tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Trả lời phỏng vấn của báo Việt Luận về cuộc biểu tình chống Casula Powerhouse Arts Centre  [đối thoại]

 

Việt Luận: Chiều thứ Bảy ngày 4/4/2009 vừa qua, một cuộc biểu tình do ban chấp hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW tổ chức đã diễn ra trước cổng Casula Powerhouse Arts Centre để phản đối chủ trương của trung tâm nghệ thuật này qua các cuộc triển lãm VIETNAM VOICESNAM BANG!.
 
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy trong 2 chương trình cuộc triển lãm ấy, có sự tham dự của ông Hoàng Ngọc-Tuấn với tư cách một diễn giả. Trong VIETNAM VOICES, Hoàng Ngọc-Tuấn đã có những buổi thuyết trình (từ 11/2 đến 13/3/2009) về thực trạng đời sống ngục tù ở Việt Nam và cuộc vượt biển tìm tự do của hàng triệu người Việt tỵ nạn. Trong hội thảo quốc tế “Echoes of a War” của NAM BANG!, vào ngày 17/4/2009, ông sẽ trình bày một bài tham luận về thực trạng chế độ CSVN đàn áp quyền tự do tư tưởng và diễn tả trong văn học nghệ thuật.
 
Hoàng Ngọc-Tuấn là một nhạc sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình văn học nghệ thuật. Từ năm 2002 đến nay, ông là đồng chủ bút của trang mạng TIỀN VỆ (tienve.org). Ông cũng là thành viên của Uỷ Ban Văn Chương và Lịch Sử (từ năm 2004), kiêm thành viên của Uỷ Ban Sách Lược Phát Triển Nghệ Thuật Miền Tây Sydney (từ năm 2005), thuộc Hội Đồng Cố Vấn Nghệ Thuật, Bộ Nghệ Thuật New South Wales.

 

___________

 

Việt Luận (VL): Chúng tôi được biết ông tham gia như một diễn giả trong các cuộc triển lãm VIETNAM VOICES và NAM BANG! tại Casula Powehouse Arts Centre. Xin ông cho biết nhận định của ông về cuộc biểu tình do Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW tổ chức để chống đối Casula Powerhouse Arts Centre vào chiều thứ Bảy ngày 4/4/2009 vừa qua.

 

Hoàng Ngọc-Tuấn (HN-T): Tôi tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu của mọi cuộc biểu tình. Đó là một việc bình thường trong một đất nước tự do và dân chủ. Lần trước, hồi cuối tháng 1/2009, ông Nicholas Tsoutas, giám đốc nghệ thuật của Casula Powerhouse, với vẻ lo lắng, cho tôi biết rằng sẽ có một cuộc biểu tình của người Việt tỵ nạn trong ngày khai mạc VIETNAM VOICES, 7/2/2009. Tôi không biết chủ đích của cuộc biểu tình ấy, nhưng tôi nói với Nicholas Tsoutas rằng hãy an tâm và tôn trọng quan điểm của người biểu tình, vì đó là một trong những tiếng nói của người Việt Nam, rất thích hợp với đề tài VIETNAM VOICES, bất kể chủ đích của cuộc biểu tình ấy là gì. Tôi khuyên ông ấy hãy chuẩn bị các máy quay video để quay cảnh biểu tình và, sau đó, trình chiếu như một tiết mục hiện thực trong cuộc triển lãm VIETNAM VOICES. Thế nhưng, cuối cùng thì cuộc biểu tình ấy đã không xảy ra.

Lần này, tôi nhận thấy những mục tiêu mà cuộc biểu tình ngày 4/4/2009 đề ra cụ thể để chống Casula Powerhouse về hai cuộc triển lãm VIETNAM VOICES và NAM BANG! là không đúng với sự thật.

 

VL: Xin ông trình bày cụ thể.

 

HN-T: Trong “Thông Báo V/v Biểu Tình Phản Đối Casula Power House Về Các Cuộc Triển Lãm Liên Quan Đến Chiến Tranh Việt Nam” do LS Võ Trí Dũng, Chủ Tịch CĐNVTD/NSW ký tên, tôi thấy hầu như những dữ kiện do ông đưa ra đều không đúng với sự thật. Trước hết, ông Chủ Tịch CĐNVTD/NSW tuyên bố: “Trong thời gian vừa qua, Casula Power House, một cơ quan văn hóa nghệ thuật trực thuộc Hội Đồng Thành Phố Liverpool đã tổ chức cuộc triển lãm mang tên VIETNAM VOICES gồm phim ảnh, bài viết và tranh ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam. Cuộc triển lãm VIETNAM VOICES này trình bày cuộc chiến Việt Nam như một cuộc chiến giữa CS Bắc Việt và Hoa Kỳ, hoàn toàn không nhắc nhở gì đến chính phủ quốc gia tại miền Nam và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà họ coi như chỉ là những người lính đánh thuê cho Mỹ. Đây là một sỉ nhục to lớn đối với sự hy sinh của hàng triệu người lính Việt Nam Cộng Hòa và của các chiến sĩ đồng minh trong đó có hơn 500 chiến binh Úc tham chiến tại Việt Nam. Tệ hại hơn, cuộc triển lãm này còn trưng bày một số hình ảnh đề cao nhân vật Hồ Chí Minh như là một anh hùng dân tộc.”

Thật ra, người đi xem có thể thấy:

1. Trong cuộc triển lãm VIETNAM VOICES, ngay ở tiền sảnh có trưng bày một lá cờ VNCH khá lớn, được kết bằng hoa đỏ và vàng, do bà Phạm Ánh Linh, Phó Chủ Tịch Văn Hóa Giáo Dục của CĐNVTD/NSW, trao tặng cho Casula Powerhouse. Ngay bên cạnh đó, là bức ảnh chụp một thiếu nữ Việt Nam đang thêu lá cờ VNCH, cũng do chính bà Phạm Ánh Linh trao tặng.

 

 

Trong gian sau của phòng bên phải, có chiếu một phim tài liệu dài 20 phút ghi nhận công cuộc đấu tranh chống CSVN của những người Việt tỵ nạn đầu tiên trên đất Úc. Phim được chiếu lặp lại liên tục, trong phim có thu hình ảnh ông Võ Đại Tôn cùng các chiến hữu (có cả cha tôi) đang đứng hát quốc ca và chào cờ VNCH; nghĩa là cứ mỗi 20 phút, trong phòng triển lãm lại vang lên bài quốc ca VNCH. Trong phim còn có hình ảnh ông Võ Đại Tôn tuyên bố trong cuộc họp báo lịch sử tại Hà Nội: “Tôi sẽ không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ và ủng hộ tôi, tôi sẽ tiếp tục duy trì lập trường chính trị của tôi để tranh đấu cho Tự Do và giải phóng Dân Tộc, tôi đã sẵn sàng nhận bất cứ bản án nào mà chế độ CS dành cho tôi.”

2. Trong gian phòng khác, giữa rất nhiều hình ảnh ghi nhận sự chiến đấu của các chiến binh Úc chống CS Bắc Việt, có một installation gọi là “Names from the Book of the Dead” của Denis Trew, được trình bày như một bức tường tưởng niệm 508 chiến sĩ Úc đã hy sinh trong cuộc chiến chống CS Bắc Việt ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

 

 

Trong catalogue VIETNAM VOICES: Australians & The Vietnam War có in bài “Facing the Enemy Tanks” (trang 151) của ông Văn Tấn Thạch, tường thuật trận đánh của QLVNCH chống xe tăng của CS Bắc Việt tại Mỹ Chánh năm 1972. Bài “A Bloody Battle, Albeit None Wounded” (trang 143) của bác sĩ quân y Trần Xuân Dũng, kể lại một trận đánh oanh liệt của lính nhảy dù QLVNCH tại Quảng Trị năm 1965 mà ông đã tham dự. Cuộc triển lãm cũng có trưng bày một bức tranh dưới hình thức ký sự bằng nhiếp ảnh kèm lời kể chuyện, với nhan đề “AN LỘC ANH DŨNG”, do một chiến sĩ vô danh của quân lực VNCH thực hiện năm 1972, được Australian War Memorial sưu tập, bảo tồn và cho Casula Powerhouse Arts Centre mượn lại. Tác phẩm này kể lại chiến thắng An Lộc với 12 tấm ảnh minh hoạ. Trong số đó có bức ảnh “Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, người hùng của Bình Long anh dũng đã đánh bại cuồng vọng chiếm An Lộc của CS Bắc Việt và giữ vững thị trấn này suốt 69 ngày bị vây hãm.” Và kết thúc với bức ảnh “Chiến sĩ QLVNCH đang giơ cao tay với nụ cười chiến thắng trên xác một chiếc xe tăng T.54 của CS Bắc Việt do Nga Sô chế tạo bị bắn hạ tại An Lộc.”

 

 

Tác phẩm này được sưu tập và bảo tồn bởi Australian War Memorial và được trang trọng trưng bày trong cuộc triển lãm VIETNAM VOICES, biểu dương hình ảnh anh hùng của chiến sĩ QLVNCH, chứ không phải coi họ “như chỉ là những người lính đánh thuê cho Mỹ” như ông Chủ Tịch CĐNVTD/NSW suy đoán.

Cũng nên nhớ rằng nhà tài trợ chính của cả hai cuộc triển lãm là Bộ Cựu Chiến Binh Úc, và tuyệt đại đa số tác phẩm và các vật thể được triển lãm là của các cựu chiến binh và thương binh Úc, qua đó họ ghi nhận những hình ảnh, kỷ niệm, ám ảnh và hồi ức của họ về những năm tháng họ chiến đấu chống CS Bắc Việt ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Vì thế, ông Chủ Tịch CĐNVTD/NSW đã nói không đúng với sự thật khi ông tuyên bố: “Đây là một sỉ nhục to lớn đối với sự hy sinh của hàng triệu người lính Việt Nam Cộng Hòa và của các chiến sĩ đồng minh trong đó có hơn 500 chiến binh Úc tham chiến tại Việt Nam.”

3. Ông Chủ Tịch CĐNVTD/NSW còn tuyên bố: “Tệ hại hơn, cuộc triển lãm này còn trưng bày một số hình ảnh đề cao nhân vật Hồ Chí Minh như là một anh hùng dân tộc.” Nói như vậy cũng không đúng với sự thật, vì chỉ có duy nhất một bức tranh vẽ Hồ Chí Minh, tên là “Untitled (Ho Chi Minh with flowers)”, nhưng theo tôi nhận định, bức tranh này hoàn toàn không đề cao nhân vật Hồ Chí Minh như là một anh hùng dân tộc. Bức tranh này nằm trong bộ tranh hai bức của nữ hoạ sĩ Hạnh Ngô.

 

 

Bức bên trái là một chùm chân dung vẽ cha ruột của hoạ sĩ, với những lát chanh ném lên mặt, cùng với hàng chữ “Vắt chanh bỏ vỏ”, với lời giải thích rằng cha của cô dạy cô đừng tin CS và đừng hợp tác với CS, vì họ là những kẻ vắt chanh bỏ vỏ, mà chính ông là một nạn nhân. Đứng song song bên phải là một chùm chân dung Hồ Chí Minh, với những hoa hướng dương ném lên đầu, lên mặt, và cái di chúc của Hồ Chí Minh bị xé nát ra thành nhiều mảnh nhỏ, xếp chung quanh từng khuôn mặt. Vì là tranh nghệ thuật, chứ không phải tranh tuyên truyền thuần tuý, nên ý nghĩa của bức tranh này thâm thúy hơn cái nhìn bình thường. Cái chua chát là, nhìn từ xa, ta sẽ tưởng đó là những đoá hướng dương tô điểm cho lãnh tụ CS, nhưng đến gần quan sát cẩn thận, ta sẽ thấy giữa mỗi nhụy hoa là một vòng tròn đen ngòm trông như lỗ đạn bắn thủng qua, những cánh hoa hướng dương trông như ánh lửa toé ra chung quanh lỗ đạn, và khuôn mặt Hồ Chí Minh được viền bằng những mảnh di chúc bị xé vụn, không thể đọc câu nào ra câu nào nữa! Nếu đem bức tranh này về Việt Nam để triển lãm thì chắc chắn hoạ sĩ sẽ bị trừng phạt ngay lập tức.

 

 

VL: Thế nhưng có một số người cho rằng bức tranh này phản ảnh tinh thần của nghị quyết 36 của CSVN, vì trong bức tranh có 36 hình chân dung Hồ Chí Minh. Ông nhận định thế nào?

 

HN-T: Bức tranh này được Hạnh Ngô hoàn tất năm 1993. Đến năm 1994, Casula Powerhouse mới được thành lập. Bức tranh này được triển lãm lần đầu trong VIETNAM VOICES 1997. Còn cái nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ĐCSVN về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, mang số 36/NQ-TW, thì ban hành ngày 26/3/2004. Vậy thì làm sao từ năm 1993 mà Hạnh Ngô có thể tiên tri để “phản ảnh” cái nghị quyết quái dị ấy xuất hiện 11 năm sau cho được! Cũng tương đương như thế, có một bài báo cho rằng Casula Powerhouse được thành lập (năm 1994) để khai triển tinh thần nghị quyết 36 (năm 2004). Thật là một kiểu suy luận lạ thường.

Ngoài ra, để tìm hiểu về một tác phẩm nghệ thuật, ta còn phải nghiên cứu về tác giả. Khi vẽ bộ tranh 2 bức trên đây vào năm 1993, Hạnh Ngô không hề có quan hệ nào với nước Việt Nam. Cho đến năm 1998, khi thực hiện tác phẩm “Surname Viet - given name Kieu” tại đại học South Australia, cô vẫn xem mình là một người xa lạ, một người ngoại cuộc đối với nước Việt Nam. Trong cuốn catalogue của cuộc triển lãm Samstag, ta có thể đọc những lời giải thích: “Here Ngo speaks of both Vietnamese and Australian language, giving voice to the alienated Viet Kieu, a Vietnamese expatriate, an outsider to her country of origins, an insider to her land of emigration.”

 

VL: Trong thông báo tổ chức biểu tình, ông Chủ Tịch CĐNVTD/NSW cũng tuyên bố: “Vào năm ngoái, Casula Power House đã tổ chức một cuộc triển lãm mang tên “Pho Dogs”, mang lá cờ vàng ba sọc đỏ dán lên mình con chó để bôi bác, và đã bị CĐ người Việt tại Tây Úc biểu tình phản đối.” Sự thật thì thế nào?

 

HN-T: Ông Chủ Tịch CĐNVTD/NSW tuyên bố như thế cũng không đúng với sự thật. Trên bức điêu khắc bằng giấy bồi mang hình con chó ấy không chỉ có cờ vàng ba sọc đỏ, mà còn có cả cờ đỏ sao vàng, cùng với các đường nét giống như màu cờ của những quốc gia tham dự vào cuộc chiến Việt Nam. Bức điêu khắc ấy được tạo ra trong một kế hoạch trình diễn mỹ thuật của hoạ sĩ Mai Long. Cô đưa bức ấy đi trình diễn nhiều nơi, và cuối cùng cô tổ chức đốt công khai bức ấy, để nói lên rằng cuộc chiến Việt Nam, với tất cả những ý tưởng đầy tương phản của các phía tham chiến, đã hoàn toàn chấm dứt trong tâm hồn của cô. Chiều thứ Bảy ngày 4/4/2009 vừa qua, trong cuộc khai mạc NAM BANG!, Mai Long đóng vai một phụ nữ trịnh trọng quàng những vòng hoa đỏ và vàng lên cổ con chó ấy, và điều khiển một đám rước con chó trên chiếc kiệu, với một đoàn người mặc y phục đen, cầm cờ đỏ in hình chó vàng, và cờ vàng in hình chó đỏ, vừa đánh trống, vừa diễn hành. Rồi cuối cùng, con chó được đặt lên một đống củi lớn và bị đốt rụi cùng với tất cả hình những lá cờ trên thân thể nó. Ta chỉ có thể nói đó là một tác phẩm bày tỏ sự chán ghét chiến tranh, chứ không thể diễn dịch tác phẩm này là bôi bác VNCH và tuyên truyền cho CSVN được.

 

 

 

VL: Trong thông báo tổ chức biểu tình, ông Chủ Tịch CĐNVTD/NSW cũng tuyên bố: “Casula Power House lại tiếp tục tổ chức một cuộc triển lãm mang tên NAM BANG! nói về hậu quả của chiến tranh Việt Nam. Cuộc triển lãm và hội thảo NAM BANG! này nhấn mạnh nhiều về hậu quả của chất độc da cam, ám chỉ Hoa kỳ và các quốc gia đồng minh là phi nghĩa và độc ác. Trong khi đó, cuộc triển lãm hoàn toàn không nhắc nhở gì tới những tội ác chiến tranh của Việt Cộng như cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 1968, những cuộc pháo kích bừa bãi vào các thành thị, thôn làng, trường học và các tội ác sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 như việc bỏ tù, đầy đọa hàng trăm ngàn quân nhân và công chức Việt nam Cộng Hòa, cướp nhà cướp đất và xua đuổi hàng triệu người dân vô tội đi đầy ở những vùng rừng thiêng nước độc dưới mỹ từ “vùng kinh tế mới”, và áp dụng chính sách ăn cướp, xóa bỏ tư hữu tàn bạo làm cho hàng triệu nguời dân Việt Nam phải liều mình bỏ nước ra đi, vượt biên, vượt biển tìm tự do.” Ông nhận định thế nào về lời tuyên bố này?

 

HN-T: Lời tuyên bố này cũng không đúng với sự thật. Trước hết, những tác phẩm nói đến hậu quả của chất độc da cam chiếm một số lượng rất nhỏ so với tổng số tác phẩm. Tác giả của những tác phẩm nói đến hậu quả của chất độc da cam lại chính là các nghệ sĩ cựu chiến binh của Mỹ, mà chính bản thân họ hay đồng đội của họ đã và đang chịu đựng hậu quả của chất độc da cam. Khi họ dùng nghệ thuật để diễn tả niềm đau này, hoặc họ trách móc nước Mỹ của họ, thì họ hoàn toàn có quyền làm như thế, và chúng ta phải tôn trọng họ, chứ không thể vì thế mà ta gọi họ là “theo CS”. Theo tôi nghĩ, họ là những người đã đến miền Nam Việt Nam và hy sinh xương máu để bảo vệ cho miền Nam Việt Nam, vì thế họ là bạn và là ân nhân của chúng ta, chứ không phải là kẻ thù của chúng ta.

Sự thật là VIETNAM VOICES đã có nói đến tội ác chiến tranh của Việt Cộng trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 1968. Trong cuốn catalogue dày mang nhan đề VIETNAM VOICES: Australians & The Vietnam War đi kèm với cuộc triển lãm, có bài viết “My Days in the Tet Offensive” (trang 135-137) của bà Phạm Ánh Linh, Phó Chủ Tịch Văn Hóa Giáo Dục của CĐNVTD/NSW. Trong đó bà đã tố cáo tội ác của Việt Cộng trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 1968. Bài viết của bà được in kèm với hình lá cờ VNCH (trang 134), nhan đề là “Vietnam Flag in Blossom”, kết bằng những đoá hoa vàng và đỏ, do Nguyễn Kim Nhâm thực hiện năm 2000, và bà Phạm Ánh Linh đã trao tặng lá cờ này cho cuộc triển lãm. Ở trang 111-113 của cuốn sách, còn có bài “My time in The Team and USAID/CORDS leading up to the Tet Offensive” của cựu chiến binh Úc Matthew B. d'Arcy, nói đến tội ác của Việt Cộng trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 1968, in kèm với hình ảnh các hướng đạo sinh cứu tế các nạn nhân tan nhà nát cửa.

VIETNAM VOICES có trưng bày những hình ảnh thuyền nhân tỵ nạn, chẳng hạn bức tranh “Làm ngơ sao đành” của hoạ sĩ Vi Phát mô tả một thuyền nhân treo cổ tự tử trong trại tỵ nạn, bức hình chụp cảnh người tỵ nạn trên biển cả do BS Nguyễn Mạnh Tiến tặng, và một số hình ảnh khác. NAM BANG! cũng có nói đến tội ác của CSVN sau 1975 đã gây ra thảm nạn vượt biển tìm tự do của hàng triệu người Việt Nam. Ngay trong ngăn bên phải của tiền sảnh là tác phẩm installation của Nerine Martini, với hình ảnh hàng trăm chiếc thuyền trôi trên trần nhà của phòng triển lãm, soi bóng xuống một tấm màn trắng rất lớn.

 

 

Cạnh đó là một con thuyền tỵ nạn trơ xương được cứu độ bởi những cánh tay mầu nhiệm của Phật Bà Quan Thế Âm. Tác phẩm này được trình bày kèm theo một bài viết của Phạm Chí, diễn tả đất nước Việt Nam ngục tù dưới chế độ CS, và thảm trạng thuyền nhân liều mình ra đi tìm tự do, trải qua những kinh nghiệm hãi hùng vì sóng gió và hải tặc, bao nhiêu người bỏ xác giữa biển khơi.

 

 

NAM BANG! cũng có trưng bày một video installation của Mỹ Lệ Thi, nói đến đời sống và văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên bị tàn phá dưới chế độ CSVN.

 

 

Về phần tôi, trong VIETNAM VOICES, tôi tham gia thuyết trình về đề tài “VIETNAMESE BOAT PEOPLE” với một chương trình kéo dài từ ngày 11/2 đến 13/3/2009, và đối tượng là học sinh trên khắp tiểu bang New South Wales. Trong đó, tôi dùng kinh nghiệm của bản thân tôi và những hiểu biết về chính trị và lịch sử Việt Nam để trình bày về thực trạng đời sống ngục tù ở Việt Nam và cuộc vượt biển tìm tự do của hàng triệu người Việt tỵ nạn, với hàng trăm ngàn người đã chết trong lòng biển. Trong NAM BANG!, tôi tham gia như một diễn giả trong hội nghị quốc tế “Echoes of a War”. Bài tham luận của tôi có nhan đề “TIEN VE and Freedom of Thought & Expression for Contemporary Vietnamese Arts” (TIỀN VỆ và sự Tự Do Tư Tưởng & Diễn Tả cho Nghệ Thuật Việt Nam Đương Đại). Trong đó, tôi trình bày cho cử toạ và giới chuyên gia quốc tế nghe rõ về cái bản chất của chế độ độc tài CSVN, về những sự vi phạm của chế độ ấy đối với quyền tự do tư tưởng và phát biểu của người Việt Nam. Đồng thời, tôi trình bày rõ những nhiệm vụ và vai trò của TIỀN VỆ như một đối lực của hệ thống kiểm duyệt của CSVN. Tôi khẳng định TIỀN VỆ là nơi xiển dương quyền tự do tư tưởng và phát biểu. Trong hơn 8 năm qua, từ ngày chúng tôi đứng ra thành lập, TIỀN VỆ luôn luôn là nơi đã quảng bá tác phẩm của tất cả những nghệ sĩ bất đồng chính kiến ở Việt Nam, vì thế TIỀN VỆ không ngừng bị báo chí CSVN lên án. Gần đây nhất, báo Công An tpHCM ngày 06/02/2009 đã kết án TIỀN VỆ là “một trang web chuyên về thơ văn chống phá đất nước”. Từ đầu năm 2004, báo Thanh Niên đã kết án TIỀN VỆ là một trong “các thế lực thù địch vẫn rêu rao những gì về nhân quyền, tự do dân chủ nhằm chia rẽ, phá hoại đất nước” Việt Nam. Họ còn kết án rằng TIỀN VỆ có “một thái độ báng bổ Tổ quốc, đất nước, dân tộc và người cộng sản...” Tất nhiên, họ càng kết án như thế, thì càng biểu lộ rõ rệt cái chủ trương chà đạp những quyền căn bản của con người.

Gần đây nhất, ngày 5/4/2009, ông Nguyễn Hưng Quốc, người bạn thân thiết của tôi và là đồng chủ bút TIỀN VỆ, đã bị trục xuất khỏi Việt Nam khi vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài, mặc dù ông có visa hợp pháp do toà Đại Sứ CSVN ở Canberra cấp để ông vào Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế về ngôn ngữ học theo lời mời của Đại học Monash và Đại học Mở Hà Nội. Đây là lần thứ nhì ông bị trục xuất. Điều đó càng chứng tỏ CSVN quyết tâm đàn áp mọi tiếng nói đối lập.

 

VL: Ông Chủ Tịch CĐNVTD/NSW kết luận: “Quá trình của Casula Power House cho thấy rõ ràng họ có thái độ xem thường cộng đồng người Úc gốc Việt tại Úc Châu, lợi dụng nghệ thuật để tuyên truyền cho CSVN, thiếu hẳn sự quân bình và công bằng cần thiết đối với một cơ sở văn hóa đứng đắn.” Ông nhận xét thế nào về quan điểm này?

 

HN-T: Ông Chủ Tịch CĐNVTD/NSW hoàn toàn có quyền phát biểu quan điểm của cá nhân ông ấy. Nhưng, như tôi đã trình bày ở trên, chỉ tiếc rằng hình như ông ấy chỉ nghe lời đồn đãi hoặc không quan sát cẩn thận trước khi phát biểu, nên mặc dù quan điểm chính trị của ông ấy là đúng, lời tuyên bố của ông ấy lại không đúng với sự thật.

Cuộc biểu tình đã được tổ chức nhiều ngày trước hôm khai mạc triển lãm, và tất nhiên những người tổ chức biểu tình không thể biết cuộc triển lãm sẽ trưng bày những gì. Ngày 3/4, Casula Powerhouse đóng cửa để thiết kế cuộc triển lãm. Đoàn biểu tình tụ tập ở nhà ga Casula lúc 4 giờ chiều ngày 4/4, nhưng đến 5 giờ chiều thì cuộc triển lãm mới khai mạc. Vì thế, có thể nói thẳng rằng không phải riêng ông Chủ Tịch CĐNVTD/NSW, mà 100% những người đứng biểu tình ở nhà ga Casula chiều 4/4 vừa qua đều không thể biết trong cuộc triển lãm NAM BANG! trưng bày những gì. Trước ngày triển lãm, tôi có hỏi một số người chuẩn bị đi biểu tình rằng họ có biết NAM BANG! sẽ trưng bày những gì không, thì họ đều nói là họ không biết. Tôi hỏi: “Nếu các anh không biết người ta sẽ trình bày những gì, thì tại sao các anh lại đi biểu tình để chống người ta?” Họ đáp: “Đi biểu tình vì cộng đồng kêu gọi.”

Riêng tôi, thì tôi suy nghĩ và làm việc theo lối khác. Trong VIETNAM VOICES, tôi quyết định tham gia thuyết trình để truyền bá sự thật về tình trạng ngục tù của đất nước Việt Nam và cuộc liều chết ra đi tìm tự do của hàng triệu người tỵ nạn Việt Nam. Trong NAM BANG!, bài tham luận của tôi tố cáo chế độ độc tài CSVN vi phạm nhân quyền và các quyền tự do tư tưởng và phát biểu của con người. Tôi sẽ dịch bài tham luận của tôi ra, và gửi cả hai bản Anh-Việt cho báo Việt Luận đăng tải.

Nhân đây, tôi trân trọng kính mời quý đồng hương đến Casula Powerhouse ngày 17/4/2009 để dự cuộc hội nghị và chứng kiến bài tham luận của tôi trước cử toạ quốc tế. Đồng thời, nhóm TIỀN VỆ của chúng tôi sẽ có một buổi toạ đàm THƠ & NHẠC THỜI CHIẾN Ở VIỆT NAM vào lúc 2 giờ đến 5 giờ chiều Chủ Nhật 19/4/2009 tại Casula Powerhouse. Kính mời quý đồng hương đến để tận mắt xem chúng tôi nói những gì.

 

VL: Có nguồn tin cho rằng nữ hoạ sĩ La Thảo Nhi đã tham gia vào VIETNAM VOICES bằng một bức tranh phản chiến có lợi cho CS, và sau đó đã phải tháo gỡ vì bị cộng đồng khiển trách. Sự việc ấy như thế nào?

 

HN-T: Bức tranh của La Thảo Nhi hoàn toàn không làm gì có lợi cho CS cả. Bức tranh ấy vẽ hình một bản đồ Việt Nam, kèm theo là một số hình ảnh chiến tranh, chung quanh có ghi những lời kể đau buồn của một số nạn nhân chiến tranh, nạn nhân của CS Bắc Việt. Cả nhân loại, mọi nơi, mọi thời, trừ những kẻ hiếu chiến và khủng bố, thì không ai mà không cảm thấy đau buồn vì chiến tranh. Cảm nhận của hoạ sĩ La Thảo Nhi là một cảm nhận rất bình thường, chân thật, của một con người. Tôi không thể hiểu làm thế nào mà người ta có thể đồng hoá một cảm nhận đau buồn về chiến tranh với một ý đồ tuyên truyền cho CS.

Thế nhưng, ông Nicholas Tsoutas, giám đốc nghệ thuật của Casula Powerhouse, kể cho tôi rằng hoạ sĩ La Thảo Nhi đã hốt hoảng gọi phone đến Casula Powerhouse và yêu cầu họ gỡ ngay tác phẩm ấy xuống, vì cô bị đe doạ. Casula Powerhouse đành phải gỡ xuống ngay lập tức. Thế nhưng, sáng thứ Hai tuần sau đó, La Thảo Nhi lại hốt hoảng gọi phone đến và đòi hỏi bức tranh ấy phải được gỡ xuống ngay, vì sáng sớm hôm ấy, trên đường lái xe đến sở, cô đã nhận được một lời hăm doạ qua phone rằng tại sao bức tranh ấy chưa được gỡ xuống. Sau khi người đại diện của Casula Powerhouse khẳng định rõ ràng rằng họ đã gỡ xuống ngay từ tuần trước, thì La Thảo Nhi mới an lòng.

Tôi không muốn nói tên người hăm doạ hoạ sĩ La Thảo Nhi là ai. Nhưng bất cứ ai làm như vậy thì đã vi phạm pháp luật và vi phạm vào quyền tự do tư tưởng và phát biểu của một nghệ sĩ, đặc biệt khi nghệ sĩ ấy diễn tả chân thành cảm xúc của mình và không hề tuyên truyền cho bất cứ một chế độ độc tài phi nhân nào cả.

 

VL: Có người đã cho rằng câu “Change Your Mind” của Casula Powerhouse chứng tỏ âm mưu tuyên truyền cho CSVN và tẩy não cộng đồng người Việt ở Úc. Ông nghĩ sao?

 

HN-T: Tôi đã thấy một tờ báo trong cộng đồng xuyên tạc câu “Change Your Mind” thành ra “Tẩy Não Quý Vị”, “Cộng Sản Hoá Quý Vị”, v.v... và nói rằng chính phủ liên bang Úc và tiểu bang NSW là tay sai của CSVN, đã đổ nhiều triệu dollars vào Casula Powerhouse là để tiếp tay hỗ trợ cho nghị quyết 36 của CSVN. Những lối lý luận hồ đồ và ngu xuẩn đến mức như vậy thì không đáng phải bàn. Điều đáng bàn là chính bà Phạm Ánh Linh, Phó Chủ Tịch Văn Hoá Giáo Dục của CĐNVTD/NSW, trong diễn văn đọc ở cuộc biểu tình 4/4, đã có tuyên bố như sau: “Cuộc triển lãm Nam Bang này đã nêu lên một chủ đề là ‘Change Your Minds’ ngụ ý kêu gọi những người thưởng ngoạn cuộc triển lãm hãy thay đổi lối suy nghĩ, ngừng xem cuộc chiến VN là để bảo vệ nước Úc và miền Nam VN tránh hiểm họa CS, mà hãy vào Casula Power House để chứng kiến những tội ác của Mỹ và những người lính miền Nam mà họ tả trên tranh vẽ như những người lính đánh thuê cho Mỹ. Thật là những luận điệu của những người phản chiến, phản bội 508 binh sĩ Úc đã hy sinh trên chiến trường VN để bảo vệ lý tưởng tự do dân chủ mà người Úc hằng yêu mến.”

Sự thật thì hoàn toàn khác. Câu “Change Your Mind” ấy không phải là chủ đề của NAM BANG!, mà là một cái motto đã có từ ngày Casula Powerhouse tái khánh thành, đã được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ và loan báo đến mọi người thuộc mọi màu da và ngôn ngữ trên nước Úc, và nó đã được sử dụng trên mọi chương trình sinh hoạt, mọi loại giấy tờ, websites của trung tâm.

 

 

Trong Press Release ngày 26/2/2008 thông báo cuộc tái khánh thành Casula Powerhouse sau vài năm trùng tu, ông Jim Marsden, chủ tịch của Casula Powerhouse, đã giải thích rằng motto này kêu gọi mọi người hãy thay đổi cái định kiến rằng miền Tây Sydney là nơi lạc hậu, không có tầm cỡ nghệ thuật quốc tế. Ông nói: “We now have the opportunity to see the work of Australian and international artists, and theatre companies, right in our own backyard. Everyone is invited to experience the new Casula Powerhouse – it will Change Your Mind.”

Ngày 6/5/2008, tại Nghị Viện NSW, dân biểu Andrew McDonald đã tường trình về lễ tái khánh thành Casula Powerhouse ngày 5/4/2008 mà ông đã cùng ông Thủ Hiến và cách chính khách khác tham dự. Ông nói: “For those of us who choose to live in south-west Sydney, there was a time when the first thing we needed to access quality art, film or music was a train ticket. Those days are now gone forever. The motto ‘Change Your Mind’ says it all.”

Những người xuyên tạc trắng trợn ý nghĩa cái motto “Change Your Mind” ấy là những người vô cùng thiếu hiểu biết, hoặc cố tình gây sợ hãi, gây thù hận, chia rẽ trong cộng đồng người Việt để thực hiện một âm mưu chính trị nào đó.

 

VL: Nhiều người nói rằng biểu tình là một biện pháp để tranh đấu? Ông suy nghĩ thế nào?

 

HN-T: Biểu tình là một cách phát biểu trong xã hội dân chủ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng để tổ chức và tham gia biểu tình, thì người ta cần phải biết thật chính xác nội dung của cái mà mình muốn chống đối, chứ không thể chỉ nghe đồn đãi và suy đoán rồi chạy theo. Người tổ chức biểu tình có chính nghĩa và đạo đức thì không bao giờ lợi dụng sự thiếu thông tin của quần chúng để mặc tình tuyên truyền sai sự thật.

Trong bữa tiệc sau lễ khai mạc, ông Bộ Trưởng Bộ Cựu Chiến Binh nói: “Tôi không hiểu tại sao những người Việt Nam lại đến trước cổng để chống Cộng Sản. Nhưng đây là một nước dân chủ, thì họ có quyền biểu tình.” Lúc đó có rất nhiều cựu chiến binh Úc đứng chung quanh, nhiều người là thương binh. Một vị sĩ quan già nua, ngực mang đầy huy chương, đi khập khiễng trên cái chân giả, nói bằng giọng tức giận, run rẩy: “Ai là Cộng Sản ở đây? Có phải tôi và các anh là Cộng Sản? Việt Cộng đã bắn tôi gãy chân, bắn các anh thủng ngực. Chúng ta đã đổ máu để bảo vệ miền Nam Việt Nam. Nước Úc này đã chào đón người Việt tỵ nạn đến đây ở. Bây giờ người Việt tỵ nạn lại xem chúng ta là Cộng Sản hay sao?” Rồi ông run rẩy chỉ vào một cái huy chương có hình cờ VNCH đeo trên ngực và nói: “Đây, tôi đã đổ máu cho lá cờ này!” Cảnh tượng thật là chua chát. Một thương binh khác nói: “Họ chống CS, nhưng họ hành xử độc đoán giống y như CS. Họ không cần biết dân chủ là gì. Họ không tôn trọng quyền tự do tư tưởng của kẻ khác. Họ bắt buộc mọi người Úc đều phải suy nghĩ và hành động giống như họ.”

Tôi nghĩ, khi cần phải tranh đấu, chúng ta có thể tranh đấu bằng rất nhiều biện pháp. Mỗi môi trường cần có một biện pháp tranh đấu khác nhau, chứ không phải chỉ có một cách duy nhất là biểu tình. Vì đôi khi biểu tình chỉ gây không khí giữa những người đi biểu tình, chứ không có tác dụng thiết thực. Tranh đấu trong môi trường nghệ thuật thì phức tạp hơn, tế nhị hơn và khó khăn hơn, cần có những biện pháp hữu hiệu hơn. Nếu chúng ta nghi ngờ một dự án triển lãm có thể có lợi cho CS, chúng ta phải trực tiếp đến nơi để quan sát và điều tra cẩn thận ngay từ đầu, rồi nếu chúng ta phát hiện điều gì bất ưng, thì hãy bình tĩnh và cứng rắn tranh luận, đề nghị những giải pháp thay đổi. Đồng thời, chúng ta phải tích cực vận động và thuyết phục họ chấp nhận triển lãm những tác phẩm do các hoạ sĩ của chúng ta thực hiện, và chấp nhận để chúng ta công khai thuyết trình quan điểm của mình. Chính tôi, với tư cách cá nhân, cũng dư sức xen vào cuộc triển lãm VOICES OF VIETNAM để thuyết trình về tội ác CS và thảm cảnh thuyền nhân vượt biển tìm tự do, và xen vào hội nghị quốc tế của NAM BANG! để đọc tham luận về sự đàn áp tự do tư tưởng và phát biểu của chế độ độc tài CSVN.

Trong đời sống dân chủ văn minh, nếu chúng ta muốn nói quan điểm của chúng ta, thì chúng ta phải giành cho được một vị thế thuận lợi để nói. Nếu không, thì những kẻ khác sẽ không nghe chúng ta nói, và họ sẽ tiếp tục nói quan điểm của họ.

Khi nghe tin có cuộc biểu tình của CĐNVTD/NSW chống triển lãm NAM BANG!, tôi có trao đổi với ông Phil Tolhurst, General Manager của Liverpool City Council, và tôi hỏi ông rằng ông đã có bàn bạc và giải thích cụ thể với cộng đồng người Việt chưa. Ông Phil Tolhurst trả lời rằng ông đã có gặp gỡ và giải thích cho các đại diện của cộng đồng người Việt, nhưng không ai muốn nghe lời giải thích của ông. Ông cũng nói ông đã ngỏ ý sẵn sàng mời cộng đồng người Việt sử dụng nguyên một bức tường chính của Casula Powerhouse, rộng đủ để treo 30 bức tranh với nội dung hoàn toàn do cộng đồng người Việt quyết định, và ông cũng sẵn sàng mời một người đại diện cộng đồng người Việt đến phát biểu ngay trong buổi lễ khai mạc cuộc triển lãm. Nhưng cộng đồng người Việt đã từ chối hợp tác bằng nghệ thuật và diễn văn, mà chọn giải pháp biểu tình.

Theo quan điểm của tôi, đáng lẽ chúng ta nên vận dụng cơ hội đó để công khai biểu dương quan điểm của chúng ta qua hình thức nghệ thuật và qua một diễn văn có sức thuyết phục cao. Cộng đồng chúng ta có thừa nghệ sĩ có tài và có lập trường vững vàng để làm điều đó, và chúng ta cũng dư tài hùng biện để đọc diễn văn, thay vì chúng ta tụ tập vài trăm người, đứng ở ngoài cổng, cách hội trường đến hàng trăm mét để biểu tình, đọc diễn văn bằng tiếng Việt cho nhau nghe, thì chẳng có tác dụng gì trực tiếp đến họ cả.

 

VL: Cuối cùng, xin ông đưa ra một nhận xét tổng quát về hai cuộc triển lãm VIETNAM VOICES và NAMBANG!

 

HN-T: Tôi thấy cả hai cuộc triển lãm đều không có một tác phẩm nào công khai ca ngợi CSVN. Trong cả hai ngày khai mạc, đều không có bất kỳ một đại diện nào của chính phủ CSVN đến tham dự. Bên cạnh những tác phẩm phản ảnh quan điểm của người Việt Nam tỵ nạn CS như tôi đã đã kể, thì có nhiều tác phẩm biểu lộ khuynh hướng chung của người Úc là chán ghét chiến tranh và yêu hoà bình. Chắc chắn chúng ta có đi ra ngoài đường biểu tình 365 ngày một năm cũng không thể “giáo dục” cho họ làm ngược lại được. Trong tương lai, nếu Casula Powerhouse tổ chức những cuộc triển lãm liên quan đến chiến tranh Việt Nam, tôi đề nghị người Việt chúng ta ở Úc hãy tích cực tham gia vào phần nội dung, bằng tác phẩm và bằng diễn văn. Đó là một cách phát biểu văn minh và hiệu quả nhất trong môi trường nghệ thuật của một đất nước dân chủ. Phần tôi, tôi sẽ tiếp tục sử dụng khả năng và sự hiểu biết của tôi, để nói lên tiếng nói của một người Việt tỵ nạn, chống độc tài, yêu tự do, yêu công bình và tôn trọng sự thật.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

15.04.2009
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Mỗi đêm, khi vợ con tôi đã yên giấc, tôi thường ngồi lặng lẽ nhìn chiếc thuyền, ánh đèn từ trên chụp xuống in đậm lên bệ cái bóng đen một xác thuyền khác, như một cái xương cá nằm đâu đó dưới lòng đại dương, Vịnh Thái Lan, biển Nam Hải... và những cánh tay Bồ Tát vẫn dập dìu muôn đời như làn sóng gợn phía bên trên... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021