tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Câu hỏi về nhạc enka  [đối thoại]

 

Tò mò về enka, tôi tìm đọc thử một vài tài liệu về nhạc này (DJ Clae, “Enka, Suffering and Nostalgia for an Imagined Past” [http://j-fan.com/edit.cgi?selected=enka]; “Enka” [http://wapedia.mobi/en/Enka]).

Theo như mô tả thì modern enka là loại ca khúc tình cảm, bắt đầu có từ thập niên 1950s và thịnh hành nhất vào những thập niên 1960s-1970s. Đó là loại ca khúc phổ thông (không phải cổ điển hay jazz) chính của Nhật vào thời ấy. Sau thập niên 1980s thì bớt thịnh hành, nhường chỗ cho nhạc pop của giới trẻ (Jpop). Tuy nhiên, vẫn thịnh hành trong giới lớn tuổi và một số thính giả trẻ. Lời enka thường nhiều tình cảm hoài niệm, nhạc thường chậm rãi chứ không nhanh như nhạc trẻ sau này.

Vậy bảo enka“nhạc sến” thì sai – thực ra, nó tương đương với ca khúc tình cảm tân nhạc phổ thông của Việt Nam thời tiền chiến và của miền Nam trước 75, mà sau này bị gọi là “nhạc vàng” (tôi thích dùng chữ này theo nghĩa “dĩ vãng vàng son” để tả sự hoài niệm – nó đỡ dài dòng hơn “nhạc tiền chiến và miền Nam trước 75”). Như nhạc của Đặng Thế Phong, Văn Cao, Phạm Duy và... Trịnh Công Sơn. Và tất cả các nhạc sĩ tình ca nổi tiếng khác thời đó. Chắc chắn nhạc TCS không thể gọi là dân ca, nhi đồng ca, nhạc tôn giáo, jazz (tuy có thể chơi theo kiểu jazz) hay cổ điển (dù là cổ điển Tây phương hay Á đông), là những loại nhạc quan trọng khác ở Nhật thời đó. Vậy nhạc TCS được ca sĩ enka hát là chuyện đương nhiên. Không ai bảo nhạc phổ thông của Việt Nam là “sang cả”. Thực ra, áp dụng những chữ như “sang cả” hay “sến” cho cả một loại nhạc (thay vì cho một bản nhạc nào đó) là một thái độ snob.

Gần đây, enka lùi bước và nhạc trẻ kích động (pop, rock, hiphop...) thịnh hành hơn nhờ giới trẻ có tiền và “chịu chơi” mua đĩa nhiều hơn. Nhạc enka chỉ còn được ưa thích nhất ở giới có tuổi và trong những cộng đồng hải ngoại. Nếu thay chữ “enka” bằng chữ “nhạc vàng” hay “nhạc tiền chiến và nhạc miền Nam trước 75” thì tình trạng này cũng y hệt trong âm nhạc Việt Nam.

Mong những người am hiểu về nhạc Nhật cho biết thêm về loại nhạc này.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

14.04.2009
[ÂM NHẠC] ... Vậy mà bây giờ ở Việt Nam lại nổi lên cái huyền thoại bài “Thiên thai” của Văn Cao bay vào vũ trụ! Oan cho Văn Cao, ông mất đi rồi thì mặc tình mà đám văn công bồi bút ra sức bơm ông lên để rêu rao cái đường lối “Chân dép lốp bay vào vũ trụ”!... (...)
 
13.04.2009
[ÂM NHẠC] ... Định tiếp tục giải hoặc Trịnh Công Sơn, nhưng lại thấy có mấy lời góp ý của ông Nguyễn Đình Đăng, nên tôi phải dành thì giờ để đáp lời. Trước hết, tôi xin cảm ơn ông Nguyễn Đình Đăng đã góp ý. Nhưng cũng xin nói ngay, những điều ông góp ý thì cũng chẳng cứu vớt gì được cái huyền thoại giả mà tôi đã phân tích trong “Giải hoặc Trịnh Công Sơn [kỳ 1]”... (...)
 
12.04.2009
[ÂM NHẠC] ... Bản dịch “Diễm xưa” ra tiếng Nhật là do người Nhật thực hiện. Đây chỉ là phổ lời Nhật cho phù hợp với nhạc chứ không phải là bản dịch nguyên văn. Lời Nhật này được Khánh Ly hát lần đầu tiên tại Nhật năm 1970 tại hội chợ Osaka. Sau đó bài hát được phát vào năm 1978 trong một TV drama của đài NHK... (...)
 
10.04.2009
[ÂM NHẠC] ... Những thứ huyền thoại này, một phần do chính Trịnh Công Sơn bịa ra, một phần do những người khác bịa ra vì những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, chúng lại có tác dụng rất hữu hiệu đến tâm lý đám đông lười suy luận, và khi một chuyện bịa đặt được trang trọng lặp đi lặp lại trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì “lộng giả thành chơn”, nó sẽ được đại chúng tin là hoàn toàn có thật... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021