tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Trả lời Léon Nguyễn  [đối thoại]

 

Cảm ơn bạn Léon Nguyễn (xin xưng hô như thế cho thân thiện) đã hồi âm nhiệt thành và góp vài ý kiến phê phán sau khi đọc lời giới thiệu và bản dịch “Mô hình trí thức Pháp” của tôi. Tôi sẽ lần lượt giải đáp các ý kiến ấy. Khi khác tôi sẽ vắn tắt hơn, nhưng lúc này năm tàn tháng chết chẳng biết làm gì... (champagne với sauterne uống mãi cũng chán!). Được dịp thong thả trò chuyện với bạn, tôi xin nhân tiện cung cấp thêm cho độc giả Tiền Vệ nói chung một vài thông tin có thể giúp ích cho việc tiếp nhận tài liệu nói trên.

 

I. FAILING GRADES

A. Léon Nguyễn không đồng ý với cách tôi giới thiệu Le Débat như là một “tạp chí văn hóa - tư tưởng hàng đầu” ở Pháp. Theo cách hiểu của bạn thì phải gọi là “tạp chí lịch sử - chính trị - xã hội”. Ở đây tôi có chút thắc mắc; bạn đã chịu khó vào mạng http://www.gallimard.fr/ để trích dẫn đoạn nguyên văn tóm lược phương châm và chủ trương của Le Débat vào lúc sáng lập tạp chí như sau:

Pour qui avait, au début des années 80, le sentiment aigu d’un monde à tous égards nouveau, la tâche était claire: lutter sur les deux fronts, contre la réduction médiatique d’un côté, la spécialisation universitaire de l’autre;maintenir un espace de discussion publique;défendre et illustrer un travail intellectuel de réflexion et de critique. Ce travail, nous l’avons distribué autour de trois axes: histoire,politique, société.
 
Vào đầu những năm 80, với những ai có cảm quan nhức nhối về một thế giới mới về mọi mặt, rõ ràng việc phải làm là: đấu tranh trên hai chiến tuyến, một mặt chống lại sự lược giản của các media, mặt khác chống lại sự chuyên môn hóa ở đại học;duy trì một không gian nghị luận công cộng; bảo vệ và minh chứng cho công việc suy tư và phê phán của trí tuệ. Chúng tôi phân chia công việc này quanh ba trục: lịch sử, chính trị, xã hội. (Chân Phương tạm dịch)

nhưng tại sao bạn chỉ căn cứ vào ba chữ sau cùng là lịch sử, chính trị, xã hội để xét đoán một cách quả quyết về tạp chí này (chẳng lẽ Léon Nguyễn không biết rằng tách vài chữ khỏi ngữ cảnh là ám sát nội dung?). Nếu chịu khó đọc đi đọc lại mấy dòng cô đọng và mang tính tuyên ngôn của hai người sáng lập tạp chí (nhà sử học Pierre Nora và nhà triết học chính trị Marcel Gauchet), bạn sẽ dễ nhận ra bức tranh toàn cảnh để hiểu đúng nhiệm vụ chiến lược của tạp chí này là dựa vào việc phân tích, nhận định các vấn đề của lịch sử, chính trị, xã hội để duy trì một không gian nghị luận công cộng; bảo vệ và minh chứng cho công việc suy tư và phê phán của trí tuệ (Chân Phương nhấn mạnh). Với những người đọc và hiểu tiếng Pháp hay tiếng Việt, đoạn văn này là cơ sở ngữ nghĩa để cho chúng ta có thể diễn giải rằng Le Débat là một tạp chí văn hóa - tư tưởng thuộc loại revue générale như Esprit, Europe, Les Temps Modernes... bên cạnh các chuyên san (revue savante) như Les Annales (sử học), Philosophie Politique (chính trị học), Actes de la Recherche en Sciences Sociales (khoa học xã hội), v.v... chỉ dành cho giới nghiên cứu hàn lâm.

Mặt khác cách đánh giá trên đây của tôi còn dựa vào kinh nghiệm thỉnh thoảng được cầm trên tay một tờ Le Débat mới những lúc ghé Paris. Đang nằm trên bàn viết khi tôi gõ mấy dòng chữ này là tờ báo mang số 160 (th. 5-8, 2010) “Continuer Le Débat”, đặc biệt kỷ niệm 30 năm có mặt của tạp chí với một câu như sau trong lời mở đầu:

Dans une société qui se comprend de moins en moins elle-même et se consacre moins à la réflexion qu’à la communication, il est impérative que subsistent des lieux consacrés à la communication de la réflexion.
 
Trong một xã hội càng ngày càng ít hiểu biết về chính nó, [một xã hội] chú trọng vào việc truyền thông nhiều hơn là vào sự suy tư, điều tiên quyết là giữ không để cho suy vong các mảnh đất dành riêng cho việc truyền đạt suy tư. (Chân Phương nhấn mạnh)

như một tôn chỉ xuyên suốt của Le Débat trong ba thập niên qua.

Với những người sinh sống bên Pháp và có thói quen đọc sách báo, những điều tôi giải bày trên đây chắc chắn sẽ khiến nhiều vị ngáp dài. Nhưng có thể với các độc giả ở Úc, Mỹ, Việt Nam..., những thông tin trong bài phản hồi này sẽ không thừa. Le Débat cùng với tờ NRF (Nouvelle Revue Francaise, André Gide là một trong những vị sáng lập vào năm 1908) hiện nay là hai trụ cột trong làng báo văn hóa-văn nghệ Pháp, do nhà GALLIMARD bảo trợ và phát hành. Nhắc đến Gallimard thì không cần quảng cáo dài dòng; trong các thiết chế làm ra các giá trị văn hóa ở Pháp nó có thể sánh vai với Académie Francaise (Hàn Lâm Viện Pháp) hoặc viện bảo tàng Louvre. Tổ hợp văn hóa và xuất bản này từ hơn thế kỷ qua là nơi tuyển chọn và giới thiệu tài năng của Paris ra khắp thế giới. Mời bạn đọc Tiền Vệ nào có thời giờ và thích tra cứu ghé website Le Débat bấm vào hai tiểu mục Auteurs hoặc Thèmes để có một khái niệm sơ khởi về sự nghiệp của tạp chí này trong ba mươi năm qua đối với đời sống trí thức, không riêng gì ở Pháp. Chính nhờ vào uy tín và sự đóng góp ấy mà tạp chí này vừa rồi đã tổ chức được cuộc điều tra trong giới trí thức hàn lâm Pháp về tương lai trí thức của đất nước này. Đồng thời cuộc điều tra này cũng biểu hiện phương châm bám sát các thăng trầm lịch sử - xã hội để có thể thường xuyên cập nhật các hoạt động trí thức với thời sự luôn biến động. Đó là lý do khiến tôi quan tâm đến những tiếng nói xuất hiện trên Le Débat.

 

B. Bây giờ chúng ta trở lại với Vincent Descombes, tác giả bài nhận định về “Mô hình trí thức Pháp”, người đã bị Léon Nguyễn gán cho cái tội có tư tưởng xã hội chủ nghĩa vì

... Ông Vincent Descombes còn là một người Marxist và là thành viên của nhóm “Socialisme ou Barbarie”. Một người ở thế kỷ này mà còn theo Marxism, còn mơ màng về chủ nghĩa xã hội như ông Vincent Descombes thì “bất mãn” và “không có cảm tình lắm” đối với tư tưởng hậu-cấu trúc và hậu-hiện đại là chuyện dĩ nhiên.

Nếu Léon Nguyễn đã lấy thông tin này từ http://en.wikipedia.org/wiki/Vincent_Descombes để suy luận và chú ý đến động từ was (thời quá khứ của to be) trong câu văn “Vincent Descombes was a member of the French Marxist group Socialisme ou Barbarie” thì sẽ thấy là sự diễn giải thiếu thận trọng của bạn đã đi quá xa. Vincent Descombes sinh năm 1943, nhóm S. ou B. (“Socialisme ou Barbarie”) chủ trương tờ tạp chí cùng tên từ 1949 và giải tán năm 1965; như vậy Vincent Descombes chỉ có thể tham gia nhóm này vào thời còn là sinh viên khoảng hai mươi tuổi. Năm nay khi viết bài “Mô hình trí thức Pháp” ông đã 67 tuổi. Bao nhiêu nước đã chảy dưới cầu, không lẽ Vincent Descombes vẫn tiếp tục hành động và suy nghĩ như chàng sinh viên thiên tả non dạ còn nhiều lý tưởng tranh đấu xã hội! (Cách suy diễn thiếu cơ sở của Léon Nguyễn làm tôi nhớ lại những trận đánh dư luận nhắm vào Barack Obama do một số trí thức cánh hữu ở Mỹ tiến hành trên các diễn đàn từ khi ông này chiếm được cái ghế tổng thống; họ đã lôi cả quá khứ cha ông có gốc Hồi giáo bên Kenya và những cảm tình chính trị với các liên hệ cùng vài nhóm tả khuynh thời trai trẻ của ông ở Hawaii và Chicago nhằm vu khống và tấn công nhân cách của vị lãnh tụ da đen này. Có thể đọc thử Jerome Corsi, The Obama Nation, để thấy là những trò cáo buộc mạ lỵ giữa người Việt Nam với nhau chẳng thấm vào đâu!).

Tiện đây tôi xin nói thêm đôi điều về nhóm S. ou B., một tổ chức đấu tranh chính trị và lý luận của một nhánh tả phái trốt kít ly khai do Castoriadis và Claude Lefort cầm đầu.Họ chống lại sự toàn trị và ý hệ kiểu Stalin với các đảng cộng sản lớn ở Pháp, Ý... thời đó là đồng minh. Trong cái lò cừ tư tưởng ấy, nhiều nhân vật trí thức Pháp đã có dịp văn ôn võ luyện để sau này lập nên kỳ tích trong đời sống văn hóa từ Pháp lan ra thế giới; chẳng hạn Guy Debord — lý thuyết gia của phái Situationiste, hay là Jean-Francois Lyotard — một tiên chỉ khá quen thuộc của chủ nghĩa hậu-hiện đại. Cũng không cần phải nêu tên các ông tổ lý luận khác của hậu-cấu trúc như Barthes, Foucault, Baudrillard, Deleuze,... thời trẻ đều là những nhà mácxít hoặc là đảng viên của Parti Communiste Francais. (Vòng vo như thế để Léon Nguyễn hiểu thêm là chẳng phải vì một lần lỡ tham gia với đám S ou B hoặc các nhóm phái mácxít nào khác là sẽ không còn có thể “bước qua lời nguyền”, chỉ còn chờ chết may ra mới được đầu thai làm lại kiếp khác!). Theo tôi, chính cái thời tham gia với nhóm S.ou B. đã cho Vincent Descombes cơ hội đụng độ với đủ loại tư tưởng chính trị hay triết học của Paris và chuẩn bị cho ông mớ hành trang trí thức để có thể bắt đầu cuộc hành trình dài vào thế giới hàn lâm, nhờ đó khoảng hơn chục năm sau lúc 35 tuổi ông có đủ thẩm quyền để biên soạn tác phẩm về lịch sử triết học hiện đại Pháp. (Bản dịch Anh ngữ, Modern French Philosophy, 1979, là chính nhà xuất bản của đại học Cambridge University đặt hàng” trước với tác giả). Từ đó Vincent Descombes đã trước tác nhiều khảo luận triết học khác có tiếng vang trong giới hàn lâm Âu-Mỹ, một số được dịch sang tiếng Anh như Objects of all Sorts, John Hopkins UP, 1986; The Barometer of Modern Reason, Oxford UP, 1993...

Những độc giả nào chịu khó theo dõi cuộc đối thoại giữa chúng tôi đến giờ phút này có lẽ đã thấy rõ ràng: Trong bài hồi âm ngắn nhằm phản bác lời giới thiệu và chú thích về Vincent Descombes của dịch giả, Léon Nguyễn đã phạm hai lỗi diễn giải (error of interpretation) quan trọng mà tôi vừa phân tích ở hai đoạn A và B trên đây. Nếu bạn mang bài viết có tính bút chiến này đi dự thi chắc là sẽ bị ban giám khảo đánh rơi! Và mọi người có thể tan hàng về nhà lo chuyện chợ búa, tiệc tùng cuối năm...

 

II. HORS-TEXTE

C. Riêng tôi còn phải nán lại để kết thúc cuộc đối thoại vì Léon Nguyễn đã có công tra cứu và dẫn chứng một tài liệu hàn lâm ít nhiều có tính thuyết phục liên quan đến Vincent Descombes trong một cuộc hội thảo triết học do Forum for European Philosophy tổ chức vào đầu năm 2003 về quyển khảo luận của ông, The Mind’s Provisions: A Critique of Cognitivism, được S. A. Schwartz dịch sang Anh ngữ và đại học Princeton xuất bản, năm 2001 (http://web.mac.com/cranetim/Tims_website/Book_reviews_files/Descombes%20review.)

Dù chỉ là những người đọc tài tử trước những vấn đề triết học hóc búa (too technical!), chúng ta có thể đồng ý với nhau về những điều bất cập hoặc mơ hồ trong một số luận điểm căn bản của Vincent Descombes về tri thức luận mà Tim Crane đã phân tích và phê phán khá chi tiết. Triết học về cảm quan và nhận thức của phương Tây(epistemology, philosophy of the mind) là vùng đất của các cao thủ triết gia đã tranh cãi với nhau từ thời cổ đại, và còn tiếp tục luận chiến dài dài vì đâu có vị nào sẽ nắm được chìa khoá chân lý trong tay! Nếu Platon hay Aristốt đầu thai trở lại dương gian, chắc chắn là hai tổ sư này cũng phải đi ghi danh học lại môn triết học; nói chi đến Tim Crane và Vincent Descombes!

Dù sao tôi cũng phải cảm ơn Léon Nguyễn vì bạn đã cung cấp nguồn tin học thuật giá trị trên đây. Khi nào rảnh rang tò mò tôi sẽ tìm bản gốc tiếng Pháp La Denrée Mentale của Vincent Descombes để đọc bên cạnh các bài điểm sách, nhận định khác về cuốn khảo luận này. Nhưng cho phép tôi quay về bài viết và bản dịch về “Mô hình trí thức Pháp”, đúng ra phải là trọng tâm của cuộc đối thoại này. Xin được lặp lại cho rõ ý; đây chẳng phải là một chuyên khảo triết lý mà là bài đánh giá sơ lược về tình hình sinh hoạt tư tưởng Pháp trong ba thập niên vừa qua, có thể xem như một bức tranh phác họa những nét lớn của lịch sử tư tưởng Pháp hôm nay (Vincent Descombes tương đối có thẩm quyền về mặt này vì đã từng biên khảo về lịch sử triết học hiện đại Pháp). Hơn nữa bài viết mang tính thời sự văn hóa cao vì là phần trả lời cho một cuộc điều tra trí thức Pháp năm nay. Đây cũng thêm một lý do khiến tôi dịch để giới thiệu nó cũng như tôi hy vọng sẽ có thời giờ để dịch và giới thiệu một số bài đáng đọc khác từ cuộc điều tra ấy. Hy vọng với những tài liệu đại loại, giới trí thức văn nghệ Việt Nam dần dà sẽ nhận ra các nét dị đồng trong cách tiếp cận các vấn đề văn hóa - tư tưởng hoặc lý luận - học thuật Âu-Mỹ tùy theo cương vị của ông A đang ngồi đọc sách báo giữa Quartier Latin hoặc của bà B đang biên soạn luận án ở Oxford hay New Haven...

Nhưng tại sao tôi chọn Tiền Vệ để phổ biến bài này trong khi tôi có thể đưa lên Da Màu, Đàn Chim Việt, Diễn Đàn Forum, AMVC...? Thứ nhất là vì Tiền Vệ, sau khi Talawas ngưng hoạt động, là website có trọng lượng nhất ở hải ngoại về lý luận văn học đương đại phương Tây nói chung (hai chủ biên Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn đã có nhiều nỗ lực về phương diện này ngay từ thời Tạp Chí VIỆT mà tôi từng cộng tác viết bài)”. Từ sau vụ giới thiệu Alan Kirby trên mạng tôi có dư kinh nghiệm để biết rằng những lời nhận định phê phán về chủ nghĩa hậu-cấu trúc của Vincent Descombes và những lời giới thiệu chú thích có tính phản biện của tôi sẽ đụng đến vùng “nhạy cảm” của một số người. Tôi đâu xa lạ gì với Tiền Vệ, vốn là sân chơi khuyến khích những thử nghiệm sáng tác “hậu hiện đại” Việt Nam dưới sự điều động của Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn, hai ngòi bút lý luận văn học đã tốn công giới thiệu và cổ vũ cho phong trào postmodernism. Nhưng tôi cũng đặt nhiều tin tưởng vào tinh thần tôn trọng đối thoại cũng như ý thức dân chủ trong học thuật ở hai vị chủ biên để có thể bảo đảm cho việc “tiến hành các cuộc tranh luận về văn học nghệ thuật” trên Tiền Vệ được diễn ra trong tinh thần nghị luận lành mạnh và hòa khí văn nghệ. Trong suy nghĩ của tôi, tất cả những ngòi bút Việt Nam bất luận ở đâu khi có điều kiện giao tiếp với phương Tây đều có bổn phận đóng góp vào dự án văn hóa lâu dài của dân tộc là tiếp thu có phán xét các thành tựu học thuật cũng như sáng tạo văn nghệ của họ. Khi tôi viết những trang phê bình về Tân Hình Thức Việt Nam hoặc giới thiệu vài tiếng nói Âu-Mỹ đang tranh biện với các thuyết hệ hậu-hiện đại là tôi muốn nới rộng không gian nghị luận cho nền cộng hòa văn nghệ của chúng ta — một công việc đã bị một số người hiểu lầm cho là Chân Phương bài bác, chống phá... Và đây chính là lý do thứ hai khiến tôi gửi thẳng cho Tiền Vệ bản dịch “Mô hình trí thức Pháp”, với hoài vọng là nó sẽ gây ra những tranh luận và đối thoại tích cực.

 

D. Hồi âm của Léon Nguyễn làm tôi hơi thất vọng mặc dù bạn đã có thiện chí đóng góp ý kiến. Đọc lại trang viết của bạn làm tôi nhớ lời Nam Dao phát biểu trong vụ tranh cãi nhiều ngộ nhận quanh bản dịch Alan Kirby của tôi vào đầu năm nay: “dân tộc ta hay lạc đề (bỏ qua nội dung của bài viết) mà thường thường tập trung vào cãi vã trên những điều nhậy cảm như... tính cách cá nhân được suy diễn nhanh...”. Lúc đó cá nhân tôi đã bị một vài người quy chụp bằng mấy chữ “não trạng nô lệ”, “tư duy một chiều”; nay thì được bạn tặng thêm thói “cả tin” và “ thái độ sùng bái.” Thú thật vài năm qua tôi có quan tâm đặc biệt đến một vài tên tuổi Âu-Mỹ trong đó có Vincent Descombes vì những động cơ cá nhân về mặt tinh thần và trí thức mà không phải vì “cả tin, sùng bái” các vị ấy... Nhưng thôi, tôi không thuộc loại người thích lè nhè đôi co để bênh vực cái tôi đáng ghét của mình. Vẫn thường xuất hiện như một cây bút trên các diễn đàn nghiêm túc của nền cộng hòa văn nghệ Việt Nam non trẻ, tôi có một số lượng độc giả nhất định và tôi đặt sự tin cậy vào bồi thẩm đoàn vô hình này nhiều hơn là vào dăm ba ý kiến khen chê cá lẻ, dù ngưỡng mộ theo cảm tính hay mạ lỵ khiêu khích kiểu bầy đàn. (Riêng với những người có thành tâm muốn tìm hiểu về chân dung văn nghệ hay nhân cách trí thức của tôi thì các trang mạng trên da màu, tiền vệ, ăn mày văn chương, văn chương việt,... sẽ cung cấp cho họ đủ loại tư liệu và thông tin cần thiết.) Mà đây cũng mới chỉ là một giai đoạn, một chặng đường trong hành trình phiêu lưu văn chương chữ nghĩa chưa kết thúc của tôi.

 

III. TÁI BÚT CHO MỘT CUỘC ĐỐI THOẠI BẤT ĐẮC DĨ

Làm sắp xong nhiệm vụ công dân của nền cộng hòa internet (nghĩa là đối thoại với tinh thần tương kính) tôi lại nhận được thêm bài hồi âm của Lâm Quang Thăn do Hoàng Ngọc-Tuấn chuyển thẳng qua email cho tôi xem trước khi đăng lên Tiền Vệ. Đang trong trạng thái u ám không vui, một phần vì sự ngộ nhận của Léon Nguyễn, một phần vì bão tuyết cuối năm đang chôn vùi cả Boston, tôi phải phá lên cười sau khi đọc xong trang viết rất “tự nhiên chủ nghĩa” và “nặng tính hoài niệm” chưa quên được chuyện cũ tích xưa của Lâm Quang Thăn. Chẳng những thế bạn ta lại còn đặt lên bàn cân tạp hóa của mình một bên là nhà thơ (Chân Phương), và lần lượt bên kia là nhà phê bình (Nguyễn Hưng Quốc), nhà lý luận (Hoàng Ngọc-Tuấn), rồi nhà triết học (Bùi Văn Nam Sơn) như một ông bầu cân các võ sĩ trước một trận quyền Anh. Không riêng gì tôi, chắc các vị này cùng độc giả sẽ bò lăn té ngửa trước lối tư duy vịt gà của Lâm Quang Thăn! (Trong văn hóa Anh-Mỹ có câu thành ngữ to compare apples and oranges!). Lạc đề đến thế là cùng! Tới nước này thì Chân Phương tôi xin đầu hàng không còn dám bút chiến, tranh luận gì nữa. Bye now!

Nhớ thuở thiếu thời khi đọc truyện Tàu đến đoạn kết các chương hồi thường có bài thơ vần điệu bình phẩm nhân vật hay tuồng tích. Tôi xin bắt chước người xưa, mượn một vài câu trong bản thảo chưa công bố của mình thay cho lời kết luận một cuộc đối thoại lạ lùng, ngô chẳng ra ngô khoai chẳng ra khoai này:

 

OH! CONSCIENCE MALHEUREUSE! hay là BI KỊCH CỦA NHẬN THỨC
 
    trước núi cứt
               đưa ra cục vàng
 
                                  trước núi vàng
                                                chìa ra cục cứt

 

Cambridge, cuối tháng Chạp, 2010
CHÂN PHƯƠNG

 

 

 

----------------

Bài liên quan:

27.12.2010
[CHUYỆN TRÍ THỨC] ... Chân Phương khi dịch một bài nào đó, khoái có thói quen “Lời người dịch” với “Chú thích của người dịch” rất đáng đồng tiền. Mấy nhời kia vừa lớn về kích cỡ, vừa nặng tính mô phạm, và nhất là cực to về... chất nổ... (...)
 
26.12.2010
[CHUYỆN TRÍ THỨC] ... Nhưng ông Vincent Descombes là ai? Ngoài những công việc và chức vụ mà Chân Phương đã ghi nhận trong phần chú thích, ông Vincent Descombes còn là một người Marxist và là thành viên của nhóm «Socialisme ou Barbarie». Một người ở thế kỷ này mà còn theo Marxisme, còn mơ màng về chủ nghĩa xã hội như ông Vincent Descombes thì «bất mãn» và «không có cảm tình lắm» đối với tư tưởng post-structuralisme và postmodernisme là chuyện dĩ nhiên... (...)
 
23.12.2010
Về tương lai trí thức Pháp  (tiểu luận / nhận định) - Descombes, Vincent
... Điều mà không ai có thể tiên liệu vào thời đó là tương lai của mô hình trí thức Pháp sẽ không hình thành qua lối kế tục như người ta vẫn nói: trước thì chúng ta có đại văn hào, sau là nhà bác học lớn trong một ngành khoa học đạo đức (sciences morales). Nhưng ngày tàn của nhà bác học có vẻ sắp đến nơi và ai sẽ tiếp nối vị này đây?... [Bản dịch của Chân Phương] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021