tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Trao đổi cùng Hà Thanh Thuỷ xung quanh bài viết của Lữ  [đối thoại]

 

1. Về thể loại:

Tôi không biết trường hợp của bài thơ “An essay on Criticism” là ngoại lệ hay phổ biến, vì theo hiểu biết của tôi, cho đến bây giờ, vẫn khó tìm ra thêm những trường hợp tương tự. Tuy nhiên, tôi vẫn đồng ý rằng, một người viết có quyền dùng bất cứ thể loại nào mình muốn để viết về bất cứ thứ gì mình thích. Nhưng dù sao, việc dùng một chiếc xe Mercedes để đi cày ruộng sẽ không thể hiệu quả như dùng một chiếc xe máy cày chuyên dụng.

Bài viết của Lữ, theo tôi, trước hết phải được gọi chính xác là tuỳ bút, dù nó chuyên chở những ý tưởng về một cách thưởng ngoạn văn chương và vai trò của nhà phê bình văn chương. Một tác phẩm phê bình đòi hỏi những tiêu chuẩn khác mà một tuỳ bút chẳng cần phải tuân theo. Ví dụ như sự chặt chẽ và logic trong lập luận, dẫn chứng xác đáng và chính xác... Nói chung, một văn bản phê bình phải mang “tính chất khoa học cao”. Nên ở đây, việc xem bài tuỳ bút đầy chất “bảng lảng” của Lữ như là một văn bản phê bình để rồi đòi hỏi ở nó các tiêu chuẩn như một bài phê bình ... thì thật là không công bằng cho tác giả.

 

2. Về bài viết của Phan Quỳnh Trâm :

Chủ ý bài viết của Lữ là nói về một cách thưởng ngoạn văn chương đi từ những trải nghiệm trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Tác giả coi cuộc sống thực là nền tảng cho sự sáng tạo văn chương, và cũng là nền tảng cho sự thưởng ngoạn văn chương. Vì các trải nghiệm trong cuộc sống mỗi người mỗi khác nên không thể lấy cái trải nghiệm của người này làm chuẩn mực tuyệt đối cho người khác được. Vì vậy, nhận thức cái hay cái đẹp của văn chương của người này không thể nào là chuẩn mực tuyệt đối cho người khác, kể cả đó là cách thưởng ngoạn của nhà phê bình.

Liên quan đến bài viết của Lữ, có hai từ cần phải được hiểu cho rõ:

- Khiêm tốn: theo từ điển tiếng Việt định nghĩa là: “ Có ý thức và thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người”.

- Bắt chước: “Làm theo kiểu của người khác một cách máy móc”.

Và đây là cách hiểu của Phan Quỳnh Trâm:

“Nếu đúng theo Lữ nói, chức năng của nhà phê bình (chỉ) là trình bày cho người đọc cách đọc tác phẩm văn học của mình, mà người đọc, cũng theo Lữ, lại không nên, không thể bắt chước cách đọc đó thì chúng ta tự hỏi: Vậy các nhà phê bình tồn tại để làm gì nhỉ? Tại sao chúng ta lại đọc các nhà phê bình?”

Theo cách hiểu này thì nhà phê bình tồn tại là để cho người khác “bắt chước”, và chúng ta đọc nhà phê bình là để “bắt chước”?

Tuy nhiên, tôi cũng thừa nhận rằng bài viết của Lữ có vài chỗ hơi “lủng củng” trong cách diễn đạt, như đoạn Phan Quỳnh Trâm đã trích dẫn và đã đưa ra kết luận là “người ta không cần văn chương”. Nhưng như tôi đã nói trong ý kiến trước đó, nếu tiếp cận toàn diện bài viết thì có thể bỏ qua được lỗi trên.

Còn về ý tưởng “nhà phê bình nên khiêm tốn” thì không thể hiểu là “không cần nhà phê bình”. Khiêm tốn, có nghĩa là vai trò của nhà phê bình không nên ở vị trí quyết định tuyệt đối về cách thưởng ngoạn cái hay cái đẹp của một tác phẩm văn chương. Vị trí của nhà phê bình, ở đoạn diễn giải lý thuyết văn học Aristotle trong bài viết của Phan Quỳnh Trâm, theo tôi là phù hợp nhất cho “vị trí khiêm tốn” của nhà phê bình:

“Ngược lại, xuất phát từ lý thuyết văn học của Aristotle, từ trước đến nay nhiều người tin là một nhà phê bình lớn sẽ gây cảm hứng cho một nền văn học lớn. Nếu không, ít nhất họ cũng gây cảm hứng cho người đọc để họ đến với nền văn học ấy.”

Một nhà phê bình giỏi có thể khiến cho người khác quan tâm đến một tác phẩm nào đó. Nhưng khi người đó đọc tác phẩm được nhà phê bình giới thiệu, người đó nên dùng sự trải nghiệm của mình để thưởng lãm nó (trải nghiệm trong cuộc sống bao gồm nhiều thứ như: sự giáo dục, nền văn hoá, môi trường tự nhiên, xã hội... và cả việc đọc những bài viết của nhà phê bình).

Đúng như Phan Quỳnh Trâm đã nhận xét trong bài viết của mình, học cũng là bắt chước, nhưng chỉ ở giai đoạn đầu của việc học. Sự bắt chước là tối cần thiết khi chưa trưởng thành. Một người đã trưởng thành phải tự mình đưa ra được chủ kiến về những vấn đề mà mình quan tâm. Một người lúc nào cũng bắt chước thì chẳng có bao nhiêu giá trị. Và sự thưởng lãm văn chương cũng vậy, mỗi người cần phải có chủ kiến riêng. Ý kiến của nhà phê bình chỉ nên dừng ở mức “tham khảo”.

 

3. Về cách dùng đại từ nhân xưng “ông”:

Tôi sẽ không có nhận xét gì về chủ ý “châm biếm” không đúng chỗ trong ví dụ mà Hà Thanh Thuỷ đã đưa ra. Nhưng theo tôi, để có hiệu quả, Hà Thanh Thuỷ nên đưa cái cụm đại từ “ông/bà” vào thế chỗ trong bài viết của Lữ để thấy hậu quả như thế nào.

Tôi nghĩ không chỉ mình tôi mà rất nhiều người viết khác, khi gặp phải trường hợp phải dùng đại từ trung tính, cũng đều bối rối cả. Như tôi đã nói trong ý kiến trước, chỉ có cụm từ “nhà phê bình” là phù hợp nhất trong trường hợp bài viết của Lữ. Nhưng nếu dùng lặp đi lặp lại sẽ làm bài viết trở nên luộm thuộm, đó là chưa nói khó diễn đạt được khẩu khí của người viết.

Cách dùng đại từ nhân xưng “nghiêng” về giống đực để chỉ cả hai giới không thể được hiểu là “kỳ thị giới tính” như Lý Đợi đã hiểu. Cách dùng này ngày nay rất phổ biến và theo tôi nó chỉ mang tính “đại diện” cho ngắn gọn trong diễn đạt mà thôi. Ví dụ như khi đi học có câu “Kính thầy, yêu bạn”, nếu hiểu theo kiểu Lý Đợi thì chắc phải lên án sự “kỳ thị giới tính” trong môi trường giáo dục.

Cách dùng “ông/bà” như Hà Thanh Thuỷ đề nghị, ngoài các bất tiện đã nói, cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Vì “ông/bà” không thể thay thế được cho “anh/chị”, “hắn ta/cô ta”, “thằng/con”,... Còn giới phê bình có thêm một giới tính nữa là “đồng tính” như Lý Đợi đã viết, thì không biết Hà Thanh Thủy sẽ dùng cụm đại từ gì?

 

 

--------------

Bài liên hệ:

15.09.2009
[VĂN HỌC] ... Nói đúng ra, người ta có thể dùng bất cứ thể loại văn chương nào để viết ra những ý tưởng phê bình. Ví dụ như bài thơ lừng danh “An essay on Criticism” của Alexander Pope (1688-1744). Đó là một bài thơ, hiển nhiên như vậy, nhưng nó vẫn được xem như một bài nhận định mang tính phê bình văn học... (...)
 
14.09.2009
[VĂN HỌC] ... Về bài viết “Nhà phê bình: Cần phải khiêm tốn” của Lữ, tôi có vài ý kiến chung quanh các nhận định của Phan Quỳnh Trâm và Lý Đợi... (... )
 
13.09.2009
[VĂN HỌC] ... Phải chăng nhà phê bình là / và chỉ là “ông”? Tôi e là không phải. Bởi lịch sử phê bình cho thấy, có ông, có bà, và có cả giới đồng tính nữa... (... )

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021