tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Người Schwabe  [đối thoại]

 

Rất cám ơn anh Hoàng Ngọc-Tuấn đã “viết ngay bài này để hồi âm cho câu chuyện được sốt dẻo.” Đặc biệt, anh chỉ ra rằng yếu tố swabian không phải là “nhấn mạnh” mà là “như một thủ pháp để mô phỏng lối kể chuyện của trẻ con.”

Rất cám ơn anh về điểm này, vì khi đọc tác phẩm này tôi tuy thấy thú vị về thủ pháp của bà, nhưng chưa nhận ra được rõ ràng. Thấy hay nhưng không rõ tại sao... hay!

Riêng về “ý nghĩa chính trị” thì tôi vẫn ngờ rằng đó là “cảm nhận” của người đọc mà chưa chắc là “ý đồ” của nhà văn.

Nhà văn có khi chỉ là “con chim ngứa cổ hót chơi”. Thế thôi! Nhưng khi một tác phẩm ra đời, nó vuột ra khỏi tầm tay, ngòi bút của họ. Và có khi “tiếng hót” được cảm nhận nhiều chiều mà chính “con chim” cũng phải ngạc nhiên. Kẻ thì cho là nó gợi nên mùa xuân, kẻ thì nghe thấy tiếng suối, mà có kẻ bảo là... nghe nhức đầu và phê rằng nhân gian còn nhiều đau khổ cớ chi mà chim lại hót véo von!

Herta Müller viết truyện này, người Schwabe thì nhức đầu bảo là “bêu xấu dân tộc”, mà mấy anh công an văn hóa thì bảo là “xã hội ta làm gì còn cảnh đó! rõ là... phản động!”

Nguyễn Du đọc Thanh Tâm Tài Nhân, thấy hay, ngứa tay mà phóng tác ra truyện Kiều. Nào có biết các cụ đồ nho đạo mạo bảo là dâm thư còn các bác phê bình XHCN thì ca ngợi là... “chống phong kiến áp bức”!

Nhưng!

Phải chăng, cái hay của văn chương chính là chỗ đó!

Viết sao, thủ pháp ra sao để mà đa nghĩa. Đủ rộng, đủ sâu để mà thế hệ sau, tuy không còn hoàn cảnh sống như nhà văn, hiểu... cách khác mà vẫn thấy hay như thường!

Nhân thế tôi lại liên tưởng đến vấn đề muôn thủa là tại sao văn chương Việt Nam không đạt “tầm thế giới”? Phải chăng vì nhà văn viết quá “mộc”, quá “thật thà”, viết huỵch toẹt, toét toèn toẹt... có gì nói đó! Thật ơi là thật! Rút cục văn chương đó chỉ còn cách hiểu... trần xì một cách! Và cách hiểu “thật thà” đó chỉ có thể cảm nhận với người “đương thời” và “địa phương”! Ra khỏi cái “làng”, vượt khỏi thời gian, khi ký ức con người phai nhạt, văn đó không còn là gì cả mà chỉ là “chữ”!

Mỗi người có thể cảm nhận một cách.

Tôi cảm thấy tác phẩm của Herta Müller là “tự trào” bởi hoàn cảnh riêng tôi! Khoảng năm 1969, tôi có dịp sống ở Tübingen trong một gia đình người Schwabe chính hiệu. Bởi thế khi đọc tác phẩm này tôi phải chết cười vì thấy “sao mà đúng thế”!

Sáng sáng tôi ăn điểm tâm với cả gia đình thì thấy họ chỉ ăn độc một món ngày này qua ngày kia! Táo bào ra trộn lúa mạch và sữa. Thế thôi! Táo thì họ hái sau vườn và trữ trong hầm. Trái táo nhờ khí lạnh dưới hầm mà héo quắt đi nhưng không hỏng, có thể ăn suốt mấy tháng. Buổi tối, vài lát bánh mì đen với thịt nguội, phó mát, uống trà và... chỉ có thế thôi!

Tôi, một sinh viên đến từ nước chiến tranh lạc hậu, nhưng buổi sáng có thể đổi từ xôi, sang bánh cuốn, phở, hủ tíu, mì Quảng, bún bò và... không thể kể xiết, không tài nào mà hiểu nổi!

Còn việc tắm thì không khác nào Herta Müller đã tả, tài thế! Vào phòng tắm. tôi mở vòi nước và suýt chết cóng vì lạnh! Chờ mãi đến cuối tuần thì bà chủ nhà thông báo rằng: Hôm nay nấu nước nóng... cả nhà có thể tắm!

Và quả thực! Y như thế! “Tắm mát, cả nhà ngồi chờ xem chương trình truyền hình cuối tuần”!

Dĩ nhiên tuy không đến nỗi cả nhà tắm chung nước nhưng có thể nói là Herta Müller tả thực tuyệt vời!

Và đó là cách sống người Schwabe vào năm 1969 khi nước Đức đã thuộc loại giàu nhất thế giới và... Vùng Schwaben cũng là quê hương của chiếc xe làm cho “đại gia” toàn thế giới mê mẩn.

Mercedes!

 

 

--------------

Bài liên hệ:

18.10.2009
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Văn chương thì quả là “đa nghĩa”, nhưng trong truyện ngắn “Das Schwäbische Bad” thì ý nghĩa “chính trị” là điều không thể chối cãi. Ý nghĩa đó chính là cái thông điệp của truyện. Vì thế, điều này đã khiến Công An Mật của Romania phải “lưu tâm”!... (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Văn chương quả là “đa nghĩa”. Mỗi người đọc có thể cảm nhận một ý nghĩa trong đó. Đối với Hoàng Ngọc-Tuấn, ông cảm nhận “Das Schwäbische Bad” mang một “ý nghĩa chính trị” là phê phán cộng sản... Theo cảm nhận của tôi thì đây chỉ là một tác phẩm tự trào của Herta Müller về chính dân tộc mình, chính cộng đồng người Schwabe mà chính bà là thành viên... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021