái hồn, cái trong sâu thẳm mỗi con người Việt, cái bản chất Việt, là cái được duy trì và phát triển từ đời này qua đời khác, có sự đào thải cái cũ và sự tiếp thu cái mới... “Dân tộc” được biểu hiện ra bề mặt tác phẩm bằng nội dung tư tưởng của nghệ sỹ. Không ai chịu hiểu và làm một cách thấu đáo, không ai thể hiện được cái hồn dân tộc, cái nội hàm dân tộc.

Thực ra chúng ta có một nền tảng văn hóa khá đa dạng và một bề dày không thua kém bất cứ một nước nào khác, cái nền tảng đó trải qua bao thời kỳ, bao sự thăng trầm của lịch sử, mỗi thời kỳ đều để lại cho chúng ta những đặc trưng văn hóa, nghệ thuật trong kho tàng truyền thống, mặc dù có nhiều sự vay mượn nhưng cũng đã chuyển hóa thành tinh thần thuần Việt phù hợp với con người Việt. Nhưng ngày nay, sự tiếp nối và phát huy truyền thống cũng như làm đa dạng hóa văn hóa truyền thống có vẻ như chúng ta đang “dậm chân tại chỗ”. Và vấn đề cấp bách hiện nay đó là sự bỏ lơ truyền thống, chạy theo bên ngoài bằng mọi giá, không bằng sự tiếp thu học hỏi mà nghiêng về sự bắt chước một cách hời hợt, không cần biết ưu, khuyết điểm cũng như tác hại mà sự bắt chước mang lại. Xã hội càng hiện đại, chúng ta càng giàu có thì xã hội càng có nhiều cấp bách, nhiều bất cập, sự cấp bách đó, mỹ thuật đang phản ánh lại bằng những thứ méo mó mà chúng ta đang gọi là “Mỹ thuật Đương đại”, đang gọi là mới, lạ, tiên tiến, mặc dù tại nơi nó xuất phát cũng đã vài chục năm nay và cũng đã lụi tàn mà họ cũng chưa kịp gán cho nó một lý thuyết hay một định nghĩa nào cụ thể từ những môn nghệ thuật linh tinh ... được du nhập vội vã từ bên ngoài. Sự hội nhập chỉ đơn thuần là để các họa sỹ có cơ hội bán rẻ mình bằng việc vẽ tranh theo đơn đặt hàng, từ đó là sự sản xuất hàng loạt và bắt chước, sự bắt chước đó đa dạng và phong phú, nhiều người lặp lại chính mình, bắt chước cả ta lẫn tây, cả các họa sỹ trong nước, bắt chước từng phần, thậm chí là bắt chước nguyên vẹn người khác. Ngày nay đa số các họa sỹ bán được tranh đều vấp phải, đó là lối mòn nhiều người dẫm phải rồi cuối cùng cũng chỉ là sự dãy dụa không lối thoát. Từ đó chúng ta cũng có thể thấy tương lai của nền mỹ thuật nước nhà sẽ như thế nào? Đây chính là sự cùng cực mà bất cứ một họa sỹ nào cũng hiểu rất rõ, hiểu thì như vậy, làm thì như vậy, tự trói tay trói chân như vậy thử hỏi tương lai của mỹ thuật có phát triển được hay không? Đó cũng chỉ là sự quanh quẩn kiếm ăn mà quên mất mình, tự giết mình, tự giết đi sự phát triển của mỹ thuật nước nhà.

Trong nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng, để đề cao hay thể hiện được bản sắc thì vẫn có nhiều cách để tính “dân tộc” xuất hiện trên tác phẩm nghệ thuật mà không bị coi là bê nguyên xi những motip dân tộc vào tranh, trong đó cái mình cảm nhận, thẩm thấu từ đời này qua đời khác và bản chất con người làm nên tác phẩm, đương nhiên bản chất con người nghệ sỹ đó phải có tâm hồn của một dân tộc, vùng miền nào đó. Nếu làm được vậy và làm đúng như vậy thì tự nhiên trong tác phẩm có tính dân tộc, không gượng ép, không câu nệ, không vô duyên. Dân tộc là cái gì đó có sự kế thừa nhưng không phải cứ hiện ra với những hình hài bất động từ đời nào của dân tộc, cũng không phải bằng cách vẽ bẹt, ước lệ, hay cái hóm hỉnh (chẳng lẽ dân tộc ta chỉ có hóm hỉnh mà không có trí tuệ?). Mà “Bản sắc văn hóa dân tộc” phải được rút ra như những bài học về phép ứng xử giữa con người và tự nhiên để tạo nên cái nhìn năng động cho thời đại chúng ta. Bởi vậy, dân tộc có thể là một hình thức mà ở đó có thể nhìn qua chúng ta sẽ chẳng thấy nó ăn nhập gì với dân tộc nhưng lại chứa đựng sự sâu sắc, mới lạ. Nói chung có rất nhiều cách, nhiều hình thức, kiểu thức để thể hiện tính dân tộc trên tác phẩm, điều quan trọng là chúng ta có hiểu và thấm nhuần nó hay không? Từ những ý đã nêu và từ những thể hiện của họa sỹ ngày nay tôi cho rằng vào thời điểm này hầu hết họa sỹ thực sự không hiểu gì về dân tộc. Phần lớn đang run sợ, tự ti mình là nước nhỏ bé. Và bằng những thể hiện ngược lại, họ lại trở nên tự cao, tự đại, đổi mới mình bằng mọi giá, tiếp nhận cái mới bằng mọi giá, bên ngoài có gì, mình tiếp nhận bằng được cái đó để rồi coi đó như sự năng động , tiên phong...

Thực chất bản chất văn hóa Việt là nền văn hóa “không biết chối từ” mọi yếu tố nội sinh, ngoại sinh. Tuy rằng nó đa dạng và có bề dày nhưng nó lại thiếu cái cốt lõi. Nhưng nói vậy không có nghĩa là ta không có “Bản sắc”. “Bản sắc’ của ta chính là cách thức tổ chức, tiếp thu các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Chỉ có điều, bản chất văn hóa Việt Nam từ lâu đời vẫn là văn hóa thuần nông nên sự hiền lành, đôn hậu luôn tiềm ẩn nhưng cũng từ đó nên suốt bao nhiêu thế kỷ vẫn tồn tại một cách âm ỉ, dai dẳng, thế nên cơ chế tiếp thu văn hóa của ta vừa hẹp hòi lại vừa manh mún, tùy tiện và thiếu tính hệ thống. Ngoài ra, cùng với các chế độ cai trị trong lịch sử, đời nào cũng có chính sách bế quan tỏa cảng, ít giao lưu, ít tiếp nhận cái mới từ bên ngoài nên dẫn đến lạc hậu về văn minh, nghèo nàn về văn hóa. Ngày nay, cùng với sự mở cửa, giao lưu kinh tế, giao lưu văn hóa mạnh mẽ, sự tiếp nhận cái mới từ bên ngoài một cách ồ ạt không chọn lọc khiến cho không tránh khỏi sự ô hợp, sự bắt chước vụng về, bất chấp chuyện có hợp hay không, bất chấp chuyện kệch cỡm, phô trương, lòe loẹt, rực rỡ bề ngoài mà trống rỗng về nội dung tư tưởng..

Khi đất nước mở cửa năm 1986 rồi hội nhập WTO năm 2007, cánh cửa giao lưu càng rộng mở, chúng ta thỏa sức giao lưu, học hỏi, ví như chúng ta là con cá ở trong ao được bơi ra biển lớn, thấy muôn ngàn hoa khoe sắc, cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ trong khi mình không có nên sự choáng ngợp đã bao vây lấy chúng ta, “biết nhiều thì thấy quen, biết ít thì thấy lạ”. Vì vậy, con cá khi bơi ra biển lớn mới biết rằng “mình chẳng biết gì cả”, “mình chẳng có gì cả” nên thấy rác rưởi cũng nghĩ là của quý, thấy phế liệu cũng tưởng là hiện đại, rồi vội vàng vơ về một mớ ô hợp và coi như thời thượng, điều này đã được phát triển ồ ạt trong mỹ thuật, từ các nghệ sỹ trẻ như sắp đặt, trình diễn... tất nhiên mặt tốt của các nghệ thuật này cũng không phải không có, nhưng điều đáng trách nhất đó là họ mang nghệ thuật này về mà không biết đến nguồn gốc, xuất xứ, không hiểu tí gì về nó, Đã thế, các họa sỹ khi giao lưu, tiếp xúc chỉ biết so sánh thân phận mình là nước nhỏ bé mà tỏ ra sợ sệt, đến mình không thấy thì làm sao có thể tìm thấy mình? Mấy ông đi Pháp về thì bảo Pháp là nhất, đi Mỹ về thì vỗ đùi đen đét bảo Mỹ hay, đi Nhật về lại bảo Nhật giỏi, đi Trung Quốc về lại khen Trung Quốc vĩ đại... đúng là “Tây muôn năm, Tàu muôn năm”, như vậy thì Việt Nam ở đâu? Bản sắc dân tộc ở đâu? Điều này thực sự khó hiểu và hình như tính tự ti rồi tự đại mới chính là căn cước của người Việt vậy. Về địa lí, đúng là Việt Nam nhỏ bé thật, nhưng suy cho cùng thì trên thế giới này còn có hàng trăm nước còn nhỏ hơn Việt Nam, văn hóa, truyền thống còn yếu hơn Việt Nam nhưng người ta vẫn ngẩng cao đầu mà phát triển, chẳng bao giờ run sợ trước bất cứ cái gì. Đó là một thắc mắc rất khó hiểu, tuy rằng chúng ta ai cũng biết bản chất văn hóa Việt là như vậy. Tại sao một nước nhỏ bé như Nhật Bản mà con người lại tự tin đến vậy? Không tự ti mình là nhỏ bé? Nước Pháp trên bản đồ thế giới cũng rất nhỏ, nước Anh cũng chỉ là hòn đảo nhỏ... Vậy tại sao và vì cái gì mà chúng ta lại như vậy? Có thể nói đó là vì văn hóa. Hãy thử so sánh Việt Nam và Nhật Bản sẽ thấy. Tại sao Nhật Bản cũng nhỏ bé như Việt Nam, cũng có một nền văn hóa tương đồng, tài nguyên của họ không nhiều như Việt Nam mà họ lại đứng hàng đầu thế giới về mọi mặt? Trong khi Việt Nam lại không làm được điều đó? Lẽ ra chúng ta cũng phải có sự phát triển tương đương chứ? Lý giải cho điều này thì có nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân tiên quyết quyết định đẳng cấp của Việt Nam và Nhật Bản về mặt văn hóa, đó là: Nhật Bản có một tinh thần “Võ sỹ đạo” trong hầu hết các vấn đề, đó chính là tinh thần “dấn thân” mà chúng ta không có được, cái chúng ta có chỉ là sự thuần phác, hiền lành, đôn hậu của văn hóa nông nghiệp. Ngoài ra, người Việt Nam có câu “phép vua thua lệ làng” câu nói này vừa kìm hãm sự phát triển văn hóa, vừa bảo vệ văn hóa dẫn đến khép mình trước những thứ văn hóa khác.

 

 

-------------------

Các bài đối thoại khác về mỹ thuật:

04.04.2009
[MỸ THUẬT] ... Thế thì cũng giống như tôi cảm nhận: Làm gì có Hát ở đây, vậy tại sao triển lãm của Đinh Quân lại có tên là HÁT TRÊN CÁNH ĐỒNG XANH? Và nhà phê bình Phan Cẩm Thượng chỉ ra là những ý tưởng của E. Munch với ngôn ngữ biểu hiện đã gợi ý cho hoạ sĩ vài điều..., không nói có chút dính dấp bóng dáng gì “giống Tàu” ở đây. Thế mà tôi và nhiều người khác lại cảm thấy rằng “giống Tàu” hơn... (...)
 
02.04.2009
[MỸ THUẬT] ... Đinh Quân đã dấn thân vào một nghiệp chướng, mà có thể từ nay, nó làm cuộc sống của anh không còn cân bằng nữa. Nó đòi hỏi họa sỹ cần đi tiếp, đi rất xa, không có điểm dừng, ngôn ngữ cũng cần phát triển cùng với ý tưởng... (...)
 
26.03.2009
[MỸ THUẬT] ... Phải chăng đây là việc “lực bất tòng tâm”, hoạ sĩ Đinh Quân muốn vẽ các nhân vật đang hát, ca thanh bình đợi mưa... nhưng không thể hiện được nên mới ra nông nỗi mọi người lại hình dung thành việc khác? Còn nếu hoạ sĩ thực muốn vẽ đám đông kia có tâm trạng bầy đàn, kêu đòi... mà lại vẫn đặt tên là HÁT TRÊN CÁNH ĐỒNG XANH (quá lãng mạn) thì rõ ràng Đinh Quân đã làm nghệ thuật nước đôi. Chiều lòng được nhà chức trách về cái tên và hình thức thì chiều được một dạng thị hiếu nào đó. Quá giỏi cả đôi đường... (...)
 
19.12.2008
[MỸ THUẬT] Lần này, tranh và thơ — Welcome To Vietnam & “Gửi Marilyn Monroe” — đều xuất sắc, nhờ cảm xúc thật và cách sử dụng hình ảnh Marilyn Monroe (Việt hoá/Marilyn hoá/thi hoá) thích hợp với bối cảnh Việt Nam đương thời, đang tha hoá du lịch (trơ trẽn ngụy tạo, “duyên dáng” hoá văn hoá “cổ truyền”) để câu khách trong ngoài... (...)
 
18.12.2008
[MỸ THUẬT] Nhân đọc bản dịch “Ca thi cho Marilyn Monroe” của Yòrgos Chronas do dịch giả Nguyễn Đăng Thường chuyển ngữ rất tuyệt đăng trên Tiền Vệ, lại mới được xem loạt tranh của hoạ sĩ Lê Quảng Hà với hình ảnh Marilyn Monroe quen thuộc, nhận thấy giữa thi nhân, họa sĩ, dịch giả (và có thể, cả người đẹp) dường như có rất nhiều đồng cảm, tôi mới cảm tác viết nên bài “Gửi Marilyn Monroe”... (...)
 
13.12.2008
[MỸ THUẬT] Việc sử dụng lại hình ảnh Mona Lisa và Marilyn Monroe nhưng bị xấu xí hoá trong hội hoạ “dấn thân/tố cáo” của Lê Quang Hà, theo thiển nghĩ của tôi, là không thích hợp và không thú vị tí nào cả. Tại sao Mona và Marilyn? Họ đã làm gì nên tội để bị hoạ sĩ Lê Quang Hà lôi ra bêu rếu, làm biểu trưng cho Tội Ác?... (...)
Ở Việt Nam, trong giới văn nghệ sĩ, những người may mắn nhất có lẽ là hoạ sĩ. May mắn vì, trước hết, họ ít bị chính quyền chú ý... May mắn hơn nữa là, trong khi chính quyền làm lơ thì giới thương mại lại chú ý... (...)
 
11.12.2008
[MỸ THUẬT] ... Cũng tái sử dụng hình ảnh nàng Mona Lisa một thời được coi là tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật thời Phục Hưng với những “tiêu chuẩn vàng” về mỹ (thuật/học), với một cái nhìn đầy hóm hỉnh và thủ pháp biếm hoá tinh tế, hoạ sĩ Lê Quảng Hà đã khoác lên mình nàng Lisa mới bộ y phục có tên gọi “đại cán” của thời quân sự hoá... (...)
 
08.12.2008
[MỸ THUẬT] ... Giả sử Leonardo da Vinci sống lại vào năm 1919 và nhìn thấy bức L.H.O.O.Q. của Marcel Duchamp, chắc hẳn ông phải té ngửa ra vì bị sốc!... (...)
 
04.12.2008
[MỸ THUẬT] ... Nếu thông điệp ấy là lời báo động về một đời sống bị cơ giới hoá, bị tràn ngập bởi máy móc, thì thông điệp ấy không có gì mới mẻ... Tôi đoán Lê Quảng Hà muốn đưa ra một thứ thông điệp khác... (...)
 
[MỸ THUẬT] ... Vẽ là nhu cầu bộc lộ tâm trạng của hoạ sĩ và đó là sáng tạo tự do, không thể đóng khung mọi hành động sáng tạo vào một “khuôn khổ” chung nào đó. (Dù rằng hành động đó chỉ có thiện ý vì cái đẹp đi chăng nữa). Bởi nếu thế thì chỉ cần các “Chính ủy” chỉ đạo là đủ, cần gì đến suy nghĩ của các nghệ sĩ nữa... (...)
 
02.12.2008
[MỸ THUẬT] ... Cái đẹp là một khái niệm mở, tạo ra những vẻ đẹp biến hoá không ngừng trong nghệ thuật nói riêng và trong đời sống nói chung. Vì thế, sự bắt chước rập khuôn, tuân theo những nguyên tắc của người đi trước để làm công việc sáng tạo và thẩm định giá trị tác phẩm hôm nay, là dấu hiệu tiêu vong của nghệ thuật... (...)
 
[MỸ THUẬT] Để góp tư liệu cho cuộc đối thoại về Triển Lãm “MÁY” của Lê Quảng Hà, anh Phạm Long từ Hà Nội đã gửi đến Tiền Vệ một số ảnh do anh chụp được ngay tại Viện Geothe trong ngày khai mạc cuộc triển lãm (24.10.2008)... (...)
 
01.12.2008
[MỸ THUẬT] ... “Người khác”, và cả “chính mình” trong tranh anh, đều trở thành những hình nhân dị dạng, ma quái, nhiều khi mang dáng dấp dã thú, với những cái nhìn đau đáu, xỉa xói hay đanh lạnh, tồn tại bên nhau, nhiều khi kết dính vào nhau nhưng mỗi người vẫn là một cõi tách biệt, nặng trịch... (...)
 
30.11.2008
[MỸ THUẬT] ... Người mẫu của ông phần lớn đều xấu, da thịt bèo nhèo, không có vẻ gì quyến rũ cả. Thế nhưng tranh của ông vẫn đẹp... (...)
 
29.11.2008
[MỸ THUẬT] ... Chỉ căn cứ vào lập luận chung chung của Lê Thiết Cương trong bài “Mèo trông nhà”, tôi có cảm tưởng quan điểm thẩm mỹ của Lê Thiết Cương vừa lạc hậu vừa ngây thơ... (...)
 
28.11.2008
[MỸ THUẬT] ... Trong khi Cương có thể mãn nguyện với sự mất tự do của mình trong cái lồng son với những nguyên tắc, thì Cương lại đi trách cứ những người khao khát bầu trời sao không vào lồng để chia sẻ cùng anh sự tẻ nhạt đó... (...)
 
[MỸ THUẬT] ... Vẽ tranh nhưng tâm hồn anh vẫn đang lơ mơ cùng sắp đặt. Hà giống như một anh chàng trong chuyện cổ ra chợ mua một con mèo thật to khoẻ về để một công đôi việc vừa bắt chuột, vừa... trông nhà... (...)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021